| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: DN lấy hàng triệu m2 đất dự án rồi bỏ hoang

Thứ Năm 09/06/2011 , 10:36 (GMT+7)

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ một bản “sớ” liệt kê 22 dự án phải xem xét, thu hồi với tổng diện tích đất lên đến hàng triệu m2.

Khu chuồng trại nhà ông Túc bỏ trống vì vướng quy hoạch treo

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ một  bản “sớ” liệt kê 22 dự án phải xem xét, thu hồi với tổng diện tích đất lên đến hàng triệu m2. Kết của xử lý ra sao thì còn phải chờ, nhưng với người dân, họ đã quá mệt mỏi, khổ sở bởi bao năm qua sống ngắc ngoải vì quy hoạch treo và mất tư liệu sản xuất.

Hàng loạt dự án nghìn tỉ chết yểu

Dự án có số vốn đầu tư lớn nhất bị thu hồi là khu du lịch sinh thái sân golf Long Sơn tại xã Lương Sơn (TP Thái Nguyên) do Cty CP golf Long Sơn (Đà Nẵng) làm chủ đầu tư. Dự án được chấp thuận từ năm 2008 với số vốn đầu tư lên đến gần 9.000 tỷ đồng nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn dậm chân tại chỗ, cả vùng dự án rộng 560 ha tê liệt, hoang phí. Một chủ đầu tư khác ở Đà Nẵng cũng có dự án treo là  Cty CP Long Việt, với dự án xây dựng đường tỉnh 261. Tháng 2/2009, nhà đầu tư này được cấp phép. Nguồn vốn đầu tư dự án là 2.000 tỷ đồng và tiến độ đăng ký hoàn thành vào 2011, nhưng đến nay, Cty mới chỉ “đang lập dự án và tiến hành các công việc tiếp theo khi có nguồn vốn...”.

Một Cty CP Long Việt khác nữa nhưng lại ở thành phố Thái Nguyên cùng với Cty CP Long Minh có đến 2 dự án bị “soi” là khu đô thị mới Thịnh Quang và dự án đường Việt Bắc. Được chấp thuận đầu tư từ năm 2008. Tiến độ đăng ký hoàn thành vào 2011. Vậy nhưng chả hiểu 2 nhà đầu tư này liên doanh liên kết kiểu gì mà đến nay tịnh không thấy  triển khai thực hiện dự án. Trước khi vào "sổ đen" của Sở KH - ĐT, tháng 4/2011, bản thân UBND thành phố Thái Nguyên vì chờ đợi quá mệt mỏi cũng đã phải trình văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi 2 dự án trên. Được biết, ngoài 2 dự án nói trên, tháng 4/2009, Cty CP Long Việt (Thái Nguyên) cũng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Bến xe khách Long Việt với tiến độ cam kết là “đưa bến xe vào hoạt động giữa năm 2011” nhưng đến nay, tiếc thay dự án vẫn nằm yên tại chỗ.

Dư luận tại Thái Nguyên cho rằng, rất có thể tất cả những dự án và chủ đầu tư kể trên đều chung một mối - chung một nhà đầu tư. Tức là cùng một “chủ đầu tư mẹ” đẻ ra các “chủ đầu tư con” để làm nhiều dự án. Bởi vậy nên văn phòng đại diện hay trụ sở chính các của các nhà đầu tư trên đều ở chung một địa chỉ là một cửa hàng bán đồ điện trên phố Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên).

Trong số 22 dự án bị đề nghị thu hồi, Cty CP tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình (TP. Thái Nguyên) là chủ đầu tư của 3 dự án với tổng vốn đầu tư trên 550 tỷ đồng. Sau khi được chấp thuận đầu tư (2 dự án năm 2007, 1 dự án năm 2008) với cam kết sẽ hoàn thành tiến độ vào 2010, Cty từng được tôn vinh là Sao vàng đất Việt này mới khởi công được 1 dự án rồi bỏ đó.

Dự án treo, dân dài cổ

Đi không được, ở không xong, dân cư nằm trong các vùng dự án chậm tiến độ là những người trực tiếp phải gánh chịu hậu quả. Ông Dương Đức Thắng (Bí thư Chi bộ tổ 19, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên) bức xúc, dự án Bến xe khách Long Việt với diện tích 6,3 ha chậm tiến độ đã làm khuynh đảo đời sống của bà con trong khu vực gần 2 năm qua. Người dân không thể cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng công trình mới, cũng chẳng thể chuyển đổi mục đích hay chia tách quyền sử dụng đất. Ông Trần Viết Thắng (tổ 19, phường Thịnh Đán) bực dọc: " Đã định lấy đất làm dự án thì lấy luôn, mà không lấy nữa thì thôi, chứ cái cảnh này, nhà có đất rộng mà không được xây, cứ như ở chui, ở tạm trên đất của mình vậy". Một hộ dân khác, ông Dương Trọng Dong cho hay, gia đình ông đang định xây khu nhà trọ 10 phòng cho sinh viên thuê thì vướng phải thông báo dừng xây dựng của thành phố. Trong 2 năm qua, nếu không bị dự án đổ lên đầu thì  gia đình ông cũng có cả hơn trăm triệu từ tiền phòng trọ. Còn ông Phạm Văn Túc (tổ 1) chỉ cho chúng tôi xem khu chuồng trại nuôi lợn cùng với nhà xưởng cơ khí bỏ không mấy năm qua, giải thích: Chúng tôi không dám đầu tư vì sợ chẳng biết lúc nào họ lấy đất. Không tăng gia, sản xuất, hai bố con phải lao ra ngoài, đi chạy taxi thuê. "Muốn làm ăn không được, ra ngoài cũng chẳng xong, sống trong trạng thái mò mẫm, bùng nhùng này ngán hết chịu nổi rồi anh ạ!" - ông Túc chán nản nói.

Mất đất SX, cả nhà sống nhờ vào suất chất độc da cam

Ở một dự án khác, người nông dân thực sự khóc dở mếu dở khi đất sản xuất bị thu hồi  rồi nhà đầu tư để phơi sương phơi nắng. Đó là dự án đầu tư hạ tầng KCN Trung Thành (huyện Phổ Yên) do chủ đầu tư là Cty TNHH Lệ Trạch (Đài Loan). Để thu hút đầu tư, tỉnh Thái Nguyên đã ứng nguồn ngân sách 43 tỷ để GPMB. Chủ đầu tư ứng 8,3 tỷ đồng. Chỉ sau 40 ngày kể từ khi được chấp thuận đầu tư (tháng 11/2007), Cty Lệ Trạch đã có quỹ đất sạch trên 40 ha (chủ yếu là đất nông nghiệp) để động thổ, khởi công thực hiện dự án. Vụ xuân 2008, nông dân 6 xóm trong vùng dự án đã không gieo cấy để chờ nhận kinh phí bồi thường GPMB. Nhưng sau lễ khởi công đến nay, phía nhà đầu tư nước ngoài mới thi công xây dựng được một bờ tường và san lấp được một phần rất nhỏ diện tích của cái gọi là khu công nghiệp.

Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có 460 dự án được chấp thuận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 150.000 tỷ đồng. Tuy vậy, trong số các dự án đã được chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư thì có khoảng 15% số dự án chưa triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ cam kết.

Ông Nguyễn Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết, 415 hộ dân của 6 xóm đã bàn giao diện tích 45 ha đất nông nghiệp cho dự án. Không còn tư liệu sản xuất, ngỡ tưởng khu công nghiệp sớm hoàn thành thì dân còn được tuyển dụng vào làm lụng kiếm sống, nào ngờ càng chờ thì càng thất vọng vì dự án chẳng thấy tiến triển gì. Bản thân gia đình ông Phó Chủ tịch cũng mất 4.000 m2 đất nông nghiệp.  "Mất đất sản xuất, các con tôi đi làm ngoài, làm thuê hết" - ông Vượng cho hay.

Ông Ngô Xuân Lâm (Bí thư Đảng uỷ xóm Hưng Thịnh, xã Trung Thành) cho biết, xóm của ông giành gần hết diện tích đất nông nghiệp cho KCN. Là hộ gương mẫu đi đầu trong việc di dời đến khu tái định cư, ông Lâm tự bỏ tiền san lấp mặt bằng xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa được bồi thường tài sản trên đất. Ông Lâm nói, chờ mãi mà chẳng thấy KCN đâu, nay gia đình ông  chỉ còn biết sống nhờ vào tiền phụ cấp chất độc da cam của ông.

Trên thực tế, mặt bằng 48 ha đất giành cho KCN Trung Thành về cơ bản đã được giải phóng. Số diện tích chưa giải phóng chỉ còn khoảng 2.000 m2. Vì triển khai không đúng tiến độ, dự án đầu tư hạ tầng KCN Trung Thành cũng nằm trong danh sách bị đề nghị thu hồi. Ngay lập tức, phía Cty TNHH Lệ Trạch đã có thông báo về việc, có doanh nghiệp muốn đầu tư vào KCN nhưng vị trí lựa chọn lại đúng vào khu 2000 mét vuông chưa giải phóng.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất