| Hotline: 0983.970.780

'Tàu 67' đầu tư tiền tỷ nằm bờ vì vướng mắc bảo hiểm, nhiều ngư dân bức xúc

Thứ Năm 16/03/2017 , 08:26 (GMT+7)

Dù đã hạ thủy vào cuối năm 2016, tuy nhiên nhiều “tàu 67” ở Khánh Hòa không thể vươn khơi do vướng mắc chuyện không mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị… theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Việc tàu cá không thể ra khơi trong thời điểm đang vào mùa khai thác thủy sản khiến các chủ tàu lo lắng không có tiền trả nợ ngân hàng.

Thiệt hại đủ đường

Theo quy định, ngay sau khi “tàu 67” hạ thủy, đưa vào hoạt động, các chủ tàu phải thực hiện việc mua các bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, lưới ngư cụ… nhằm mục đích vừa đảm bảo rủi ro tài sản và nợ vay của các ngân hàng.

Tuy nhiên sau thời điểm 31/12/2016, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chưa có Cty bảo hiểm nào đồng ý bán bảo hiểm cho các tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Điều này đã gây khó khăn cho các chủ tàu không thể vươn khơi dù cuối năm 2016 nhiều “tàu 67” ở Khánh Hòa đã hạ thủy và sẵn sàng bám biển.

Ngư dân Trương Gia Tân, chủ tàu composite mang số hiệu KH 95879 TS, ở Hòn Rớ (TP Nha Trang) bức xúc: “Nhờ chính sách phát triển thủy sản, cụ thể Nghị định 67 và 89 của Chính phủ đã giúp gia đình tôi đóng được tàu lớn có giá hơn 10 tỷ đồng. Tàu dài 21,5m, rộng 6m, công suất 800CV trang bị đầy đủ các thiết bị, ngư cụ hiện đại phục vụ đánh bắt. Thế nhưng tôi chưa kịp vui mừng khi sở hữu được con tàu mơ ước, nay lại vướng không mua được bảo hiểm khiến tàu không thể ra khơi trong thời điểm vào mùa đánh bắt”.

09-46-17_1
Ngư dân Trương Gia Tân buồn bã vì tàu không mua được bảo hiểm nên không thể vươn khơi
 

Cũng theo anh Tân, tàu anh chính thức hạ thủy từ ngày 26/10/2016 (âm lịch), nếu mua được bảo hiểm thì đã vươn khơi được 2 - 3 chuyến biển, ít nhiều cũng kiếm được kha khá. Tuy nhiên vì lý do trên nên anh thiệt hại đủ đường.

“Ngoài thiệt hại về kinh tế do không bám biển đánh bắt, thì tôi còn mất thêm 100.000 đồng mỗi đêm do thuê người ở lại canh giữ tàu, chưa kể tiền cho anh em bạn tàu vay mượn giúp họ vượt qua khó khăn trong lúc chưa vươn khơi. Hiện một số bạn tàu vì chờ lâu quá nên đã đi bạn cho các tàu khác. Nếu tình trạng này kéo dài tôi e không chỉ mất luôn tiền do không thể thu hồi, mà còn mất luôn bạn thuyền gắn bó mới mình lâu năm”, anh Tân than vãn.

Không chỉ anh Tân, mà đây cũng là bức xúc của 4 chủ tàu khác gồm Trần Văn Đạt, Nguyễn Tèo, Dương Cao Hoan và Võ Đình Hiệp đều trú ở TP Nha Trang có vay vốn đóng tàu theo NĐ 67 đã hạ thủy, lắp đặt xong ngư cụ nhưng vẫn chưa mua được bảo hiểm.

“Vừa qua Chính phủ đã thống nhất kéo dài thời gian thực hiện các chính sách 67 đến hết ngày 31/12/2017. Nhưng chúng tôi không hiểu tại sao Chính phủ đã cho tiếp tục gia hạn rồi mà công ty bảo hiểm lại tạm ngưng việc bán bảo hiểm thân tàu theo NĐ 67. Chúng tôi hết sức sốt ruột, vì bao nhiêu vốn liếng dồn vào con tàu, nay không đi biển được lấy tiền đâu mà trả tiền vay ngân hàng”, chị Lê Thị Hằng, vợ của anh Nguyễn Tèo, chủ tàu composite KH 98578 TS, hành nghề mành chụp bộc bạch.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại Khánh Hòa, thời gian qua đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm theo NĐ 67 chỉ có duy nhất Cty Bảo hiểm Bảo Minh Khánh Hòa, nhưng hiện đã ngưng bán bảo hiểm cho các chủ tàu.

Lý do công ty từ chối bán bảo hiểm cho chủ tàu được nêu rõ khi Bảo Minh Khánh Hòa có công văn số 215, ngày 24/2/2017 gửi Chi cục Thủy sản Khánh Hòa: “Theo NĐ 67, thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm đến ngày 31/12/2016 là hết hiệu lực. Theo Nghị quyết 113 của Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai về bảo hiểm cho các tàu hải sản xa bờ, nhưng cho đến nay, Bảo Minh Khánh Hòa vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn từ Bộ Tài chính để tiếp tục triển khai”.
 

Cần nhanh chóng tháo gỡ giúp ngư dân

Trước vướng mắc trên, hiện các ngư dân đã làm đơn gửi lên Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản, Cty Bảo hiểm Bảo Minh kiến nghị nhanh chóng tháo gỡ để giúp họ được vươn khơi sớm nhất.

09-46-17_2
Nhiều tàu 67 ở Khánh Hòa nằm bờ do không mua được bảo hiểm
 

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa thừa nhận việc vướng mắc mua bảo hiểm theo NĐ 67 không chỉ ảnh hưởng đến việc các ngân hàng thương mại khó khăn để xem xét tiếp tục đầu tư và giải ngân tín dụng, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của ngư dân do không mua được bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro khi hoạt động trên biển. 

Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm (thân tàu và thuyền viên) khi hoạt động trên biển, phòng ngừa rủi ro, đảm bảo tài sản cho các ngân hàng thương mại cho ngư dân vay để đóng mới tàu cá theo NĐ 67, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa đã công văn số 1395/UBND-KT, ngày 21/2/2017 kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính sớm có chỉ đạo hướng dẫn thực hiện.

Như vậy, các chủ tàu nơi đây sẽ tiếp tục chờ văn bản hướng dẫn từ Bộ Tài chính khi đó Cty Bảo hiểm Bảo Minh Khánh Hòa mới bán bảo hiểm cho chủ tàu.

+ Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Thủy sản Khánh Hòa đề xuất: "Để ngư dân có sự lựa chọn, đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho ngư dân nên cho các Cty bảo hiểm khác được cùng bán bảo hiểm theo NĐ 67. Được biết, thực hiện NĐ 67, tỉnh Khánh Hòa được phân bổ chỉ tiêu 160 tàu cá đóng mới, nâng cấp và đóng mới 15 tàu dịch vụ. Tuy nhiên đến nay mới có 54 tàu được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có 12 tàu cá đóng mới và 3 tàu cá nâng cấp đã hạ thủy, đưa vào khai thác".

+ Anh Trương Gia Tân cho biết: "Các tàu của chúng tôi đều có công suất trên 400CV, khi mua được bảo hiểm theo NĐ 67 thì được nhà nước hỗ trợ 90% tiền. Còn nếu không mua được bảo hiểm thì tàu không thể vươn khơi, rất lãng phí. Do đó, chúng tôi đang bấm bụng mua bảo hiểm theo Quyết định 48 trước đây, là nhà nước chỉ hỗ trợ 50% bảo hiểm thân tàu. Như trường hợp tàu của tôi để mua bảo hiểm phải mất khoảng 70 triệu đồng, nếu không có tiền thì phải vay thôi".

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm