| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh: Nông dân trồng giống bắp lai bị quỵt?

Thứ Ba 04/05/2010 , 10:20 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay qui định trong hợp đồng do các DN phát ra đã gây bất lợi cho nông dân xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu mà vụ ĐX 2009-2010 vừa qua là điển hình.

Nông dân Dương Văn Uôn
Xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu là nơi trồng bắp giống “chuyên nghiệp” cho một số DN giống cây trồng. Nhưng ít ai để ý, từ nhiều năm nay qui định trong hợp đồng do các DN phát ra đã gây bất lợi cho nông dân mà vụ ĐX 2009-2010 vừa qua là điển hình.

Tìm về hai ấp là Xóm Bố và Cây Da, là nơi nông dân tập trung trồng bắp giống cho 2 Cty TNHH SX& TM Lương Nông (1/1 Tân Kỳ Tân Quí, P. Sơn Kỳ, Q.Tân Phú) và Cty TNHH MTV Bioseed Vietnam (27 Lý Thái Tổ, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội), điều làm chúng tôi ngỡ ngàng là mặc dù đã thu hoạch gần 2 tháng nay nhưng hầu hết nông dân lại chưa hề nhận được tiền bán sản phẩm. Tại ấp Xóm Bố có 35 hộ dân trồng 40ha bắp giống cho Cty Lương Nông gieo từ tháng 11, thu hoạch cuối tháng 2, giao sản phẩm từ trung tuần tháng 3/2010 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền.

Ông Dương Văn Uôn (57 tuổi) là người lần đầu tiên HĐ trồng bắp giống cho Cty này cho biết, ông trồng 2 ha theo sự vận động của ông Phạm Tấn Kiệt (Chi hội trưởng HND ấp Xóm Bố), nhận giống từ nhà ông Kiệt, quá trình trồng, chăm sóc cũng như thu hoạch đều có cán bộ kỹ thuật Cty Lương Nông hướng dẫn, thế nhưng sau khi giao 9.718 kg sản phẩm vào ngày 17/3/2010 thì cán bộ Cty từ đó “lặn” mất tăm, điện thoại lần đầu thì có “alo”, nhưng những lần sau không thèm bắt máy, đến nhà ông Kiệt thắc mắc thì ông này hỏi ngược lại “Mấy ông có lấy hợp đồng đi kiện không?”.

Theo hợp đồng, 15 ngày sau khi giao hàng thì Cty Lương Nông có trách nhiệm trả hết tiền, đến nay đã đầu tháng 5/2010 mà không thanh toán thì “ý tứ” của ông Kiệt nói ông Uôn đi kiện cũng đúng thôi. “Từ lúc trồng, Cty có đưa giống theo định mức 4kg/ha (giống bố) và 17kg/ha (giống mẹ), ngoài ra không có đầu tư thêm gì hết, ban đầu họ còn nói trồng xong sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng nhưng đến khi bẻ bắp cũng chẳng thấy đồng bạc nào, Cty nợ tôi 58 triệu đồng, trong khi chi phí SX đã hết phân nửa. Tiền phân tro mua chậm ở đại lý vụ trước chưa trả, nay cần mua tiếp để bón cho vụ HT này thì người ta không chịu bán, nông dân tụi tui rất khổ”- ông Uôn bức xúc nói.

Cùng cảnh ngộ, ông Dương Văn Sử trồng 7 công được 2.492 kg; ông Dương Văn Trãi trồng 5 công được 1.948 kg...cùng giao sản phẩm cho Cty Lương Nông ngày 17/3 nhưng tiền thanh toán chẳng thấy đâu. Điều rất lạ, trong khi 35 hộ nông dân trồng bắp giống cho Cty Lương Nông nhưng không có hợp đồng, trái lại DN này chỉ làm hợp đồng duy nhất với ông Phạm Tấn Kiệt coi như là “người đại diện”. Trong hợp đồng, các điều khoản ràng buộc bên thực hiện (nông dân) chặt chẽ bao nhiêu thì bên A (Cty Lương Nông) lại “ hả lỏng” bấy nhiêu.

Đơn cử, trong hợp đồng qui định bên B trồng bắp giống phải tuyệt đối thực hiện đúng qui trình kỹ thuật do bên A đưa ra, từ việc đảm bảo cách ly an toàn, khử lẫn, rút cờ...nếu không sử dụng đúng và không có sản phẩm giao nộp thì phải bồi thường tiền giống gốc là 300.000 đồng/kg (21 kg/ha=6.300.000 đ). Ngược lại, bên A ngoài việc ứng trước giống bắp bố (mẹ), còn ứng thêm phân bón hữu cơ vi sinh 1.000 kg/ha với giá 2.500 đ/kg, nhưng thực tế bên A xù không thực hiện đúng lời hứa, nhưng chiếu theo hợp đồng thì chẳng có điều khoản nào qui định xử phạt cả.

“Điều hết sức vô lý trong cả hai hợp đồng của Cy Lương Nông và Bioseed là điều khoản thanh toán, nói rằng sẽ thanh toán cho bên B sau 15 ngày khi giao hàng, nhưng kéo dài 30 ngày, thậm chí 90 ngày cũng không sao, bởi HĐ không qui định thời gian chấm dứt thanh toán”- ông Huỳnh Văn Thừa, Chủ tịch HND xã Hiệp Thạnh.

Ông Võ Thành Công, trồng 2 ha nói: “Vụ trước Cty mua 7.200 đ/kg bắp giống, vụ này mua có 6.000 đ/kg trong khi bắp thịt lên giá. Tụi tui không biết cái hợp đồng ra làm sao, chỉ biết tổng số tiền Cty phải trả cho các hộ nông dân trên 2 tỷ. Ông Kiệt chỉ là người vận động trồng, giao giống, ngoài ra hết...trách nhiệm”. Cty Bioseed VN cũng vậy, không biết các DN có “tham khảo” với nhau trước hay không mà cách làm của DN này cũng gần giống với Lương Nông, thay vì hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân thì Bioseed chỉ làm với ông Hồ Văn Vô (Chi hội trưởng HND ấp Cây Da) trên danh nghĩa là “Tổ trưởng tổ SX”.

Ông Vô đại diện đứng ra hợp đồng cho 115 hộ nông dân trồng 62,5 ha bắp giống cho Bioseed VN. Tuy nhiên, do số lượng hộ nông dân nhiều nên trong điều khoản hợp đồng, ngoài việc thù lao cho ông Vô mỗi kg sản phẩm là 40 đồng thì Bioseed đã không quên “kéo” chính quyền địa phương (xã và thôn) về với mình bằng cách trả “chi phí quản lý chung” là 60 đồng/kg. Tất nhiên, số tiền này sẽ được giao cho từng cá nhân có trách nhiệm. Thế nên, hợp đồng của Cty Bioseed với ông Vô có chữ ký xác nhận của ông Chủ tịch UBND xã Võ Văn Tiền cũng không có gì khó hiểu.

Vì lẽ đó, sau khi giao nộp sản phẩm cho Cty gần cả 2 tháng, tiền không nhận được thì nông dân không biết kiện ai, còn chính quyền tỏ ra chậm chạp trong việc bảo vệ quyền lợi cho dân. Trong khi số tiền phải thanh toán cho mỗi vụ bắp giống không dưới 2 tỷ đồng, chậm ngày nào là thiệt hại cho nông dân ngày đó.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất