| Hotline: 0983.970.780

Tang thương phủ khắp làng quê

Thứ Ba 19/11/2013 , 10:10 (GMT+7)

Cơn lũ lịch sử vừa qua đã cuốn trôi của người dân Bình Định nhiều thứ. Nhà cửa, đồ đạc còn có thể lấy lại, nhưng tính mạng con người thì sẽ không bao giờ có lại.

Cơn lũ lịch sử vừa qua đã cuốn trôi của người dân Bình Định nhiều thứ. Nhà cửa, có thể xây dựng lại. Đồ đạc, rồi cũng sẽ được sắm lại đầy đủ…Thế nhưng những con người đã bị lũ cướp đi sinh mạng thì người thân của họ sẽ không bao giờ có lại được. Tính đến nay, trên địa bàn Bình Định đã có 16 người chết và 1 mất tích do lũ.

Quan tài mẹ đi trước, quan tài con nối sau

8g30 sáng 18/11, người dân xóm Hòa Ninh, thôn Hòa Cư, phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn, Bình Định) đều không cầm được nước mắt khi đi đưa đám tang của 2 mẹ con chị Lê Thị Tố Nga (33 tuổi) và con trai Mạnh Lê Tấn Khoa (12 tuổi) vừa bị lũ cuốn trôi mấy ngày trước.

Quan tài của mẹ đi trước, quan tài của con đi sau. Đây là chuyến đi cuối cùng của 2 mẹ con chị Nga trên cõi dương gian này.

Đám tang của 2 mẹ con chị Nga diễn ra trong bối cảnh nước lũ chưa rút đi hết, vì tuổi già nên ông bà nội cháu Khoa là cụ Mạnh Văn Long (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lê (66 tuổi) không thể đi đưa tang con cháu. Nhìn theo quan tài của đứa con dâu duy nhất và đứa cháu đích tôn đi về phía nghĩa địa, hai cụ già không còn nước mắt để khóc, chỉ còn những tiếng nấc nghẹn đầy đau thương.

Cụ Long kể: Vào khoảng 10 giờ sáng 16/11. Lúc bây giờ nước lũ đang lớn, tuy chưa tràn qua đường giao thông nhưng đã chảy rất hung hãn ở những đoạn bờ tràn hoặc những nơi trũng thấp. Khi ấy chị Lê Thị Tố Nga đang ngủ với 2 đứa con nhỏ là Mạnh Lê Gia Hân (4 tuổi) và Mạnh Lê Gia Huy mới chỉ 8 tháng tuổi. Bỗng dưng chị Nga thức dậy và nảy ra ý định muốn về thăm nhà ngoại ở phường Bình Định (TX An Nhơn). Chồng chị Nga là anh Mạnh Kim Trọng (35 tuổi) khi ấy không có ở nhà, mặc dù cha mẹ chồng và những người hàng xóm can ngăn nhưng chị Nga không nghe, vẫn quyết đi.

Chị Nga réo gọi con trai Mạnh Lê Tấn Khoa đang đi chơi trong xóm để theo mẹ về ngoại. Những khi được về ngoại cháu Khoa vui lắm, nhưng lần này không biết có dự cảm gì không mà cháu nhất định không đi. Sau khi bị mẹ cho mấy roi, cháu Khoa mới quệt nước mắt đi theo mẹ.


Không đau thương nào hơn khi cùng lúc đưa tang 2 người thân

Hai mẹ con chị Nga dắt nhau đi lên đường đê bao nhưng vì đoạn đường này đã ngập sâu, vả lại chiếc cầu bê tông đi qua mương thủy lợi có tên là cầu Bà Thầy đã bị gãy nên mẹ con chị Nga quay ngược xuống đường bê tông để ra hướng tỉnh lộ Bình Định - Lai Nghi để đi về nhà ngoại ở phường Bình Định.

“Mẹ con nó lọ dọ đi, đến đoạn bờ tràn nước chảy xiết quá, bị hỏng chân nên bị lũ cuốn đi. Khi ấy có 2 người đang đi trên đường nghe cháu Khoa kêu to 2 lần: “Cứu con với! Cứu con với”, rồi sau đó bị cuốn mất hút vào dòng lũ. Hai người đi đường liền la to kêu cứu, người trong làng biết ngay đó là 2 mẹ con nó, báo tin cho gia đình tui, sau đó chạy đi báo ngay cho UBND phường Nhơn Hưng. Phường cử ngay 1 đội cứu hộ gồm 20 người bơi đi tìm 2 mẹ con nó. Một tiếng sau thì vớt được xác 2 mẹ con cách nơi bị nạn mấy đám ruộng”, cụ Long nói trong nước mắt.

Dù còn trẻ khỏe nhưng phải gánh cùng lúc 2 nỗi đau lớn sau cái chết của vợ và đứa con trai đầu lòng, anh Mạnh Kim Trọng dường như muốn đổ sụp. Tuy nhiên, trong những ngày sắp tới, ở trong cảnh gà trống nuôi 2 đứa con nhỏ dại, trong khi chẳng có nghề nghiệp trong tay, kế sinh nhai là ai thuê gì làm nấy, đó mới là gánh nặng dài hơi của anh Trọng.


Cụ Mạnh Văn Long ngậm ngùi thắp hương bàn thờ con dâu và cháu đích tôn

Bà cụ Nguyễn Thị Lê vừa nói vừa khóc: “Gia đình tui gốc ở xã Nhơn Mỹ xuống đây định cư mới 4 năm nay nên chưa được địa phương cấp đất sản xuất. Hai vợ chồng tui đã già, không làm lụng gì được. Bà vợ tui mỗi tháng nhận chế độ người có công được 700.000đ cũng chẳng đủ vào đâu, mọi chi phí của cuộc sống của gia đình đều trông chờ vào mấy đồng tiền làm mướn của thằng Trọng. Sau khi vợ con nó chết, nếu đau lòng quá mà nó ngã bệnh thì vợ chồng tui không biết lấy gì nuôi 2 đứa cháu nhỏ”.

Những vành tang trắng

Hôm cơn lũ dữ ập xuống địa bàn huyện Tây Sơn, thượng nguồn của cơn lũ, tôi và một số đồng nghiệp cũng đang có mặt tại địa phương này để cùng “gánh lũ” với bà con. Theo những lão niên cả đời sống trên vùng đất bán sơn địa này, chưa bao giờ họ chứng kiến có cơn lũ nào có cường độ mạnh và tràn về nhanh đến như vậy.

Lũ về nhanh là vậy, đến cả người trong phố cũng trở tay không kịp thì nói gì đến các vùng quê. Họ không kịp dọn dẹp đồ đạc tránh lũ nên mất mát nhiều tài sản đã đành, cơn lũ vừa qua còn cuốn đi nhiều đàn ông trụ cột trong gia đình khi đang chống chọi với cơn lũ dữ, để lại nhiều vành tang trắng trên đầu trẻ thơ.

Trưa 15/11, tan giờ học cháu Trần Ái Thùy (học sinh lớp 11, Trường THPT Quang Trung) tung tăng trở về nhà ở khối Hòa Lạc, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) với tâm trạng thơ thới như mọi ngày. Về tới nhà, Thùy bỗng đứng ngớ ra, người run lên bần bật khi thấy trong nhà mình có rất đông người đang tập trung và trong nhà vang ra tiếng khóc. Thùy bước vào ngôi nhà thân thuộc của mình mà đôi chân đi vững. Thùy chết điếng khi thấy cha nằm bất động trên giường với gương mặt trắng bệch. 

Sáng hôm đó, anh Trần Văn Sang (cha của Thùy) đi trên con đường anh vẫn thường qua lại hằng ngày. Thế nhưng anh không ngờ cơn lũ dữ với những dòng nước xoáy đã tạo ra những cái hố sâu dưới chân, chúng được che khuất bởi mặt nước mênh mông, đục ngầu.

Bà Nguyễn Thị Trí, mẹ vợ của anh Sang, kể lại: “Bà con đang dọn nhà chống lũ gần đó thì thấy Sang với tay kêu cứu, tất cả mọi người liền chạy vội ra nhưng chẳng một ai kịp níu tay thằng Sang lúc nó đang chới với trong vùng nước lũ đang chảy cuồn cuộn”. 

Vậy là dòng lũ đã cướp đi của cháu Thùy người cha, để lại trên đầu cô bé học sinh này vành khăn tang và sự mồ côi trong quãng đời còn lại.

Ở nơi khác, tại ngôi nhà ở giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bình Định (TX An Nhơn) cũng đang nghi ngút khói hương. Chiếc quan tài đặt giữa nhà vẫn để mở. Bên trong, ông Trần Đông Chinh nằm thanh thản như đang ngủ.

Hôm cơn lũ tràn về, cụ ông 82 tuổi Trần Đông Chinh ở nhà một mình. Gia đình con gái ở Tuy Phước bị lũ chia cắt, không về được. Con trai thì làm việc ở TP Hồ Chí Minh, vợ ông cũng đang chữa bệnh ở trong ấy. Điện cúp, nước tràn vào nhà, ông loay hoay dọn dẹp, rồi trượt ngã. Cú ngã làm ông chấn thương nặng, nhưng nhà chẳng có ai để đưa đi cấp cứu. Đến sáng hôm sau, hàng xóm phát hiện thì ông đã tắt thở từ lúc nào.

Cũng ở phường Bình Định, một gia đình khác cũng vừa mất đi 1 người cha. Anh Phan Văn Thân (34 tuổi) ở khối Liêm Trực bị lũ cuốn trôi khi đang dọn đồ tránh lũ từ sáng 15/11, đến 3 giờ chiều mới được vớt lên. Anh Thân chết để lại người vợ trẻ Huỳnh Thị Liễu và đứa con nhỏ chưa 1 lần cất tiếng gọi ba.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.