| Hotline: 0983.970.780

Tăng tối đa trà xuân muộn

Thứ Sáu 26/10/2012 , 10:09 (GMT+7)

Mặc dù SX cơ bản thắng lợi, song dự báo vụ ĐX tới thời tiết ấm, cùng với SX vụ đông có nguy cơ “vỡ kế hoạch”, khiến ngành nông nghiệp không thể vui trọn vẹn.

* Diện tích cánh đồng mẫu lớn tăng gấp đôi

 

Hôm qua (25/10), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng chủ trì  hội nghị trực tuyến sơ kết SX vụ hè thu, mùa 2012 và triển khai kế hoạch SX vụ ĐX 2012 - 2013 tại miền Bắc. 

Mặc dù SX cơ bản thắng lợi, song dự báo vụ ĐX tới thời tiết ấm, cùng với SX vụ đông có nguy cơ “vỡ kế hoạch”, khiến ngành nông nghiệp không thể vui trọn vẹn.  

Sản lượng tăng nhưng diện tích giảm

Ngoại trừ ảnh hưởng của một số đợt mưa lớn vào đầu tháng 8 và tháng 9/2012 khiến diện tích đáng kể lúa và hoa màu bị thiệt hại, nhưng nhìn chung diễn biến thời tiết trong vụ HT, mùa hết sức thuận lợi. Đáng mừng là mặc dù giá cả vật tư tăng mạnh, trong khi giá thóc giảm 20 - 30% so với cùng kỳ, nhưng SX lúa vẫn “về đích”.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, SX lúa vụ HT tại các tỉnh Bắc Trung bộ đã gặt hái được thành công lớn, với diện tích đạt 172,5 nghìn ha, tăng khoảng 6 nghìn ha so với năm 2011. Năng suất trung bình đạt 46,8 tạ/ha, tương đương tổng sản lượng đạt 807 nghìn tấn, tăng so với vụ HT 2011 là 32 nghìn tấn về tổng sản lượng và 0,3 tạ/ha về năng suất.

Về vụ mùa 2012, tổng diện tích lúa đạt hơn 1,17 triệu ha, giảm nhẹ khoảng 18 nghìn ha so với năm 2011. Mặc dù diện tích giảm, tuy nhiên nhờ năng suất tăng cao hơn so với năm trước nên tổng sản lượng lúa vụ mùa toàn miền Bắc vẫn đạt 5,85 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 49,7 tạ/ha, tăng khoảng 14 nghìn tấn về tổng sản lượng và 1 tạ/ha về năng suất so với năm 2011 - năm được xem là “kịch trần” về SX lúa của nước ta.

Trong đó, Bắc Trung bộ vẫn là vùng “giật giải” về tăng năng suất với mức tăng trung bình 4,4 tạ/ha so với vụ mùa 2011, đặc biệt Thanh Hóa là tỉnh có năng suất lúa mùa cao nhất với 52 tạ/ha (tăng 3,3 tạ/ha so với cùng kỳ).

Vụ mùa 2012, vùng ĐBSH tiếp tục dẫn đầu toàn miền Bắc về năng suất lúa, bình quân đạt 55,2 tạ/ha. Trong khi đó, diện tích SX lúa ở vùng này lại có nhiều tín hiệu đáng lo ngại, khi mà diện tích giảm mạnh khoảng 6,6 nghìn ha so với vụ mùa 2011. Một số tỉnh có diện tích giảm mạnh như Thái Bình (giảm hơn 1,6 nghìn ha); Hà Nội, Hưng Yên (giảm hơn 1,2 nghìn ha)…

Nguyên nhân của việc giảm diện tích lúa, bên cạnh việc chuyển đổi sang cây màu hiệu quả hơn, còn có một diện tích lớn đất lúa tiếp tục được chuyển sang đất phi nông nghiệp. Đáng ngại hơn, tình trạng bỏ hoang đất lúa đã tái xuất hiện tại nhiều địa phương.


Dự báo vụ ĐX ấm thuận lợi gieo cấy nhưng nguy cơ mất mùa sẽ rình rập

Ông Nguyễn Quang Đồng, PGĐ Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, vụ mùa 2012 là năm mà năng suất lúa của tỉnh này cao chưa từng thấy, trung bình đạt tới 58 tạ/ha. Tuy nhiên, điều đáng buồn là diện tích đất lúa bỏ hoang theo kiểm tra đang ngày càng lớn, cộng với việc giá vật tư tăng cao đang khiến nông dân không còn mặn mà với ruộng đất.

