| Hotline: 0983.970.780

Tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng: Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam

Thứ Ba 06/03/2018 , 08:36 (GMT+7)

Giới quan sát Đông Nam Á cho rằng việc tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson thăm Việt Nam cho thấy hai nước tăng niềm tin lẫn nhau.

Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, đi kèm một tuần dương hạm tên lửa và một tàu khu trục, tổng cộng hơn 6.000 thủy thủ, đã đến thành phố cảng Đà Nẵng hôm 5/3. Đây là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, tạp chí Mỹ Time bình luận.
 

Thúc đẩy quan hệ

Tờ báo của Mỹ cũng cho rằng mục đích của hải quân Mỹ trong chuyến thăm lần này là nhằm nâng cao sự hợp tác giữa hai nước, trong bối cảnh Trung Quốc đang không hề che giấu ý đồ mở rộng các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

15-47-48_tu-sn-by2
Tàu sân bay USS Carl Vinson vào Đà Nẵng. Ảnh: Reuters

Ở Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép, Bắc Kinh đã không ngừng quân sự hóa. Tại Trường Sa, cũng của Việt Nam, Bắc Kinh không ngừng mở rộng quy mô 7 thực thể chiếm đóng phi pháp tại đây.

“Chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson cho thấy mức độ tin cậy cao hơn giữa hai nước từng đối đầu, thắt chặt quan hệ quốc phòng giữa họ, và phản ánh sự hiện diện tiếp tục của hải quân Mỹ trong khu vực”, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Học viện ISEAS-Yusof Ishak, trụ sở tại Singapore, bình luận.

Bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết đây là chuyến thăm “hữu nghị”, bao gồm trao đổi kỹ thuật, thi đấu thể thao và các hoạt động mang tính cộng đồng khác. Đây là sự tăng cường quan hệ giữa hai nước, không phải động thái “bước ngoặt”. Hà Nội cho biết hải quân Mỹ đã có các hoạt động cứu trợ nhân đạo, nhiệm vụ dân sự tại Việt Nam từ 9 năm nay.

Theo bà Hằng, chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ “sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương trong khuôn khổ đối tác toàn diện, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển trong khu vực”.

Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995. Tới năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Hai nước cũng đã dần cải thiện quan hệ trong tất cả lĩnh vực như thương mại, đầu tư và an ninh.

“Mặc dù chuyến thăm này mang tính biểu tượng là chính và nó không thể thay đổi hành vi của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông. Song nó vẫn cần thiết trong việc gửi thông điệp rằng Mỹ sẽ đến để ở lại”, tiến sĩ Hiệp nói.
 

Mỹ ủng hộ Việt Nam vững mạnh

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink hôm qua có mặt trong số các quan chức, tướng lĩnh đón tàu sân bay USS Carl Vinson. “Chuyến thăm đánh đầu cột mốc quan trọng mang tính biểu tượng trong mối quan hệ song phương của chúng ta và thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập. Với nỗ lực, sự tôn trọng lẫn nhau và bằng cách tiếp tục giải quyết các vấn đề trong quá khứ cùng lúc hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, từ cựu thù chúng ta đã trở thành đối tác chặt chẽ”, ông Kritenbrink nói.

15-47-48_tu-sn-by1
Hoạt động trên tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ. Ảnh: Reuters

Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, cho biết: “Trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước chúng ta đã đạt được những tầm cao mới, và chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson tới Việt Nam đã phản ánh điều đó. Tôi tự tin rằng những hoat động như thế này sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.

Năm ngoái, lãnh đạo cấp cao Mỹ và Việt Nam đã thảo luận về khả năng một tàu sân bay sẽ tới thăm Việt Nam trong nỗ lực tăng cường quan hệ quốc phòng.

“Hôm nay là một ngày lịch sử và chúng tôi rất vinh dự khi nhận được sự đón tiếp nồng hậu tại đây. Chúng tôi cũng muốn cảm ơn Việt Nam vì sự hỗ trợ hậu cần tuyệt vời giúp chuyến thăm này trở thành hiện thực. Hoa Kỳ và Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết”, Chuẩn Đô đốc John Fuller, Tư lệnh nhóm tàu sân bay tác chiến, phát biểu.

USS Carl Vinson (CVN 70) là tàu sân bay lớp Nimitz thứ 3 của Mỹ. Nhiệm vụ chính của tàu là triển khai và duy trì các hoạt động tác chiến trên không. Tàu Vinson hoạt động với sự hỗ trợ của Không đoàn tàu sân bay 2, tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường USS Lake Champlain (CG 57) và 2 tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer (DDG 108) và USS Michael Murphy (DDG 112).

Nhóm tàu sân bay tác chiến Carl Vinson rời San Diego vào ngày 5/1 để thực hiện kế hoạch triển khai định kỳ đến Tây Thái Bình Dương.

Tàu Carl Vinson hoạt động ngoài khơi bờ biển Nam California để triển khai hoạt động của không đoàn trên boong trước khi chuyển sang bờ tây.

Công tác huấn luyện và hoạt động định kỳ được tiến hành ngoài khơi bờ biển Hawaii.

Box 2: Công ty đóng tàu: Newport News Shipbuilding and Drydock Co. Tổng chi phí: 3,8 tỷ USD.

Khởi công đóng tàu: 11/10/1975. Hạthủy: 15/3/1980. Đưa vào biên chế 13/3/1982. Chiều dài: 332,8 mét (1.092 feet). Chiều rộng: 76, 8 mét (252 feet)

Chiều cao từ ky tàu đến cột buồm: 74,4m (tương đương tòa nhà 24 tầng) Trọng tải tàu: 95.000 tấn. Số lượng thủy thủ đoàn: 3.000 thủy thủ, 2.000 nhân viên phụ trách không đoàn Không gian (số phòng): Trên 3.000.

Diện tích boong máy bay: 1,82 hectar. Quy mô không đoàn: hơn 70 máy bay. Lực đẩy: Hạt nhân (2 lò phản ứng). Chân vịt: 4 (mỗi chiếc rộng 7,62m). Bánh lái: 2 (8,8m x 6,7m). Tốc độ: 30+ hải lý/giờ. Mỏ neo: 2 (mỗi chiếc nặng 27.215 kg)

Xích neo tàu: Mỗi chiếc dài 330m và nặng 367,5 tấn (mỗi mắt xích nặng 165,5 kg) Thang máy nâng máy bay: 4 (360,5 m2)

Các loại vũ khí được trang bị: Bệ phóng tên lửa NATO Sea Sparrow. Hệ thống tên lửa dẫn đường Rolling Airframe Missile (RAM), hệ thống tên lửa chống tàu Phalanx CIWS.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất