| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Xây nhà 167 cho hộ...giàu

Thứ Sáu 05/11/2010 , 10:23 (GMT+7)

Chỉ trong 2 năm 2009 – 2010, hàng nghìn hộ nghèo ở Thái Nguyên được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo QĐ 167 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều hộ nghèo thực sự đổi đời khi vào ở ngôi nhà mới. Thái Nguyên tự hào là một trong những tỉnh có tốc độ xoá nhà dột nát cho hộ nghèo vào loại nhanh nhất nước. Nhưng đằng sau ánh hào quang ấy, là gì?

Sai đối tượng

Theo phản ánh của người dân xã Yên Lạc (Phú Lương - Thái Nguyên), quá trình thực hiện hỗ trợ nhà 167 tại địa phương có nhiều điểm chưa minh bạch, rõ ràng, chưa đúng đối tượng. Ở xóm Đồng Mỏ, người dân chỉ ra hàng loạt hộ đã có nhà thuộc diện “ba cứng” nhưng vẫn được hỗ trợ như hộ ông Hoàng Văn Nhi có nhà sàn gỗ nghiến, lợp ngói; hộ ông Nguyễn Văn Sơn có nhà sàn lợp ngói; hộ bà Trương Thị Dần nhà sàn gỗ nghiến.

 Cá biệt, một số hộ dân xóm Đồng Xiền còn thắc mắc về trường hợp hộ ông Trần Văn Kiên (Trưởng xóm và là con trai của nguyên Bí thư Đảng uỷ xã), đã có nhà cột gỗ 3 gian mà vẫn được hỗ trợ xây nhà 167. Chính vì vậy, có những hộ sau khi nhận tiền đã chẳng thể sửa chữa, xây nhà như mục đích của khoản hỗ trợ bởi nhà đã tốt rồi thì việc gì phải xây, sửa.

Những việc khuất tất đang xảy ra tại Yên Lạc không khỏi khiến người dân đặt câu hỏi về trình độ và động cơ của cán bộ xã trong khi triển khai chương trình nhà 167 cho người nghèo. Đặc biệt, sau khi đã loại 124 hộ không đúng đối tượng theo hồ sơ ban đầu, đến tháng 9 người dân tiếp tục có đơn thư phản ánh và huyện Phú Lương đã loại tiếp 9 hộ không đúng đối tượng, phải truy thu. Bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho hay, một trong số 9 hộ được hỗ trợ mà lại có nhà sàn to đùng, nhiều người mơ cũng chẳng có.

Chưa hết, có hai hộ ở xóm Đồng Mỏ theo phản ánh của người dân là chưa có thẻ hộ nghèo nhưng vẫn được hỗ trợ xây dựng nhà 167. Một trong hai hộ này là Lô Văn Đại có quan hệ với nguyên Chủ tịch xã Yên Lạc. 

Dùng ảnh nhà nghèo lập hồ sơ cho... nhà giàu

Thật khôi hài, có lẽ vì ngại đi đến từng gia đình để chụp ảnh nên cán bộ của xã Yên Lạc đã tập hợp người dân tại một hộ rồi bố trí họ đứng ở các góc độ khác nhau và chụp. Những tấm ảnh có tính chất minh họa đó được dùng vào việc lập hồ sơ để xây nhà 167.

Một số người dân xóm Đồng Mỏ cho biết, hồ sơ xin hỗ trợ xây nhà theo diện 167 của cả xóm gần như sử dụng ảnh chụp căn nhà lụp xụp của hai hộ Nguyễn Văn Đương và Đào Xuân Quỳnh. Còn ở xóm Đồng Xiền, 31 hộ dân thuộc diện được xem xét nhận hỗ trợ đều chụp ảnh tại nhà các hộ Nịnh Ngọc Tuyên, Nịnh Minh Hồng và Nịnh Biên Cương. Điều kỳ lạ là hộ ông Nịnh Biên Cương không nằm trong diện được xét hỗ trợ xây nhà 167. Vậy nhưng căn nhà sàn cũ kỹ của mẹ con ông vẫn được “mượn” để chụp ảnh, làm hồ sơ cho các hộ khác giàu có hơn nhiều.

Ông Lý Văn In, một trong 31 hộ dân thừa nhận: “Khi làm hồ sơ, ông Huynh - Phó BCĐ 167 của xã đã dẫn chúng tôi sang nhà người khác chụp ảnh. Tôi đứng cạnh nhà của hộ Nịnh Minh Hồng chụp, vì đây là nhà sàn mái cọ, vách nứa. Chụp xong, ông Huynh thu luôn 50 ngàn đồng”. Nguyên nhân phải mượn nhà người khác để chụp ảnh đưa vào hồ sơ, theo ông In là vì những nhà được lên ảnh nhìn nó tiêu điều. Trong quá trình chụp ảnh làm hồ sơ, BCĐ 167 xã Yên Lạc còn đứng ra thu tiền chụp ảnh của người dân. Theo đó, mỗi hộ dân phải nộp 15 nghìn đồng, nhưng người dân phản ánh họ phải nộp 50 - 70 nghìn đồng/hộ.

Ông Lương Phương Nho, Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ 167 xã Yên Lạc cho biết: “Danh sách ban đầu của xã là 485 hộ, sau khi rà soát đã loại ra 124 hộ, còn 361 hộ. Các hộ bị loại ra chủ yếu thuộc diện từ nhà 134 chuyển sang nhà 167”. Ông Nho cũng xác nhận việc hồ sơ nhà 167 của nhiều hộ dân bị trùng ảnh: “Xã đã niêm phong 111 bộ hồ sơ trùng ảnh và kiểm điểm ông Dương Đức Huynh, cán bộ văn hóa, phó BCĐ 167 xã. Trong quá trình làm có lẽ do anh em chủ quan, làm đại khái nên mới chụp minh họa để lập hồ sơ”.

Theo báo cáo của Sở xây dựng Thái Nguyên: Tỉnh có tổng số hộ nghèo giai đoạn 2006 - 2010 là 68.227 hộ, chiếm tỷ lệ 26,85% tổng số hộ trong toàn tỉnh. Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008 - TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến tháng 09/2010, Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ xong cho 9.585 hộ, số hộ đang xây dựng là 1.670 hộ, số hộ chuẩn bị khởi công là 2.454 hộ. Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ là 65,5 tỷ đồng (đạt 60,3% kế hoạch); vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương phân bổ là 70,7 tỷ đồng (đạt 64,4% kế hoạch).
Tuy nhiên, trong danh sách 111 hộ trùng ảnh bị niêm phong không có trường hợp nào ở các xóm Đồng Mỏ, Đồng Xiền, Làng Lớn. Đây là những xóm PV đã trực tiếp ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân khẳng định có việc mượn nhà dột nát để các hộ khác chụp ảnh làm hồ sơ. Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Nho cho biết sẽ cho kiểm tra lại các trường hợp phản ánh.

Bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cũng xác nhận những vấn đề chưa minh bạch, rõ ràng đang xảy ra trong quá trình triển khai xây dựng nhà 167 ở xã Yên Lạc. Bà Mai cho biết: “Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của người dân, huyện đã vào kiểm tra và yêu cầu xã kiểm điểm. Tuy nhiên, việc kiểm điểm chưa làm rõ được động cơ và trách nhiệm của cán bộ xã. Vì vậy, ngày 25/10 huyện đã thành lập đoàn thanh tra xuống làm rõ sự việc”. Bà Mai khẳng định với các PV, đến thời điểm này chưa phát hiện tiêu cực tại xã Yên Lạc nhưng thể hiện rõ sự thiếu trách nhiệm, thực hiện sai thủ tục, hướng dẫn làm sai lệch hồ sơ, mất lòng tin của nhân dân.

Cho đến nay, những phản ánh của người dân về việc cấp tiền hỗ trợ xây dựng nhà 167 không đúng đối tượng vẫn tiếp tục. Vì vậy, rất có thể trong đợt thanh tra của huyện Phú Lương sẽ tiếp tục phát hiện ra những sai phạm trong việc thực hiện chương trình nhà 167 tại xã Yên Lạc.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm