| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Rừng thông cổ gặp họa

Thứ Tư 28/09/2011 , 09:14 (GMT+7)

Được cán bộ kiểm lâm hỗ trợ, người của lâm trường Phú Bình cũ (tỉnh Thái Nguyên) đã lôi máy chém đi triệt hạ các khoảnh rừng thông trên dưới trăm tuổi.

Được cán bộ kiểm lâm hỗ trợ, người của lâm trường Phú Bình cũ (tỉnh Thái Nguyên) đã lôi máy chém đi triệt hạ các khoảnh rừng thông trên dưới trăm tuổi. Nhân vật chính liên quan đến các vụ chặt rừng thông là ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên là cán bộ lâm trường Phú Bình cũ, nay là cán bộ xưởng xẻ gỗ Phú Bình thuộc Cty Ván dăm Thái Nguyên.

Chủ bỏ không, rừng thông bị chặt

Năm 2001, để phục vụ việc bàn giao Lâm trường Phú Bình về Cty Ván dăm Thái Nguyên thuộc TCty lâm nghiệp Việt Nam, các cơ quan gồm TCty Lâm nghiệp Việt Nam, Sở NN - PTNT tỉnh Thái Nguyên, Sở Địa chính, Chi cục Kiểm lâm và Lâm trường Phú Bình đã lập biên bản thống nhất về kết quả kiểm tra rừng và đất rừng của Lâm trường Phú Bình. Theo đó, các bên liên quan đã thống nhất và chấp nhận ranh giới rừng và đất rừng của Lâm trường Phú Bình quản lý giữa bản đồ và thực địa khớp nhau, gồm 7 tiểu khu thuộc địa bàn 3 xã Tân Kim, Tân Thành và Tân Hoà. Tổng diện tích của 7 tiểu khu trên là 2.058 ha. Cty Ván dăm Thái Nguyên là đơn vị trực tiếp quản lý phần diện tích đó.

Về mặt quản lý nhà nước, các ngành liên quan phải tiếp tục đề nghị việc bàn giao cho địa phương quản lý phần đất mà Lâm trường Phú Bình không sử dụng nữa. Do chưa có hồ sơ bàn giao dẫn đến tình trạng một diện tích rất lớn đất rừng không có chủ sở hữu. Không có hồ sơ bàn giao nên chính quyền và người dân địa phương vẫn cho rằng chủ của những khoảnh rừng thông cổ trên địa bàn cả huyện Phú Bình vẫn là Lâm trường Phú Bình (Cty ván dăm Thái Nguyên). Lợi dụng kẽ hở đó, núp dưới danh nghĩa cán bộ của Lâm trường (Cty Ván dăm), ông Nguyễn Văn Dũng đã qua mặt cả cơ quan quản lý lẫn chính quyền và nhân dân địa phương để khai thác rừng thông cổ ở những địa bàn mà Cty Ván dăm không còn là chủ rừng.

Mục đích thì to, lý do lại bé

Thời gian đầu, với lý do tận thu các cây thông bị sét đánh chết, do gió quật ngã, thông già có nguy cơ đổ trong mùa mưa bão..., ông Dũng đã lần lượt đi chặt hạ thông ở rải rác các địa phương trong huyện. Rừng thông Trại Điện (xã Kha Sơn) từ lâu được địa phương chọn là nơi tổ chức các sự kiện văn hoá, khu du lịch, cắm trại cũng bị cưa đổ. Bà Nguyễn Thị Thình (xóm Trại Điện, xã Kha Sơn) cho biết, khi bà còn nhỏ, bà đã thấy rừng thông. Những “cụ” thông ở đây được trồng từ thời Pháp. Vậy mà mấy năm trở lại đây, lần nào cũng với danh nghĩa lâm trường, ông Dũng về chặt rỗng cả rừng.

Ông Nguyễn Văn Huyến, Công an viên xã Kha Sơn nói, trước kia, rừng đẹp lắm, giờ chỉ còn ít cây thưa ớt, trống huếch, người dân phải trồng xen keo để giữ cảnh quan. Mặc dù lý do chặt thông của ông Dũng là tận thu thông chết nhưng ở rất nhiều gốc thông đã bị đốn hạ cách đây cả tháng trời, chúng tôi vẫn thấy cành lá còn xanh nằm ngổn ngang trên mặt đất. Ông Dương Đình Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn lập luận, vụ chặt thông trên địa bàn của thị trấn hồi tháng 9/2010 thì không thể gọi là khai thác tận thu được. Bởi ông Dũng đã đưa cưa lốc vào “phạt” liền tay 32 cây một lúc. Trong đó, có nhiều cây, cành lá vẫn vẫn đang tươi xanh.

Khi số cây bị liệt vào danh sách tận thu không còn đủ cho nhu cầu, ông Dũng lại có những lý do khác để triệt hạ thông. Đến nay, rừng thông xóm Ngoài (xã Xuân Phương) đã cơ bản bị chặt trắng. Ông Dương Phú Cường. trưởng xóm Ngoài cho biết: "Người dân chúng tôi vốn mộc mạc, chân chất, khi thấy ông Dũng đưa cả người mặc sắc phục về, toàn cán bộ cả lại nói là chặt thông để làm khu tái định cư gì đó thì ai chả tin". Ở địa bàn khác, ông Nguyễn Văn Tám (xóm Hoá, xã Bảo Lý) cho hay, khi đưa người về phá rừng, ông Dũng lại lấy lý do là một số cây mọc sát đường điện và nhiều cây bị mối mọt. Nói vậy nhưng khi chặt thì chỉ thấy cây to, cây đẹp bị hạ thôi.

Kiểm lâm cũng hiện diện

Đối với vụ việc trên, cán bộ kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc khai thác gỗ thông có đúng là khai thác tận thu; có thực hiện đúng hồ sơ xin khai thác và vận chuyển hay không? Mặt khác dư luận cũng đặt câu hỏi: Lực lượng kiểm lâm giải thích sao sao với những vụ chặt thông ở Phú Bình khi họ cũng có mặt ở đó?

Theo một số nguồn tin, vì lý do khai thác tận thu những cây thông chết của ông Dũng mà một số đối tượng đã cố tình bức tử, bắt thông phải chết bằng nhiều cách như khoan, đốt thân cây, cắt rễ...Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đang thống kê, điều tra, làm rõ sự việc. Ước sơ bộ có hàng trăm mét khối gỗ thông đã bị chặt hạ. Có 6 xã, thị trấn không nằm trong địa bàn quản lý của Cty Ván dăm Thái Nguyên đã bị ông Nguyễn Văn Dũng mượn danh nghĩa lâm trường để chặt hạ thông, gồm các xã Kha Sơn, Xuân Phương, Nga My, Điềm Thụy, Bảo Lý và thị trấn Hương Sơn.

Tháng 10/2010, khi nhận được tin báo về việc có người chặt rừng thông, ông Hoàng Tuấn Anh, cán bộ lâm nghiệp thị trấn Hương Sơn vội vã có mặt tại khu vực rừng thông La Sơn. Tại hiện trường, 10 “cụ” thông đã bị hạ đổ. Ông Tuấn Anh cho biết, tưởng là lâm tặc liều lĩnh phá rừng nhưng thực chất đó là người của ông Dũng. Hôm đó, có cả ông Phúc (là cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình) đứng ra giám sát. “Cấp trên cho phép thì tôi chỉ biết báo cáo lại với lãnh đạo địa phương chứ làm được gì?” - Ông Tuấn Anh nói.

Mới đây, ngày 29/8/2011, ông Dũng tiếp tục đưa người về chặt 30 cây thông tại xã Bảo Lý. Chính quyền và dân chưa hiểu lý do gì thì đến ngày 2/9/2011, ông Dũng lại tiếp tục mang cưa lốc, xe ô tô về chặt tiếp. Ông Dương Quốc Hùng (Chủ tịch UBND xã Bảo Lý) cho biết, xã đã lập biên bản sự việc, đề nghị giữ nguyên hiện trường. Theo đó, có 36 cây thông bị chặt hạ với số lượng 25 mét khối gỗ. Biên bản lập xong, ông Dũng không ký; ông Nguyễn Văn Đạo, cán bộ kiểm lâm cũng không ký. Chẳng những vậy, họ còn đưa gỗ lên xe chở về đổ ở khu xưởng xẻ của Cty ván dăm Thái Nguyên.

Dư luận đặt câu hỏi về sự bất thường khi cán bộ kiểm lâm địa bàn góp mặt trong các vụ chặt thông của ông Dũng. Phải chăng có sự bảo kê, tiếp sức? Trả lời những nghi vấn trên, ông Dương Ngọc Phú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình thanh minh: "Ở các địa bàn, chúng tôi đã giao quyền hạn cho kiểm lâm viên làm, nếu anh em làm sai thì anh em chịu trách nhiệm. Khi nào, các cơ quan (ý nói lâm trường - PV) có đề nghị thì chúng tôi cử cán bộ, kiểm lâm viên đi kiểm tra, giám sát. Nếu có xảy ra khai thác trái phép thì chúng tôi không quản lý được".  Thật nực cười, rừng bị tàn phá, ông Hạt trưởng lại cho rằng, cán bộ dưới quyền nếu sai thì phải chịu trách nhiệm. Cứ đà này, rừng thông cổ ở Phú Bình có bị phá trụi thì ông Hạt trưởng cũng hoàn toàn vô can, bởi có gì sai, nhân viên phải chịu trách nhiệm!

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.