| Hotline: 0983.970.780

Tạo lũ giả để diệt chuột

Thứ Tư 27/03/2013 , 13:11 (GMT+7)

Sáng kiến này thuộc về hai anh em “hai lúa” Thái Văn Báu và Thái Văn Bổn ở xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Sáng kiến này của hai anh em “hai lúa” Thái Văn Báu và Thái Văn Bổn ở xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hai anh nói, ông trời không giúp mình đưa lũ về diệt chuột thì mình không chịu khoanh tay cầu trời, mà phải tạo ra lũ để diệt nó, bảo vệ mùa màng.

Giỏi quá, tặng thêm tiền

Nghe hai anh em Báu và Bổn sáng kiến tạo lũ giả trên đồng ruộng để bắt hàng ngàn con chuột, tôi liền về xã Hải Quy tìm hiểu. Vụ ĐX này anh Báu làm 3 sào ruộng, anh Bổn làm 5 sào. Từ năm 2012 nhìn cảnh ruộng đồng không có lũ về, chẳng riêng anh Báu mà người nông dân Quảng Trị đã dự cảm phải đối mặt một vụ đầy khó khăn, trắc trở. Nước và chuột là trở ngại nhất. Song không ai ngờ chuột lại phá hoại nhiều đến vậy.

Ông Lê Văn Lạt, Chủ tịch UBND xã Hải Quy cho biết sau nhiều lần ra quân diệt chuột với các phương pháp truyền thống như đào hang, dùng thuốc sinh học... nhưng chuột vẫn còn nhiều. Hai anh em Báu và Bổn ở HTX Quyết Tiến có sáng kiến tạo lũ giả bằng cách chặn từng đoạn kênh mương giữa ruộng, bịt kín hai đầu từng đoạn rồi bơm nước từ ruộng cho dâng lên cao, tạo lũ cục bộ trên từng tuyến mương để nước chảy vào hang, lúc ấy chuột không chịu nổi nước sẽ chạy ra khỏi hang.

Không ngờ sáng kiến này lại rất hữu hiệu. Chuột bị nước ngâm quá lâu phần thì chết ngạt, phần thì thoát ra khỏi hang tháo chạy. Chỉ cần chúng ra khỏi hang, ngay lập tức 2 con chó thiện chiến của các anh chụp ngay cổ mang đến “biếu chủ” để đưa về HTX đếm đuôi, nhận tiền thưởng. Anh Bổn kể lẽ ra không có lũ thì chuột con nhiều, nhưng năm nay không thấy chuột con, mà toàn chuột bự, có con to gần 0,5 kg.

Cùng với sự giúp đỡ của nhiều bà con, vậy là hết đoạn kênh này, hai anh lại tạo lũ ở đoạn kênh khác, diệt cho chuột đồng ở HTX Quyết Tiến chết như ngả rạ. Có lần hai anh diệt được 1.500 con/2 ngày. Ban đầu HTX thu mua mỗi đuôi chuột 1.000 đồng, rồi lên 2.000 đồng, 3.000 đồng.

Có người thấy hai anh diệt chuột hăng quá, họ lại tặng thêm tiền, cứ mỗi đuôi chuột thêm 7.000  đồng nữa, tất cả là 10.000 đồng/đuôi chuột. Khoản tiền động viên này tuy không nhiều nhưng rất kịp thời và đúng lúc. Anh Báu khẳng định phương pháp tạo lũ giả để diệt chuột rất hiệu quả, mong rằng bà con các địa phương khác nghiên cứu, áp dụng.


Người dân xã Hải Quy tham gia bắt chuột bảo vệ lúa ĐX

Theo ông Lê Văn Lạt, gần 70% kênh mương của xã này đang là mương đất nên bắt chuột theo sáng kiến của anh em Báu và Bổn rất phát huy tác dụng. Ông Lạt khen hai anh là những người có tinh thần trách nhiệm rất cao. Họ không những bắt chuột ruộng mình mà còn bắt giúp chuột ở ruộng người khác.

Ra đồng thấy ruộng bị chuột cắn phá là hai anh liền tìm cách truy lùng bắt cho bằng được. Khi biết được sáng kiến bắt được nhiều chuột bảo vệ mùa màng của Báu và Bổn, bà Lê Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng nói sẽ chỉ đạo UBND xã Hải Quy làm văn bản đề xuất lên huyện khen thưởng cho họ.

Gần nửa triệu con chuột bị diệt

Bà Nguyễn Thị Ba ở HTX Văn Hải, xã Hải Quy cho biết chuột đầy đồng, ban đêm kéo nhau đi từng đoàn. Chồng bà là ông Lê Quang Bức, gần 70 tuổi đêm nào cũng cùng bà cũng đi diệt chuột. Cách diệt chuột của đôi vợ chồng già này thì truyền thống hơn. Nghĩa là đặt bẫy buổi đầu hôm, khuya đến đi thăm đồng, gỡ bẫy rồi đặt tiếp.

Ông Bức đã tự chế ra một chiếc bẫy có tên bán nguyệt. Bẫy này khá đơn giản, đặt chuột không cần mồi. Chỉ cần tìm ra đường chuột đi là đặt bẫy. Chuột đi ngang qua cần sập, kẹp nó lại. Vậy mà nhiều lúc gặp con chuột quá to, kéo luôn cả chiếc bẫy bán nguyệt chạy mất tiêu. Mấy hôm sau ông Bức đi đồng tình cờ thấy chuột chết ở chỗ khác trong tư thế đang bị bẫy bán nguyệt kẹp giữa thân hình. Khi tôi tìm đến nhà thì bà Ba vội lau chùi hàng chục chiếc bẫy kịp mang đi đặt ngoài ruộng, còn ông Bức đang lên chợ thị xã Quảng Trị để mua thêm bẫy về đặt chuột.

Chủ nhiệm HTX Văn Hải, Lê Hồng Sơn cho biết vụ này toàn HTX làm 70 ha ruộng, màu thì chuột đã phá hết 20 ha lúa. Còn 35 ha khoai lang chuẩn bị thu hoạch chúng cũng phá sạch củ, chỉ còn cây, thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Theo ông Sơn, chưa năm nào chuột phá dữ dội như năm nay, không chỉ phá lúa ngoài ruộng, chuột còn chạy lên đồi phá cây môn, cây ớt, ruộng bắp, chuột cắn nát cả vườn bắp đang ra hoa...

Ông Trần Văn Tân, Quyền Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Quảng Trị cho biết nơi nào có nhu cầu cần thêm về thuốc diệt chuột thì Chi cục sẵn sàng giúp đỡ. Chi cục chỉ đạo cán bộ bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân tập trung thực hiện diệt chuột bằng mọi biện pháp, ra quân đồng loạt trước giai đoạn lúa làm đòng để giảm thiệt hại.

Bà con diệt chuột được quá nhiều, HTX cũng không có đủ tiền trả, phải khất nợ đến khi... thu hoạch, bán lúa mới đủ tiền trả, nhưng chẳng ai buồn, vì bà con đều biết HTX và chính quyền địa phương luôn đồng hành vượt qua khó khăn trong lúc hoạn nạn này. “Thực ra nói là mua đuôi chuột cho oai, chứ khoản tiền ít ỏi ấy để bồi dưỡng, động viên để bà con tích cực tham gia diệt chuột, bảo vệ mùa màng”, Chủ nhiệm Sơn nói.

Tại thời điểm này tỉnh Quảng Trị đã có gần 3.000/25.000 ha lúa ĐX bị chuột phá hoại. Tỷ lệ gây hại phổ biến 5 - 15%, nơi cao 30 - 40%, trong đó bị nặng gần 200 ha, có nơi mất trắng không có khả năng phục hồi. Hiện tại tỉnh đang ra quân diệt chuột giai đoạn 3.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, ước chừng sau 3 đợt toàn tỉnh ra quân đã có đến nửa triệu con chuột bị diệt. Tình trạng chuột phá đồng có có giảm, nhưng chưa tiệt được. Chi cục BTTV tỉnh Quảng Trị cũng đã cấp gần 18 tấn thuốc sinh học và 3,5 tạ thuốc hoá học cho bà con nông dân toàn tỉnh diệt chuột từ đầu vụ đến nay.

Căng sức đi diệt chuột, nhiều bà con nông dân cảm thấy mỏi mệt nhưng không thể ngừng cuộc chiến với chúng. Bà con nông dân xã Hải Quy mong muốn được tiếp tục hỗ trợ thuốc sinh học diệt chuột.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất