| Hotline: 0983.970.780

Teo tóp cả một hệ thống khoa học đất lừng danh một thời

Thứ Năm 29/03/2018 , 09:45 (GMT+7)

Những năm 1980-1990 ngành khoa học đất dần yếu đi. Hệ thống nông hóa ở dưới cơ sở bị xóa bỏ. Người người, nhà nhà chạy đua theo năng suất, theo giống mới, theo phân hóa học, thuốc trừ sâu khiến cho những vùng đất chuyên canh bị suy thoái nặng nề.

Nghiên cứu cơ bản bị bỏ rơi

Khuôn viên Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chật kín ô tô, không ít trong số chúng là loại đắt tiền khiến cho những người lần đầu tiên đến đây như tôi cũng phải thán phục, bật lên thành lời rằng: “Đời sống anh em cán bộ Viện tốt quá!”. Nhưng hóa ra lại là “bé cái nhầm” bởi đó là số ô tô của cán bộ một trường học gần đó gửi nhờ.

16-27-03_dsc00805
Các nhà khoa học đang đào mẫu

Thấy có người tự dưng quan tâm đến chuyên ngành hẹp của mình, ông Nguyễn Xuân Lai - Viện trưởng liền triệu tập một lúc là gần như đầy đủ lãnh đạo cũng như các trưởng, phó bộ môn trong đơn vị để hầu chuyện với tôi. Theo đó mà câu chuyện u ám của một hệ thống nghiên cứu lừng danh thủa nào dần được hé lộ.

Viện hiện có 19 tiến sĩ, trên 50 thạc sĩ và gần 100 cử nhân, hàng năm được Nhà nước cấp cho 9,8 tỉ đồng để thực hiện một số nhiệm vụ thường xuyên. Số tiền đó chỉ đủ để trả lương cho cán bộ trong 8-10 tháng, phần còn lại Viện phải tự chủ nên phải triển khai các dịch vụ khoa học và công nghệ ở các tỉnh, thành và các doanh nghiệp sản xuất phân bón (hay nói cách khác là làm thuê - PV).

Đó chỉ đơn thuần là những nghiên cứu mang tính ứng dụng dạng hẹp chứ không mang tính nghiên cứu cơ bản, có nền móng: “Lấy được một đồng của họ không phải là dễ. Nhiều khi mình phải chủ động “chạy việc”, cùng người ta đề xuất các dự án rồi sau đó tham gia chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để họ sản xuất ra sản phẩm còn Viện hưởng phần nhà nước cấp cho việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Cũng có một số doanh nghiệp tự tìm đến kết hợp với Viện để nghiên cứu nhưng khá hạn chế, chủ yếu nhờ nằm trong mối quan hệ truyền thống từ trước đến nay…”.
 

Chuyện xưa, chuyện nay

Nhìn nay lại ngẫm thủa nào khiến cho không ít người thầm ước ao “Bao giờ cho đến ngày xưa?”. Cái ngày xưa ấy, khoa học đất từng được chú trọng phát triển từ những năm 1960-1970 khi cả nước vẫn còn đang thắt lưng buộc bụng, vật lộn với đói kém bằng bo bo, mì hạt viện trợ. Lực lượng cán bộ thổ nhưỡng hồi đó rất đông đảo. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa có bộ môn vật lý đất, hóa học đất, sinh vật đất, có các phòng phân tích trung tâm, các nhà khoa học nội tham gia thường xuyên vào trong các tổ chức thổ nhưỡng của khu vực và thế giới.

Hồi đó đội ngũ khoa học đã lập ra bản đồ đất toàn miền Bắc với tỷ lệ 1/500.000 và bản đồ đất toàn Việt Nam với tỷ lệ 1/1.000.000 (được Giải thưởng Hồ Chí Minh). Còn ở bên dưới, công tác nghiên cứu về nông hóa rất mạnh, thậm chí đến từng xã một cũng có bản đồ nông hóa để biết được tính chất của đất rồi trồng cây gì, bón phân ra sao. Nhiều huyện còn có trạm nông hóa, các HTX sử dụng bản đồ nông hóa để chỉ đạo các xã viên sản xuất sao cho phù hợp nhất.

Những năm 1980-1990 ngành khoa học đất dần yếu đi. Đầu tiên là hệ thống nông hóa ở dưới cơ sở bị xóa bỏ không thương tiếc. Người người, nhà nhà chạy đua theo năng suất, theo giống mới, theo phân hóa học, thuốc trừ sâu khiến cho những vùng đất chuyên canh bị suy thoái nặng nề. Bản đồ thổ nhưỡng Việt Nam tỷ lệ 1/1000.000 xây dựng những năm 1980, đến quãng năm 1990 được chỉnh lý lại chút ít rồi từ bấy đến giờ chưa hề được chỉnh lý, cập nhật lại.

Không thể tránh được xu thế tổ chức và cơ cấu lại các đơn vị nghiên cứu, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa phải sáp nhập các bộ môn vào với nhau. Từ 2009-2012 ở Viện này chỉ có hai đề tài nghiên cứu cấp Bộ liên quan đến vùng đất mặn đất phèn và đất bạc màu. Qua hai đề tài đó sự biến động, đổi thay về số lượng cũng như chất lượng đất, nhất là vùng đất mặn, đất phèn đã cho thấy sự khác biệt rất nhiều so với bản đồ đất trước đây.

Đề tài nghiên cứu đất bạc màu mới thực hiện xong phần đánh giá ở các tỉnh phía Bắc, dù đã được phê duyệt để tiếp tục nghiên cứu ở phía Nam nhưng sau này đến đoạn thẩm định tài chính bị cắt do thiếu kinh phí. Từ 2012 đến giờ toàn bộ những nghiên cứu cơ bản về thổ nhưỡng - tức nghiên cứu mang tính gốc rễ của vấn đề rất ít được mở mới.

16-27-03_dsc00815
Các nhà khoa học đang đào mẫu

Không có nghiên cứu cơ bản, mang tính tầm xa, phổ rộng để hiểu bản chất, cơ chế của đất đai mà vận dụng nên giờ chỉ là những đề tài tìm hiểu thực trạng dạng nhỏ hẹp (mà cũng rất ít). Ngay cả khi có Nghị định 35 (năm 2015) về quản lý đất lúa của Chính phủ rất cần đánh giá lại toàn bộ tính chất của đất lúa để phục vụ quy hoạch lại những vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao, một phần có thể chuyển đổi sang đối tượng cây trồng khác. Tuy nhiên chỉ lác đác một số tỉnh tổ chức nghiên cứu lại chất đất trồng lúa, còn đa số đều chưa làm được.

Trong khi đó, nguồn lực cho việc này không phải là thiếu bởi mỗi 1 ha lúa đang được Nhà nước hỗ trợ 1 triệu/năm. Ngoài ra ở vùng chuyển đổi đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, các địa phương cũng có quyền thu tiếp để bổ sung vào ngân sách. Tuy nhiên, quỹ ổn định đất lúa hiện tại chủ yếu phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng là chính (trước đây là cấp phát cho người dân mỗi sào mấy chục ngàn/năm) chứ chưa được cấp cho việc nghiên cứu lại chất đất mặc dù đã có hướng dẫn cụ thể để triển khai.
 

“Mù thông tin” tổng thể

Tìm đến các đơn vị ít nhiều có liên quan đến ngành thổ nhưỡng để tìm hiểu về thực trạng của đất Việt, tôi chỉ nhận được rất ít thông tin vì gần như không có một nghiên cứu nào quy mô, bài bản mà chỉ toàn mang tính chung chung.

Kết quả quan trắc và đánh giá diễn biến chất lượng môi trường đất chịu ảnh hưởng của hoạt động thâm canh nông nghiệp của Viện Môi trường Nông nghiệp năm 2017 cũng chỉ thêm được một chút cụ thể. Các nhà khoa học đã phân đất đai thành nhiều nhóm. Nhóm đại diện cho đất chuyên trồng lúa và đất chuyên lúa màu tại Hiệp Hòa (Bắc Giang), Yên Định (Thanh Hóa). Nhóm đại diện cho đất chuyên trồng rau tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) và Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội). Nhóm đại diện cho đất chuyên trồng hoa tại Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội). Nhóm đại diện cho đất chuyên trồng chè tại Tân Cương (Thái Nguyên).

16-27-03_dsc_8733
Sản xuất nông nghiệp ngày càng rời xa truyền thống

Các thông số kỹ thuật đều thể hiện những tác động không tốt đến chất lượng đất phần lớn do sử dụng hóa chất BVTV và phân bón quá nhiều. Cụ thể, có 3 nhóm hóa chất BVTV thường xuyên được sử dụng, ngấm vào đất là nhóm thuốc trừ bệnh, nhóm thuốc trừ sâu và nhóm thuốc trừ cỏ. Tại điểm trồng rau ở Lĩnh Nam phát hiện thấy hoạt chất 2,4D thuộc nhóm trừ cỏ.

Tại điểm trồng hoa ở Tây Tựu có rất nhiều hoạt chất bị cấm sử dụng được phát hiện như Dieldrin, Aldrin, Endosulfan… Đây chính là các hoạt chất thuộc nhóm Chlor hữu cơ, có độc tính cao và rất khó bị phân hủy. Ngoài ra, còn phát hiện các hoạt chất Paraquat, Heptachlor Epoxide. Phân tích về vi sinh vật cho thấy ở các điểm quan trắc không có sự chênh lệch nhiều về số lượng, chỉ riêng điểm trồng chè Tân Cương (Thái Nguyên) là có mật độ tế bào, vi sinh vật khá cao - chứng tỏ trong đất vẫn còn giàu các chất hữu cơ.

PGS.TS Lê Thái Bạt - Hội Khoa học Đất Việt Nam: 50% diện tích đất tự nhiên bị thoái hóa

Theo ông Bạt, ước lượng trên 50% diện tích đất tự nhiên của cả nước (3,2 triệu ha đất đồng bằng, 13 triệu ha đất đồi núi) đang bị thoái hóa bởi các nguyên nhân chính như xói mòn và ô nhiễm. Ô nhiễm do sử dụng phân hóa học một cách thái quá khiến cho tình trạng chua hóa ở tầng đất canh tác đang dần trở nên phổ biến đến nỗi ông Bạt bảo điều tra của Bộ Y tế mới đây cho thấy nước của 20% số giếng khoan ven biển chứa NO3 (nitrat) với hàm lượng lên tới 10mg/lít.

 

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.