| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình dồn sức cho sản xuất

Thứ Ba 22/01/2013 , 10:02 (GMT+7)

Lần này về Thái Bình chúng tôi nhận thấy, ở đây có những quyết định đầu tư vào SXNN rất lớn.

Nhiều tỉnh đã chính sách thiết thực tạo bước đột phá trong xây dựng NTM. Ví như, TP HCM có chính sách hỗ trợ DN xây dựng các khu SX ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh Thái Bình có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy cày, máy gặt đập liên hợp. Tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay SX... NNVN xin giới thiệu một số cách làm đáng học hỏi đó.

Thái Bình dồn sức cho sản xuất

Trong một lần dự hội nghị SXNN ở một tỉnh miền Trung, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP TCty giống cây trồng Thái Bình phát biểu rằng: “Đầu tư cho SXNN là để kích thích SX phát triển. Nếu SX phát triển thì thu nhập của nông dân sẽ tăng lên. Từ đó họ có điều kiện để tái đầu tư cho hạ tầng”. Rồi ông bật mí: “Điều này ở quê lúa Thái Bình làm rất tốt, đã tạo ra những vùng SX hiệu quả rất lớn. Đó cũng chính là cách mà Thái Bình đang làm NTM”.

Lần này về Thái Bình chúng tôi nhận thấy, ở đây có những quyết định đầu tư vào SXNN rất lớn. Từ năm 2008 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ký 6 quyết định ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản SXNN. Mục tiêu của các quyết định này là hướng đến người nông dân. Ở đó, người dân được tiếp cận và ứng dụng KHKT vào SX một cách có hiệu quả.

Người dân đã được hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp, máy làm đất đa năng, công cụ gieo sạ kéo tay, kho đông lạnh bảo quản hàng nông sản. Đến nay toàn tỉnh có hàng ngàn máy phục vụ cho SX đạt chất lượng tốt. Nhờ đó đã giải phóng được rất lớn sức lao động của người dân, tăng được giá trị SX và góp phần thay đổi phần nào tư duy làm nông nghiệp của người dân.


Từ chỗ làm đất bằng việc cày bừa nhờ con trâu, nay làm đất ruộng ở Thái Bình đã sử dụng sức máy với những công suất lớn

Thay đổi lớn nhất mà theo ông Lê Đức Triều, Phó Chủ nhiệm HTXDVNN xã Bình Định huyện Kiến Xương, đó là người dân hiểu được làm ăn lớn trên động ruộng nên làm như thế nào. Bắt đầu là quy hoạch lại ruộng đồng để chuyển từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, từ nhiều loại giống lúa trên một vùng chuyển sang vùng SX lớn chỉ với một giống lúa để có chất lượng gạo ngon. Chuyển từ SX lúa thương phẩm sang tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn. Chuyển từ làm ăn đơn lẻ sang hợp tác với DN để có vốn đầu tư, có điều kiện áp dụng các tiến bộ KHKT trong thâm canh.

Rồi nữa là phải có sự hỗ trợ của Nhà nước tạo điều kiện cho kích cầu. Đối với Thái Bình, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn nhưng các chính sách ưu tiên cho đầu tư nông nghiệp vẫn không bị cắt giảm mà còn được tăng lên rất nhiều. Vì thế đã tạo nên động lực lớn cho người dân hăng say lao động. Năm 2008 và 2009, hộ nông dân và HTXDVNN được hỗ trợ mua các loại máy do trong nước chế tạo như máy gặt đập liên hợp, máy gặt rải hàng, máy gieo hạt đậu tương, máy sạ hàng, máy làm đất đa năng. Theo đó mức hỗ trợ là 50% đơn giá máy. Còn kho lạnh có công suất tối thiểu bảo quản được 30 tấn khoai tây giống/kho thì được hỗ trợ 100% tiền thiết bị làm lạnh.

Các năm 2011 và 2012, chính sách hỗ trợ cho SXNN ở quê lúa Thái Bình vẫn tiếp tục được ban hành. Nhiều nông dân và HTX đã được tỉnh hỗ trợ 50% đơn giá máy làm đất đa năng có công suất 25CV trở lên. Đối với máy sấy phục vụ bảo quản sản phẩm nông nghiệp, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ 70%/máy. Còn thiết bị kho đông lạnh, tỉnh hỗ trợ 80% và huyện hỗ trợ 20% giá trị thiết bị. Với cách làm này, đã có nhiều nông dân và một số HTX DVNN ở các huyện Hưng Hà, Thái Thụy, Vũ Thư, Kiến Xương... được đầu tư mua sắm nhiều loại máy phục vụ vào SXNN.

Theo ông Lê Nguyên Hoài, Chi cục phó Chi cục PTNT Thái Bình, thì để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng thì trước hết cần phải làm tốt công tác dồn điền đổi thửa. Kế hoạch số 20 ngày 16/8/2011 của UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tích cực thực hiện công tác dồn điền đổi thửa theo quy hoạch xây dựng NTM. Kết quả đến nay toàn tỉnh cơ bản đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa, vượt chỉ tiêu Đề án của UBND tỉnh và Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy đề ra.

Sau dồn điền đổi thửa, các xã đã giảm được 51% số thửa (501.929 thửa); bình quân mỗi hộ sau khi dồn điền, đổi thửa là 1,7 thửa (trước đây bình quân 3,67 thửa/hộ). Các hộ dân đã tự nguyện đóng góp 2.201 ha, quy ra tiền là 199,6 tỉ đồng để thực hiện đào đắp giao thông, thuỷ lợi (chiếm 54,3% tổng kinh phí thực hiện).

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác cơ khí hóa - hiện đại hóa vào SXNN với mục đích giảm chi phí đầu vào thấp nhất cho sản phẩm nông nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có chủ trương xây dựng những cánh đồng có quy mô đủ lớn để phục vụ cho công tác gieo trồng, tập trung sản phẩm hàng hóa theo vùng, theo khu vực.

Ngày 13/9/2012, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu cấp tỉnh. Có 9 xã được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu với những chính sách hỗ trợ phù hợp của UBND tỉnh như: 50% tiền mua giống; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo tổng kinh phí là 75,6 triệu đồng. Hỗ trợ các lớp tập huấn là 674,864 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng đường giao thông nội đồng trục chính, cải tạo, xây mới trạm bơm: 6,593 tỉ đồng và xây kênh mương thuộc phạm vi cánh đồng mẫu: 11,209 tỉ đồng. Hỗ trợ in Sổ tay nhật ký đồng ruộng phát cho mỗi hộ 1 quyển, tổng 67,5 triệu đồng.


Người dân thôn Hòa Bình xã Bình Định huyện Kiến Xương đang dốc sức làm đường bê tông nội đồng

Nhờ cách làm này, Thái Bình đã hình thành một số vùng SX hàng hóa quy mô lớn. Bước đầu các vùng SXNN hàng hoá với cùng loại sản phẩm có quy mô hàng trăm ha/vùng, như vùng trồng đậu tương, ớt, khoai tây, ngô, lúa chất lượng cao,... hiệu quả SX tăng cao hơn so với trước đây. 70 xã điểm được hỗ trợ 100 triệu đồng/xã, đã triển khai SX hàng hóa, trong đó có 43 xã quy hoạch vùng SX hàng hoá tập trung, tổ chức SX vào vụ đông 2011, trọng tâm là cây khoai tây, rau màu có giá trị, hiệu quả kinh tế cao.

Một trong những điểm làm ăn lớn trên đồng ruộng phải kể đến là xã Bình Định huyện Kiến Xương. Ở đó cùng với việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất và cơ giới hóa nông nghiệp, kinh tế hộ phát triển theo hướng mở rộng quy mô SX, nâng cao chất lượng hiệu quả. Thửa ruộng lớn, bờ vùng, bờ thửa được đắp to, được xây dựng bê tông kiên cố nên việc đưa cơ giới hóa vào SX rất thuận lợi.

Ông Bùi Ngọc Trìu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định, cho biết: “Phải nói thật, từ ngày được hưởng các chính sách kích cầu cho nông nghiệp, chúng tôi thấy hiệu quả SX của người dân cao hẳn lên, bằng chứng là đời sống người dân được nâng lên và tỉ lệ hộ nghèo giảm, nhiều công trình xây dựng trong thôn, trong xã có sự đóng góp của người dân là rất lớn”.

Xã Bình Định đã hình thành 5 vùng chuyên canh SX cây lúa với quy mô 10- 15ha/vùng. Nhờ được Nhà nước đầu tư cho 9 máy làm đất đa năng (mỗi máy được hỗ trợ 25 triệu đồng) và 6 máy gặt đập liên hợp nên đã giải phóng được một lượng lớn sức lao động của nông dân. Chính vì thế, trong vụ mùa vừa qua, mặc dầu gặp phải mưa lớn đúng vào thời điểm lúa chín rộ nhưng việc thu hoạch đã được triển khai một cách nhanh chóng nên người dân không bị mất mát nhiều so với những năm trước đây. Tiếp đến là triển khai SX vụ đông cũng đạt được kết quả khá.

Chúng tôi về Bình Định đúng vào thời điểm người dân thôn Hòa Bình đang ra sức làm con đường bê tông nội đồng cạnh con mương mà thôn đã đầu tư kiên cố hóa cách đó không lâu. Gặp chúng tôi, ông Bùi Vĩnh Phúc, người được nhân dân trong thôn cử trực tiếp giám sát tổ thợ làm đường ở đây, nói: “Chú thấy đấy, cánh đồng này ngày trước chia nhỏ cho hàng trăm thửa. Nay địa phương làm tốt dồn điền đổi thửa nên ruộng đã được quy hoạch lại thành các vùng SX lớn. Bờ vùng, bờ thửa được đắp to, mương máng được xây kiên cố. Để đưa máy vào SX đạt hiệu quả, chúng tôi ý thức việc cần phải đầu tư làm con đường bê tông này”.

SX ngày càng cho hiệu quả, kinh tế được nâng lên, việc huy động nhân dân đóng góp để đầu tư làm đường giao thông, kênh mương nội đồng đối với các xã quê lúa Thái Bình lúc này không mấy khó khăn. Các kết quả xây dựng NTM có thể chưa cao so với mong muốn chung nhưng điều ai cũng ghi nhận được ở Thái Bình là đã có bước đột phá trong kích cầu SX để nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân, một bước tiến trong làm NTM.

Ngoài các chính sách hỗ trợ nông dân về giống, thuốc BVTV thì riêng ngân sách các huyện và tỉnh đã rót cho chính sách hỗ trợ nông dân và HTX mua thêm 2.646 máy phục vụ SX đạt 76,4 tỉ đồng. Trước đó, số lượng máy phục vụ cho SXNN của toàn tỉnh đạt 7.219 máy bao gồm các loại làm đất, gặt đập....

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất