| Hotline: 0983.970.780

Tàu thuyền Lý Sơn “đói” nơi trú bão

Thứ Hai 04/11/2013 , 14:50 (GMT+7)

Cầu cảng cá ở đảo Lý Sơn chẳng những đã không làm tiêu sóng mà còn làm cho sóng vỗ mạnh hơn, neo đậu tàu thuyền ở đây dễ bị sóng đánh vỡ.

Ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lúc nào cũng lo tìm chỗ trú cho tàu thuyền của mình mỗi khi có bão, dù ở hòn đảo tiền tiêu này đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng một cảng cá rất hoành tráng.

Nguyên nhân do theo thiết kế mới, cầu cảng cá ở đảo Lý Sơn chẳng những đã không làm tiêu sóng mà còn làm cho sóng vỗ mạnh hơn, neo đậu tàu thuyền ở đây dễ bị sóng đánh vỡ.

Trong mấy ngày qua, dù cơn bão số 12 còn ở ngoài biển Đông nhưng ngư dân ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã cấp tập lo tìm nơi tránh trú bão cho tàu thuyền của mình. Tuy nhiên, để tìm được được nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền qua cơn bão, ngư dân ở huyện đảo đã phải chịu không ít vất vả.

Nếu ai không “nhanh chân” chạy về vũng neo đậu tàu thuyền ở xã An Hải thì sẽ không có chỗ, bởi chỗ neo trú này luôn luôn bị quá tải mỗi khi có bão. Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện đảo Lý Sơn, cho biết: “Chưa kể 427 chiếc tàu đánh cá và tàu làm dịch vụ nghề cá, cùng 11 tàu làm dịch vụ giao thông, vận tải của ngư dân huyện đảo; mỗi khi có bão, tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam hoặc Bình Định đang đánh bắt trên những vùng biển gần đảo Lý Sơn đều tuôn về vũng neo đậu tàu thuyền ở xã An Hải để tránh trú bão. Bởi vậy, tại những thời điểm đó, vũng neo đậu An Hải luôn quá tải”.


Vũng neo đậu tàu thuyền An Hải luôn quá tải khi có gió bão

Neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Lý Sơn trong điều kiện bão tố thì ngư dân không an tâm, do cầu cảng mới được xây dựng với những khối bê tông nhô ra mặt biển đã khiến sóng nhỏ thành sóng to, neo đậu tàu thuyền ở đây dễ bị sóng va đập làm chìm, hoặc hư hỏng phương tiện.

Thậm chí, không cần phải có bão dữ dội, chỉ mới gió cấp 5, cấp 6 thôi là ngư dân đã không dám neo đậu tàu thuyền tại cầu cảng để tránh tai họa. Mới trước đây gần 1 tháng, khi cơn bão số 11 chưa xảy ra; vào ngày 6/10, tại vùng biển Lý Sơn mới chỉ có sóng lớn, nhưng chiếc tàu cá có công suất 33 CV của ngư dân Bùi Hùng ở thôn Tây, xã An Vĩnh đang neo đậu tại đây đã bị sóng đánh chìm.

Ngư dân Bùi Hùng bức xúc vì phải chịu tổn thất 100 triệu đồng thì đã đành, nhưng hầu hết ngư dân ở Lý Sơn đều bức xúc theo vì họ nghĩ: Cảng mới được xây dựng đến hàng chục tỷ đồng chứ ít đâu, nhưng tàu thuyền lại không thể an tâm neo đậu!

 

Trước đây, cầu cảng cũ của cảng cá Lý Sơn được xây dựng bằng các cọc nhồi bê tông, có nhiều khoang hở để tiêu sóng. Tàu thuyền của ngư dân có thể neo đậu tại đây trong gió cấp 7, cấp 8 mà vẫn an toàn. Sau cơn bão số 9 xảy ra vào năm 2009, cầu cảng cũ bị hư hỏng nặng.

Cách nay 2 năm, vào tháng 10/2011, cảng cá Lý Sơn được đầu tư hơn 30 tỷ đồng để xây dựng mới. Sau khi công trình này khởi công, lòng của ngư dân huyện đảo Lý Sơn vui như mở hội, vì cầm chắc từ nay tàu thuyền của mình đã có được nơi neo đậu an toàn. Thế nhưng sau khi đi vào hoạt động, 1 thực tế ngược lại đã tước đi niềm phấn khởi của ngư dân ở đây, thay vào đó là nỗi lo lắng thường trực.

Theo thiết kế mới, cầu cảng của cảng cá mới ở Lý Sơn được xây dựng bằng các khối bê tông đúc sẵn, ghép nối lại trên hệ thống cọc khoan ngầm dưới rạn san hô; chịu được gió bão cấp 11, cấp 12. Tuy nhiên, chỉ gió cấp 5, cấp 6 thôi là tàu thuyền không thể neo đậu tại đây.

Các khối bê tông phẳng nhô ra biển không biết tác động thế nào mà làm cho sóng biển dữ dội hơn. Do vậy, trong 2 năm qua, tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn chỉ dám vào neo đậu tại cảng cá vào mùa nắng; đến mùa biển động hoặc khi có gió bão thì họ cam đành chịu tốn nhiên liệu chạy tìm nơi trú ẩn khác để bảo vệ tài sản của mình.


Tàu thuyền chỉ có thể neo đậu tại cảng cá Lý Sơn trong mùa nắng

Có người cho rằng, cầu cảng cá được xây dựng tại xã An Vĩnh chỉ là để phục vụ cho hoạt động đưa cá lên bờ tiêu thụ của ngư dân Lý Sơn sau mỗi chuyến biển; còn việc neo đậu tàu thuyền tránh trú bão là “nhiệm vụ” của vũng neo đậu tại xã An Hải.

Thế nhưng ngư dân của đảo Lý Sơn thì nói khác, sau mỗi chuyến đánh bắt họ đều cho tàu thuyền chạy về cảng Sa Kỳ để bán sản phẩm, sau đó mới ngược ra neo đậu tại cảng cá Lý Sơn, nằm chờ sắm tổn mở chuyến biển mới.

Vậy nên, thực tế bất hợp lý trong thiết kế xây dựng cảng mới tốn hàng chục tỷ đồng mà không mang lại chút hiệu quả nào đã khiến ngư dân ở đây vô cùng bức xúc. Họ lo lắng, chuyện tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn cứ đến mùa biển động hoặc khi có bão tố là phải bỏ cảng chạy tìm nơi tránh trú còn biết còn tiếp diễn cho đến khi nào mới chấm dứt!

“Trước búc xúc của người dân, vũng neo đậu tàu thuyền tại xã An Hải đang khẩn trương tiến hành xây dựng giai đoạn 2, kế hoạch qua sang năm là đưa vào sử dụng.

Sau khi hoàn thành, luồng chạy vào vũng neo đậu này sẽ được mở rộng đến 60m, dài 450m, có đủ chỗ neo đậu cho 500 tàu thuyền có công suất từ 500 CV trở lên, đó là chưa kể đến tàu thuyền có công suất nhỏ”, ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lý Sơn, cho biết.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.