| Hotline: 0983.970.780

Tết quê giờ thế nào?: Vẫn nguyên vẹn ý nghĩa như xưa!

Thứ Hai 26/02/2018 , 09:25 (GMT+7)

Tết quê bây giờ ra sao? Chắc rất nhiều người tò mò muốn biết điều này. Thôi thì "chín người, mười ý", thấy tết quê "tròn méo, tươi héo" thế nào là do mỗi góc nhìn. Những PV NNVN về quê ăn tết nhìn, nghe, cảm nhận thấy gì, chúng tôi chỉ xin ghi lại...

Dễ đến ngót hai chục năm, tôi mới có dịp ăn Tết ở quê. Mọi Tết khác, do vợ chồng con cái ở tất Hà Nội, dưới quê thì tứ thân phụ mẫu mất cả rồi, các chị gái lấy chồng xa, chỉ còn duy nhất một ông anh, nên thường thì trước tết tôi tranh thủ về, ra nghĩa trang viếng các cụ xong, ăn với ông anh bữa cơm, cho anh một chút quà xong là lại quay về Hà Nội đón tết thủ đô.
 

I. Tết Mậu Tuất này, ngày mùng 4, anh trai cả tôi mừng thượng thọ bẩy mươi, mà lễ mừng thọ ở quê tôi thường làm rất linh đình, người nhà không được thiếu ai, nên ông anh nhất định bắt vợ chồng tôi phải đón Tết ở quê, dự xong lễ mừng thọ của anh mới được về.

27 tháng Chạp, vợ chồng tôi về đến quê, nhưng ngoài đào, quất bày bán la liệt trên các con đường thị tứ, và mứt kẹo đủ các màu chất ngồn ngộn trong các cửa hàng, thì không khí tết hầu như chưa hiện diện trong các gia đình. Bà con vẫn tất bật, hối hả trên đồng, vì đang vào vụ cấy. Hỏi anh rằng Tết nhất chuẩn bị đến đâu, chỉ cười:

- Tết ngày trước khác với ngày thường ở chỗ có thịt, có giò chả, dưa hành, bánh chưng... Nhưng bây giờ, ngày thường nếu muốn cũng thành tết. Bất cứ lúc nào, chỉ cần ra đầu làng một cái là nào giò, nào chả, nào bánh chưng... chả thiếu thứ gì. Gà thì có của nhà nuôi rồi, hành cũng của nhà trồng, đã muối từ hai mươi tháng Chạp, còn lại sáng ba mươi chỉ ra chợ độ một tiếng là đủ tết, thậm chí chả cần ra chợ, chỉ nhấc điện thoại một cái là có hết.

- Thế còn chuyện khao thọ của bác?

- Cũng vậy thôi, chiều mùng ba bấm điện thoại một cái, là mọi thứ, từ rạp cho đến mâm bát, lọ nước mắm, mớ rau thơm, quả chanh quả ớt, thực phẩm... đều được người ta chở đến. Gà họ làm sẵn, thịt họ thái sẵn, giò cũng được họ thái sẵn mỗi khoanh hai lạng, nửa đêm cho gà, cho thịt vào nồi là sáu bẩy giờ sáng có cỗ. Tôi định làm ba chục mâm, nên định gói ba mươi lăm cái bánh chưng, mấy ngày Tết nhà dùng dăm cái, còn ba chục cái cho ba chục mâm, khỏi nấu cơm. Kể ra thì đặt là có ngay. Nhưng chẳng mấy khi chú về, nên nhà gói, cho nó có không khí Tết, anh em mình ngồi bên nồi luộc bánh tâm sự một đêm, kể cũng hay.

Chiều 29, anh em tôi ngồi gói bánh chưng, ngót mười đứa cháu cả nội lẫn ngoại của anh tíu tít xung quanh, luôn mồm hỏi chuyện. Tay vừa thoăn thoắt gói, anh vừa kể cho chúng nghe về sự tích bánh chưng bánh dầy.

eqihjgjhmznjnje2ltvmmwytndmxyi1imzi2ltrjnwnmmtkxzgqwzg135923705
Gói bánh chưng đón tết

Anh tôi là người gói bánh rất giỏi. Chẳng cần khuôn, chỉ tay vo mà chiếc bánh nào cũng vuông vắn, cũng đều tăm tắp. Thời bao cấp, từ hăm nhăm tháng Chạp trở đi, năm nào cũng có người đến nhà, khẩn khoản nhờ anh tôi gói hộ. Luộc bánh xong, nhà nào cũng cho anh một cái gọi là trả công, thành ra chẳng năm nào nhà anh gói bánh, nhưng vẫn có bánh ăn đến hết rằm tháng Giêng.

Ngồi nhìn anh gói bánh, tôi chợt lâng lâng, chợt thấy một mối dây liên hệ vô cùng bền chặt, nối từ muôn năm cũ đến tận bây giờ, chợt thấy như Xuân đang ùa về quanh những chiếc bánh xanh ngăn ngắt.

Thủa sinh thời, mỗi tết, bố tôi cũng thường ngồi gói bánh chưng như thế này, vừa gói, cụ vừa ngân nga: “Trời xanh như tán lọng tròn/Đất kia chằn chặn như bàn cờ vuông/Người đời đen trắng đôi phường/Kẻ đi người lại tranh đường nhục vinh...”.
 

II.  La cà trong thôn, tôi thấy rất nhiều nhà cũng đang tíu tít gói bánh, và ngoài đường, ông trưởng thôn đang đôn đốc dân làng quét dọn cho sạch đường làng ngõ xóm. Nhiều nhà đã dựng cây nêu, và đã dùng vôi bột vẽ hình cung tên đầu ngõ. Xuân đã thực sự về rồi.

Sau bữa cơm chiều, nồi bánh được bắc lên cái bếp ở góc sân, cạnh gốc đào đã gần mãn khai, anh tôi trải chiếu trước bếp, bày ra đó một chai rượu, một đĩa lạc rang, mấy chiếc chén, gọi tôi ra rồi nổi lửa. Củi đun bánh là những cành nhãn được cưa từ giữa năm Dậu, xếp cẩn thận một chỗ, rất nỏ và rất chắc, nên lửa rất đượm và phảng phất mùi thơm của nhãn.

Ngồi nhâm nhi chén rượu và trông nồi bánh với anh, tôi chợt bồi hồi, nhớ lại những cái tết thuở lên chín lên mười. Hồi ấy, từ 20 tháng Chạp, nhà tôi và những nhà ông Rư, ông Hân, ông Tiếng... gần nhau, thường được HTX xếp cho đụng lợn nhà ông An. Kể từ hôm ghép, con lợn trở thành của chung, nên mỗi nhà phải góp một ít cám cho chủ lợn để nuôi đến đêm 29 giết mổ.

Hàng ngày, tôi thường được bố sai mang cám sang đó góp. Mỗi lần nhìn con lợn, lòng dạ tôi lại nôn nao sung sướng, nhớ đến mùi vị của những miếng thịt mà mình đã từng được ăn cách đó đúng một năm.

Thịt lợn là thứ xa xỉ phẩm bậc nhất mà hồi đó người nhà quê chỉ được biết mùi vào mỗi dịp Tết. Thịt lợn và cơm rặt (cơm không độn) trong Tết là những thứ mà những người ở lứa tuổi tôi không bao giờ quên. Những miếng thịt, sao mà ngon đến thế.

Cứ háo hức chờ, cho đến tối 29, khi bố tôi mang dao và rổ sang nhà chủ lợn và tang tảng sáng ba mươi thì khệ nệ bưng một rổ nào thịt, nào lòng nào xương về nhà, cả nhà xúm lại, mắt người nào người nấy sáng lên.
 

III. Giờ thì thời đại công nghệ. Sáu giờ sáng ngày 30, sau lúc vớt bánh, anh em tôi ra chợ. Mới thế mà chợ đã đông nghẹt người. Dọc đường, những chiếc xe máy chở đào, chở quất nườm nượp nối nhau về các thôn. Hơn ba mươi phản thịt ở chợ, phản nào người cũng vòng trong vòng ngoài.

1-zing135915119
Chợ quê ngày áp tết

Chỉ sau hơn một tiếng, anh em tôi đã khuân đủ một cái tết: Năm cân thịt, hai chiếc giò lụa, hai chiếc giò pha bì, một chiếc dò thủ, và lỉnh kỉnh rất nhiều thứ gia vị khác...

Bữa cỗ tất niên chiều ba mươi, anh tôi phải bày năm mâm. Sáu đứa con anh, cả trai gái dâu rể là mười hai, thêm mười hai đứa cháu nội ngoại, rồi vợ chồng anh, vợ chồng tôi, tổng cộng hai mươi tám người. Anh tôi khăn xếp áo dài, trịnh trọng khấn mới các cụ về ăn tết cùng con cháu. Bữa ăn thật náo nhiệt, không khí vui vẻ và không khí Xuân đầy ắp trong nhà.

Hai mươi giờ, các cặp vợ chồng các con của anh đã về hết. Anh em tôi ngồi bên bàn nước, còn chị dâu tôi và vợ tôi thì dán mắt vào cái tivi để xem chương trình “Gặp nhau cuối năm”. Thỉnh thoảng, cả hai lại cười như nắc nẻ.

Cho đến nay, cái tết quê vẫn còn đọng trong tôi rất nhiều cảm xúc. Xã hội đã khác. Đời sống của người dân đã được nâng cao gấp nhiều lần so với thời bao cấp. Một xã hội dịch vụ đã ùa vào đến tận từng làng quê, nên người nông dân không còn phải dành quá nhiều thời gian để lo cho cái tết nữa.

Nhưng cái Tết cổ truyền thì vẫn nguyên vẹn ý nghĩa như xưa: Tết là ngày hội tụ những điều tốt đẹp, là sum họp, là tống cựu nghinh tân, là những ngày vô ưu, những ngày đầu của một vận hội mới...

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất