| Hotline: 0983.970.780

THẢ NỔI GIỐNG CAO SU TIỂU ĐIỀN

Thứ Năm 09/06/2011 , 10:38 (GMT+7)

12

THẢ NỔI GIỐNG CAO SU TIỂU ĐIỀN 

 Trong khi các doanh nghiệp nông nghiệp đều có vườn ươm giống để trồng cao su đại điền thì các nhà vườn cao su tiểu điền đã và đang tiêu thụ giống cây cao su trôi nổi. Hậu quả như thế nào ai cũng rõ. Báo NNVN đã từng cảnh báo vấn đề này.

Có mặt tại khu vực đường QL13 nằm trên địa bàn xã Trừ Văn Thố, giáp Trạm thu phí Chơn Thành ( Bình Phước) rất dễ nhận thấy có rất nhiều cơ sở mua bán cây giống cao su tràn ra hai bên đường để “tiếp thị”, bởi đang vào thời điểm xuống giống cao su. Hầu hết các cơ sở này đều không có bảng hiệu, chỉ ghi số ĐTDĐ để khách hàng liên hệ. Trong vai một khách hàng mua 1.100 cây giống cao su để trồng 2,1 ha sắp tới, chúng tôi vào cơ sở bán cây giống cao su của chị Huệ. Tại đây, có hàng ngàn cây giống trồng bằng tum trần và bầu hột được sắp xếp ngay hàng thẳng lối với giá thấp nhất là 13.000 đồng/tum, cao nhất là bầu hột từ 18-20 ngàn/bầu, so với năm ngoái thì giá đã cao hơn khoảng 30%.

Khi chúng tôi đặt vấn đề cơ sở có hợp đồng đảm bảo chất lượng cây giống không thì chị Huệ tròn xoe mắt nói: “Bộ mới trồng cao su hay sao mà hỏi. Từ trước đến nay, không có cơ sở nào hợp đồng đảm bảo chất lượng hết, ở đây tụi tui chỉ đảm bảo là giống PB230 của Viện NCCS (?) đưa ra, trồng tỷ lệ sống đạt trên 90% là được rồi”.

Thấy chúng tôi còn ngần ngại, chị Huệ chỉ vào bên kia đường 1 chiếc xe tải lớn từ ngoài bắc vào mua cây giống cao su rồi nói thêm: “Xe biển số 37 của Nghệ An đó, họ vào đây mua 150 ngàn cây giống PB230 của ông “Chín đầu bạc” mà có đòi hỏi chất lượng gì đâu. Nếu có mua thì tui bớt giá cho, 12.800 đồng/tum thôi, nhanh lên tụi này thuê xe cho”.

Ông Huỳnh Thành Công, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lai Hưng cho biết, dù địa phương có lợi thế là nơi “đóng chân” của Trung tâm Nghiên cứu CS Bến Cát (Viện NCCS VN) nhưng vẫn còn bị “dính” khoảng 10-20% giống tạp, giống dỏm trên tổng số 3.000 ha cao su tiểu điền. “Hiện nay, không ai quản lý giống cao su cả, lúc trồng thì không thấy gì vì cây vẫn sinh trường tốt. Ngay cả bộ môn giống của Trung tâm, họ bán cây giống cho nông dân và “vệ tinh” của họ cũng chỉ đảm bảo cây sống, chứ không bảo đảm sản lượng mủ sau này. Thế nên, chỉ đến khi khai thác mới phát hiện cho mủ rất thấp, chảy ít như cái bánh bèo. Nhiều hộ dân phải chặt bỏ trồng lại hoặc bán lại cho các đại gia ở trên thành phố”. Ông Công đơn cử trường hợp bà Nguyễn Thị T., (ấp Cầu Đôi) trồng 2,2 ha, sau 5 năm cây nhỏ xíu, cho mủ kém, bà T bán lại cho ông V. mới tập tành trồng cao su ở TPHCM giá 2 tỷ. Ông V mua về té ngửa đành rao bán lại, chấp nhận lỗ vốn nhưng chẳng ai thèm hỏi.

Điều đáng nói là, đã có không ít cơ sở giống tư nhân sau khi mua giống của Trung tâm Lai Khê mang về ghép trên vườn nhân, tuy không được kiểm định chất lượng nhưng dựa vào “giống của Viện” mà bán với giá trên trời với số lượng không hạn chế. Ông Hiếu, chủ cơ sở SX giống không có bảng hiệu nằm đối diện với TT Lai Khê cho biết, ông mua 4.000 mét gỗ cành giống LH 90952 của Trung tâm Lai Khê, có khả năng SX từ 80-100 ngàn bầu giống, bán giá 16.000 đ/bầu. “Đây là giống siêu mủ, NS cao gấp hai lần giống PB230, chỉ có tui độc quyền thôi. Nếu hợp đồng lao động đào hố để trồng bảo đảm cây sống thì tăng thêm 10 ngàn/bầu”. Nhưng khi chúng tôi yêu cầu làm hợp đồng bảo đảm sản lượng mủ sau này thì ông Hiếu lắc đầu ngay: “ Đây là giống của Viện thì cứ yên tâm” (!?)

Một điều ai cũng biết, chất lượng cây giống là yếu tố quyết định hiệu quả cây trồng. Trong khi các Cty cao su là DN nhà nước đều có thể chủ động được cây giống bảo đảm cho công tác tái canh, trồng mới thì nông dân cũng như các chủ trang trại tư nhân trồng cao su đều phải tự xoay xở, trông nhờ vào sự cung cấp của các cơ sở SX giống tư nhân theo kiểu “may nhờ rủi chịu”.

Tại 2 xã Minh Long, Thành Tâm (Chơn Thành, Bình Phước) trong mùa xuống giống năm nay có đến 200 cơ sở và hộ gia đình SX cây giống cao su, nhưng chỉ có khoảng 10 cơ sở có đăng ký với Chi cục BVTV, còn lại là hoạt động.. “chui”. Thế nên, trên tuyến đường QL13, 14 chạy dài từ Chơn Thành đến các huyện Bù Đăng, Phước Long nhan nhản bảng hiệu quảng cáo “cơ sở SX giống cao su” nhưng hầu hết đều không trương bảng hiệu.

Được biết, để có thế làm giống tốt, trước hết, người làm giống phải có ít nhất từ 5-10 ha vườn nhân; vườn chủ động nước tưới; sở hữu lao động có tay nghề. Muốn có giống để bán, cơ sở phải chuẩn bị trước cả năm. Điều đáng nói, trong khi một số cơ sở SX cây giống có bảng hiệu, phải đóng thuế môn bài, bán có hóa đơn chịu thuế VAT thì các hộ sản xuất nhỏ, lẻ đều “tay không bắt giặc”, cành ghép trôi nổi bất kể giống gì, thậm chí trên một diện tích còn xen lẫn nhiều loại giống khác nhau. Thế nhưng, điều kì lạ là từ trước đến nay chẳng có cơ quan chức năng nào ngó ngàng kiểm tra xem các cơ sở "trên trời rơi xuống" này hoạt động như thế nào(?!).

ĐỖ QUYÊN

“Quyết định 64 của Bộ NN - PTNT về SX giống cây ăn quả, cây CN thì các cơ sở SX phải có lý lịch cây đầu dòng, giấy chứng nhận cây đầu dòng. Trong khi Viện NCCS còn không đủ giống cao su cung cấp cho ngành thì việc các cơ sở SX giống tư nhân bên ngoài tác oai tác quái trên thị trường cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề là phải có cơ chế kiểm tra như thế nào để hạn chế tình hình bát nháo SX giống hiện nay..” -Ông Nguyễn Văn Quản, Sở NN-PTNT Tây Ninh.

 

Ghi chú hình:

Các cơ sở SX giống cây cao su không bảng hiệu nằm nhan nhãn trên đường QL 13 đi Chơn Thành, Bình Phước

 

 

M:\2011\thang-06\08\doquyen2005@gmail.com\16-00-58_IMG_1012.JPG09062011082735.JPG

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất