| Hotline: 0983.970.780

Tăng thuế cá tra vào Mỹ: Vô lý!

Thứ Hai 18/03/2013 , 09:12 (GMT+7)

Cuối tuần qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã gặp phải một cú sốc nặng khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra lần 8 (POR8), với mức thuế cao hơn gấp nhiều lần so với mức thuế của POR7.

* Phải kiện DOC ra tòa

Cuối tuần qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã gặp phải một cú sốc nặng khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra lần 8 (POR8), với mức thuế cao hơn gấp nhiều lần so với mức thuế của POR7.

Đây là một hành động vô lý, đầy tính áp đặt, nên phía Việt Nam cần phải khởi kiện DOC về vấn đề này.

Quay ngoắt... 180 độ

Tháng 9 năm ngoái, DOC đã công bố kết quả sơ bộ của POR8 (giai đoạn từ 1/8/2010 đến 31/7/2011). Theo đó, các DN bị đơn của Việt Nam được hưởng mức thuế tạm thời thấp nhất so với những đợt xem xét hành chính trước đây.

Cụ thể: 2 bị đơn bắt buộc là Cty CP Vĩnh Hoàn và Cty CP Việt An được quyết định áp mức thuế suất tạm thời 0%; các công ty bị đơn tự nguyện được hưởng mức thuế suất riêng tính theo biên độ phá giá trung bình áp dụng cho các bị đơn bắt buộc là bằng 0 USD/kg; mức thuế suất chung toàn quốc là 2,11 USD/kg.

Vậy mà cuối tuần qua, khi công bố kết quả cuối cùng của POR8, DOC lại gây sốc cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam khi đưa ra mức thuế chống bán phá giá (CBPG) rất trái ngược so với kết quả sơ bộ và cũng cao gấp nhiều lần so với mức thuế suất trung bình của POR7.

Cụ thể: Cty CP Vĩnh Hoàn có mức thuế suất trung bình là 0,19 USD/kg; Anvifish 1,34 USD/kg; các bị đơn tự nguyện cùng chịu thuế suất trung bình 0,77 USD/kg; các công ty khác chịu thuế suất trung bình 2,11 USD/kg. Với các nhà xuất khẩu mới: Cty An Phú chịu thuế suất trung bình 1,37 USD/kg, Docifish 3,87 USD/kg và Gò Đàng 1,81 USD/kg.

Đau nhất trong vụ kết quả cuối cùng trái ngược hẳn với kết quả sơ bộ này, có lẽ là Cty CP Vĩnh Hoàn. Trong kết quả cuối cùng của các đợt xem xét hành chính thuế CBPG cá tra lần 6 (POR6) và 7 (POR7), Vĩnh Hoàn đều có thuế suất trung bình là 0%. Do đó, nếu tiếp tục được hưởng thuế suất trung bình 0% trong kết quả cuối cùng của POR8, thì Vĩnh Hoàn sẽ được rút ra khỏi vụ kiện CBPG theo quy định của pháp luật nước Mỹ.


Chế biến cá tra XK

Vì thế, dù mức thuế suất trung bình 0,19% không phải là quá lớn, nhưng nếu kết quả này được giữ nguyên, sẽ đồng nghĩa với việc Vĩnh Hoàn vẫn tiếp tục phải mệt mỏi với những POR sau này.

Phải khởi kiện

Sở dĩ kết luận cuối cùng trái ngược hẳn so với kết luận sơ bộ của POR8, là vì DOC đã sử dụng Indonesia làm quốc gia thay thế thay cho Bangladesh như dự kiến ban đầu và như trong những POR trước đây (do chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nên DOC lấy số liệu nuôi cá tra ở một nước khác để tính toán biên độ phá giá).

Luật sư Andrew B. Schroth, đại diện và tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong vụ kiện CBPG, cho hay việc DOC chọn Indonesia thay cho Bangladesh là kết quả của sự vận động hành lang của Hiệp hội Các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA).

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), số liệu của Indonesia mà DOC đã sử dụng làm số liệu thay thế chỉ là một nghiên cứu về giá cá tra của Chính phủ Indonesia. Nghiên cứu này chỉ được tính toán dựa trên số liệu của một vài địa phương, do đó thiếu tính thực tế. Mà kể cả khi nghiên cứu nói trên là hoàn toàn tin cậy, thì việc sử dụng Indonesia làm quốc gia thay thế trong POR8 cũng là điều không thể chấp nhận được.

Bởi sản lượng cá tra nuôi ở Indonesia còn khá thấp, nên có giá thành cao hơn nhiều so với cá tra Việt Nam. Indonesia chưa phải là nước XK cá tra, thậm chí còn phải NK sản phẩm này từ Việt Nam. Trong năm 2012, Indonesia đã phải NK cá tra từ Việt Nam với tổng giá trị 2,551 triệu USD. Bản thân DOC cũng từng tuyên bố Indonesia không có bối cảnh kinh tế tương đương với Việt Nam trong hầu hết thời gian xem xét hành chính.

Trong 8 năm qua, DOC luôn luôn chọn Bangladesh là quốc gia thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào của cá tra Việt Nam. Bangladesh là nước sản xuất cá tra “hypophthalmus” thương phẩm và nuôi trong ao như Việt Nam. Chính vì vậy, chi phí sản xuất và doanh thu của người nuôi cá tra ở Việt Nam và Bangladesh là tương đương nhau.

Trong khi đó, Indonesia lại nuôi 5 loài cá tra khác nhau, chỉ có 70% sản lượng cá tra năm 2011 được nuôi trong ao và không có số liệu cụ thể về sản lượng cá tra “hypophthalmus”. Vì thế, VASEP cho rằng, không có lý do nào để Indonesia trở thành nước thay thế hoặc dữ liệu của nước này được coi là đáng tin cậy hơn trong POR8.

Một điều đáng lưu ý nữa là DOC đang tiến hành đợt xem xét hành chính thuế CBPG cá tra lần 9 (POR9, giai đoạn từ 1/8/2011 đến 31/7/2012), mà trong đó Indonesia không được chọn làm nước thay thế và Bangladesh có thể được chọn như trước đây. Điều này thể hiện rõ sự bất thường của DOC trong việc chọn Indonesia làm nước thay thế ở POR8.

Năm 2010, Việt Nam đã từng thành công trong việc yêu cầu DOC không sử dụng Philippines làm quốc gia thay thế cho Bangladesh trong POR6. Khi ấy, theo kết quả sơ bộ, các bị đơn bị tính thuế từ 2,44-4,22 USD/kg.

Nhưng trước sự phản ứng của Chính phủ Việt Nam, sự thuyết phục, vận động của các Bộ, ngành liên quan, VASEP và các doanh nghiệp, cuối cùng DOC đã phải hủy phương án chọn Philippines và tiếp tục sử dụng Bangladesh làm nước thay thế. Nhờ đó, kết quả cuối cùng của POR6, các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc và tự nguyện của Việt Nam đã có mức thuế CBPG chỉ từ 0-0,02 USD/kg.

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe: “Quá trình theo đuổi vụ kiện có thể phải 1-2 năm. Đến khi có kết quả, thì cũng là lúc DOC đã công bố kết luận cuối cùng của các POR tiếp theo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải kiện vụ này để lấy lại công bằng cho các DN cá tra Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, ở POR6, do DOC chọn Philippines làm quốc gia thay thế trong kết quả sơ bộ nên phía Việt Nam còn có thời gian để “lật ngược thế cờ” ở kết luận cuối cùng. Còn lần này, DOC lại chơi “chiêu độc”, lúc công bố kết quả sơ bộ thì chọn Bangladesh, còn khi công bố kết luận cuối cùng lại lấy Indonesia.

Vì là kết luận cuối cùng, thành ra phía Việt Nam lâm vào thế trở tay không kịp và DOC chắc chắn sẽ không thay đổi kết luận này. Bởi thế, các DN Việt Nam chỉ còn một lựa chọn duy nhất là khởi kiện DOC lên Tòa án Thương mại Quốc tế (CIT) với hy vọng rằng CIT sẽ ra một phán quyết yêu cầu DOC thay đổi lại cách tính thuế CBPG của POR8 theo hướng chọn Bangladesh chứ không phải Indonesia.

Luật sư Andrew B. Schroth cũng cho rằng các doanh nghiệp cá tra Việt Nam nên nộp hồ sơ khởi kiện DOC lên CIT về vấn đề này.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm