| Hotline: 0983.970.780

Tê giác ở Việt Nam đã tuyệt chủng

Thứ Tư 26/10/2011 , 08:49 (GMT+7)

Cá thể tê giác cuối cùng ở Việt Nam tại Vườn Quốc gia Cát Tiên đã chết và bị WWF, IRF đưa vào danh sách động vật tuyệt chủng tại Việt Nam.

Bộ xương của cá thể tê giác Java tìm thấy ở VQG Cát Tiên đánh dấu việc tuyệt chủng của tê giác tại Việt Nam

Hôm qua 25/10, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Quỹ Bảo tồn tê giác quốc tế (IRF) đã công bố cá thể tê giác cuối cùng ở Việt Nam tại Vườn Quốc gia Cát Tiên đã chết và đưa loài động vật đặc biệt quý hiếm này vào danh sách bị “xoá sổ” tại Việt Nam.

Không chỉ có vậy, theo WWF nhiều quần thể, loài quý hiếm tại Việt Nam đang bị cô lập nghiêm trọng, đứng bên bờ tuyệt chủng. Việc kết luận được đưa ra từ kết quả phân tích gen của 22 mẫu phân do nhóm khảo sát của WWF và VQG Cát Tiên thu nhập được từ năm 2009 đến năm 2010. Tất cả các mẫu phân này đều thuộc về xác cá thể tê giác được tìm thấy tại VQG Cát Tiên vào tháng 4/2010.

Xác cá thể này cùng với viên đạn ở chân và sừng đã bị lấy đi, được tìm thấy ngay sau khi cuộc điều tra kết thúc. Điều này chứng tỏ săn bắn trộm là nguyên nhân gây ra cái chết cho cá thể tê giác duy nhất ở đây.

Ông Trần Minh Hiền, Giám đốc WWF Việt Nam cho biết, tê giác Java từng được coi là tuyệt chủng tại châu Á, cho đến khi phát hiện được một cá thể tại VQG Cát Tiên vào năm 1988. Từ đó, những năm 1990 một số tổ chức quốc tế đã tham gia vào công tác bảo tồn cá thể tê giác Java còn lại của VQG Cát Tiên. Song việc mất sinh cảnh sống do xây dựng những công trình thủy điện và xây dựng kết cấu hạ tầng, cộng với nạn xâm canh xâm cư và săn bắn trái phép tại đây là những yếu tố nguy hại dẫn đến sự tuyệt chủng của tê giác Java ở Việt Nam.

Cá thể tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam đã chết. Những nỗ lực bảo tồn của các tổ chức quốc tế cũng như các cơ quan chức năng Việt Nam đã không bảo vệ được loài động vật đặc biệt quý hiếm này. Tê giác Java chết đi đồng nghĩa với việc Việt Nam đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, của đa dạng sinh học.

Nạn săn bắt và khai thác trộm động, thực vật hoang dã nhằm cung cấp cho các đường dây buôn bán, tiêu thụ trong nước và khu vực, đã làm cho nhiều quần thể loài tại Việt Nam bị suy giảm và cô lập nghiêm trọng. Đặc biệt loài hổ, voi châu Á và các loài đặc hữu như Saola, vọoc mũi hếch và cá sấu Xiêm cũng đang trên bờ tuyệt chủng.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên cho biết, với 20.000 dân hiện đang sinh sống trong khu vực VQG Cát Tiên, những năm gần đây bình quân mỗi năm vườn này mất đi khoảng 50 ha rừng. 9 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 250 vụ vi phạm lâm luật, nhưng do pháp luật quy định chỉ khởi tố những vụ phá rừng từ 5.000m2 trở lên, nên chỉ có 3 vụ bị khởi tố. Tình trạng lấn chiếm phá rừng nhỏ lẻ đã khiến cho tổng diện tích đất rừng của VQG Cát Tiên từ 75.000 ha đã giảm xuống còn khoảng 35.000ha.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.