| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường chống dịch lở mồm long móng

Thứ Hai 16/03/2015 , 10:09 (GMT+7)

Nguyên nhân phát sinh các ổ dịch chủ yếu là do nhập lậu lợn nái loại thải qua biên giới đã bị mắc bệnh LMLM hoặc vận chuyển gia súc từ vùng có ổ dịch LMLM cũ ở trong nước.

Bộ NN-PTNT vừa có Công điện khẩn gửi UBND các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh về việc phòng chống dịch lở mồm long móng (LMLM) và ngăn chặn việc nhập lậu gia súc qua biên giới.

Công điện nêu: Trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số ổ dịch LMLM gia súc tại các tỉnh miền núi phía Bắc, cụ thể ổ dịch LMLM trên trâu bò tại Bắc Kạn, ổ dịch LMLM trên lợn tại Lào Cai làm nhiều gia súc mắc bệnh.

Nguyên nhân phát sinh các ổ dịch chủ yếu là do nhập lậu lợn nái loại thải qua biên giới (được phát hiện tại Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai) đã bị mắc bệnh LMLM hoặc vận chuyển gia súc từ vùng có ổ dịch LMLM cũ ở trong nước.

Bên cạnh đó, việc tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn gia súc tại một số địa phương chưa được đảm bảo do tập quán nuôi thả rông gia súc của người dân; việc người dân tự mua bán, giết mổ gia súc để tiêu thụ hoặc làm quà tặng trong dịp Tết Ất Mùi và các lễ hội đầu năm là khá phổ biến, tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát tán; thời tiết lạnh kết hợp với mưa phùn, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Trước diễn biến phức tạp của dịch LMLM tại một địa phương trong nước và một số nước, nhiều tồn tại nêu trên chưa được khắc phục triệt để, do vậy nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xâm nhập, phát tán và lây lan là rất cao.

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh quan tâm chỉ đạo UBND các cấp, các ban, ngành của địa phương thực hiện công điện. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ NN-PTNT để phối hợp, xử lý kịp thời.

Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh LMLM lây lan trên diện rộng, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh nêu trên chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban ngành có liên quan của địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, đặc biệt là Chỉ thị số 9897/CT-BNN-TY ngày 9/12/2014, đồng thời chú trọng một số nội dung sau:

1. Chỉ đạo các địa phương đang có ổ dịch LMLM huy động tối đa nguồn lực của địa phương để nhanh chóng xử lý các ổ dịch, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006 của Bộ NN-PTNT, không để dịch lây lan diện rộng hoặc dây dưa, kéo dài.

Tổ chức xử lý và quản lý chặt đàn gia súc trong vùng có ổ dịch, đặc biệt vận động các hộ chăn nuôi không được chăn thả gia súc mắc bệnh LMLM và thường xuyên vệ sinh, khử trùng khu vực chăn nuôi để hạn chế dịch bệnh lây lan.

2. Chỉ đạo UBND các cấp khu vực biên giới, các lực lượng chức năng tại địa phương (Biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra giao thông) phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y trên địa bàn triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp đấu tranh, ngăn ngừa triệt để các hoạt động nhập lậu động vật, sản phẩm động vật; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động cư dân biên giới không mua động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, đặc biệt là không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.

Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật theo quy định tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ, đồng thời xử lý tiêu hủy động vật và sản phẩm động vật được nhập lậu trái phép qua biên giới theo các quy định của pháp luật hiện hành.

3. Rà soát kết quả tiêm phòng vắc xin LMLM trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn đang có ổ dịch LMLM, nơi có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao; khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM đợt 1/2015 và tiêm phòng bổ sung, không để dịch LMLM phát sinh hoặc lây lan.

4. Tăng cường công tác chủ động giám sát, phát hiện ổ dịch; chấn chỉnh việc báo cáo ổ dịch theo quy định tại Thông tư số 53/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/12/2013 của Bộ NN-PTNT quy định về báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn.

5. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của việc nhập lậu gia súc, sản phẩm gia súc; phổ biến quy định của pháp luật trong phòng chống dịch, vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật và các biện pháp xử lý vi phạm đến mọi tổ chức, cá nhân có liên quan để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.