| Hotline: 0983.970.780

Thách thức với báo chí chống tham nhũng

Thứ Hai 15/10/2012 , 10:52 (GMT+7)

Kết quả nghiên cứu của một số cơ quan và chuyên gia độc lập cho thấy một thực trạng đáng ngại: Số lượng các bài báo chống tham nhũng, sự tham gia của báo chí trong việc vạch trần các vụ án tham nhũng lớn, đã giảm hẳn trong những năm vừa qua, đặc biệt từ sau sự cố PMU18 (năm 2008).

Kết quả nghiên cứu của một số cơ quan và chuyên gia độc lập cho thấy một thực trạng đáng ngại: Số lượng các bài báo chống tham nhũng, sự tham gia của báo chí trong việc vạch trần các vụ án tham nhũng lớn, đã giảm hẳn trong những năm vừa qua, đặc biệt từ sau sự cố PMU18 (năm 2008).

Hôm nay 15/10 và ngày mai 16/10 sẽ liên tiếp có hai hội thảo quốc tế về phòng chống tham nhũng tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh, trong đó đều nhấn mạnh đến vai trò, nhiệm vụ của báo chí trong công cuộc chống “giặc nội xâm” đầy gian khó này. Để bạn đọc nhận diện rõ hơn hiện trạng báo chí đưa tin về tham nhũng hiện nay, Báo NNVN xin giới thiệu những kết quả nghiên cứu gần đây của Thanh tra Chính phủ và các nhóm chuyên gia - nhà báo về vấn đề này.

Báo cáo kết quả nghiên cứu sơ bộ của một chuyên gia về truyền thông (đề nghị được giấu tên) cho biết, trong 5 năm kể từ 2006 đến 2011, lượng tin bài liên quan đến chống tham nhũng, tính trên một số tờ báo thuộc diện lớn nhất Việt Nam, đã giảm đều, trong đó thấp nhất là giai đoạn 2008-2009, nghĩa là ngay sau vụ bắt hai nhà báo trong biến cố PMU18.

Đáng chú ý, hầu hết các tin bài đăng tải đều chỉ xoay quanh các vụ tham nhũng ở địa phương, mặc dù những tờ báo được khảo sát đều là cơ quan báo chí trung ương hoặc có độc giả trên toàn quốc. Cụ thể hơn, công cuộc chống tham nhũng chủ yếu là “đánh” ở cấp tỉnh. Tham nhũng ở cấp xã, huyện ít được đề cập; và hầu như báo chí không còn đề cập đến các vụ án lớn với quy mô cỡ PMU18, ở cấp trung ương. (Báo cáo thực hiện trước năm 2012, khi thông tin về các vụ Vinalines, Vinashin chưa được công bố).


Người dân huyện Bù Đăng (Bình Phước) tiếp xúc PV Chi nhánh báo NNVN tại TP.HCM

Vị chuyên gia này đặt câu hỏi, vì sao lại như vậy? Do tham nhũng cấp huyện, xã bị coi là quá vặt vãnh, chuyện của địa phương, còn cấp trung ương thì quá ít tham nhũng? Hay do báo chí khó tiếp cận với thông tin “cấp cao”, và việc đưa tin, viết bài điều tra về các vụ tham nhũng lớn là quá nguy hiểm?

Khó khăn lớn- tiếp cận thông tin

Một trong các khó khăn dẫn đến việc báo chí không phát huy được vai trò đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề tiếp cận thông tin. Không có bằng chứng trực tiếp, nhưng nhiều nhà báo cảm nhận rằng, dường như sau vụ PMU18, các giới chính quyền tỏ ra thận trọng hơn, ít cởi mở hơn với báo chí.

Nhà báo Nguyễn Bá Kiên (Trưởng ban Kinh tế, báo Tiền Phong), trong tham luận tại một hội thảo về báo chí, tháng 2 năm nay, dẫn ra trường hợp Đà Nẵng, vốn được coi là thành phố năng động và “đáng sống” nhất nước: “Đây là địa phương có nhiều điểm sáng trong việc xử lý các vấn đề xã hội như: quản lý đô thị, phòng chống tệ nạn, giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu kiện… Tuy nhiên, không phải tất cả những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống cũng như hoạt động của chính quyền thành phố với người dân đều tốt cả, song báo chí rất ít thông tin về những bất cập này. Vì sao?”.

Câu trả lời, theo ông Bá Kiên, là tình trạng cản trở tác nghiệp đối với phóng viên, nhà báo: “Theo tìm hiểu từ các phóng viên thường trú, phần lớn phóng viên thường chỉ được tạo điều kiện để viết về những vấn đề tốt, có ý khen ngợi, còn tiếp cận với những vấn đề tiêu cực, những vấn đề mà chính quyền làm chưa tốt, thì hầu như rất khó khăn, không được tạo điều kiện cung cấp thông tin chính thống. Chưa kể, từ sau khi ông Nguyễn Bá Thanh thôi chức chủ tịch UBND TP sang làm công tác Đảng, thì thành phố không còn duy trì họp báo chí định kỳ hàng tháng hay hàng quý để cung cấp thông tin”.

Ông cho biết thêm, việc họp báo để công bố kết luận thanh tra (theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống tham nhũng) của cơ quan chức năng gần như không xảy ra. Phóng viên báo Đà Nẵng phản ánh, nhiều khi phải “đi lại tới 5-7 lần may ra mới lấy được cái tin”.

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED Communication) năm 2011 cũng cho thấy, hoạt động báo chí thường xuyên bị cản trở dưới nhiều hình thức khác nhau. Đáng chú ý là có tới 75,26% nhà báo được hỏi nói rằng họ từng bị cán bộ, nhân viên cơ quan Nhà nước cản trở tác nghiệp, bằng những cách thức “đơn giản” như từ chối gặp, gây khó dễ, hoặc nghiêm trọng như đe dọa, thu giữ phương tiện, trả thù sau khi báo đăng bài…

Báo chí “mất lửa”?

+ Người dân thường quan tâm, muốn biết thông tin về việc phát hiện và xử lý tham nhũng. Tuy nhiên, họ chỉ biết được khi đối tượng tham nhũng bị bắt và đưa ra xét xử, ít người biết được toàn bộ nội dung về vụ việc tham nhũng. (Báo cáo “Thực trạng tiếp cận thông tin về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng của người dân”, Viện Khoa học Thanh tra, 2011).

+ Hầu hết các nội dung liên quan tới đấu tranh chống tham nhũng trên báo chí trong 5 năm qua (2006-2011) là thể loại tin tức (87%), dựa trên kết quả điều tra của cơ quan an ninh, công an, chứ không phải phóng sự điều tra do tờ báo trực tiếp thực hiện. (Báo cáo nghiên cứu sơ bộ về vai trò của báo chí Việt Nam trong chống tham nhũng, 2011, tác giả đề nghị giấu tên). 

Một khảo sát nhỏ mới đây trên 92 thành viên của Diễn đàn Nhà báo trẻ cho thấy: Với câu hỏi “Vì sao dạo này báo chí ít bài điều tra tiêu cực?”, 33 người trả lời: “Do nhà báo sợ tai nạn”, 36 người cho rằng: “Do các vụ tiêu cực nêu ra bị chìm xuồng”. Ngoài ra còn một vài nguyên nhân khác như: do nhà báo không được khuyến khích làm việc này (nhuận bút thấp, lãnh đạo không có chủ trương); do thiếu tài liệu, chứng cứ; ...

Nói tinh thần chống tiêu cực của nhà báo (có chiều hướng giảm sút), vị chuyên gia về truyền thông nói trên nhấn mạnh: “Xét tổng thể, hoạt động kiểm duyệt đang gia tăng dần đều từ sau vụ PMU18, gồm cả kiểm duyệt của cơ quan quản lý lẫn việc tự kiểm duyệt của phóng viên, biên tập viên”, “Rất nhiều nhà báo chống tiêu cực thuộc diện tài năng và có kỹ năng nhất hoặc là bỏ nghề (vì chán nản, thất vọng), hoặc là mất việc. Tất nhiên vẫn còn một nhóm nhỏ có kinh nghiệm, nhưng tôi thấy dường như ngày càng có nhiều nhà báo trẻ và thiếu kinh nghiệm đang phải tự bơi”.

Việc tiếp cận thông tin trong mỗi lĩnh vực lại có mức độ khó khăn khác nhau. Theo báo cáo, báo chí đề cập tới tiêu cực trong các ngành đất đai, xây dựng, ngân hàng, tài chính thì có vẻ thường xuyên hơn là đến y tế, giáo dục, ...

Bản báo cáo sơ bộ năm 2011 về báo chí chống tiêu cực cũng cho rằng còn có một số nguyên nhân khác dẫn đến sự suy giảm về số lượng tin bài chống tham nhũng trong vài năm qua, như yếu tố kinh tế. Quy luật chung là kinh tế càng ảm đạm, thì các chính quyền càng có xu hướng lo ngại bất ổn xã hội, và do đó càng đẩy mạnh việc “định hướng” truyền thông hơn.

Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Cần khuyến khích báo chí đấu tranh

Báo chí thời gian qua đã phản ánh tích cực công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thất thoát lãng phí. Qua đó, đã rung lên những tiếng chuông cảnh báo để các cơ quan quản lý có biện pháp chấn chỉnh, thay đổi, nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Tuy nhiên, một số cá nhân, cơ quan, có thái độ bất hợp tác với báo chí trong công tác PCTN. Điều đó được thể hiện qua việc không cung cấp thông tin cho báo chí, dù Luật Báo chí đã quy định. Ngoài ra, một số cá nhân, đơn vị còn có thái độ lăng mạ, thu giữ phương tiện hành nghề của báo chí, hành hung, cản trở báo chí. Đây là việc làm không bình thường, không chấp nhận được.

Khi phản ánh các vụ việc tiêu cực, tham ô, tham nhũng, như PMU18 và mới đây nhất là vụ nhà báo Hoàng Khương, báo chí có những sai sót nhất định về mặt nghiệp vụ. Tuy nhiên, khi xem xét xử lý thì các cơ quan bảo vệ pháp luật lại xử lý quá nặng, bỏ qua cái mục đích lớn mà báo chí làm là đấu tranh, tố cáo tiêu cực trên mặt báo? Ông nhìn nhận thế nào về các vụ việc trên?

Đúng là đã xảy ra một số vụ mà nhà báo có sai sót về nghiệp vụ, nhưng một số cơ quan có trách nhiệm chưa xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng nên đã có những hình thức xử lý không phù hợp. Ở đây phải nhìn nhận rằng, mục tiêu và mục đích chính của nhà báo là muốn phanh phui mặt trái, mặt xấu của xã hội như các hành vi tham nhũng, mãi lộ, tiêu cực. Do đó nếu thấy quá trình tác nghiệp của báo chí có sai sót, thì các cơ quan quản lý phải công tâm trong việc xử lý.

Đặc biệt, phải đối chiếu tính mục đích mà họ làm là có lợi cho xã hội, là công tâm, là góp phần đấu tranh, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Vì thế, chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích trên với các quy định của pháp luật để có cách xử lý cho phù hợp mà vẫn cổ vũ, khuyến khích báo chí tiếp tục mạnh dạn, đấu tranh chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng.

Văn Kiên

 

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.