| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Gỡ rối cụm công nghiệp

Thứ Hai 18/03/2013 , 09:15 (GMT+7)

Chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong những năm qua tỉnh Thái Nguyên quy hoạch tới 31 cụm công nghiệp (CCN) và 6 khu công nghiệp.

Các khu, cụm công nghiệp quy hoạch treo, cụm công nghiệp có chủ đầu tư chậm triển khai xây dựng hạ tầng đang là vấn đề nổi cộm của nhiểu tỉnh trên cả nước, làm trì hoãn tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Giải quyết khó khăn này, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra chính sách mềm dẻo, linh hoạt và bước đầu đạt được những thành công nhất định…

>> Cơ hội nào cho nông dân?
>> Khu công nghiệp... bốc mùi!
>> Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông!
>> Dân mong được trả lại ruộng
>> Nông dân ''khát'' đất
>> Lem nhem KCN Xuyên Á

Phát triển “nóng”

Chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong những năm qua tỉnh Thái Nguyên quy hoạch tới 31 cụm công nghiệp (CCN) và 6 khu công nghiệp với tổng diện tích đất dành cho công nghiệp vượt trên 10 ngàn ha.

Mỗi địa phương trong tỉnh, từ thành phố đến các huyện xa xôi hẻo lánh đều quy hoạch khu, cụm công nghiệp: TP Thái Nguyên có 4 CCN; huyện Phú Lương có 3 CCN; Đồng Hỷ 4 CCN; Phú Bình 2 CCN; Phổ Yên 6 CCN; thị xã Sông Công 3 CCN; Đại Từ 4 CCN; Định Hóa 3 CCN; Võ Nhai 2 CCN.

Do tốc độ phát triển công nghiệp quá “nóng”, một phần do thời điểm kinh tế đình trệ nên phần lớn những khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch nhiều năm nhưng chưa được triển khai hoặc triển khai rất chậm. Trong số 31 CCN, chỉ 17 CCN lập quy hoạch chi tiết, có chủ đầu tư. Và cũng chỉ một số ít CCN nói trên được làm hạ tầng theo quy hoạch. Còn lại hầu hết đều không có chủ đầu tư hoặc có chủ đầu tư đăng kí nhưng không tổ chức triển khai xây dựng hạ tầng, để đất bỏ hoang.

Thực trạng các khu, cụm công nghiệp của Thái Nguyên cũng giống như hầu hết các tỉnh khác trong cả nước: Một là quy hoạch “treo” không có chủ đầu tư; Hai là chủ đầu tư làm hạ tầng nhưng không kêu gọi được doanh nghiệp vào cụm; Ba là giao quá nhiều dự án hạ tầng CCN cho một doanh nghiệp làm chủ đầu tư nên doanh nghiệp không đủ sức cáng đáng.


Hoạt động sản xuất tại công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG

Riêng mình HTX Chiến Công đã đăng kí làm chủ đầu tư 6 CCN trên địa bàn gồm: cụm cảng Đa Phúc, CCN Sơn Cẩm, CCN Đu – Động Đạt, CCN Nam Hòa, CCN Phú Lạc 1, CCN Khuynh Thạch. Sau nhiều năm “ôm” 6/31 CCN của tỉnh, HTX Chiến Công vẫn gần như án binh bất động, không đầu tư trọn vẹn nổi một dự án nào.

Bà Nguyễn Thị Mai – Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, việc HTX Chiến Công chậm trễ đầu tư hạ tầng CCN đã làm mất đi rất nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển công nghiệp của địa phương. Mấy năm trước, rất nhiều doanh nghiệp ngỏ ý muốn đầu tư vào CCN Sơn Cẩm 1 nhưng không thỏa hiệp được với chủ đầu tư đành rút đi nơi khác.

 Tương tự, tại CCN Đu – Động Đạt, do HTX Chiến Công không làm hạ tầng mà chỉ tập trung bới quặng sắt lên bán nên doanh nghiệp BanPo của Hàn Quốc không thể vào. Để tránh mất nhà đầu tư, huyện Phú Lương đã phải linh hoạt làm việc với một Cty chè của Đài Loan đã dừng hoạt động đề nghị chuyển giao lại trụ sở cũ cho BanPo, nhờ đó tạo thêm 1.800 việc làm cho người lao động.

Tháo nút thắt, mở cửa đón đầu tư

Một động thái tạo cảm giác thoải mái cho nhà đầu tư của huyện Phú Lương đã khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc khác cũng lần lượt tìm đến như Bujeon Electronic, Sam Sung… Trong bối cảnh kinh tế suy thoái như hiện nay, việc các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm đến với Thái Nguyên để hợp tác đầu tư là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, phải làm thế nào để đón nhận doanh nghiệp nước ngoài trong khi các chủ đầu tư hạ tầng trong nước vẫn ì ạch, chậm trễ?

Theo ông Dương Văn Lành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, đã đến lúc nhìn nhận lại cách thức quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Dẫn chứng một số CCN trước đây được quy hoạch để sản xuất, chế biến nhưng do không có nhà đầu tư nên phải tận dụng làm kho bãi, làm trung tâm tập lái xe ô tô, ông Lành cho rằng quy hoạch các CCN phải gắn với nhu cầu thiết thực của địa phương và Nhà nước cần chú trọng hơn đến việc xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước đến tận CCN (thực tế bấy lâu nay tỉnh giao các chủ đầu tư làm hạ tầng nhưng không mấy chủ đầu tư làm được).

Cũng xuất phát từ quan điểm này mà hầu hết các huyện đều ráo riết yêu cầu doanh nghiệp không đủ năng lực trả lại đất dự án CCN. Đặc biệt đối với những chủ đầu tư dàn trải, “ôm” quá nhiều dự án như HTX Chiến Công, đã phải trả lại 4 CCN. Theo đó, huyện Đồng Hỷ đã nhận lại dự án CCN Nam Hòa, huyện Đại Từ nhận dự án CCN Phú Lạc, huyện Phú Lương nhận lại dự án CCN Sơn Cẩm, TX Sông Công nhận lại CCN Khuynh Thành.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể đầu tư vào những CCN đã quy hoạch nhưng chưa có chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư trả về, Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên đưa ra chính sách cho phép UBND các huyện kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy sản xuất theo quy hoạch. Địa phương nào thu hút được đầu tư sẽ thành lập Trung tâm phát triển cụm công nghiệp trực thuộc UBND các huyện, TP, TX, là đơn vị sự nghiệp có thu để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị kinh doanh hạ tầng.

Ngày 6/2 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã chính thức kí hợp đồng cho thuê đất với Cty Sam Sung Electronics để đầu tư xây dựng nhà máy gia công, lắp ráp điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao có quy mô vốn 2 tỉ USD. Dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động tại địa phương.

Hàng năm tỉnh sẽ dành ra một nguồn vốn đầu tư nhà nước nhất định cho các Trung tâm phát triển cụm công nghiệp. Chính sách này nhằm tạo một cơ chế linh hoạt cho các địa phương trong việc thu hút đầu tư, vì vậy ngay sau khi huyện Phú Lương nhận lại CCN Sơn Cẩm 1, lãnh đạo huyện đã nhanh chóng chỉ đạo lấp đầy bằng cách kéo các doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch: Nhà máy sản xuất ngói tráng men Kim Thái, Cty TNHH nông nghiệp công nghệ cao…

Tại CCN Khuynh Thạch Sông Công cũng có 3 nhà đầu tư thứ cấp đang hoạt động SXKD: Nhà máy cơ khí chế tạo Narime; Nhà máy sản xuất vật liệu chịu lửa Lửa Việt; Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi Đại Minh. Tại CCN Điềm Thụy thêm Cty liên doanh kẽm và phân bón Việt Bắc… CCN Tân Hương cũng có 3 đơn vị gồm: Cty TNHH Mani Hà Nội, Cty TNHH Anh Dũng, Cty Cổ phần TM quốc tế D&S. Đây đều là những dự án đầu tư thứ cấp được phép xây dựng theo quy hoạch và đang hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, đóng góp đáng kể vào ngân sách của địa phương.

Đánh giá kết quả phát triển công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2012, ông Nguyễn Xuân Nguyên – PGĐ Sở Công thương khẳng định công nghiệp Thái Nguyên vẫn tăng trưởng bất chấp khó khăn. Trong tương lai, tốc độ phát triển công nghiệp của Thái Nguyên sẽ còn tăng mạnh hơn nữa với sự hỗ trợ tích cực của dự án quốc lộ 3 mới, cùng chính sách mở cửa chào đón doanh nghiệp của tỉnh.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sụt lún nghiêm trọng tại kho một công ty lương thực thiệt hại 10 tỷ đồng

CẦN THƠ Vụ sụt lún xảy ra tại kho Bến Thủy của một công ty lương thực, ước tính thiệt hại 10 tỷ đồng, ngành chuyên môn đang tìm hiểu nguyên nhân.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm