| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 10/01/2013 , 08:33 (GMT+7)

08:33 - 10/01/2013

“Thả nổi” hay không?

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục áp dụng trần lãi suất huy động bằng VND trong năm 2013 để giữ ổn định thị trường.

Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2013 được tổ chức sáng 9/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tiếp tục áp dụng trần lãi suất huy động bằng VND trong năm 2013 để giữ ổn định thị trường lãi suất.

Tại thời điểm cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND kỳ hạn dưới 1 năm là 8%/năm, lãi suất cho vay dao động chủ yếu trong khoảng 11-15%/năm, giảm mạnh so với cuối năm 2011 và quay trở về mức tương đương với mặt bằng lãi suất hồi cuối năm 2007, tức là trước thời điểm thế giới bước vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Với thành tích trên, NHNN tuyên bố sẽ tiếp tục áp dụng trần lãi suất huy động bằng VND trong năm 2013 đồng thời để ngỏ khả năng sẽ “xem xét bỏ trần lãi suất khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tiền tệ cải thiện vững chắc”.


Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bao giờ việc "xem xét” kể trên diễn ra thì chưa ai có thể khẳng định được.

Có thể thấy, việc NHNN thận trọng trong việc điều hành thị trường tiền tệ là điều cần thiết bởi nền kinh tế trong nước và thế giới đều đang diễn biến theo chiều hướng khó dự đoán. Thế nhưng cũng có những ý kiến cho rằng hành động này là sự thận trọng quá mức cần thiết, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lãi suất và sự lưu thông của dòng tiền trong nền kinh tế.

Những người ủng hộ quan điểm giữ trần lãi suất thì cho rằng, việc làm này của NHNN sẽ giúp ổn định thị trường lãi suất huy động, từ đó gián tiếp tạo ổn định đối với lãi suất cho vay. Ngoài ra, việc bỏ trần, hay còn gọi là “thả nổi” có thể dẫn đến hậu quả là các ngân hàng thương mại đồng loạt đẩy lãi suất huy động lên cao, cuốn cả hệ thống vào một cuộc đua lãi suất như những gì đã diễn ra hồi năm 2009-2010.

Khi đó, những người gửi tiết kiệm có thể được lợi thêm một chút nhưng phần lớn gánh nặng đều đổ sang những doanh nghiệp, cá nhân đi vay để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc áp dụng trần lãi suất huy động chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Cũng giống như nhiều quy định khác của Việt Nam, quy định này dù được các cơ quan chức năng hô hào mạnh mẽ trong khâu ban hành nhưng lại thiếu sát sao trong khâu quản lý, giám sát quá trình thực hiện.

Việc các ngân hàng “lách” trần lãi suất huy động dưới dạng quà tặng, khuyến mại, thưởng… còn diễn ra tương đối phổ biến và cũng đã được báo chí phản ánh nhiều lần trong suốt năm 2012. Hậu quả tất yếu của việc này là khiến cho tính minh bạch cũng như niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng bị suy giảm đáng kể.

Hơn thế nữa, việc “ép” tất cả các ngân hàng thương mại có quy mô khác nhau, phạm vi hoạt động khác nhau, đối tượng khách hàng khác nhau, sự vững mạnh tài chính, tính minh bạch, năng lực… và các yếu tố khác cũng không giống nhau phải áp dụng cùng một trần lãi suất cũng làm giảm sự cạnh tranh lành mạnh của các tổ chức tín dụng này.

Cùng với đó, những ý kiến ủng hộ việc “thả nổi” lãi suất thì cho rằng, động thái khu biệt nhóm các ngân hàng yếu kém để có kế hoạch tái cấu trúc phù hợp, điều hành tỷ giá và linh hoạt, đảm bảo tăng trưởng tín dụng ổn định của NHNN hay việc Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng là những yếu tố đủ đảm bảo để việc bỏ trần lãi suất có thể diễn ra êm đẹp.

Như vậy, dù NHNN quyết định giữ trần lãi suất huy động trong năm 2013 thì việc “thả nổi” cũng là một điều cần được suy tính kỹ lưỡng để cân bằng lợi ích giữa 3 bên là ngân hàng, người đi vay và những người gửi tiền. Trong đó, cần cân nhắc đến 2 nhóm đối tượng ít quyền lợi nhất nhưng lại chiếm số lượng đông nhất là những người đi vay và người gửi tiền.