| Hotline: 0983.970.780

Tăng Thanh Hà bị "gạch đá", ai có lợi?

Thứ Năm 24/07/2014 , 13:15 (GMT+7)

"Master Chef Vietnam" (Vua đầu bếp, VTV3) mùa thứ 2 vừa lên sóng truyền hình tập đầu tiên đã gây bão dư luận, không phải bởi thí sinh hay món ăn mà từ thành phần giám khảo.

Phải biết khen thật, khen "đểu"

Diễn viên Tăng Thanh Hà đang phải nhận ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng mạng khi quyết định loại thí sinh vì lý do "bạn không có đam mê".

Một blogger nổi tiếng viết: “Anh thí sinh là kỹ sư, nên nếu nói đam mê nghề bếp là sáo rỗng. Mình thấy cái này anh hoàn toàn có lý. Đâu có ai cấm người ta tham gia thi một môn mà mình không hẳn là có đam mê mà chỉ có "thích". Tôi chả biết chương trình có mời cô làm giám khảo tiếp không, nhưng sau tập một phát sóng, tôi tin chương trình sẽ được chú ý vì sự có mặt và phát biểu của cô, đúng với ý đồ của người tổ chức”.

Tuy nhiên, những ý kiến của người trong nghề lại cho chúng ta thấy một cái nhìn khác về vấn đề trên. Thông thường, một chương trình truyền hình thực tế sẽ có ba đến bốn vị giám khảo tương đương với chừng đó cá tính. Có thể thân thiện, hòa nhã hoặc tinh tế, lạnh lùng...

Chính điều này khiến cho đa số khán giả mặc định giám khảo phải vào “vai ác” hoặc “vai thiện” theo ý đồ của nhà sản xuất chương trình.

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, giám khảo Chương trình "Vietnam Idol" (Thần tượng Âm nhạc Việt Nam): “Nghề này rất phức tạp, phức tạp hơn hẳn nghề đạo diễn của tôi. Giám khảo phải biết chê thật và biết “khen đểu” vì ngoài thí sinh ra ai cũng thích thấy và nghe người khác chưa hoàn thiện”.

Chính điều này sẽ làm cho những khán giả trùng ý kiến thỏa mãn và khán giả ở nhóm cá tính, góc nhìn khác có nhu cầu lên tiếng và hành động.

Không ít cuộc thi mà thành phần Ban giám khảo nhiều khi không liên quan tới tính chất cuộc thi. Điển hình như đạo diễn Lê Hoàng với hàng loạt cuộc thi không dính dáng gì mấy đến chuyên môn điện ảnh như: "Bước nhảy Hoàn vũ", "Cặp đôi hoàn hảo", "Phụ nữ thế kỷ 21".

Thậm chí là cả một chương trình nấu ăn như "Vào bếp là chuyện nhỏ", mặc dù như thừa nhận, ông chẳng biết gì về ẩm thực cả, ngoài chuyện... ăn!

“Làm giám khảo phải tìm nhiều cách nói khác nhau dù đa phần thí sinh và các màn trình diễn cũng không khác nhau là mấy. Phải biết có lúc làm cho khán giả và thí sinh đồng tình hồ hởi, nhưng cũng có lúc phải biết làm người ta tức, ghét giám khảo mà nhắn tin để bình chọn cho thí sinh. À! Còn một điều nữa rất quan trọng là phải biết uống nước của nhà tài trợ để trên bàn và phải luôn nhớ xoay logo về phía máy quay”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói về nghề giám khảo truyền hình.

“Có gan ngồi ghế nóng là có gan "hứng đá". Không dễ gì tìm được những giám khảo giỏi cả ăn nói, giỏi cả chuyên môn lại có ngoại hình đẹp như Khánh Thi hay Mỹ Tâm. Nếu không làm giám khảo, biết bao giờ cái mặt xấu xí của mình mới được lên truyền hình. Cuối cùng mình chả làm sẽ có đứa khác làm, đừng có chảnh.

Đừng tưởng thiên hạ lầm. Gì chứ ngồi như tượng, sau đó phát biểu mấy câu vô thưởng vô phạt chả chết ai thì thiếu gì kẻ làm được, không nhận sẽ mất phần ngay. Thôi thì làm khẩn cấp”, đạo diễn Lê Hoàng nói.

Tuy nhiên, khán giả hiện nay không còn thụ động như trước. Họ ý thức được quyền hạn của mình. Vì vậy, giám khảo phải là những người biết làm khán giả nổi dậy và lên tiếng. Điều này vô cùng có lợi về mặt truyền thông cho chương trình.

Mà muốn đạt được yêu cầu trên thì giám khảo phải dùng đến cả sự khiêu khích, gây sốc, gây oan ức... cho thí sinh, cho khán giả và cho lẫn nhau. Và thường sẽ gây ra dư luận theo kiểu “ném đá” giám khảo.

Càng ầm ĩ, càng thành công

“Khán giả người ta không có nhu cầu phổ cập chuyên môn khi thời lượng quá ít để họ hiểu và quá dài để mất đi tính giải trí của người xem. Với thí sinh thì họ đã có chuyên gia, huấn luyện viên, giáo viên chỉ dạy và rút kinh nghiệm trước và sau buổi diễn rồi.

Không được nói kiểu rào trước đón sau, kiểu huề vốn vì khán giả họ chỉ cần biết mình yêu hay ghét thí sinh và họ có nên đồng tình với mình hay không. Họ không cần xã giao vì hằng ngày họ mệt với kiểu đó quá rồi. 

Còn Ban tổ chức thì càng ghét vì cứ kiểu rào trước đón sau thì mất thời gian mà cứ mỗi 30 giây phát sóng là có thể kiếm được vài chục triệu. Cũng không được sợ mất hình tượng hay sợ người ta ghét vì khi sợ chúng ta sẽ cố tỏ vẻ dễ thương, mà mục đích của chúng ta là đề cập thí sinh hay quyền lực đánh giá của khán giả và dư luận”, vị giám khảo của "Vietnam Idol" tâm sự về nghề giám khảo truyền hình.

Theo kinh nghiệm của vị giám khảo trên thì phát ngôn trong vai trò giám khảo của Tăng Thanh Hà không phải là một “tai nạn”. Đó là tính chất phải có của nghề vốn lắm thị phi này.

Vậy nên, trường hợp Tăng Thanh Hà đang gây "bão" trên các trang mạng cũng là điều dễ hiểu. Dư luận càng ầm ĩ, chương trình càng thành công. "Master Chef Vietnam" chưa cống hiến nhiều món ăn mới, chưa tìm ra nhiều đầu bếp giỏi, nhưng đã cho khán giả nếm “gia vị lạ” ngay từ tập đầu tiên phát sóng.

Xem thêm
Giáo sư Tô Ngọc Thanh trọn đời tâm huyết văn hóa dân gian

Giáo sư Tô Ngọc Thanh, một nhân vật tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian, vừa qua đời ở tuổi 90 vào sáng 24/4 tại Hà Nội.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.