| Hotline: 0983.970.780

Tan tác theo cơn khát bạc

Thứ Tư 16/11/2011 , 10:03 (GMT+7)

Bẫy nợ ở quê muôn hình vạn trạng nhưng có lẽ dễ "sập" nhất là cho các đối tượng đam mê đỏ đen vay.

Nhà tạm của một con bạc đồng thời cũng là nơi tổ chức đánh bạc ở Nghi Phú

Bẫy nợ ở quê muôn hình vạn trạng nhưng có lẽ dễ "sập" nhất là cho các đối tượng đam mê đỏ đen vay. Hàng chục tỉ đồng với ai đó là lớn nhưng với người cờ bạc cũng chỉ là "muỗi". Hệ lụy thì không phải nói ra cũng đã biết quá đau lòng, câu chuyện sau đây là một ví dụ.

>> Bẫy nợ bủa vây làng quê

"Hàng xáo" chi phối

 Năm 1997 đến 2008 nạn ma tuý tràn về xã Nghi Phú (Vinh, Nghệ An) làm hàng trăm thanh thiếu niên lâm vào cảnh nghiện ngập, làm lây nhiễm HIV/AIDS tràn lan khiến trên dưới 200 thanh niên thiệt mạng. Từ năm 2010 đến nay, nạn cờ bạc lại tràn về như một làn gió độc là nguyên nhân xô đẩy hàng chục gia đình rơi vào cảnh tán gia, bại sản, vợ chồng, cha con ly tán.

Khi nói về tệ nạn cờ bạc hiện nay tại xã Nghi Phú, ông Hồ Văn T, trú tại xóm 7 cho rằng tệ nạn cờ bạc giờ đây đã ăn sâu trong máu thịt nhiều thế hệ đàn ông trong xã. Tình trạng cả cha và con, thậm chí vợ và chồng cùng sà vào chiếu bạc không còn là hiện tượng cá biệt nữa.

Ông T nhẩm tính, từ giữa năm 2010 đến nay, các con bạc cộm cán trên địa bàn xã Nghi Phú đã nướng tiền vào các sới bạc không dưới 40 tỷ đồng. Điều làm người dân tại địa phương cũng phải ngạc nhiên là các sới bạc đã được một số người làm “chân gỗ” đưa về tổ chức đánh bạc bí mật tại một số nhà dân trong xóm, hoặc lôi kéo người dân ở đây đến các tụ điểm ở TP Vinh, TX Cửa Lò, thậm chí sang địa bàn tỉnh Hà Tĩnh...

Đi kèm với các sới bạc như hình với bóng là đội ngũ những người hành nghề “hàng xáo” chuyên cho các con bạc vay nặng lãi. Những lúc con bạc khát nước đội ngũ “hàng xáo”, trong đó có hai “trùm sò” là VH và SV sẵn sàng móc hầu bao cho con bạc khát nước vay với mức lãi suất “cắt cổ”, số tiền hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng ngay tại chiếu bạc. Ông T khuyên chúng tôi: "Các anh nên xuống các xóm 10, 6, 4 và 3 thì mới thấy được mức độ ác liệt của vấn nạn này".

Ông Nguyễn Văn M, trú tại xóm 10, xã Nghi Phú nói với chúng tôi: "Năm 2009, do bí tiền lo công việc cho gia đình, ông phải tìm đến tiệm cầm đồ kiêm cho vay nặng lãi của chị CL để vay 100 triệu đồng, thời hạn 3 tháng với mức lãi suất 3.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. Theo mức lãi này, mỗi ngày ông phải chịu khoản lãi 300 nghìn đồng, bình quân hàng tháng phải dốc hầu bao ra trả nợ cho chị CL 9 triệu đồng/tháng. Đến cuối tháng không kiếm ra tiền để trả lãi, thế là khoản lãi đó được gộp vào tiền gốc. Cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con cho đến khi cắm được bìa đất vào ngân hàng lấy tiền ra trả cho chị CL tổng cộng cả gốc lẫn lãi sau 1 năm đã lên tới 250 triệu đồng".

Theo ông M thì khoản nợ ấy của ông nếu đem so với những khoản vay nặng lãi để có tiền lao vào các canh bạc đỏ đen mà dân xóm 10 vướng phải trong thời gian gần đây thì chẳng bõ bèn gì. Tại xóm 10, Nghi Phú, ông HS được xem là người đang xếp đầu bảng với khoản nợ khổng lồ 11 tỷ đồng hiện đang bỏ trốn khỏi địa phương.

Khi chúng tôi đến xem tình cảnh của gia đình này, chứng kiến cảnh bà H (vợ ông HS) đang phải một mình chống chọi với búa rìu dư luận một cách vô vọng. Ngoài tài sản là một căn nhà bám đường Trương Văn Lĩnh đã thế chấp cho ngân hàng, trong nhà bà H chẳng còn tài sản gì đáng giá để trả khoản nợ khổng lồ kia cho ông chồng đang bỏ trốn.

Tại xóm 3, một con bạc khác cũng được xếp hạng “có số, có má” của xã Nghi Phú là Nguyễn Văn T. Ông N (bố T) trước đây từng làm Chủ nhiệm HTX nên cũng kiếm được mấy lô đất giá rẻ. Khi cơn lốc giá đất ở Nghi Phú tăng lên chóng mặt, những thửa đất vàng ấy đã khiến ông xây nhà tầng, sắm được cả xe hơi đắt tiền... Ông N chẳng ngờ cậu con trai quý tử của mình nhanh chóng trở thành một con bạc có hạng trên các chiếu bạc.

Giấc mộng kiếm tiền không phải tốn mồ hôi, công sức từ trò đỏ đen “xóc đĩa” sớm đẩy Nguyễn Văn T lâm vào cảnh khuynh gia bại sản với khoản nợ trên dưới 4,5 tỷ đồng. Chiếc xe ô tô 37S... mua tới 1,1 tỷ đồng và căn nhà 2 tầng khang trang và mấy lô đất mua giá rẻ trước đây đã không cánh mà bay chỉ sau một thời gian sa vào các sới bạc.

Mới đây, do bị đòi nợ ráo riết, T đã phải xin ông N bán trao tay (theo hình thức “bán lúa non”) 2 sào đất nông nghiệp mà gia đình đang canh tác lấy 1 tỷ đồng để trả nợ nóng nên mới tạm thời được yên thân ngồi nhà, trong khi các con bạc khác đang trốn chui trốn lủi nơi chân trời góc biển.

Thòng lọng chờ sẵn

Tại Nghi Phú, từ năm 2009 đến nay, do được đền bù đất nông nghiệp cao (1 triệu đồng/m2) nên số tiền các nhà đầu tư rót về Nghi Phú mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Việc nhiều hộ dân bỗng dưng giàu lên nhờ được nhận khoản tiền hàng tỷ do bị thu hồi đất nông nghiệp trở thành chuyện bình thường. Nhưng số tiền đó đã không được đầu tư đúng mục đích nên chẳng mấy chốc đã tan biến vào những trò đen đỏ.

Ông Hồ Sỹ Th khẳng định: Những kẻ tổ chức cờ bạc đã tìm đến lập sới bạc tại nhà những người có tiền đền bù lớn để mời gọi, rủ rê họ tham gia xóc đĩa. Chỉ cần ngồi vào chiếu bạc vài đêm thì dù có tiền tỷ trong túi cũng chẳng mấy chốc mà hết. Khi tiền trong túi đã bị vét sạch, các con bạc đã khát nước cay cú vay thêm tiền để gỡ lại. Đến lúc ấy, các trùm sò bắt đầu mở hầu bao của chúng ra cho vay nóng tại chỗ với lãi suất cắt cổ để kiếm ăn. Nhưng càng gỡ, càng cháy túi nên số con bạc tự biến mình thành con nợ tiền tỷ lúc nào không hay.

Theo ông Th, có một thứ luật “bất thành văn” tồn tại lâu nay trong giới cho vay nặng lãi tại xã Nghi Phú là: Vay nóng trong thời gian dưới 20 ngày thì người vay phải trả lãi suất 5.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. Nếu vay thời gian dài hơn thì con nợ phải trả 3.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. Ai chấp nhận được mức lãi suất ấy thì cứ viết giấy vay và đến nhà một trong số mấy “trùm sò” chuyên làm “hàng xáo” cho vay nặng lãi là được “giải ngân”. Hàng tháng người vay tự giác mang lãi đến nộp cho chủ nợ...

Theo những người thạo tin thì ông HS lâu nay chuyên làm cò mồi cho để lôi kéo những người có chút máu me cờ bạc sa lưới những kẻ chuyên cờ gian, bạc lận ở nơi khác đến nên chuyện ông HS hạ bút vay nóng của các “trùm sò” tại chiếu bạc với tổng số tiền lên đến 11 tỷ đồng phải bỏ trốn khỏi địa phương được vài tháng nay chỉ là màn kịch để che mắt thiên hạ mà thôi.

Còn vay nóng tại các chiếu bạc trong thời hạn 10 ngày, con bạc cũng phải chấp nhận lãi 5.000 đồng/ngày/1 triệu đồng tiền vay. Sau 10 ngày nếu không có tiền trả cả gốc lẫn lãi thì chuyển sang mức 10.000 đồng/ngày/1 triệu đồng tiền vay. Những lúc biết con bạc khát nước có “trùm sò” còn ấn định mức lãi 10% (vay trong vòng 10 ngày) trên tổng số tiền họ muốn vay. Nghĩa là nếu con nợ ký vào giấy để vay số tiền 100 triệu đồng, thì thực tế họ chỉ được nhận 90 triệu đồng. Mười ngày sau phải trả cho chủ nợ 100 triệu đồng.

Chuyện vay nặng lãi ở xã Nghi Phú lâu nay được áp dụng theo “luật rừng” nên cũng khá đơn giản chỉ cần con nợ làm giấy viết tay, chủ nợ kiểm tra biết con nợ có nhà hoặc có bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp là lập tức được đồng ý. Nhưng để lấy được cả gốc lẫn lãi từ các con nợ, các “trùm sò” trong giới cho vay nặng lãi đều phải “nuôi” một đội ngũ đàn em mặt mày bặm trợn.

Đội quân đòi nợ thuê này đa số đều có tiền án, tiền sự sẵn sàng đâm thuê, chém mướn không chút ghê tay nên hễ thấy chúng kéo đến nhà là các con nợ hồn bay, phách lạc... Đây là lý do khiến hàng chục con nợ tiền tỷ ở Nghi Phú thua bạc đã phải lẳng lặng bỏ nhà, bỏ cửa, trốn khỏi địa phương.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất