| Hotline: 0983.970.780

Tha thứ

Thứ Ba 01/08/2017 , 06:40 (GMT+7)

Thật không ngờ lòng dạ bà lại rộng rãi, bao dung đến vậy. Nhưng tôi xấu hổ lắm, không dám nhìn bà, nhìn các con.

- Ông ơi, ông thấy trong người thế nào rồi?

Nghe tiếng bà vợ gọi, đang nằm thẳng, lão Cây lật người, quay vào vách. Không thấy chồng trả lời, bà Lan, vợ lão, bước vào, vén màn lên, đặt tay vào vai lão. Khác hẳn với vẻ đài các, ăn mặc sang trọng của vợ, lão Cây giờ trông chẳng khác gì một bộ xương khô, mặt mũi gầy quắt, da xám ngắt, mắt trũng sâu, tròng mắt lờ đờ, khóe mắt đầy dử. Nhà trống trơn. Trên bàn chỉ có bát mỳ tôm ăn dở, đã bốc mùi, chiếc phích không còn một giọt nước, cái bô đựng đầy nước tiểu khai mù...

Không ngại bẩn thỉu, bà Lan mang cái bô và bát mỳ tôm đi đổ, tráng rửa sạch sẽ, vào bếp đun một ấm nước sôi. Xong, bà rót đầy phích, còn lại thì đổ một ít vào chậu, pha thêm một ít nước nguội rồi đi tìm khăn. Không có cái khăn mặt nào, bà chạy ra hàng tạp hóa nhà Dậu gần đấy mua một cái khăn mới. Xong, bà luồn tay xuống lưng, đỡ chồng dậy:

- Nào, ông ngồi dậy đi, để tôi lau mặt, lau người cho ông.

Rất tỷ mỷ, bà lần lượt rửa mặt rồi cởi áo chồng, lau rửa khắp người. Bàn tay bà mềm mại, nhẹ nhàng lướt trên người lão. Nước ấm làm lão thấy tỉnh táo, nhẹ nhàng khắp người. Lau xong người cho chồng, bà Lan xuống bếp. Gạo không còn một hạt, cái xoong bẩn lâu ngày không rửa. Rất nhanh, bà chạy ra chợ làng gần đó mua các thứ. Và độ một tiếng sau, thì một bát cháo thịt, có cả hành và tía tô thơm lừng đã đặt trước mặt lão. Rất nhẹ nhàng, bà Lan bón từng thìa cháo cho lão.

Lão Cây thấy lòng mình xốn xang, mắt lão ươn ướt. Cách đây hơn ba mươi năm, lúc ấy vợ chồng lão đang độ trẻ trung. Mới ngoài ba mươi một tý nhưng vợ lão đã sòn sòn đẻ cho lão năm đứa con, hai trai ba gái, đứa lớn 12 còn đứa út mới hơn một tuổi, vất vả nhưng hạnh phúc chứa chan. Mọi chuyện sẽ vẫn cứ êm đềm trôi đi như vậy, nếu lão không bị ốm, phải vào bệnh viện huyện điều trị. Tại đó, lão đã trúng phải “tiếng sét ái tình” với một cô y tá kém lão chục tuổi, có hai con, chồng mới chết được bốn năm.

Sau “tiếng sét ái tình” đó, cả hai quấn quýt nhau như đôi sam, một hai thề gắn bó với nhau đến đầu bạc răng long. Về nhà, ban ngày thì lão hành vợ, ban đêm thì đến nhà tình nhân ngủ. Chỉ cần một cái cớ rất nhỏ, thậm chí chẳng cần cớ nào, bà Lan cũng phải hứng những trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng. Không chỉ đánh, lão còn triệt đường làm ăn của vợ. Làng lão ở ngoại thành Hà Nội. Làng có nghề buôn hoa quả. Có lần bà Lan mua được một gánh na, định hôm sau mang vào nội thành bán. Nhưng vừa trông thấy, lão đã nhẩy vào dẫm nát. Rồi từ đó, bất cứ thứ hoa quả nào vợ mua về, cũng bị lão phá nát.

Không chịu nổi sự vũ phu của chồng, bà Lan đành nuốt nước mắt dắt năm đứa con về nhà mẹ đẻ nương nhờ. Chỉ chờ có thế, lão bán hết nhà cửa, ruộng nương, ôm một gói tiền sang ở với nhân tình.

Gửi mấy đứa con cho mẹ đẻ, bà Lan bươn chải mưu sinh. Mùa nào thức ấy, gánh hoa quả trên vai, bà gánh bộ hơn 10 cây số vào nội thành bán dạo, nhiều hôm ba bốn giờ mới bán hết, lại tất tả quay về, đi các vườn mua hoa quả mới để mờ sáng hôm sau lại quẩy vào nội thành, nhiều hôm về đến nhà thì đàn con đã lăn ra ngủ hết. Tính ra, mỗi ngày bà cuốc bộ đến năm, sáu chục cây số. Cứ thế, gần chục năm sau bà đã đủ vốn để thuê một ki ốt ở chợ Long Biên. Lúc này, mấy đứa con đầu đã lớn, có thể giúp mẹ. Có chỗ kinh doanh rồi, bà Lan nhận hoa quả từ trong Nam của các lái buôn trong đó rồi phân phối đi các tỉnh, và thuê công-ten-nơ đóng hàng các loại hoa quả miền Bắc như vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, na Lạng Sơn... chuyển vào đổ cho các lái buôn phía Nam. Việc buôn bán càng ngày càng lớn. Lãi càng ngày càng nhiều. Bà mua được đất làm hai cơ nghiệp ở nội thành, cưới vợ cho hai con trai, gả chồng cho 3 con gái. Những lần gây dựng đó, bà cũng tìm nói với lão Cây, nhưng chẳng lần nào lão đến. Không phải lão không biết bà ăn nên làm ra, con cái phương trưởng. Nhưng thẹn vì cách đối xử với vợ trước đây, lại chẳng lo cho con được gì, nên lão đành giả câm giả điếc.

Với cô y tá bệnh viện huyện, lão không đăng ký, chỉ gá nghĩa với nhau. Mấy chục năm ăn ở, chẳng được đứa con nào. Nhà chồng thấy cô y tá đưa người đàn ông lạ về nhà, nên đòi lại nhà đất, sang tên cho thằng con trai lớn của cô ta. Hai người thuê một ngôi nhà ở thị trấn, cô y tá làm việc trong bệnh viện còn lão thì làm ăn nhì nhằng, cũng chỉ đủ tay vo miệng lốm. Tuổi già xồng xộc đến, cô y tá về hưu. Con trai cô lấy vợ, sinh con, cô về ở với nó, nhưng vợ chồng nó nhất định không chấp nhận lão. Lão đành về làng, tá túc trong ngôi nhà bỏ không của thằng cháu. Rồi lão bị bệnh, người cứ đuối dần. Biết tin, bà Lan hối hả về.

- Ông ơi, ông ra Hà Nội ở với tôi, với con với cháu, để tôi với con trông nom cho ông. Chứ cứ đi về thế này, bất tiện lắm. Mà nhỡ ông đột ngột làm sao thì...

- Tôi cảm ơn bà. Thật không ngờ lòng dạ bà lại rộng rãi, bao dung đến vậy. Nhưng tôi xấu hổ lắm, không dám nhìn bà, nhìn các con. Thôi, bà cứ mặc tôi.

Thuyết phục chồng nửa ngày không được. Hôm sau, bà Lan quyết định thuê một người với mức lương 5 triệu đồng/tháng, để chăm sóc lão Cây, và sắm sửa đủ các đồ bổ dưỡng. Bà dặn người phục vụ:

- Phải chăm sóc ông ấy thật cẩn thận. Thiếu gì cứ điện cho tôi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất