| Hotline: 0983.970.780

Tết buồn vùng rốn lũ

Thứ Tư 10/02/2010 , 10:40 (GMT+7)

Có nhìn thấy cảnh người người đang lũ lượt mua sắm hàng hoá, bánh mức và hoa để đón tết ở khắp nơi thì khi chứng kiến những người dân vùng rốn lũ huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn (Bình Định) vẫn đang “như không có gì” mới thấy chạnh lòng.

Có nhìn thấy cảnh người người đang lũ lượt mua sắm hàng hoá, bánh mức và hoa để đón tết ở khắp nơi thì khi chứng kiến những người dân vùng rốn lũ huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn (Bình Định) vẫn đang “như không có gì” mới thấy chạnh lòng. Những mất mát lớn lao về tài sản và người thân trong đợt bão lũ xảy ra vào đầu tháng 11/2009 đã khiến họ không còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện ăn Tết.

Căn nhà mới xây của ông Hiếu.

Tay trắng, nợ đòi

Đêm ngày 2 rạng sáng ngày 3/11/2009, sau khi đê sông Hà Thanh vỡ, hàng chục ngôi nhà ở phường Nhơn Phú bị đổ sụm hoàn toàn, hàng trăm nhà khác bị lũ nhấn chìm. Sau một đêm chống chọi với “thủy thần”, đến 4 giờ sáng ngày 3/11, căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Thanh Hiếu (tổ 1, Khu vực 2, phường Nhơn Phú) “mất tích” trong dòng lũ dữ. 10 người trong gia đình ông và 4 người hàng xóm khác chỉ còn biết bám vào ngọn tre kêu cứu cho đến 8 giờ cùng ngày mới được ca-nô đến cứu. Phủi tay, toàn bộ gia sản bị trôi sạch.

Từ đó đến nay cả gia đình ông Hiếu chỉ biết sống “tựa” vào 60 kg gạo cứu đói của Chính phủ và sự đùm bọc của anh em, hàng xóm láng giềng. Sau 75 ngày đêm ở tạm trong lều bạc, gia đình ông Hiếu mới có lại ngôi nhà mới. Nhìn căn nhà khá khang trang treo bảng nhà tình nghĩa do Ngân hàng Á Châu (chi nhánh TP Quy Nhơn) trao tặng, chúng tôi có bụng mừng cho ông Hiếu vì gia đình ông sẽ có nơi ăn Tết đàng hoàng.

Thế nhưng ông Hiếu lại buồn buồn kể: “Thấy vậy chứ chẳng vui vẻ gì đâu, cũng bởi sư “có mặt” của căn nhà này mà mấy hôm nay gia đình tôi ăn ngủ không yên vì… nợ đòi. Ngân hàng Á Châu hứa hỗ trợ cho chúng tôi 30 triệu đồng để xây nhà, lại còn hợp đồng và chuyển tiền cho nhà thầu là DNTN xây dựng Quang Thông (Tp Quy Nhơn) đến xây nhà cho tôi nhưng vì ở đây xa đường giao thông, với lại do gia đình tôi có mấy anh em họ hàng làm thợ xây nên tôi đề nghị với nhà thầu cho nhận kinh phí tự xây nhà. Nhà thầu Quang Thông đồng ý và ứng trước cho chúng tôi 15 triệu đồng để mua vật liệu, số còn lại phải chờ sau khi việc xây nhà hoàn thành sẽ tiếp tục được giải ngân. Nhà thầu Quang Thông còn “rạch ròi” bảo là gia đình tôi chỉ được nhận 27 triệu đồng vì 3 triệu còn lại phải đóng thuế (?!). Căn nhà xây xong, biển nhà tình nghĩa cũng đã gắn trang trọng, thế nhưng hơn nửa tháng nay nhà thầu Quang Thông…mất tăm. Gia đình tôi có số điện thoại di động của chủ thầu nhưng gọi hoài mà… không có người nghe! Bây giờ sắp đến Tết, công thợ, các đại lý vật liệu xây dựng ùa đến đòi nợ số tiền hơn 20 triệu đồng. Gia đình tôi ngậm đắng nuốt cay chẳng biết lấy đâu mà trả”.

Nỗi lo của anh Hiếu như được giải toả một phần nào khi sau đó, cánh Nhà báo chúng tôi liên lạc được với lãnh đạo Ngân hàng Á Châu và được vị này khẳng định không hề có chuyện đóng thuế nào và toàn bộ số tiền số tiền sẽ được chuyển đến cho gia đình ông Hiếu trong nay mai.

Cận Tết, trong cái nắng nhẹ vẫn còn se se cái lạnh, nhìn mấy đứa con ông Hiếu ngồi chơi trước thềm nhà không một manh áo ấm mà nghe xót lòng. Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (25 tuổi- con gái ông Hiếu) ngại ngùng phân bua: “Lũ trôi hết quần áo ấm rồi, vài hôm nữa “nếu” có tiền em sẽ mua áo ấm và đồ Tết cho chúng. Hai đứa lớn hơn là 2 đứa em út của em, còn hai đứa nhỏ hơn là con của em”. Hai vợ chồng Hương đều làm công nhân gỗ trong Khu Công nghệp Phú Tài, trúng năm ngành gỗ đang khó khăn, rồi lại gặp bão, lũ dồn dập nên càng túng thiếu hơn. Hương than thở: “Vì công ty hết đơn đặt hàng nên bọn em mới có việc được mấy tháng nay. Nhưng bây giờ đã cuối tháng 1 rồi mà công ty vẫn chưa trả tiền lương tháng 12 của năm ngoái và tháng 1 năm nay. Công nhân bọn em đình công mấy ngày rồi, lên công ty ngồi chờ đòi tiền lương về ăn Tết chứ chẳng còn tâm trí đâu mà làm việc. Em có con dại nên mọi người cho về trông đỡ tốn tiền gửi trẻ”.

Ăn Tết với tang tóc

9 giờ sáng ngày 3/11/2009, vừa đi làm về đến nhà là anh Bùi Văn Thu ở đội 6, thôn Diêu Trì, Thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước) phải chống sõng đi mua thức ăn dự trữ cho những ngày bão lũ. Cùng đi với anh Thu còn có anh Bùi Văn Chánh (anh ruột của Thu). Nước lũ ập xuống nhanh bất ngờ, cả 2 anh em không thể chống chèo giữa cơn nước dữ, sõng bị lật úp, cả hai anh em đều bị lũ cuốn trôi.

Trước căn nhà thấp lè tè của gia đình anh Võ Văn Thu nằm khuất lấp sau những bức tường vôi của nhà hàng xóm có 2 đứa trẻ đang nghịch đất, nhìn thấy người lạ chúng hốt hoảng chạy vào nhà nấp dưới bàn thờ đặt di ảnh của anh Thu đang nghi ngút khói hương. Anh Thu chết, để lại người vợ ốm yếu và 3 đứa con thơ, đứa lớn nhất Bùi Thị Ái Trầm cũng chỉ mới 14 tuổi. Càng đau lòng hơn khi được biết chuyện: Trước đó, vợ chồng anh Thu cũng đã bị mất 2 đứa con lớn vì lâm bạo bệnh.

Chị Trương Thị Kim Liên trước di ảnh chồng.
Đã quá trưa, chị Trương Thị Kim Liên (vợ anh Thu) mới đi làm đồng về. Từ ngày anh mất đi, gánh nặng gia đình 5 miệng ăn dồn cả vào cái sức khỏe luôn bị đau ốm của chị Liên với 3 sào ruộng. Những người dân cùng làng của chị Liên cho biết, đã có không ít lần chị bị ngất ngoài ruộng, hàng xóm phải đưa về nhà. Chị Liên kể trong nước mắt: “Từ ngày anh thu mất, căn nhà trống vắng quá. Sợ nhất là mỗi tối, thằng con nhỏ hỏi ba đi đâu tôi chẳng biết trả lời thế nào. Có những lần cầm lòng không đặng, tôi khóc thành tiếng thì mấy đứa nhỏ cũng khóc theo. Bà nội và con bé Trầm chạy vào, 5 người ôm nhau mà khóc”.

Chị Liên tâm sự thêm: “Lúc còn sống, mỗi tháng tiền lương làm công nhân mỏ đá của chồng tôi gần 3 triệu đồng là nguồn sống của gia đình. Bây giờ anh ấy mất, gia đình tôi cũng mất theo nguồn thu nhập ấy. Bây giờ cái ăn hằng ngày còn thiếu hụt thì lòng dạ nào nghỉ đến Tết với nhứt”.

Tình cảnh của gia đình người anh Bùi Văn Chánh cũng chẳng sáng sủa hơn. Hai đứa con lớn đã trên 20 tuổi nhưng vẫn chưa có nghề ngỗng gì, chỉ biết theo hàng xóm làm… thợ đụng, ai mướn gì làm nấy thu nhập bấp bênh. Đứa con nhỏ 11 tuổi còn đang đi học. Cụ bà Nguyễn Thị Qườn, 70 tuổi, mẹ của anh Thu và anh Chánh như không còn nước mắt để khóc. Bà kể: “Tôi có 6 người con, thằng Bùi Văn Trí sinh năm 1962 đã bị bệnh trướng bụng từ lúc mới sinh giờ đang sống như một phế nhân. Năm 1979, tôi đã khóc hết nước mắt khi nghe tin thằng anh nó là Bùi Văn Đức sinh năm 1961 hi sinh tại chiến trường Cam-pu-chia. Bây giờ tôi lại bị mất thêm cùng lúc 2 đứa con trai nữa, tôi sống đây mà như đã chết”. Thương con dâu sớm chịu cảnh góa bụa, cụ Qườn về ở hẳn với chị Liên. Mỗi tháng nhận non 600.000 đồng tiền chế độ liệt sỹ, cụ Qườn để dành cho các cháu đi học.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất