| Hotline: 0983.970.780

Tập đoàn Quế Lâm cùng NNVN lên với trẻ em nghèo Tây Bắc

Thứ Hai 30/11/2015 , 13:20 (GMT+7)

Cuối tuần qua, Báo NNVN phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm tổ chức trao 100 chiếc xe đạp trong Chương trình "Cùng em tới lớp" năm học 2015-2016 tại huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên).

Lần đầu lên với Điện Biên

Đây là lần đầu tiên Báo Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Quế Lâm chung tay thực hiện "Cùng em tới lớp" và cũng là lần đầu tiên chương trình này đến với mảnh đất Điện Biên.

Khác với nhiều chương trình trước, lần này, cách thức thực hiện được Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Mường Ảng thay đổi chút ít để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các em học sinh ở địa phương còn quá nhiều khó khăn như huyện Mường Ảng.

Nói theo cách của Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Tiến Dũng thì chương trình lần này, giá trị các phần quà đã là lớn so với với điều kiện chung của con em trong huyện, nhưng điều lớn hơn nữa là giá trị tinh thần. Quý hóa lắm và cũng thiết thực vô cùng.

Mường Ảng là một trong 64 huyện nghèo của cả nước nằm trong Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phó Chủ tịch huyện Lê Tiến Dũng chia sẻ rằng, đời sống của đại bộ phận nhân dân các dân tộc trong huyện còn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, thu nhập bình quân trên đầu người chỉ đạt khoảng 16 triệu đồng/người/năm. Những con số thống kê khác cũng đã chỉ ra điều đó.

Tính đến cuối kỳ của năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện còn rất cao, chừng khoảng 36,53%. Và đó cũng chỉ là con số được tính theo mức chuẩn nghèo cũ, còn sắp tới đây, nếu tính theo chuẩn nghèo mới, theo khái niệm nghèo đa chiều với mức thu nhập 700 nghìn đồng/người/tháng thì dự báo tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Ảng còn tăng lên gấp đôi. Nói ngắn gọn, đa phần nhân dân Mường Ảng thuộc diện còn nghèo, nhiều khó khăn.

Có lẽ vì vậy mà khi Báo Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Quế Lâm có công văn gửi Phòng GD-ĐT huyện Mường Ảng để tổ chức chương trình Cùng em tới lớp thì thầy Lê Văn Thống -  Trưởng phòng phân vân lắm. Là bởi, chỉ lướt qua trong ý nghĩ thôi thì cả 23 trường học trên địa bàn huyện đều khó khăn, đều có nhu cầu, đều nhan nhản những em học sinh đang cần có những chiếc xe đạp để đến trường.

Mà giới hạn chương trình lần này thì chỉ có 100 chiếc xe trao cho 100 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cố gắng phấn đấu vươn lên trong học tập. Toàn Mường Ảng có 13.000 em học sinh, trong đó hơn 4.000 em nằm trong diện bán trú, vô số em phải vượt quãng đường hơn 20 km từ nhà để đến trường.

Chỉ mới cách đây có 2 tuần thôi, phòng GD-ĐT huyện vừa tổ chức cấp phát cho các em 20 tấn gạo theo Chương trình hỗ trợ của Chính phủ, mỗi tháng các em nhận được 15kg gạo hỗ trợ để đến trường...

Trăn trở mãi, cuối cùng, người đứng đầu ngành giáo dục huyện Mường Ảng cũng tìm ra cách thức. Phòng GD-ĐT yêu cầu các trường lập bản danh sách sơ bộ các học sinh có kèm thành tích học tập, hạnh kiểm và hoàn cảnh cụ thể của từng em rồi công bố rộng rãi bản danh sách này trong 23 trường học trên địa bàn huyện để giáo viên bình xét.

Cuối cùng, danh sách rút gọn vừa 100 em học sinh để nhận xe trong chương trình Cùng em tới lớp đợt này. Phải nói thật rằng, không một ai có thể phân vân khi nhìn vào bản danh sách ấy, không một ai có thể nghi ngờ về tính xác thực của những em học sinh được lựa chọn.

Phát biểu tại chương trình, ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: "Tôi thấy rất vinh dự cho Tập đoàn Quế Lâm khi phối hợp với Báo NNVN và huyện Mường Ảng tổ chức một chương trình thực sự có ý nghĩa thiết thực như Cùng em tới lớp. Tập đoàn Quế Lâm là đơn vị đóng tại TP HCM, chuyên sản xuất nông sản hữu cơ phục vụ cho bà con nông dân và sản xuất phân bón phục vụ ngành nông nghiệp.

Trong những năm qua chúng tôi cũng đã thường xuyên tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ như Chương trình 135, Chương trình 30a, chương trình trồng rừng ở vùng sâu vùng xa, khắp mọi miền đất nước... 


Ông Khắc Ngọc Bá, Phó TGĐ Tập đoàn Quế Lâm trao xe đạp cho các em học sinh

Tập đoàn Quế Lâm luôn hướng đến và dành sự quan tâm giúp đỡ các gia đình khó khăn. Hi vọng rằng với món quà nhỏ này sẽ là nguồn động viên các em đến trường đến lớp để sau này trở thành những người có ích cho xã hội.

Những hoàn cảnh rơi nước mắt

Tôi đã thấy ông Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Khắc Ngọc Bá - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Quế Lâm và nhiều thành viên trong đoàn công tác lặng người đi, có người mắt rươm rướm lệ khi nhìn vào những dòng ghi chú và thực tế về hoàn cảnh của nhiều em học sinh được nhận quà.

Ấy là Quàng Văn Trường, người dân tộc Thái, học sinh lớp 5A1 ở trường tiểu học Ẳng Cang, mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng, hiện đang ở với ông bà già yếu, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trường bị bệnh về tai. Cũng chẳng ai biết bệnh gì, thỉnh thoảng thấy mủ nước từ trong tai em chảy ra, đau đớn vô cùng.

Hoàn cảnh ấy, những giáo viên từng dạy Trường tâm sự, chỉ mong em vượt qua nghịch cảnh để đến lớp thôi cũng đã là may mắn.

Cảm phục thay, không những đi học đều đặn mà Trường còn học giỏi, chăm ngoan, dù mỗi ngày em phải đi bộ 6-7 cây số để đến trường.

Cũng ở trường tiểu học Ẳng Cang, Lò Văn Sung (10 tuổi), dân tộc Thái, bị mồ côi cha từ lúc còn chưa chào đời. Một mình bà mẹ nuôi 6 đứa con ăn học, gia đình nghèo kiết, mùa giáp hạt đứt bữa thường xuyên.

Cũng giống như Trường, mỗi ngày Sung đều cuốc bộ lên lớp, cũng học giỏi, cũng chăm ngoan. Nhìn hai đứa học sinh lớp 5 bé như cái kẹo, còi dí dị lên nhận quà, cảm giác vừa xót xa vừa khâm phục nghị lực phi thường của các em biết bao nhiêu.

Thầy Thống nét mặt đượm buồn chia sẻ với những người trong đoàn công tác: Những hoàn cảnh như thế ở Mường Ảng còn nhiều lắm. Cũng vì đời sống khó khăn, còn nhiều lạc hậu nên những ông bố, bà mẹ không có điều kiện quan tâm đến các em.

Đấy là chưa kể rất nhiều trường hợp gia đình ly tán, bố mẹ hoặc là bỏ nhau, hoặc là ốm đau bệnh tật mà mất, cũng may một điều là nhiều em biết vượt qua bi kịch của gia đình, cố gắng vươn lên trong học tập. Những năm qua, ngoài các chế độ an sinh xã hội của Thủ tướng Chính phủ, học sinh huyện Mường Ảng cũng nhận được sự quan tâm của một số tổ chức, đoàn thể, DN giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn...

Những tấm lòng thơm thảo đó đã giúp cho các em có chăn ấm mùa đông, có màn chống muỗi, có sách vở và bây giờ là có xe đi lại để ổn định học tập và chống bỏ học...


Nhiều em học sinh ở xa, nhận xe xong phải vận chuyển bằng xe máy

"Lần này, được sự quan tâm của Báo Nông nghiệp Việt Nam, của Tập đoàn Quế Lâm, trong rất nhiều các em khó khăn, phòng giáo dục đã chọn ra 100 em khó khăn nhất lập hồ sơ và được chấp thuận. Cũng phải nói thật, các phần quà như giấy bút, sách vở thì cơ bản các em đã đủ rồi nên những chiếc xe đạp mà chương trình trao tặng thiết thực vô cùng.

100 em này từ trước đến nay đều phải đi bộ đến trường, thời tiết vùng cao bắt đầu vào đông, giá rét, cho nên phần quà này sẽ giúp các em bớt ngắn khó khăn, là nguồn động viên quý báu giúp các em đến trường thuận lợi hơn", thầy Thống chia sẻ.

Và những hi vọng sau lần đầu tiên

Nhận chiếc xe đạp từ chương trình "Cùng em tới lớp" Cà Văn Long, người Thái, học sinh lớp 6A1 trường THCS Ẳng Tở vui đến... gần khóc.

Long tâm sự, em mồ côi cả cha lẫn mẹ, từ nhỏ phải ở với gia đình bác. Nhà bác cũng nghèo, phải chạy ăn từng bữa, cố gắng lắm mới có thể cho Long được đến trường. Hoàn cảnh vậy nên trong thâm tâm Long chưa bao giờ nghĩ sẽ được đi xe đạp.

Ngày ngày cuốc bộ đến trường em chỉ biết cố gắng phấn đấu để không phụ lòng bác, không phụ lòng thầy cô. Lò Thị Giang, lớp 7A2, Lò Thị Xim, Lường Thị Hà...

Tôi cam đoan, mỗi đứa trẻ ở đây là một tấm gương về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Nắm thật chặt bàn tay em Lường Văn Cường, một học sinh lớp 6 ở Mường Đăng, đứa trẻ có bố bị nhiễm HIV, nhà cách trường 7km, ông Khắc Ngọc Bá nói rằng: Giá như có thể giúp đỡ được các em nhiều hơn.

Phát biểu tại chương trình, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ thêm, với tinh thần tương ái, Báo NNVN trong nhiều năm qua đã phối hợp với nhiều nhà hảo tâm, nhiều DN tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện trên khắp cả nước.

Một số chương trình như Chăn ấm vùng cao, Tết cho đồng bào nghèo, Cùng em tới lớp...đã đạt được hiệu quả thiết thực, thu hút được nhiều nhà tài trợ, nhiều DN cùng tham gia, đến nhiều hơn với các những địa phương, những hoàn cảnh khó khăn...

Trong chương trình Cùng em tới lớp năm nay, Báo NNVN đã phối hợp với các DN tổ chức trao 500 chiếc xe đạp, mỗi chiếc trị giá 1,5 triệu đồng tại 5 địa phương gồm Điện Biên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Sóc Trăng và Khánh Hòa. Tại tỉnh Điện Biên Báo NNVN cùng Tập đoàn Quế Lâm chuyển 100 chiếc xe đạp tới các em học sinh nghèo vượt khó của huyện Mường Ảng.


Phó TBT Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ niềm vui với gia đình học sinh

Chúng tôi mong muốn, món quà nhỏ này sẽ là những người bạn đồng hành với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng cố gắng vươn lên trong học tập, tiếp tục vượt khó tới lớp tới trường. Tâm nguyện chúng tôi mong muốn làm sao món quà này sẽ là nguồn động viên giúp các em trở thành những người có ích cho xã xã hội, thể hiện tinh thần hiếu học của con em đồng bào, nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Tập đoàn Quế Lâm (nhà tài trợ chính của Chương trình Cùng em tới lớp lần này) được thành lập vào năm 2001, tiền thân là DNTN Quế Lâm. Lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất phân bón (NPK, hữu cơ, các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp) và sản xuất, chế biến các loại nông sản hữu cơ. Năm 2003, DNTN Quế Lâm được chuyển đổi mô hình thành Tập đoàn Quế Lâm với tổng giá trị vốn hóa trên 1600 tỷ đồng. 

Đến nay Quế Lâm đã có hệ thống 12 cty thành viên, trong đó có 7 nhà máy sản xuất phân bón trải đều trên khắp cả nước và 1 cty chuyên nhập khẩu, phân phối sản phẩm phân bón tại thị trường Campuchia. 

Với năng lực sản xuất trên 500.000 tấn/năm, hàng năm Quế Lâm sản xuất và tiêu thụ ra thị trường hàng trăm nghìn tấn phân bón các loại qua hệ thống kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm trải dài trên 63 tỉnh thành Việt Nam với 250 nhà phân phối cấp 1, hơn 2000 đại lý cấp 2, cấp 3 và xuất khẩu qua Lào, Campuchia…

Đầu năm 2014,  Tập đoàn Quế Lâm đã hiện thực hóa những định hướng chiến lược kinh doanh của mình bằng việc tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến các sản phẩm nông sản hữu cơ phục vụ cho người tiêu dùng và đã đưa ra những chương trình hành động cụ thể cho từng giai đoạn phát triển. 

Từ việc sản xuất các sản phẩm phân bón Quế Lâm, nay liên kết với các đơn vị sản xuất từ việc đầu tư giống, quy trình chăm bón và các sản phẩm phân bón hữu cơ cao cấp Quế Lâm để tạo ra chuỗi giá trị nông sản hữu cơ bền vững, sạch, có lợi cho sức khỏe con người như gạo hữu cơ, trà hữu cơ, tiêu hữu cơ, rượu hữu cơ, thanh long hữu cơ, cà phê hữu cơ, rau củ quả hữu cơ...

 

Xem thêm
Thuốc trừ sâu, trừ nhện King Spider 93SC

King Spider 93 SC là hỗn  hợp của hoạt chất: Spirodiclofen 75 g/kg + Emamectin benzoate 18g/kg, là thuốc trừ sâu ăn lá và chích hút đặc biệt rất công hiệu trừ nhện các loại.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm