| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh trước nạn sâu rầy hại mía

Thứ Ba 11/11/2014 , 10:23 (GMT+7)

Sâu đục thân loài mới liên tục tấn công và gây hại mía ở Tây Ninh. 

Trong tháng 10/2014, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định công bố dịch sâu đục thân loài mới (tên khoa học Chilo tumidicostalis) hại mía trên địa bàn tỉnh.

8 loài sâu đục thân

Theo Chi cục BVTV Tây Ninh, tổng diện tích trồng mía năm 2014 của tỉnh gần 21.000 ha. Thống kê sơ bộ, có trên 5.000 ha mía bị sâu đục gây hại. Trong đó, nhiễm nhẹ trên 4.000 ha; nhiễm trung bình gần 500 ha, nhiễm nặng trên 400 ha. Số còn lại là nhiễm rất nặng, gần 100 ha.

Qua kết quả điều tra sâu bệnh gây hại do Viện Nghiên cứu mía đường (Viện Khoa học Nông nghiệp VN) tiến hành, tỉnh Tây Ninh có 8 loài sâu đục thân đang gây hại cây mía, gồm: Sâu đục thân mình tím; mình hồng lớn; mình vàng; sâu đục thân 4 vạch đầu vàng cũ; 4 vạch đầu nâu mới; 5 vạch đầu nâu đen; 5 vạch đục mầm và sâu đục thân đục ngọn.

Trong đó, sâu đục thân mình tím chiếm tỷ lệ cao nhất, gần 48%. Các trà mía ở giai đoạn sắp thu hoạch bị sâu đục thân mình tím tấn công mạnh. Đáng lưu ý có sự xuất hiện của sâu đục thân 4 vạch đầu nâu mới tại vùng mía nguyên liệu xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, giáp huyện Dương Minh Châu.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu mía đường, sâu đục thân 4 vạch đầu nâu mới tuy chỉ chiếm tỷ lệ gần 8%, nhưng là loài sâu đục thân nguy hiểm nhất tại thời điểm hiện nay, do đặc tính gây hại tập thể, khi cây mía bị loài sâu đục thân này gây hại thì khả năng cho thu hoạch là rất ít, thường phải chặt bỏ.

Ông Hồ Thái Bình, Trưởng ban Khuyến nông, Cty CP Đường Nước Trong (Cty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh) cho biết: “Tổng diện tích đất SX của Cty là 2.000 ha, trong đó 1.600 ha trồng mía. Sâu gây hại chiếm tỷ lệ 38,5% diện tích mía. Trong 8 loài sâu gây hại, có sâu đục thân mình tím, phá mía nhiều nhất, 47,5%. Loại sâu này có tính hướng ánh đèn, Cty đã treo 572 phích bóng đèn, nếu nông dân tích cực treo phích đèn, hiệu quả mang lại rất lớn, kết hợp với các biện pháp khác như cắt bỏ mía sâu bệnh, phun thuốc mật độ mía bị sâu cao”

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, tất cả các địa phương đều có diện tích mía bị nhiễm sâu bệnh, trong đó 2 huyện bị nhiều nhất là Châu Thành (3.600 ha) và Tân Châu (1.000 ha). Hầu hết diện tích mía bị nhiễm ở giai đoạn từ 3 - 9 tháng tuổi.

GS.TS Võ Tòng Xuân cho hay, sâu đục thân mía đã xuất hiện tại nhiều nước nhưng tại Việt Nam thì loài sâu này mới được phát hiện, chủ yếu xâm nhập ở lóng mía thứ ba trở lên. Khi sâu đục thân, ngọn mía vẫn xanh tốt và đến khi ngọn mía héo vàng thì mỗi lóng mía đến cả chục con, thậm chí nhiều hơn.

Theo một số cán bộ Trạm Khuyến nông các huyện Tân Châu, Châu Thành thì biện pháp phòng ngừa sâu đục thân gây hại trên cây mía hiện nay là bóc lá mía giúp cho ruộng thông thoáng, hạn chế nơi trú ẩn của sâu, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng trị kịp thời khi tái nhiễm. Khi thu hoạch cần chặt sâu, đốt lá mía làm hạn chế nguồn lây nhiễm trên đồng ruộng. Đối với mía trồng mới, cần chọn giống chống chịu với sâu đục thân, có nguồn gốc rõ ràng.

09-45-18_su-01
Sâu đục thân đang gây hại trên cây mía

Trước tình hình sâu đục thân gây hại trên cây mía, nhưng không phải người dân nào cũng nhận biết mía của mình có phải bị sâu đục thân tấn công hay chỉ là sâu rầy thông thường. Nhằm giúp người trồng mía nhận diện các loài sâu đục thân và biện pháp phòng trừ, Viện Nghiên cứu mía đường đưa ra một số thông tin cần lưu ý sau:

TS Cao Anh Đương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường: “Sau thời gian theo dõi, phát hiện sâu đục thân hại mía ở Tây Ninh, các nhà máy đường Biên Hòa, Thành Thành Công đã nỗ lực phòng trừ.
Khi chúng tôi đi kiểm tra, thấy cơ bản việc dập dịch sâu đục thân 4 vạch mới tại Nông trường Thành Long, Tân Châu, Bến Cầu, kể cả vùng mía tại Campuchia, tỷ lệ sâu chết rất nhiều.
Sâu đẻ trứng, trứng bị lép, không nở thành sâu mới. Thiên địch trên đồng ruộng khá cao, nên sâu khó có điều kiện bùng phát trở lại” .

Sâu đục thân mình tím là loài sâu tấn công cây mía nhiều nhất. Triệu chứng gây hại là giai đoạn mía mầm từng đoạn mía bị héo lá, lá bên bị héo vàng trước, lá đọt héo sau. Giai đoạn mía có lóng, cây mía bị teo ngọn, lụi dần, mầm nách phát triển. Thên thân cây phần ngọn có một lỗ sâu to gần bằng ngón tay út. Biện pháp phòng trừ sâu đục thân mình tím là dùng bẫy đèn bắt, nhân nuôi và thả bọ đuôi kìm hoặc dùng các loại thuốc BVTV để giết chết sâu ẩn chứa trong thân mía.

Bệnh trắng lá mía

Trong lúc Tây Ninh đang khẩn trương tìm cách xử lý sâu đục thân thì cây mía lại bùng phát thêm bệnh trắng lá. Bệnh trắng lá mía do dịch khuẩn bào phytoplasma gây ra được phát hiện lần đầu tiên ở Đài Loan năm 1958. Hiện bệnh này đã xuất hiện ở các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Ở nước ta, bệnh trắng lá mía xuất hiện đầu tiên ở các tỉnh phía Nam vào năm 1996, cùng với trào lưu du nhập, phát triển ồ ạt của các giống mía ROC từ Đài Loan. Diện tích mía bị bệnh trắng lá gây hại ở tỉnh Đồng Nai và các khu vực lân cận năm 1997 lên tới 2.000 ha. Giống bị hại nặng nhất ở thời điểm đó là ROC10.

Triệu chứng điển hình của bệnh trắng lá mía là cây mía thường bị lùn, từng phần hoặc toàn bộ lá và chồi đều bị mất diệp lục tố, lá nhỏ và mềm, xuất hiện nhiều chồi bên; các đốt thân ngắn, cây không phát triển thành cây mía bình thường. Khi bệnh trắng lá mía gây hại, các Cty mía đường chịu thiệt hại trước tiên.

“Bệnh trắng lá mía vừa qua bùng phát trên 115 ha. Chúng tôi tạm thời xử lý bằng cách bón phân NPC, phân bón lá đa vi lượng, tưới nước đã mang lại kết quả tốt. Vừa qua chúng tôi chặt 60/115 ha, năng suất đạt 72 tấn/ha", ông Hồ Thái Bình, Trưởng ban Khuyến nông, Cty CP Đường Nước Trong nói.

09-45-18_su-03
Chuyên gia mía đường hướng dẫn cách nhận biết và phòng trừ sâu đục thân

Theo các chuyên gia nông nghiệp, bệnh trắng lá mía lây truyền qua hom mía giống hoặc qua tác nhân trung gian là con rầy. Bệnh trắng lá mía rất khó kiểm soát và quản lý. Các biện pháp phòng trừ bệnh như xử lý hom bằng nước nóng và thuốc kháng sinh.

Ngoài ra, có thể kết hợp với những biện pháp thủ công cơ giới như chặt bỏ mía bệnh. Bệnh trắng lá mía phát sinh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy biện pháp hiệu quả nhất là phòng bệnh.

Do vậy bà con cần áp dụng các biện pháp đồng bộ sau: Đối với diện tích mía thời kỳ cây con, bị nhiễm bệnh nhẹ cần nhổ tiêu hủy và rắc vôi vào hốc những cây bị bệnh để hạn chế lây lan. Còn với những diện tích mía bị nhiễm nặng cần tiến hành cày tiêu hủy sau đó luân canh 1 - 2 năm với các cây trồng khác trước khi trồng lại mía.

Tuyệt đối không sử dụng hom giống ở những ruộng bị bệnh làm giống và trước khi trồng hom giống cần được xử lý ngâm nước nóng 50 - 54 độ C trong thời gian 60 phút hoặc với dung dịch kháng sinh ledermycin, tetracycline với nồng độ 500ppm để trừ phytoplasma.

Trắng lá mía là một trong những bệnh nguy hiểm của cây mía, được lan truyền qua hom giống và côn trùng môi giới. Lâu nay, việc chọn tạo các giống mía kháng bệnh trắng lá mía chưa đem lại kết quả nào đáng kể.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.