| Hotline: 0983.970.780

Tập trung sản xuất đồng loạt, né rầy

Thứ Hai 16/04/2018 , 06:55 (GMT+7)

Mới đây, Cục BVTV tổ chức hội nghị sơ kết công tác BVTV vụ ĐX 2017 - 2018 ở các tỉnh Nam bộ, triển khai kế hoạch vụ HT năm 2018.

14-12-33_nh_1
Mặc dù dịch hại phức tạp nhưng lúa vẫn được mùa nhờ áp dụng tốt các biện pháp KHKT

Theo Cục BVTV, trong vụ lúa ĐX 2017 - 2018, khu vực Nam bộ sản xuất hơn 1,67 triệu ha lúa, sản lượng hơn 11,1 triệu tấn lúa, tăng hơn 1 triệu tấn so vụ ĐX trước. Trong đó, các tỉnh ĐBSCL xuống giống trên 1,6 triệu ha, sản lượng hơn 10,7 triệu tấn. Sản lượng lúa dù tăng, nhưng tình hình sâu bệnh diễn biến khá phức tạp.

Cụ thể, vụ ĐX 2017 - 2018, diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu hơn 33.500ha; lúa bị vàng lùn, lùn xoắn lá (VLLXL) hơn 5.500ha; gần 42.195ha bị nhiễm đạo ôn; hơn 5.384ha bị sâu cuốn lá; 11.220ha bị bệnh lem lép hạt; 18.800ha lúa bị cháy bìa lá... Đáng lo nhất là có gần 49.000ha lúa bị muỗi hành (sâu năn). Ngoài lúa, sâu bệnh còn xuất hiện trên 1.500ha thanh long; hơn 6.200ha nhãn bị chổi rồng; 3.000ha cây có múi bị vàng lá Greening; diện tích nhiễm bệnh trên cây tiêu cũng đang tăng rất nhanh…

Kế hoạch vụ HT năm 2018, các tỉnh Nam bộ sản xuất khoảng 1,74 triệu ha lúa, sản lượng sự kiến đạt khoảng 9,77 triệu tấn. Trong đó, vùng ĐBSCL đóng vai trò chủ lực với diện tích lúa hè thu gần 1,65 triệu ha, sản lượng 9,32 triệu tấn... Hiện vụ HT 2018 đã xuống giống được trên 350.000ha.

Theo ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam, so với vụ ĐX năm trước thì năm nay điều đáng báo động khi diện tích lúa bị nhiễm VL-LXL tăng cao tới trên 5.000ha. Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu đang là các ổ dịch, Trung tâm đã tổ chức họp với các địa phương để tìm nguyên nhân, giải pháp xử lý ổ dịch.

Về thực trạng sử dụng giống lúa, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Cục Trồng trọt, nhấn mạnh: “ĐBSCL là vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn nhất cả nước, các loại giống lúa phục vụ cho sản xuất trong vùng là rất quan trọng. Cần phải có sự chọn lựa giống lúa phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và thị trường tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu”.

Theo ông Tùng, nông dân vẫn còn thói quen tự để giống, hoặc mua tại những cơ sở chưa được phép, không đủ điều kiện sản xuất giống dẫn đến chất lượng gạo kém khiến cho việc ký kết hợp đồng tiêu thụ không đạt yêu cầu. Các cơ quan chuyên môn cần tăng cường kiểm tra các DN hay cơ sở SXKD chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh giống lúa.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV lưu ý, vụ ĐX vừa qua đã gặp không ít khó khăn, do tình hình biến đổi khí hậu, mưa trái mùa và hạn mặn xảy ra làm ảnh hưởng đến lúa, hoa màu cuối vụ ĐX. Dịch bệnh gây hại cho cây trồng, nhất là cây lúa trong vụ hè thu dự báo sẽ phức tạp; đáng ngại là rầy nâu và bệnh VL-LXL. Để đảm bảo vụ HT thắng lợi, ngay từ bây giờ các địa phương cần phải tăng cường tuyên truyền cho nông dân hiểu và có phương pháp phòng bệnh. Các tỉnh ĐBSCL đang xuống giống lúa HT, cần tập trung sản xuất đồng loạt, đúng thời vụ để né rầy. Đặc biệt lưu ý trong tháng 4 và tháng 5, một số nơi xuất hiện rầy nâu di trú… vì vậy các ngành chức năng và nông dân phải chủ động phòng ngừa, giảm thiểu diện tích bị bệnh.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.