| Hotline: 0983.970.780

Tay đàn miệng hát xẩm giúp đời mua vui

Thứ Tư 01/02/2017 , 14:01 (GMT+7)

Mai Đức Thiện sinh năm 1989, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Anh đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm quảng bá, vinh danh nghệ thuật hát xẩm trong cộng đồng Internet với tâm niệm:

Nếu bây giờ chúng ta không gìn giữ và quảng bá nghệ thuật xẩm thì thế hệ sau này chẳng còn gì để giữ. Từ đó, anh đã tự gánh vác trên vai sứ mệnh khôi phục, quảng bá nghệ thuật xẩm, thắp sáng ngọn lửa đam mê cổ nhạc cho giới trẻ để nghệ thuật truyền thống Việt Nam mãi trường tồn và nối tiếp!

22-07-08_mi-duc-thien-xm-2
Mai Đức Thiện trong một lần diễn xẩm
 

Nhắc đến Mai Đức Thiện, nhiều người biết đến anh là một trong những người trẻ tiên phong trong việc quảng bá nghệ thuật truyền thống trên mạng. Kênh Youtube của anh là một kho tư liệu về nghệ thuật chèo, chầu văn, trống quân và đặc biệt là nghệ thuật hát xẩm. Vậy cơ duyên từ đâu để anh đến và dành nhiều công sức cho xẩm đến vậy?

Năm 2006, Trung tâm phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam (TT.ANVN) tổ chức biểu diễn hát xẩm, trống quân, chầu văn ở phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân. Cuối mỗi tuần là tôi đến xem nghe hát, trở thành khán giả thường xuyên của chương trình. Các nghệ sỹ hát trên sân khấu, ở dưới tôi lẩm nhẩm hát theo rồi những giai điệu xẩm, trống quân bắt đầu ghi sâu vào tâm trí.

Đến năm 2008 khi TT.ANVN mở lớp truyền dạy nghệ thuật hát xẩm thì tôi đăng ký theo học. Tôi được NSND Xuân Hoạch, nhạc sỹ Thao Giang dạy cho những câu hát xẩm đầu tiên.

Tôi bắt đầu làm quen với việc nghe hát xẩm hàng ngày và tìm hiểu về xẩm. Khi nghe các bản hát xẩm của nghệ nhân Hà Thị Cầu, các nghệ sỹ, tôi cảm nhận được những nét hay nét đẹp của nghệ thuật hát xẩm. Mỗi bài hát xẩm là một câu chuyện kể về nhân tình thế thái, về đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ, về tình cảm giao duyên nam nữ, về thân phận của những người phụ nữ thời xưa, đả kích châm biếm những thói hư tật xấu của xã hội đương thời… những câu chuyện kể ấy cứ cuốn hút tôi vào thế giới của xẩm.

Chúng ta vẫn thường nghe về xẩm nhưng không phải ai cũng biết rõ về nghệ nhân xẩm và những kỹ thuật trình diễn xẩm. Anh có thể phân tích kỹ một chút về điểm này?

Hát xẩm là loại hình “hát kể chuyện”, giai điệu hình thành dựa trên thanh điệu tiếng Việt và ngữ điệu lời văn. Hát xẩm là một nghề đàn hát dân gian thuần Việt mang tính chuyên nghiệp có nguồn gốc ở Đồng bằng Bắc bộ. Tính chuyên nghiệp của hát xẩm được quy định chặt chẽ ở bốn yếu tố: văn học, nhạc khí, làn điệu (âm nhạc) và môi trường diễn xướng.

Hát xẩm thường tụ nhau thành những nhóm nhỏ từ 2 - 3 hoặc 4 người, gồm vợ chồng, con cái, hoặc anh em, bè bạn... Trong số này, trưởng nhóm thường là người chơi đàn bầu hoặc nhị, hồ và hát chính. Những người khác đều phải biết chơi tối thiểu một nhạc cụ.

Điều đáng nói là trên sân khấu của nghệ thuật hát xẩm thường cùng lúc diễn ra ba công việc: “biểu diễn, sáng tác và truyền nghề”. Khi một người được tuyển chọn tham gia với nhóm hát, ông trưởng nhóm phải huấn luyện cho người đó chơi nhạc cụ hoặc cách hát xướng, cách phổ thơ, soạn thơ... suốt cả quá trình biểu diễn.

Nói về khả năng trình diễn, xẩm thuộc loại bộ môn mà nghệ nhân luôn phải vừa hát, vừa diễn tấu nhạc cụ cùng lúc. Vừa đàn vừa hát hay kiêm nhiệm cùng lúc nhiều nhạc cụ được xem là tiêu chuẩn xếp hạng của giới nghề. Sự đa năng đó một mặt thể hiện tài năng của nghệ nhân, tất gây ấn tượng với khán giả, mặt khác nó cũng là sự tinh giảm biên chế nghệ nhân mỗi nhóm để đảm bảo tối đa mức thu nhập.

Phổ biến kiểu dạng biên chế một người vừa hát vừa đàn bầu (hoặc nhị). Người còn lại, một tay gõ sênh chơi một mô hình tiết tấu, tay kia cầm dùi trống gõ “bập bung” điểm xuyết vào 2 chiếc trống mảnh được kẹp ở tay và kê lên đùi, có nhiều người còn chơi cả cỗ phách bàn bằng chân, với dùi được kẹp ở ngón, đồng thời có thể hát chính hoặc hát phụ họa.

Cũng có trường hợp một người vừa tay đàn miệng hát, đồng thời 2 chân gõ trống phách, rất điệu nghệ. Trong các thể loại nhạc cổ truyền Việt Nam, những nghệ nhân kiêm nhiệm đàn hát hoặc diễn tấu nhiều nhạc cụ cùng lúc như xẩm không có nhiều. Đó cũng là một đặc điểm độc đáo của nghệ thuật xẩm.

Như vậy, lâu nay chúng ta vẫn chưa hiểu thực sự về xẩm, thậm chí nhầm lẫn rằng xẩm là loại hình nghệ thuật của những người ăn xin...

Đúng vậy. Ngày nay, nhiều người nghĩ xẩm là lối hát chỉ của người khiếm thị, hành khất, nhưng trên thực tế chính họ đã đưa xẩm thành một nghề kiếm sống trong sáng bằng chính tài năng thiên bẩm của bản thân. Vì thế hát xẩm thực sự là một loại hình âm nhạc chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ, sân khấu của họ là đường phố, gốc đa, bến nước, sân đình hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo.

22-07-08_xm-mdt
Một gánh hát Xẩm thế kỷ 19 (Ảnh Mai Đức Thiện cung cấp)
 

Những người hát xẩm vốn có lòng tự trọng nghề nghiệp rất cao, họ luôn cho rằng “Cái nghiệp cầm ca có ích cho đời, tay đàn miệng hát giúp đời mua vui”. Bởi vậy khi kể về cuộc đời mình, những người hát xẩm cũng không than vãn não nề mà thường nói đến triết lý nhân sinh một cách tự hào.

Trải qua những sự biến đổi của thời cuộc mà nghệ thuật hát xẩm có nguy cơ bị mai một. Từng có thời gian các nghệ nhân lo lắng rằng xẩm sẽ bị thất truyền?

Qua nhiều thập kỷ gián đoạn, hát xẩm đang được quan tâm và khôi phục bởi các trung tâm, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nhạc sĩ nhiều thế hệ bằng nhiều hình thức, trong đó cả công tác nghiên cứu xẩm trên cơ sở khoa học, học thuật. Có công lớn trong việc khôi phục nghệ thuật hát xẩm là TT.ANVN.

Với những nỗ lực phục hồi, đầu năm 2006, chương trình âm nhạc dân gian “Hà Thành 36 phố phường” ra đời, tổ chức định kỳ tại chợ đêm Đồng Xuân (Hà Nội) đều đặn tuần một lần. Với sự giúp đỡ vô cùng hào hiệp của Cty Cổ phần Đồng Xuân, chiếu xẩm vẫn tồn tại đến ngày nay. Thứ Bảy hàng tuần, người ta đến xem rất đông, đặc biệt không phải chỉ dân Hà Nội mà rất nhiều dân các tỉnh biết tối thứ Bảy có hát xẩm là họ đến.

Vốn là dòng chảy bình lặng trong đời sống âm nhạc, hát xẩm gần đây nổi lên như một hiện tượng trong thời đại của truyền hình thực tế như "Gương mặt thân quen", "Nhí tài năng", "Cuộc đua kỳ thú", "Vietnam’s got talent"… mang lại những hiệu ứng tích cực, được công chúng đón nhận, ủng hộ và góp phần giúp giới trẻ tìm về với xẩm nhiều hơn.

Nối tiếp từng thời kỳ, các nhóm xẩm, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân nghệ sỹ đều góp phần gìn giữ, khôi phục và quảng bá nghệ thuật hát xẩm đến công chúng. Do vậy, cá nhân tôi nghĩ, hát xẩm sẽ không bị thất truyền và ngày càng được công chúng yêu thích. 

Thư viện hát xẩm online

“Hội Những người yêu hát xẩm” hoạt động trên Facebook đã thu hút và kết nối hàng trăm bạn bè yêu thích xẩm đến gần nhau hơn. Các kênh Youtube như Hát Xẩm, Tinh hoa nhạc Việt, Xẩm Hà Thành, Nghệ nhân Hà Thị Cầu, Nhạc sỹ Thao Giang… là nơi lưu giữ, quảng bá hàng trăm bài hát xẩm do các thế hệ nghệ nhân, nghệ sỹ thể hiện đã tạo nên “thư viện hát xẩm online” sinh động, gần gũi với khán thính giả ở mọi lúc mọi nơi.

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Bayern Munich vs Arsenal: Hùm xám giành vé?

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Bayern Munich vs Arsenal sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 18/04/2024 trên sân vận động Alianz Arena.

Hơn 1.400 vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực IV

13 đoàn với 1.468 vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, khu vực IV năm 2024 được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.