Vụ mùa 2012, miền Bắc tiếp tục đánh dấu sự chuyển dịch rõ nét về cơ cấu giống lúa và phát triển các cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Theo đó, tỉ lệ trà mùa sớm tiếp tục được mở rộng bằng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao và chất lượng như Bắc thơm 7, HYT 100, RVT… Diện tích lúa mùa muộn tiếp tục có xu hướng giảm và duy trì ở mức 8%.

Trong khi đó, các dòng lúa chất lượng cao tiếp tục có xu hướng tăng mạnh về diện tích, đạt gần 460 nghìn ha, tương đương xấp xỉ 40% tổng diện tích gieo cấy toàn miền Bắc. Một số giống lúa chất lượng cao ngày càng khẳng định thế “thượng phong” như RVT, Nam Định 5, QR1, Nàng Xuân, nếp ĐT 52, nếp Lang Liêu, Japonica ĐS1… Đặc biệt, xu hướng gắn các giống lúa chất lượng cao với các CĐML theo hướng SX hàng hóa và bao tiêu sản phẩm ngày càng phát triển mạnh.

Tổng diện tích CĐML vụ HT, mùa 2012 đã đạt  con số trên 12.500 ha, với 156 mô hình ở khắp 14 tỉnh, thành (so với 6.200 ha ở 10 tỉnh trong vụ ĐX 2012)… Cùng với sự sôi động xây dựng CĐML, phong trào góp đất, dồn điền đổi thửa, tái thiết đồng ruộng, gắn CĐML với xây dựng NTM nhằm tiến lên SX hàng hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Lo vụ đông ấm

Vụ ĐX 2012 - 2013, mặc dù thời tiết, thủy văn được dự báo là sẽ hết sức thuận lợi cho SXNN ở miền Bắc. Tuy nhiên, “điềm gở” về một vụ đông ấm cũng khiến lãnh đạo ngành nông nghiệp một số tỉnh không khỏi lo lắng, bởi năm nào vụ đông ấm, mặc dù việc gieo cấy sẽ thuận lợi, nhưng nguy cơ sâu bệnh và mất mùa là rất cao.

Theo ông Lê Thanh Hải, PGĐ Trung tâm Dự báo KTTVTƯ, mùa đông ở miền Bắc năm nay được dự báo là sẽ ấm và đến muộn hơn các năm. Cụ thể, nhiệt độ trong các tháng 11, 12/2012 sẽ ở mức cao hơn mức trung bình nhiều năm (TBNN). Các đợt rét đậm sẽ đến muộn, phải tới cuối tháng 12/2012, đầu tháng 1/2013 mới có khả năng xuất hiện. Rét đậm cũng được dự báo là sẽ ít khắc nghiệt hơn các năm, và chỉ kéo dài trong khoảng 5 - 7 ngày/đợt, khó có khả năng xẩy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài như nhiều năm trước.

Theo Cục Trồng trọt, thời tiết năm nay sẽ lập xuân sớm, vào ngày 4/2/2013 (tức ngày 24/12 năm Nhâm Thìn). Căn cứ vào tình hình thời tiết, Cục đề xuất:

- Đối với các tỉnh từ Quảng Bình đến TT - Huế, bố trí thời vụ phù hợp để lúa trỗ tập trung từ khoảng 15/4 - 25/4/2013, trong đó các giống lúa dài ngày gieo từ 15-30/12/2012, các giống lúa ngắn ngày gieo từ 15/1 - 5/2/2013.

- Đối với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh: Bố trí gieo cấy phù hợp để lúa trỗ từ 20/4 - 10/5/2013. Trong đó, trà xuân sớm gieo mạ từ 30/11 - 5/12/2012, cấy từ 15-20/1/2013; trà xuân trung gieo từ ngày 15 - 20/12/2012, cấy từ 25/1 - 2/2/2013; trà xuân muộn gieo mạ từ ngày 5 - 25/1/2013.

Đối với các tỉnh ĐBSH và trung du MNPB: Bố trí gieo cấy phù hợp để lúa trỗ từ ngày 5 - 15/5/2013. Trong đó, trà xuân sớm gieo từ 25/11 - 5/12/2012, cấy từ 25/1 - 5/2/2013; trà xuân trung gieo từ 5-15/12/2012, cấy từ 25/1 - 5/2/2013; trà xuân muộn gieo từ 20 - 31/1/2013 và cấy từ 5 - 20/2/2013 (mạ sân gieo từ 25/1 - 10/2/2013, cấy từ 5 - 28/2/2013; gieo thẳng từ 15 - 25/2/2013).

Căn cứ vào lịch thời vụ trên, Tổng cục Thủy lợi cho biết sẽ đề xuất Tập đoàn Điện lực VN (EVN) xả nước đổ ải tập trung cho vụ ĐX 2012 - 2013 làm 2 đợt: Đợt 1 từ 22 - 31/1/2013 (trước lập xuân) và đợt 2 từ 7 - 13/2/2012.

Về lượng mưa, trong thời gian gieo cấy vụ ĐX ở miền Bắc, mưa cũng được dự báo là sẽ cao hơn mức TBNN. Mực nước tại sông Hồng được dự báo là sẽ thấp nhất, ở mức 0,3 - 0,5m tại Hà Nội vào khoảng tháng 2-3/2013. Vì vậy, hạn hán, thiếu nước vẫn có khả năng xẩy ra cục bộ tại một số địa phương vùng trung du, miền núi phía Bắc, nhưng sẽ không quá nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, hiện các hồ thủy lợi tại miền Bắc đã tích được khoảng 2,3 tỉ m3, lớn hơn khá nhiều so với các năm, sẵn sàng phục vụ tốt nhất việc đổ ải.

 

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, thời vụ gieo cấy vụ ĐX 2012 - 2013 nên lấy trà xuân muộn làm “trục chính”. Cục Trồng trọt cần nghiên cứu lên lịch gieo mạ trước Tết Qúy Tỵ, đồng thời đề xuất EVN lùi lịch xả nước đợt 2 muộn 1 tuần để tập trung gieo cấy vào khoảng ngày mùng 5 Tết Qúy Tỵ. Đối với vùng Bắc Trung bộ, dù muốn hay không cũng bắt buộc phải cấy trước Tết Nguyên đán.  

 

Về cơ cấu giống và mùa vụ, Thứ trưởng chỉ đạo, sẽ tiếp tục nâng diện tích trà xuân muộn tại các tỉnh phía Bắc lên tối đa ở mức 80 - 90%. Đối với lúa lai, chủ trương chung là tùy vào điều kiện và lợi thế từng địa phương mà tiếp tục nâng diện tích phù hợp, nhưng hạn chế ở mức chung là khoảng 30% tổng diện tích gieo cấy.

“Nâng được diện tích lúa lai lên 30% là quá tốt, song theo tôi các tỉnh cũng nên dừng lại ở mức đó. Nếu nâng lên nữa, trong điều kiện giống lúa lai phải NK tới 70% như hiện tại, chắc chắn lại sẽ xẩy ra chuyện sốt giống, đó là điều không tốt chút nào. Bộ NN-PTNT cũng khuyến khích các địa phương dành các chính sách ưu tiên đặc biệt cho việc hỗ trợ máy cấy, xây dựng CĐML trong vụ ĐX tới”, ông Bổng chỉ đạo.

Vụ đông không như mong đợi?

Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh miền Bắc đến ngày 15/10/2012, toàn miền Bắc mới chỉ gieo trồng được 277 nghìn ha trên tổng diện tích 488 nghìn ha cây vụ đông theo kế hoạch (đạt 57%). Trong đó, vùng ĐBSH và trung du MNPB vốn có nhiều thế mạnh về vụ đông nhưng mới chỉ đạt lệ gieo trồng rất thấp (ĐBSH 62%, trung du MNPB 26% kế hoạch).

Tại hội nghị hôm qua, lãnh đạo Sở NN-PTNT nhiều tỉnh miền Bắc thất vọng cho biết, kế hoạch SX vụ đông 2012 có nguy cơ không hoàn thành. Đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT Thái Bình cho biết, đến nay mới chỉ hoàn thành khoảng 70% trong tổng số 40 nghìn ha cây vụ đông theo kế hoạch. Trong đó, đậu tương- cây vụ đông chủ lực của tỉnh giảm mạnh nhất.

Bà Nguyễn Thị Vang, Phó GĐ Sở NN-PTNT Hà Nam thì khẳng định, không những SX vụ đông ở tỉnh này khó hoàn thành kế hoạch, mà lo nhất là nhiều sản phẩm rau vụ đông, nếu không có DN thu mua thì chắc chắn không tránh khỏi ế ẩm.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất