| Hotline: 0983.970.780

Thăm “không gian đọc” ở Thái Bình

Thứ Tư 27/04/2011 , 15:31 (GMT+7)

Vào nhà những “trí thức làng” là các thầy giáo, cô giáo,... chẳng thấy sách gì ngoài những cuốn giáo khoa.

“Văn hóa đọc gần như không tồn tại ở nông thôn”, đó là lời than của một "thi sĩ làng" với tôi. Đã có lần tôi thử làm một cuộc khảo sát ở một số làng quê thuộc hai tỉnh Thái Bình, Nam Định, xem người nông dân đọc gì? Nhưng rồi kết quả đã làm tôi thất vọng.

Tại hầu hết các làng mà tôi khảo sát, ngoài một tờ báo tỉnh, một tờ báo Nhân dân của ông Bí thư chi bộ (được phát không) mà cũng chẳng mấy khi ông đọc, còn thì đi khắp làng bói không ra một quyển sách. Vào nhà những “trí thức làng” là các thầy giáo, cô giáo, cũng chẳng thấy sách gì ngoài những cuốn giáo khoa, vốn là “cần câu cơm” của họ.

Đáp lại câu hỏi “có hay đọc sách không, và đọc những sách gì?” của tôi, với thanh niên, thường chỉ là những nụ cười trừ. Còn với lớp trung niên, thì câu trả lời thường là:

- Ôi dào, làm đến ựa cơm ra, thời gian đâu mà đọc sách, với lại tiền đâu mà mua sách.

Không có tiền mua sách, nhưng các lò rượu làng nấu ra bao nhiêu cũng hết. Đó là một thực trạng buồn. Không ít người làng có trình độ văn hóa lớp 9, thậm chí lớp 12, nhưng dằng dặc hàng chục năm không sờ đến một quyển sách hay một tờ báo, nên khi cầm đến, họ đọc ngắc ngứ như trẻ nhỏ đánh vần. Sự thiếu vắng văn hóa đọc không chỉ mài mòn hết những gì họ có được trong những năm ngồi ghế nhà trường mà còn kéo họ lún sâu trong sự mù lòa tri thức…

Thế nên khi được tin anh Phạm Bắc Cường, một trí thức trẻ ở Quỳnh Phụ (Thái Bình), đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh, cùng với một số bạn bè có sáng kiến thành lập những điểm “không gian đọc”, đưa sách về quê mình, để bà con nông dân được tiếp cận với sách, tạo cho họ thói quen đọc sách, từ đó xây dựng nên một nếp văn hóa đọc ở làng quê, và họ đã xây dựng được một số điểm đọc sách như vậy, thì tôi hết sức quan tâm.

Trăm nghe không bằng một thấy. Tại điểm “không gian đọc” ở làng An Phú xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), tôi đã thấy cái hay của những điểm đọc sách này. Cách làm của nhóm Phạm Bắc Cường là: tổ chức quyên góp, xin tài trợ và tự bỏ tiền mua…các loại sách mang về làng, chọn một nhà nào tương đối có điều kiện để làm nơi chứa sách, bảo quản sách, và bước cuối cùng là tuyên truyền về văn hóa đọc bằng rất nhiều hình thức để lôi kéo người nông dân đến với sách.

Một trong những buổi tuyên truyền có hiệu quả nhất là nhân Ngày đọc sách thế giới (23/4) mới rồi, được sự ủng hộ của UBND huyện, Phòng Văn hóa huyện, nhóm đã mời nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Văn Thọ và nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng về giao lưu với những độc giả làng của không gian đọc. Tại buổi giao lưu đó, những người nông dân đã được nghe các nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, vốn cũng đều xuất thân từ nông thôn, nói về cái hay, cái đẹp của sách, nói về quá trình đọc sách và cách đọc sách của họ.

Nhiều người đọc đã trực tiếp đặt câu hỏi và đều được nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Văn Thọ trả lời một cách rất chân thành. Một không khí thoải mái, thân thiết tràn ngập trong buổi giao lưu. Ông Nguyễn Văn Lưu, gần 70 tuổi, nông dân xã Quỳnh Hải, trả lời tôi một cách rất thật thà tại buổi giao lưu đó:

- Trước, thấy con tôi đọc sách, tôi thường chửi nó là chẳng chịu làm ăn gì, chỉ vùi đầu vào sách báo, rồi có mài sách báo ra mà ăn được không? Nhưng rồi khi các anh các chị ấy mang sách về, mấy người cùng lứa với tôi mượn đọc, đọc xong lại tìm đến chơi với nhau, kể cho nhau nghe những gì họ đọc được. Thấy hay hay, tôi cũng mượn đọc, bây giờ thì quen rồi, cứ bình quân một tháng tôi đọc được một cuốn. Thú vị nhất là mấy bạn già kéo đến với nhau, pha một ấm trà rồi vừa nhâm nhi vừa đọc sách.

- Bác đọc được những sách gì rồi?

- Tôi thích đọc nhất là sách Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử… Đọc, mới thấy hay thật. Trước chỉ nghe người ta nói "tài như Khổng Minh" thì mình cũng nói theo, chứ có biết ông ấy tài giỏi thế nào đâu. Giờ mới thấy cái tài, cái giỏi của ông ấy…

Từ những điểm đọc sách như thế này, một không gian đọc, một nếp văn hóa đọc sẽ dần dần được hình thành ở nông thôn. Và từ đọc, tri thức của người nông dân sẽ càng ngày càng giàu có, phong phú thêm, dẫu rằng để đến được mục tiêu đó, còn phải qua một quãng đường rất dài. Nhưng qua một điểm đọc sách này, chúng tôi rất tin vào điều đó.

Điểm không gian đọc An Phú đặt tại nhà anh Nguyễn Văn Quân, một lương y. Quân đã dành một gian nhà làm nơi chứa sách. Sân nhà anh có mấy cây cổ thụ tạo bóng mát, rất thích hợp cho việc đọc. Điểm đọc hiện có trên 1.000 đầu sách, chủng loại sách khá phong phú, gồm các thể loại văn học, sử học, sách tham khảo cho học sinh phổ thông các cấp và sách về kỹ thuật trồng trọt. Hôm đó là Chủ nhật, người đọc tại điểm đọc toàn là học sinh THCS, THPT. Sách mà các cháu đọc là truyện và các tạp chí.

Tình nguyện viên Nguyễn Thị Kiều Ngân, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình quản lý tủ sách cho biết, ngoài số người đọc tại điểm đọc, hiện đã có trên 100 người có thẻ, thường xuyên mượn về đọc tại nhà. Ngân cũng cho biết thêm, lượng người đọc như vậy là còn ít, nhưng để gây dựng được lượng đọc giả này, cả nhóm đã phải chịu không ít gian nan vì không phải ban đầu ai cũng nhận ra giá trị của sách. Không ít học sinh, thậm chí cả thanh niên nữa, khi được mượn sách, đã xé, vứt, thậm chí bán cả cho hàng giấy vụn một cách… thản nhiên.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm