| Hotline: 0983.970.780

Thảm họa 2010 ở Haiti

Thứ Năm 14/11/2013 , 10:04 (GMT+7)

Hậu quả của trận động đất mạnh 7.0 độ richter là hơn 200.000 người thiệt mạng và 1,5 triệu người lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Ngày 12/1/2010, trận động đất mạnh 7.0 độ richter đã làm rung chuyển quốc đảo Haiti, trên vùng biển Đại Tây Dương. Thời điểm đó, nó đã được xếp vào thảm họa độ thị lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Hậu quả của trận động đất là hơn 200.000 người thiệt mạng và 1,5 triệu người lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất".

>> Tứ Xuyên 2008 và 2013
>> Thung lũng chết Kashmir
>> 10 năm thiên tai tồi tệ

Tâm chấn cách thủ đô Port-au-Prince 15 km về phía Tây Nam và là cơn động đất mạnh nhất từng tấn công quốc gia nghèo này trong vòng 200 năm trở lại. Sau khi chấn động chính xảy ra đã kéo theo hàng loạt dư chấn mạnh, có những cơn mạnh đến 5,9 độ richter.

Hàng ngàn ngôi nhà, trường học và bệnh viện đã bị phá hủy hoàn toàn, thậm chí là nhà tù lớn nhất nước và dinh Tổng thống cũng bị sập trong thảm họa này. Về mặt kinh tế, thiệt hại ước tính sơ bộ từ khoảng 8 - 14 tỉ USD. Nhưng đó chưa phải tất cả, thảm họa còn kéo dài đến tháng 10 năm đó, khi mà dịch tả xuất hiện và nhanh chóng lây lan trên khắp cả nước, giết đi hàng ngàn người nữa.

Theo các chuyên gia, trận động đất ở Haiti có sức tàn phá mạnh bởi tâm chấn nằm gần mặt đất làm tăng mức độ rung lắc, lại chỉ cách Port-au-Prince chưa đầy 16 km. Cơ quan khảo sát địa chất của Anh đánh giá trận động đất tại Haiti có tác động hủy diệt và có sức mạnh tàn phá tương đương 10 độ richter.

Vì Haiti nằm trên tiếp điểm của hai mảng lục địa Caribbe và Bắc Mỹ nên phải hứng chịu nhiều trận động đất lớn. Các hoạt động địa chất đã được ghi nhận rằng ở Haiti năm 1751 đã xảy ra trận động đất mạnh 7,3 độ richter. Ngoài ra đã có một trận động đất mạnh hơn xảy ra hồi năm 1860 và một trận khác mạnh 7,2 độ richter hồi năm 1887.

Nỗ lực cứu hộ

Những nỗ lực cứu trợ ban đầu vấp phải khá nhiều cản trở do các cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy. Cảng chính của quốc đảo không thể hoạt động trong vài ngày, trong khi đó ở nội địa các con đường bị phá hủy, nhiên liệu để vận hành các xe chở hàng hóa cũng bị cạn kiệt.

Ngoài ra, các tổ chức có thể phản ứng nhanh nhất với thảm họa là chính phủ, Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo có chi nhánh ở Haiti đều đã bị phá hủy văn phòng, máy tính thậm chí là mất nhân viên trong động đất.

Nhưng cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng chung vai sát cánh để viện trợ cho Haiti, giúp tìm kiếm những người có thể còn sống sót dưới đống gạch đổ nát, cung cấp lương thực, nước uống, thuốc men và lều trú ẩn cho những người dân đang hoảng loạn, mất phương hướng.


Nạn nhân Haiti sau cơn động đất thảm họa

Tất cả diễn ra nhanh nhất có thể bởi đây là một cuộc đua tính từng giờ một, chống chọi với cái chết, cái đói và nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

36 giờ sau trận động đất, hàng nghìn tấn hàng viện trợ nhân đạo quốc tế đã hoặc đang trên đường đến Haiti, cùng với đó là hàng tỷ USD được chính phủ các nước và các tổ chức tài chính cam kết viện trợ cho quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu này.

Sau động đất, hàng ngàn người vô gia cư đã trốn sang những thành phố lân cận, nhưng đa số vẫn cắm lều tạm xung quanh thủ đô. Vài tuần sau thảm họa, các trại tị nạn rơi vào tình trạng thiếu thốn nặng nề, từ thức ăn, nước uống hay đến nơi ở, khu vực chăm sóc y tế. Đáng tiếc là vì những thiếu thốn này mà 4.000 người Haiti đã rơi vào tình trạng tàn tật, cụt tay chân vì không được chăm sóc kịp thời.

Ngoài thiếu nhu yếu phẩm, an ninh cũng là một vấn đề đáng chú ý ở Haiti sau thảm họa. Mỹ đã gửi hàng ngàn binh lính đến quốc đảo này để giúp chính quyền địa phương duy trì luật pháp và trật tự, ngoài ra còn giúp các tổ chức cứu hộ cung cấp hàng viện trợ. Các nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế đã nhanh chóng có mặt ở Haiti chỉ vài giờ sau thảm họa để giúp đỡ.

Làm giàu trên xương máu

Các hoạt động viện trợ ở Haiti đã gặp phải nhiều khó khăn vì thiếu sự phối hợp giữa các tổ chức nhân đạo. Nguyên nhân là các tổ chức từ thiện đã quá lo ngại về nạn tham nhũng kinh khủng ở Haiti mà tự ý cung cấp hàng viện trợ, không thông qua chính phủ. Trong số hàng ngàn tổ chức từ thiện làm việc tại Haiti khi đó, chỉ có vài trăm đăng kí chính thức với chính phủ và gửi báo cáo tới Bộ Kế hoạch theo đúng luật pháp.

Cựu Thủ tướng Jean-Max Bellerive đã thường xuyên phàn nàn về tình trạng các tổ chức phi chính phủ, cứu trợ thế giới đã bỏ qua chính quyền địa phương trong các hoạt động của mình. Nhiều tổ chức trong số đó còn không có báo cáo về khu vực nhận trách nhiệm cứu hộ cho cơ quan chức năng.

Thậm chí, cuối năm 2010, trước khi rời khỏi Haiti, đại diện Tổ chức cứu trợ của Mỹ, Ricardo Seitenfus đã cáo buộc một số tổ chức nhân đạo đã lợi dụng Haiti sau thảm họa như một "phòng thí nghiệm" hay cơ hội để làm giàu.

Theo BBC, đã có những trường hợp nạn nhân thảm họa bị đuổi ra khỏi các khu lán trại chỉ vì các nhân viên cứu trợ nước ngoài đem chỗ cho thuê. Đầu năm 2011, Jean Renald Clerisme, trợ lý của Tổng thống mới Rene Preval đã nói ông không thể thuê được nhà vì giá quá cao, dù cho lương của ông ở Haiti không hề thấp.


Những đứa trẻ ngồi bên cạnh các khu trại dựng cho người gặp nạn từ năm 2010

BBC nói việc những người nước ngoài đến làm nhiệm vụ cứu trợ rồi lợi dụng đẩy giá sinh hoạt phí lên cao đã khiến người dân bản địa lâm vào cảnh khó khăn vì không có khả năng chi trả.

3 năm nhìn lại

Đầu tháng 1/2013, chính quyền và người dân Haiti đã tổ chức lễ kỷ niệm đánh dấu 3 năm ngày thảm họa động đất xảy ra. Họ đã tổ chức những buổi lễ đơn giản mang ý nghĩa kỷ niệm. Trong khi đó, hàng ngàn vạn người dân vẫn phải sống trong những lán trại lụp xụp, xung quanh thủ đô Port-a-Prince.

Ngoài ra, nỗ lực phục hồi đã gặp nhiều khó khăn vì chính phủ bị tê liệt, cộng với cơ sở hạ tầng yếu kém và những thiên tai khác như hạn hán, bão Isaac và bão Sandy năm 2012. Cho đến nay, số ngân khoản mà các quốc gia và tổ chức cấp viện đã cam kết chỉ được quyên góp và phân phát chưa đến phân nửa.

Theo Liên hợp quốc, các quốc gia và tổ chức quốc tế đã trao cho Haiti 1,6 tỉ USD tiền cứu trợ và hơn 2 tỉ USD tiền tái thiết. Tuy nhiên, hai năm sau động đất Haiti vẫn đổ nát, hoang tàn như thể động đất vừa mới xảy ra.

Ngoài những thảm họa mà chúng tôi đã nêu, trong 10 năm qua còn rất nhiều tai họa ập đến với loài người. Ví như, siêu bão Nargis năm 2008, quét từ Ấn Độ Dương vào Myanmar làm 138.000 người chết và hàng triệu người rơi vào cảnh vô gia cư. Thảm họa kép Nhật Bản năm 2011 với con số người chết lên đến 19.000 người và phá hủy 1 nhà máy điện hạt nhân...

Ngoài các thiên tai đến từ trái đất, con người cũng đã phải trả giá không ít cho những thảm họa đến từ nhân tố ngoài hành tinh. Nạn hạn hán, nắng nóng kéo dài năm 2003 với châu Âu là một ví dụ điển hình, thống kê cho thấy 70.000 đã chết vì nắng nóng. Đến năm 2010, nước Nga trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục với số người chết lên đến 56.000 người.

Những số liệu đau lòng đó khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc hơn nữa về thực trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra và phải cùng chung tay phòng chống chúng từng giờ, từng ngày.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất