| Hotline: 0983.970.780

Tập trung phát triển NTM và xóa đói giảm nghèo

Thứ Hai 04/11/2013 , 09:57 (GMT+7)

Trong giai đoạn 2016 - 2020, sẽ lồng ghép 14 chương trình mục tiêu quốc gia vào hai chương trình chính là phát triển nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững...

“Năm 2015, sẽ cắt giảm các chương trình thành phần nằm trong 16 chương trình mục tiêu quốc gia để phù hợp với nguồn lực hiện có. Trong giai đoạn 2016 - 2020, sẽ lồng ghép 14 chương trình mục tiêu quốc gia vào hai chương trình chính là phát triển nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh thông tin tới các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong ngày 2/11.

Đầu tư lớn nhưng chất lượng không cao

Cũng giống những thừa nhận yếu kém của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) sau 3 năm thực hiện của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong ngày đầu khai mạc như hàng loạt mục tiêu đạt kết quả thấp so với kế hoạch ban đầu, 96% xã không đạt chuẩn nông thôn mới…

ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) nhận định: Sau 3 năm triển khai, tại Tuyên Quang, nhiều Chương trình mục tiêu QG đạt hiệu quả thấp, chất lượng, tính bền vững chưa cao do đầu tư dàn trải. Nhiều chương trình xây dựng mục tiêu, định hướng quá lớn trong khi nguồn vốn thấp. Các địa phương không cân đối được ngân sách, huy động vốn hạn chế, nhất là miền núi do đó khó đạt chỉ tiêu, cụ thể như chương trình nước sạch, nông thôn mới, dạy nghề cho lao động nông thôn.


Tập trung xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao luôn là mong muốn của 
nhiều đại biểu

"Vì vậy, Chính phủ cần ưu tiên cho những dự án trọng điểm, thiết thực tới đời sống người nghèo, vùng núi cũng như có đánh giá cụ thể hiệu quả của các chương trình trước khi có kế hoạch đầu tư mới”, ĐB Mai kiến nghị.

Với ĐB Danh Út (Kiên Giang) thì 16 Chương trình MTQG thực hiện trong 3 năm qua có quá nhiều dự án, vốn chi quá lớn trong khi chi trực tiếp cho người thụ hưởng còn quá ít. Thêm vào đó, cơ chế quản lý chỉ đạo, điều hành chương trình vẫn còn tình trạng chia cắt trong chỉ đạo từ cấp Trung ương, gây khó khăn cho địa phương trong việc lồng ghép nguồn lực thực hiện các mục tiêu. Chương trình triển khai đã 3 năm nhưng Chính phủ chưa ban hành quyết định sửa đổi quy chế quản lý điều hành theo hướng phân cấp cho địa phương.

ĐB Út đề nghị: Chính phủ cần giữ nguyên danh mục các chương trình song thu gọn lại dự án, đồng thời cắt giảm các mục tiêu không cần thiết để dành kinh phí cho xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. “Nếu tập trung vào 2 chương trình này, những người sống ở nông thôn, miền núi, khó khăn sẽ được hưởng thụ, như thế cả con cá lẫn cần câu đến được người nghèo”, ĐB Út chia sẻ.

Cũng theo ĐB này, Chính phủ cần ban hành quy chế quản lý điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia thay thế cơ chế cũ, với tinh thần giao kế hoạch hàng năm sang giao trung hạn. Đặc biệt, phải có quy định rõ cơ chế xử lý nguồn vốn để địa phương lồng ghép với nguồn vốn địa phương, tập trung dứt điểm theo từng năm.

ĐB Hà Sơn Nhin (Gia Lai) nhận xét, các chương trình có tình trạng thiếu tập trung, dàn trải, hiệu quả thấp do cơ chế quản lý, điều hành có thủ tục liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành. Cơ quan quản lý thực hiện chưa tinh gọn nên dẫn đến kéo dài thời gian triển khai, làm tăng bộ máy và nhân sự quản lý, tăng kinh phí. Các nguồn lực để bảo đảm thực hiện các Chương trình MTQG, nhất là kinh phí hỗ trợ trực tiếp của mỗi chương trình mà Trung ương phân bổ cho các địa phương còn quá hạn hẹp, không đạt tỷ lệ quy định.

Ở góc độ khác, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) và ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) chung đề nghị Chính phủ cần rà soát chặt chẽ phần chi sự nghiệp để bổ sung vào phần chi phát triển, bảo đảm tính hiệu quả của các chương trình. Thêm vào đó, nên tăng cường phân cấp và tạo điều kiện cho địa phương tự cân đối nguồn lực, lồng ghép giữa các chương trình dự án nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đón nghe toàn bộ những đóng góp về bất cập và kiến nghị có liên quan đến Chương trình MTQG, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận xét: góp ý của các ĐB hoàn toàn đúng và có cơ sở. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vinh, giai đoạn 2014 - 2015, Nghị quyết của QH đã phân bổ ngân sách để thi hành nên không thể cắt ngay 16 Chương trình MTQG.

Trước mắt, Chính phủ muốn giữ nguyên 16 chương trình này, chỉ rà soát cắt giảm các chương trình thành phần, thu hẹp các mục tiêu cho thích hợp với nguồn lực, nhất là không khởi công các dự án mới. Và trong 5 năm tiếp theo (2016 - 2020) sẽ lồng ghép tất cả các Chương trình MTQG vào hai chương trình chính là phát triển nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững. Đây là hai chương trình có tính chất xã hội quan trọng, có thể thực hiện cùng trên một địa bàn.

Tổng kinh phí huy động thực hiện các Chương trình MTQG trong 3 năm (2011 - 2013) là gần 93.000 tỷ đồng, trong đó 55,4% là ngân sách trung ương, gần 27% ngân sách địa phương; nguồn vốn dân đóng góp và huy động khác khoảng 8.595 tỷ đồng…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.