| Hotline: 0983.970.780

Tập trung khắc phục yếu kém hạ tầng và giáo dục

Thứ Tư 28/08/2013 , 09:17 (GMT+7)

Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn...

Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn do Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức ngày 27/8 tại TP Vị Thanh.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn luôn chiếm tỷ trọng lớn, góp phần tạo nên bước phát triển ổn định cho tỉnh thời gian qua. Giá trị SX nông, lâm, ngư nghiệp năm 2012 đạt trên 3.957 tỷ đồng, tăng 18,66% so với năm 2008, ước năm 2013 tăng 23,09%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 19,48 triệu đồng/năm, tăng 2,2 lần so với năm 2008, năm 2013 ước đạt 21,5 triệu đồng/người/năm.

Trong SX, lúa được xác định là cây trồng chủ lực, diện tích gieo trồng năm 2012 đạt 214.134 ha (3 vụ/năm), tổng sản lượng đạt 1,18 triệu tấn, tăng 15,62% so với năm 2008. Tăng trưởng SX lúa thể hiện trên cả 3 mặt là năng suất, sản lượng và chất lượng (từ 30% giống xác nhận nay tăng lên trên 70%).


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Bên cạnh đó, mía là cây có lợi thế so sánh rất lớn của tỉnh, chiếm trên 27% diện tích mía toàn vùng ĐBSCL. Năm 2012, diện tích mía toàn tỉnh là 14.195 ha, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn. Ngoài ra cây ăn trái, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng có bước phát triển mạnh. Một số loại nông sản đã hình thành được vùng chuyên canh, tạo được thương hiệu riêng như: Bưởi Năm Roi Phú Hữu, chanh không hạt Châu Thành, cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Mỹ, khóm Cầu Đúc, cá thát lát Hậu Giang…

Về đầu tư, trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư cho khu vực nông thôn là 14.600 tỷ đồng, chiếm gần 30% vốn đầu tư toàn xã hội. Từ đó, góp phần làm thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển SX…

Cụ thể từ năm 2009- 2013, đã xây dựng mới được 1.853 km đường nhựa và bê tông, duy tu sửa chữa trên 1,6 triệu m2 đường; xây dựng 1.530 cây cầu với tổng kinh phí thực hiện là 1.219 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 528 tỷ đồng. Thông qua chiến dịch giao thông – thủy lợi mùa khô hằng năm, đã thực hiện đào đắp được 5,942 triệu m3 đất, kinh phí trên 261 tỷ đồng, từ đó nâng thêm diện tích canh tác được phục vụ tưới, tiêu góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.

Chương trình MTQG về xây dựng NTM đã và đang được triển khai tích cực, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Đến nay, 100% xã đã hoàn thành quy hoạch và đang triển khai thực hiện đề án; 11 xã điểm của tỉnh đã đạt bình quân từ 10-11 tiêu chí, trong đó xã Tân Tiến (TP Vị Thanh) đang dẫn đầu toàn tỉnh; 43 xã còn lại đạt từ 3-4 tiêu chí.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang kiến nghị Trung ương đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ phát triển SX nông nghiệp, dịch vụ phục vụ thu hoạch và bảo quản nông sản, điều chỉnh những bất cập trong chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay…

Đồng thời, kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ vốn cho Hậu Giang đầu tư phát triển những công trình quan trọng như: trường học, y tế, đê bao vùng nguyên liệu mía, cây ăn trái, đê bao ngăn mặn, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… để phát triển SX.

Tại hội nghị, các đại biểu còn được nghe nhiều tham luận của các Sở, ngành tỉnh, hợp tác xã, nông dân SX tiêu biểu của tỉnh. Trong đó, nhiều tham luận được đánh giá cao như: mô hình liên kết SX giữa Cty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) với nông dân, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thông qua hợp đồng bao tiêu cho nông dân; mô hình câu lạc bộ 200 (200 tấn mía/ha) ở huyện Phụng Hiệp và TP Vị Thanh góp phần nâng cao năng suất, thu nhập cho nông dân; mô hình nuôi ba ba, cua đinh thúc đẩy phát triển kinh tế hộ…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Hậu Giang, nhất là về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (bình quân đạt 12,4%/năm, riêng năm 2012 đạt 14,13%). Hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư khá đồng bộ.

Tỉnh cũng đã lựa chọn được những cây, con chủ lực để quy hoạch vùng SX tập trung, hình thành mô hình SX lớn, phát huy được lợi thế riêng của tỉnh trong đầu tư SX đối với các mặt hàng nông sản có thế mạnh như: lúa, mía, cây ăn trái và thủy sản.

Tuy nhiên, phát triển SX của Hậu Giang vẫn chưa thật sự bền vững, khâu liên kết tiêu thụ hàng hóa còn yếu, dẫn đến tình trạng nông dân “được mùa rớt giá”, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chưa nhiều. Tốc độ giảm nghèo của tỉnh nhanh nhưng vẫn còn khá cao, hiện còn tới 14,51%.

 Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hậu Giang cần tập trung tổ chức lại SX, phát triển các hình thức SX mới, liên kết, hợp tác, đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào SX, gắn với xây dựng thương hiệu cho nông sản. Đặc biệt, trong quy hoạch cần tính tới liên kết vùng, tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, không để xảy ra tình trạng nông dân SX chạy theo phong trào, dẫn đến sản phẩm làm ra không tiêu thụ được…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sau 10 năm tái lập tỉnh và 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng lên. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì vẫn còn thấp, thu nhập bình quân đầu người tuy đã tăng gấp hơn 2 lần nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các tỉnh khác trong khu vực, tỷ lệ hộ nghèo cáo khá cao…

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh Hậu Giang bắt tay xây dựng kế hoạch cho 5 năm tiếp theo và định hướng đến năm 2020. Theo đó, cần tập trung khắc phục những yếu kém về hạ tầng nông thôn, giáo dục, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Rà soát lại quy hoạch phát triển nông thôn, gắn SX nông nghiệp với công nghiệp chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Trong SX phải coi trọng việc áp dụng KHKT, kết nối nhà khoa học với nông dân, đồng ruộng nhằm đem lại hiệu quả cao.

Về xây dựng NTM, không làm dàn trải, cầu toàn, mà phải tập trung cho những tiêu chí quan trọng, thiết thực với đời sống người dân để ưu tiên làm trước. Đưa Chương trình MTQG xây dựng NTM thành phong trào xây dựng NTM, trong đó người dân là chủ thể và theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các Bộ, ngành Trung ương phải quan tâm, chỉ đạo tỉnh Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết tam nông. Hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu nông sản, nhất là mặt hàng lúa gạo, tiến tới thành lập sàn giao dịch lúa gạo cho ĐBSCL.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Gần 400ha cây trồng ở Cao Bằng bị ảnh hưởng bởi mưa to, dông lốc

Tại tỉnh Cao Bằng, mưa to kèm dông lốc từ ngày 17/4 đến nay đã gây thiệt hại 395ha cây trồng và gần 2.500 ngôi nhà.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm