| Hotline: 0983.970.780

Thăm dò những người sợ tết

Chủ Nhật 22/01/2017 , 09:05 (GMT+7)

Trước đây, khi còn chưa vướng bận chuyện gia đình, mỗi khi Tết đến, Linh chỉ phải phụ dọn dẹp nhà cửa, dạo chợ mua hoa trưng tết là “xong nhiệm vụ”. 

Mấy ngày Tết, cô tha hồ đi chơi khắp lượt bạn bè hay chúc Tết họ hàng… Mấy năm trước, cô cùng người yêu tên Khánh đi du lịch Sapa ngay ngày Mồng 2 Tết.

“Sướng dễ sợ!” – Linh vẫn còn nguyên cảm giác hồ hởi khi nhớ lại. Chuyện bếp núc ở nhà đã có mẹ lo sẵn theo phương châm “có gì ăn nấy”, bởi đến nhà ai cũng nhâm nhi, hoặc bánh kẹo, hoặc mứt miếc…, thành ra lưng lửng bụng. Về nhà, chỉ cần lát bánh tét hay góc bánh chứng… thậm chí, lấy gói mì chế nước sôi… cũng xong bữa.

08-46-02_1454214867-sotet-tm-ev
Ảnh minh họa
 

Nhưng cái “thời hoàng kim” đó của Linh lập tức chấm dứt khi cô trở thành vợ Khánh. May mắn là Linh không phải làm dâu bởi nhà chồng ở quê, cách thành phố 50km. Song, Tết năm ngoái, dù không muốn, Linh cũng khó chạy trốn nghĩa vụ “dâu mới”. Từ một cô gái ưa tự do, thích vi vu… bỗng chốc Linh bị “cầm tù” trong nhà chồng suốt những ngày Tết: nhà nước cho nghỉ bao lâu thì thời gian làm “osin” ở đó của Linh kéo dài bấy nhiêu.

Được nghỉ từ sáng 30 nên theo “hiệu triệu” của mẹ chồng, chiều đó Linh và Khánh phải có mặt ở nhà chồng để lo việc “cúng Tất niên”. Đó là chưa kể cái danh mục những sản phẩm Tết mẹ Khánh liệt kê sẵn, giao cho vợ chồng Linh “thực hiện” rồi mang về.

Sau gần 2 tiếng xe máy với lỉnh kỉnh đồ đạc, vợ chồng Linh mới về đến nhà. Chưa kịp uống xong chén nước, mẹ chồng đã réo ơi hời. Linh đành bỏ chén nước xuống bàn, xắn tay áo vào bếp rồi tất bật với đủ thủ tục cúng bái…

Dọn dẹp xong bữa ăn Tất niên, dù mệt bở hơi tai, nhưng thấy ngoài đường nhộn nhịp người đi đón giao thừa, vợ chồng Linh cũng thay quần áo, xin phép mẹ Khánh đi xem pháo hoa. Ngay lập tức, bà nghiêm mặt: “Đã rước ông bà về đón giao thừa mà hai đứa định bỏ mặc mà đi chơi sao? Ở nhà với bố mẹ cho có không khí ấm cúng!”. Thế là vợ chồng tiu nghỉu quay vào. Cả đêm giao thừa ru rú trong nhà, Linh mệt mà không ngủ được vì tủi thân và uất ức. Gần sáng, mới chợp mắt thì đã nghe tiếng mẹ chồng ào ào trước cửa: “Chị Linh đâu! Giờ này mà còn ngủ sao? Dậy lo chuẩn bị cơm cúng! Đón ông bà về mà để nhịn đói hả? Rồi phải cho cả nhà ăn sáng chứ!”.

Vội vã, tất bật cho xong chừng ấy việc thì Linh lại quay sang lo tiếp khách: pha trà, nấu nước, mời bánh mứt, rửa ly, dọn bàn… Chẳng mấy chốc mà đứng bóng, lại vào bếp lo ăn trưa. Mẹ Khánh nói, ngày Tết đâu xuề xòa được! Phải món nọ món kia, phải mâm mâm bát bát cho đàng hoàng…

Dọn dẹp xong bữa trưa là đến tiếp khách chiều, rồi lo bữa tối, tiếp khách tối, rồi dọn dẹp nhà cửa, mâm bát… Một mình Linh chạy lên chạy xuống như con thoi mà vẫn bị mẹ chồng chê chậm chạp… Suốt mấy ngày Tết, Linh chỉ ru rú trong nhà. Thậm chí, đến đi quanh xóm để biết không khí Tết của quê chồng Linh cũng không có dịp… Sang ngày thứ 3, Linh ngỏ ý muốn về thành phố chúc Tết bố mẹ và sếp cơ quan, mẹ chồng gạt đi: “Con ở gần đó, cả năm có 365 ngày chạy qua chạy lại. Có mấy ngày Tết ở nhà với bố mẹ cho vui!”. Năm nay, sắp đến Tết, cứ nhớ lại năm trước, Linh vẫn còn hãi…

Những người sợ Tết khác nữa là các bà nội trợ. Chị Tâm, một công chức nhà nước, cũng giống như bao bà nội trợ khác, chả thích thú gì khi Tết đến mà thậm chí còn sợ… Tết đến, đi lại nhiều, tiêu pha lắm, tốn kém, mệt mỏi.

Lương không bao nhiêu. Ngày thường vun vén lắm mới đủ ăn nên đến Tết là phải cứ co kéo, cố cân đối thu chi. Phải nghĩ nát óc xem cần mua những gì? Biếu bố mẹ hai bên như thế nào? Quà các sếp ra sao? Tiền lì xì cho đám trẻ bao nhiêu thì vừa? Lại sợ ra Tết chợ chưa mở nên phải trữ hàng, trong khi giá cả hàng hóa ngày sát Tết tăng chóng mặt… Trăm khoản cần chi đổ đầu lên tháng lương thứ 13 còm cõi. Lỡ vung tay thì ra Giêng ăn gì. Mà vay nợ thì sợ dông cả năm…

Rồi cả việc chạy sô chúc Tết nữa, gặp đoàn này đoàn khác, vội vã chúc cho nhanh, còn kịp sang nhà khác kẻo bị trách. Tết thành ra bận rộn, thiếu ngủ, mỏi mệt… Cứ tự hứa sang năm rút kinh nghiệm, vậy mà có rút được đâu!

Ngoài các nỗi sợ Tết như trên, những người xa quê như công nhân các khu chế xuất còn nỗi sợ khác khi Tết đến: Nào là sợ xếp hàng trắng đêm mua vé tàu xe về quê (mà sợ có khi không mua được!), họ còn phải lo gởi đồ đạc cho hàng xóm, mua quà cáp cho cha mẹ, con cái, anh em, họ hàng… Qua mấy ngày Tết, họ lại chen lấn, lo sợ không có vé tàu xe vào, rồi sợ không biết có giữ được chỗ làm sau kỳ nghỉ Tết… Trăm nỗi lo, nỗi sợ mà nỗi lo, nỗi sợ nào cũng to đùng… nên họ sợ Tết là phải!

Có những người sợ Tết khác là vợ chồng mới cưới. Chỉ riêng chuyện nghĩ xem biếu nội, ngoại cái gì để vừa túi tiền vừa không bị chê trách… là đủ thấy “oải”. Và cả những người lao động nghèo, người bệnh tật… chỉ cần nghĩ đến Tết là sợ.

Cứ mong sao, Tết đến sẽ mang đến một năm mới an lành thì chẳng còn ai sợ Tết…

(Kiến thức gia đình số 2)

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.