| Hotline: 0983.970.780

Tết kỳ lạ của người Mông xanh, kiêng nhiều thứ

Thứ Bảy 10/02/2018 , 07:15 (GMT+7)

Đi khắp vùng trời Tây Bắc, nhắc tới đồng bào dân tộc Mông xanh, người ta sẽ nghĩ ngay tới địa danh xã Nậm Xé của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Cho tới ngày nay, người Mông xanh vẫn giữ được những tục lệ đón tết cổ xưa, đầy kỳ lạ và bất ngờ.

Chỉ đàn ông được… dọn nhà

Bản Tu Thượng, cách trung tâm xã Nậm Xé chừng 5 cây số, đường dốc núi dựng đứng, lởm chởm đá nhọn như bàn chông bẫy thú dữ. Từ xa, bản của người Mông xanh ẩn hiện trong mây mù, mờ ảo.

04-17-49_1
Các thiếu nữ người Mông xanh sẽ xúng xính áo quần đi trẩy hội

“Lâu lắm rồi mới có khách lên thăm. Năm nay Tu Thượng được mùa thóc đấy. Nhà nào cũng có trên dưới 100 bao. Con trâu, con lợn cũng béo tốt. Cuộc sống no ấm hơn hẳn những năm trước. Bà con nơi đây bắt đầu sắm sửa tết rồi. Mời các chú ở lại chơi và vui tết với bà con nhé”, Bí thư Chi bộ thôn Tu Thượng Lý A Hòa nhiệt tình mời tôi.

Các nếp nhà của người Mông xanh ở nằm rải rác trong thung lũng Tu Thượng, vốn được chia làm 3 khu vực là Hô Khóa, Nậm Tu và Nậm Cần. Năm 1966, bản làng mới tập trung lại nơi thượng nguồn dòng suối Nậm Tu, hình thành nên bản Tu Thượng ngày nay với 54 hộ người Mông xanh sinh sống.

Giống như đại đa số gia đình Việt Nam, người Mông xanh cũng thờ cúng ông bà tổ tiên và đón Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc. Họ chuẩn bị ăn tết từ rất sớm và kéo dài đến hết ngày Rằm tháng Giêng với nhiều phong tục độc đáo.

Công việc quan trọng cuối cùng để đón năm mới là dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ tổ tiên, thường vào ngày ba mươi tết. Người Mông ở Tu Thượng sẽ chọn một cây trúc còn tươi, để lại chút lá ở ngọn để làm chổi quét nhà. Họ quan niệm, dọn dẹp nhà cửa sẽ quét đi bệnh tật, ốm đau, những điều không may của năm cũ và mang lại may mắn cho gia chủ vào năm mới. Điều đặc biệt, công việc quét nhà phải do người đàn ông - chủ gia đình tự tay làm. Phụ nữ và con cái trong gia đình chỉ được phép phụ giúp, dọn dẹp quanh nhà.

Sau khi nhà cửa tươm tất, vẫn là người đàn ông cắt giấy để trang trí nhà, bàn thờ tổ tiên, chuồng trại, nông cụ… Tất cả giấy trang trí là giấy dó. Giấy cũ sẽ được bóc bỏ và thay bằng giấy mới. Từ trong nhà, chuồng lợn, chuồng gà, nông cụ, xe máy… được dán giấy màu trắng. Duy nhất bàn thờ tổ tiên ở gian chính giữa nhà được trang trí bằng giấy màu đỏ. Theo quan niệm, việc làm này thể hiện sự tri ân của con người đối với những “người bạn” đã giúp gia đình lao động sản xuất vất vả trong một năm.

04-17-49_2
Trước đó nhiều tháng, họ phải tự tay tạo ra những bộ váy truyền thống

Mâm cỗ cúng tổ tiên vào đêm ba mươi gồm một đôi gà trống, hai miếng thịt lợn, giấy, tiền vàng và bánh dày. Trong quan niệm của người Mông xanh, chiếc bánh dày hình tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, khởi nguồn của vạn vật trong đó có con người.

Đặc biệt trong mâm cỗ cúng của người Mông có những quả trứng gà được vẽ hình vật nuôi trong gia đình. Tùy điều kiện từng nhà mà số trứng được cúng nhiều hay ít. Nhà có điều kiện, mỗi quả trứng sẽ được vẽ một con vật nuôi như trâu, bò, gà… Nhà không có thì vẽ vào tất cả một quả trứng. Ý nghĩa là gọi hồn vật nuôi, những con béo tốt về trong năm mới và tiễn những con gầy yếu rời đi. Đến giao thừa, gia chủ sẽ mở cửa chính, gọi hồn tổ tiên về ăn tết.
 

Kiêng huýt sáo, thổi lửa

Ngày đầu năm, mọi người dậy rất sớm, chuẩn bị cơm cúng. Đàn ông lạy trước bàn thờ hai lạy để tỏ lòng biết ơn với người đã khuất. Sau đó, người con trai sẽ lạy bố mẹ hai lạy để chúc tết, em lạy chúc anh, cứ thế từ cao đến thấp với ý nghĩa kính trọng và cầu sức khỏe, may mắn cho người vai trên.

Ngày đầu năm, người ta kiêng huýt sáo, kiêng thổi lửa và giặt, phơi quần áo. Vì người Mông xanh cho rằng, đó là những việc “gọi gió và đón gió” nên phải kiêng. Nếu không năm mới gió sẽ về làm đổ cây cối, nhà cửa, mùa màng thất bát. Trong 3 ngày đầu năm mới, người ta cũng kiêng ăn canh và hạn chế ăn rau vì nghĩ rằng làm như thế năm mới mưa nhiều, ruộng nương sẽ nhiều cỏ, khó canh tác cây trồng.

04-17-49_3
Người phụ nữ Mông xanh ngồi se lanh trước nhà

Người Mông cũng không dùng xe máy trong ngày đầu năm mà chỉ đi bộ vì họ kiêng đi xa để cầu may mắn, và sức khỏe, tránh điều không may vì ngày đầu năm thường uống nhiều rượu.

Tết ở Tu Thượng thường kết thúc vào ngày 15 tháng Giêng với mâm cơm tổng kết. Bấy giờ người ta mới gói bánh chưng mời mọi người đến hóa vàng. Bà con người dân tộc Mông lại tiếp tục một năm miệt mài và hăng say lao động, mong cho mưa thuận gió hòa.

Với chừng ấy phong tục, tết của người Mông xanh thật kỳ lạ mà ấm cúng. Có lẽ, kỳ bí nhất phải kể đến là câu chuyện cội nguồn của họ. Từ đời này qua đời khác, họ luôn tin rằng, tổ tiên mình di cư từ Nhật Bản - xứ sở hoa anh đào để sang sinh sống ở mảnh đất Nậm Xé. Nhưng họ là ai, ở đâu tới không quan trọng bởi từng ngày, những đứa trẻ Mông xanh cứ thế lớn lên, uống dòng nước Nậm Tu trong mát, được học hành. Cuộc sống của người Mông xanh ngày một no đủ, hanh phúc.

04-17-49_4
Bản của người Mông xanh nằm cheo leo, đẹp như tranh thủy mặc
Phụ nữ người Mông xanh có nhiệm vụ là gấp rút hoàn thiện những chiếc áo mới, váy mới để người thân trong gia đình diện tết. Để làm được một chiếc váy truyền thống, họ phải mất từ 4 - 5 tháng thực hiện các công đoạn như se lanh, dệt vải và khâu váy. Trang phục của đàn ông thì nhanh hơn, chỉ khoảng một tháng là xong.

 

(Kiến thức gia đình số tết)

Xem thêm
Lợi ích của trồng rừng đạt chứng chỉ FSC

Chứng chỉ rừng FSC giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng từ 20 - 30% so với những sản phẩm cùng loại, góp phần khai mở kiến thức người trồng rừng...

Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.