| Hotline: 0983.970.780

Tết nơi vùng hạn, mặn

Thứ Năm 04/02/2010 , 07:30 (GMT+7)

Khi tôi nhắc đến Tết anh ngồi thẫn người... Gạo còn chẳng đủ ăn từ nay đến Tết thì lấy gì mà mua với sắm.

Hạn và mặn bất thường đã lấy đi cái Tết của hàng ngàn hộ nông dân các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) khi nguồn thu nhập chính của họ từ hạt lúa bị mất trắng. Xuân này họ không mong Tết. Đơn giản vì họ chẳng còn gì để đón Tết.

Hạn hán khiến lúa cháy đồng.

Thông thường, người dân An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận (vùng U Minh Thượng) đón Tết với niềm vui nhân đôi khi mà lúa mùa, lúa đông xuân sớm đã thu hoạch xong. “Xanh nhà hơn già đồng”, tâm lý người nông dân là thế, cây lúa còn ngoài đồng là họ còn lo ngay ngáy, ăn ngủ không yên. Chỉ khi nào thu hoạch xong, lúa chứa đầy bồ, nợ nần phân bón đã thanh toán xong cho đại lý, ngân hàng thì người dân mới yên tâm đón Tết. Có lẽ, với người nông dân không gì vui hơn khi họ được đón Tết mà không vướng bận nợ nần.

Thế nhưng, xuân này nhiều hộ nông dân đón Tết trong cảnh mất mùa. Hạn và mặn đã lấy đi tất cả tiền của, công sức của họ. Dẫn tôi ra xem đám ruộng sau nhà mà anh nông dân Trần Xuân Tiếu ở ấp Đông Thành, xã Đông Thái (An Biên, Kiên Giang) rơm rớm nước mắt: “Mất trắng hết rồi chú ơi. Hơn 22 công ruộng (công tầm cắt) chi phí đầu tư mỗi công mất khoảng 600.000 đồng, giờ kêu bán cho vịt 200.000 đồng không ai thèm hỏi mua. Kiếm người cắt chia đôi cũng không ai làm. Tiếc của, vợ chồng tôi đang tính chuyện ra cắt mót được ít nào hay ít nấy, xay lấy gạo (thực ra chỉ là tấm vì hạt hạt gạo bị háp do thiếu nước) ăn qua ngày”.

Chị Hồ Thị Lệ (vợ anh Tiếu) nghẹn ngào: “Mấy ngày nay vợ chồng con cái chỉ biết ngồi nhìn nhau chứ chẳng biết làm gì để chuẩn bị Tết cả. Còn mỗi thằng Út mà Tết này không sắm nổi cho nó bộ đồ mới. Gạo còn chẳng đủ ăn từ nay đến Tết thì lấy gì mà mua với sắm”.

Lo cái ăn là một lẽ nhưng điều làm anh Tiếu đau đầu nhất hiện nay là món nợ gần 300 giạ lúa (tương đương 30 triệu đồng) tiền thuê đất không biết đào đâu ra mà trả. Đó là chưa kể đến tiền mua thiếu vật tư phân bón cũng ngót ngét chục triệu nữa. Khi tôi nhắc đến Tết anh ngồi thẫn người.

Chạy xe trên con đường giao thông nông thôn ngoằn ngoèo trong ấp Đông Thành, tôi thấy nhiều ruộng lúa nông dân đã bỏ mặc cháy khô. Nhà nào may mắn sạ sớm thì cũng chỉ bòn mót được vài bao lúa lừng (hạt gạo không đầy) để ăn qua ngày. Ông Trần Văn Quang vừa thu hoạch xong 10/20 công ruộng ngao ngán: “Mấy chục năm làm ruộng nhưng năm nay tôi mới thấm thía cảnh mất mùa. Gom cả chục công ruộng lại mới bằng 1 công lúc bình thường. Tôi đang làm hồ sơ cho mấy đứa con đi lên thành phố kiếm việc làm vừa có tiền trang trải cuộc sống vừa đỡ lo cái ăn ở nhà”.

Ông Đinh Văn Trung, Trưởng ấp Đông Thành cho biết, toàn ấp có 473 hộ dân thì 80% bị thiệt hại do hạn mặn. Tết này nhiều hộ sẽ lâm cảnh khó khăn thiếu thốn nhưng ấp cũng chẳng có nguồn nào hỗ trợ. Theo thống kê của UBND xã Đông Thái có 191ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn. Còn diện tích bị thiệt hại từ 20 - 40% lên đến trên 800 ha.

Chủ tịch UBND xã, ông Võ Xuân Khoa cho biết thêm, những hộ dân bị thiệt hại vụ ĐX này đều là những hộ đã bị thiệt hại dây chuyền từ vụ hè thu trước. Tình hình mưa bão đã làm cho nhiều diện tích lúa HT của bà con bị chết, phải gieo sạ lại ảnh hưởng dây chuyền đến lịch thời vụ vụ ĐX. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nông dân, thường những năm nhuận như năm nay trời sẽ dứt mưa trễ hơn so với những năm khác. Tuy nhiên, năm nay trời lại dứt mưa sớm, kéo theo sự xâm nhập của nước mặn nên nhiều nông dân khốn đốn theo.

Mất mùa, nhiều hộ nông dân buồn so, xuân này không mong có Tết.

Do đặc thù là vùng ven biển nên vùng U Minh Thượng rất khan hiếm nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất nhưng lại thừa nước mặn. Chỉ cần gieo sạ trễ lịch thời vụ là coi như mất ăn. Ngành nông nghiệp đã thấy trước nên khuyến cáo bà con nông dân bỏ không gieo sạ lại lúa HT để khỏi ảnh hưởng đến quỹ thời gian của vụ ĐX. Thế nhưng, nhiều nông dân vẫn “tham bát bỏ mâm”, từ đó, dẫn đến thiệt đơn thiệt kép.

Có thể nói, trong đợt thiệt hại do thiên tai này có một phần lỗi do nhân tai. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng người nông dân luôn đáng thương hơn đáng tội. Vì miếng cơm manh áo, họ không thể ngồi nhìn ruộng bỏ không dù biết rằng làm sẽ gặp rủi ro. Tìm hiểu về chương trình hỗ trợ người nghèo đón Tết, tôi được Chánh văn phòng UBND huyện An Biên trao cho bản kế hoạch đã được ký duyệt. Trong đó tổng số 628 hộ được thăm viếng, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 thì chỉ có 5 hộ nghèo. Tuyệt nhiên, không thấy có tên những hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, hạn hán.

Chia tay những nông dân không mong Tết, trên đường về cơm mưa trái mùa bất ngờ đổ xuống khiến tôi liên tục phải tìm chỗ trú. Có người bảo thời tiết bây giờ bất thường quá, mới đầu mùa hạn mà lại có mưa. Với nhiều người thì đây là những cơm mưa sớm nhưng với nông dân mất mùa vì hạn thì đây lại là mưa trễ. Vì có mưa cũng không làm cho những cây lúa chết khô sống lại được. Điều mà người dân mong mỏi lúc này không phải là mưa nữa mà là sự hỗ trợ từ phía chính quyền. 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm