| Hotline: 0983.970.780

Thâm canh lúa cải tiến

Thứ Sáu 15/08/2014 , 10:14 (GMT+7)

Nhờ áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến nên trong SX lúa giảm được lượng giống thông qua công cụ sạ hàng; giảm phân bón (chủ yếu là đạm)...

Thông qua Dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi: Giảm thiểu BĐKH dựa vào cộng đồng trong SX lúa gạo bền vững” giai đoạn 2012-2014 do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) hỗ trợ, tỉnh Bình Định đã xây dựng nhiều mô hình thâm canh lúa cải tiến gắn với xây dựng CĐML.

Đến vụ thu 2014, dự án đã được triển khai tại 7 xã thuộc 4 huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn với mục đích hướng dẫn nông dân ứng dụng TBKT mới theo quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) nhằm “kéo xa” nông dân ra khỏi tập quán canh tác truyền thống như sạ dày; giữ nước thường xuyên trong ruộng lúa; đốt phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch; sử dụng phân bón, thuốc BVTV chưa hợp lý… Riêng vụ HT 2014, Bình Định đã thực hiện được 507 ha với 3.072 hộ tham gia.

Trước khi thực hiện mô hình, ngành nông nghiệp Bình Định đã tổ chức nhiều lớp đào tạo giảng viên nông dân (đối tượng là cán bộ ngành nông nghiệp tại địa phương) để sau đó về chuyển giao quy trình thâm canh lúa cải tiến cho bà con, đồng thời tập huấn cho trưởng nhóm và hộ nông dân về quy trình.

Ông Hồ Thiện, Phó Chủ nhiệm HTXNN1 Phước Sơn (Tuy Phước) cho biết: “Nhờ áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến nên trong SX lúa giảm được lượng giống thông qua công cụ sạ hàng; giảm phân bón (chủ yếu là đạm).

Ngoài ra, khi sạ thưa và bón phân cân đối, cây lúa giảm sâu bệnh nên hạn chế dùng thuốc. Đặc biệt, quy trình thâm canh lúa cải tiến làm giảm áp lực về nước tưới nhờ phương pháp tưới ướt khô xen kẽ, phù hợp với tình hình hạn hán diễn biến khó lường như hiện nay”.

Theo ông Thiện, nông dân tham gia mô hình rất tuân thủ cách tưới tiết kiệm nước. Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 5 sau khi sạ thì xả khô nước. Từ ngày thứ 6 - 20, cho nước vào ruộng với mực nước từ 2 - 3 cm, kết hợp bón phân đợt 1. Từ ngày 20 - 30 giữ mặt nước trong ruộng từ 3 - 5 cm. Từ ngày 30 - 40, rút hết nước ra, phơi ruộng khô vì thời điểm này lúa đã kín hàng.

“Nông dân tham gia mô hình SX giống lúa VTNA2 ngoài đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, đầu ra cũng không phải lo vì TCty CP VTNN Nghệ An thu mua lại với giá cao, 1 kg lúa VTNA2 bằng từ 1,25 - 1,3 kg lúa khác”, ông Hồ Ngọc Hùng cho biết.

Khi cây lúa đến giai đoạn 40 - 60 ngày tuổi, cho nước vào, giữ mực nước từ 3 - 5 cm, kết hợp bón phân thúc đòng. Từ ngày 60 - 80 là thời kỳ lúa có đòng lớn và trỗ bông nên giữ nước ở mực 3 - 5 cm. Từ ngày 80 - 95, lúa trỗ, vào chắc xanh, cần giữ nước ở mực 5 -7 cm. Trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày, rút cạn nước để máy gặt dễ hoạt động, ít gây thất thoát lúa.

Để giới thiệu thành công của mô hình, vụ HT năm nay, ngành nông nghiệp Bình Định đã đưa chúng tôi đi thăm CĐML SX giống lúa thuần VTNA2 (của TCty CP VTNN Nghệ An) với diện tích 75 ha tại xã Phước Sơn. Chỉ còn mấy ngày nữa là thu hoạch, cánh đồng bày ra trước mắt chúng tôi một biển lúa sáng trưng.

“Từ vụ ĐX 2009-2010 đến nay, ngành nông nghiệp Bình Định đã đưa giống lúa VTNA2 vào SX thử tại nhiều địa phương. Giống lúa này cho thấy tiềm năng năng suất cao; chống chịu sâu bệnh, đổ ngã; thích ứng trên nhiều chân đất, mùa vụ; nhất là gạo chất lượng cao, phù hợp với sự khó tính của thị trường” ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.

Theo nông dân tham gia mô hình CĐML tại HTXNN1 Phước Sơn, làm giống VTNA2 chi phí đầu vào rất thấp, nhất là chỉ sạ 2,5 kg/sào (500 m2). Lượng giống giảm so với ruộng nông dân làm theo tập quán cũ từ 43 - 50 kg/ha.

Nhờ hạn chế được sâu bệnh nên suốt vụ mỗi ha lúa chỉ sử dụng hơn 1 triệu đồng thuốc BVTV, trong khi đó canh tác theo tập quán chi phí thuốc BVTV đến gần 1,3 triệu đồng/ha. Chi phí phân bón cũng giảm nhiều, chỉ hơn 5,3 triệu đồng/ha, trong khi đó bón phân theo tập quán chi phí đến hơn 6,6 triệu đồng/ha.

“Qua tính toán cho thấy, ruộng trong mô hình SX lúa VTNA2 có lợi nhuận hơn 43 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình gần 18 triệu đồng/ha. Ngoài ra, trong suốt vụ, chúng tôi chưa thấy cây lúa nhiễm bất cứ loại sâu bệnh nào. Tuy là lúa thuần nhưng cho năng suất cao, vụ hè thu này thời tiết rất khắc nghiệt nhưng đạt đến 80 tạ/ha. Cá biệt có những hộ đạt hơn”, ông Hồ Thiện nói.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.