| Hotline: 0983.970.780

Thăm lại xứ Hòn

Thứ Năm 24/04/2014 , 15:40 (GMT+7)

Xứ Hòn hay còn gọi là Ba Hòn (gồm Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Quéo) nay thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang.

Từ TP. Rạch Giá, đi theo quốc lộ 80 về hướng Hà Tiên khoảng 40 km là tới ngã ba đường Hòn.

Đi hết con đường Hòn dài khoảng 10 km, vượt qua cổng chào là tới Khu di tích Ba Hòn. Nơi đây được ví như một Việt Nam thu nhỏ, một địa thế có một không hai ở ĐBSCL. Nơi mà sông liền núi, núi liền biển, biển liền đồng bằng. Đứng tại vị trí cổng chào, trước mặt du khách là Hòn Me sừng sững, với tháp ăng ten tiếp sóng đài truyền hình cao chót vót trên đỉnh như xuyên thủng chín tầng mây.

Bên trái là Hòn Đất, nơi yên nghỉ của nữ Anh hùng LLVTND Phan Thị Ràng (chị Sứ), người đã trở thành nguyên mẫu nhân vật chị Sứ trong tác phẩm "Hòn Đất" nổi tiếng của nhà văn Anh Đức; anh hùng thiếu niên Nguyễn Văn Kiến và biết bao người con của quê hương xứ Hòn đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc mà hai tấm bia tại khu di tích đã khắc tên 960 liệt sỹ.

Bên phải là Hòn Quéo, với ngôi chùa Tam bảo kỳ viên, trên đỉnh hòn là điện Mặt Trăng, bên dưới phía giáp biển là khu bãi đá được sóng biển ngày đêm cần mẫn mài nhẵn bóng, nằm trật tự như có bàn tay người sắp đặt.

Ghé thăm Di tích lịch sử - thắng cảnh Hòn Đất, tôi được vợ chồng ông Nguyễn Hiển Vinh và bà Trần Thị Nhự dẫn đi thắp nhang cho chị Sứ, thăm nhà trưng bày và hang Quân y trên núi. Ông Vinh là người con xứ Hòn còn bà Nhự cũng là người dân Hòn Đất nhưng ở xã Nam Thái Sơn.

2-hng-ngy-ong-vinh-b-nhu-deu-thp-nhnh-cho-chi-su170602590Ông Vinh và bà Nhự vệ sinh, chăm sóc khu di tích

Ngày chị Phan Thị Ràng hy sinh, ông Vinh vẫn còn là một đứa trẻ. Nhưng cảm kích trước sự hy sinh đầy quả cảm của chị, khi lập gia đình ra riêng, ông Vinh đã tự nguyện xin làm người chăm sóc phần nhang khói cho chị hàng chục năm nay.

Ông Vinh tâm sự: “Không riêng gì bản thân tôi mà những người con xứ Hòn ai cũng biết ơn chị Sứ. Chị và những anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, giữ từng tấc đất, hòn đá nơi đây không để rơi vào tay kẻ thù xâm lược. Và cũng chính nhờ có chị nằm lại nơi đây mà xứ Hòn mới có điều kiện phát triển như ngày hôm nay, hạ tầng được đầu tư xây dựng, đường xá phát triển, giao thông thuận lợi”.

Dù không có lương bổng gì nhưng hằng ngày vợ chồng ông Vinh, bà Nhự thức dậy rất sớm để quét dọn vệ sinh, làm cỏ, chăm sóc hoa kiểng quanh Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh Hòn Đất. Hai buổi sớm chiều thắp nhang cho chị Sứ. Mỗi khi có khách đến tham quan, ông bà đều mang nhang ra để họ thắp cho chị Sứ.

“Ở đây, ngày thường cũng có khoảng 100 -150 khách đến tham quan, thứ Bảy, Chủ nhật là 300 - 400 du khách. Còn dịp lễ, Tết thì lên đến cả ngàn lượt người, chúng tôi phải thay chân nhang liên tục mới có chỗ cắm”, bà Nhự vui vẻ nói.

Theo ông Vinh, phần lớn những người đã từng tham gia chiến đấu ở đây nay đã không còn hoặc đã lớn tuổi, nghỉ hưu chuyển đi nơi khác. Riêng bà Cà Mỵ hiện nay vẫn còn sống nhưng đã lớn tuổi, đầu óc lúc tỉnh lúc lẫn. Bà ít ở nhà vì con cháu thường chở đi TP Rạch Giá để tiện khám chữa bệnh.

“Khi còn tỉnh táo, mỗi khi có người đến thăm, bà luôn thanh minh với mọi người rằng mình không phải là con của bà Cà Sợi và cũng không phải là em ruột của tên trung úy Xăm hung ác (những nhân vật trong tác phẩm "Hòn Đất")”, ông Vinh kể.

Ông Trần Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý khu Di tích lịch sử - thắng cảnh Hòn Đất cho biết, những năm qua, Trung ương và tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để tôn tạo, làm mới các công trình trong khu di tích.

Toàn bộ khu di tích đã được quy hoạch mở rộng lên tới 14 ha, trong đó có các hạng mục công trình như: mộ chị Sứ, Tượng đài chiến thắng, điện Mặt Trăng, nhà Lưu niệm, hang Quân y, hang Bảy Trà (nơi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã từng sống và chiến đấu), hang Huyện ủy... đã được đầu tư, tôn tạo ngày càng khang trang, sạch đẹp, trở thành một địa điểm du lịch sinh thái, thắng cảnh và tham quan di tích lịch sử hấp dẫn du khách gần xa.

5-giuong-dieu-tri-thuong-trong-hng-qun-y170603930Giường điều trị trong hang Quân y

Lên đỉnh Hòn Me, trong khuôn viên Trung tâm trạm phát sóng truyền hình, du khách sẽ được tham quan khu trưng bày chứng tích chiến tranh do Đài Phát thanh - Truyền hình Kiên Giang xây dựng với rất nhiều các loại vũ khí, khí tài mà Mỹ - ngụy đã dùng trong chiến tranh Việt Nam và tại vùng Ba Hòn lịch sử như: xác máy bay trực thăng, pháo 105 ly, vỏ bom, miểng đạn, súng cối…

Đặc biệt vào năm 2011, Bộ Tư lệnh Hải quân đã tặng nơi đây đá chủ quyền và cây bàng trái vuông được đưa về từ quần đảo Trường Sa. Cây bàng nhanh chóng bén rễ trên đỉnh Hòn Me và đã nhiều lần ra hoa, kết trái.

Trong kháng chiến, khu căn cứ Ba Hòn là cơ sở hoạt động cách mạng quan trọng của huyện Châu Thành A và TX Rạch Giá, tất cả các cơ quan như: Huyện ủy, Tuyên huấn, Ủy ban, Huyện đội, Công an, Y tế, Phụ nữ… đều đóng tại Hòn Me và Hòn Đất để chỉ đạo phong trào
cách mạng.

Địa đanh Ba Hòn còn là chốt quan trọng trên tuyến đường vận chuyển chiến lược 1C.

Ngoài ra, tại đỉnh Hòn Me còn có cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa được người dân nơi đây phục dựng. Những hiện vật này chính là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt từ Trường Sa, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Ở Hòn Me hiện nay còn có Trạm cứu hộ động vật hoang dã với diện tích rộng gần 3 ha. Tại đây, các loài động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như: Gấu ngựa, Gấu chó, Vượn đen má vàng, Khỉ đuôi lợn, Culi nhỏ, Tê tê Java, Rùa đất, Rùa núi vàng… 

Chúng được cán bộ Tổ chức WAR (Wildlife At Risk) chăm sóc sức khoẻ, phục hồi bản năng hoang dã và sẵn sàng trở về thiên nhiên. Ngoài ra, khu vực này còn có các loài tự nhiên như rắn lục mép trắng, rắn học trò, tắc kè, thằn lằn bay, sóc đỏ, chồn mướp…tìm đến sinh sống.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng VHTTDL huyện Hòn Đất thì tiềm năng du lịch của huyện khá đa dạng, phong phú. Ngoài Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh Hòn Đất, trên địa bàn huyện còn có Di tích lịch sử Bia chiến thắng Sóc Xoài, Di tích kiến trúc văn hóa chùa Khmer Sóc Xoài (thị trấn Sóc Sơn), Di chỉ văn hóa Óc Eo tại xã Mỹ Hiệp Sơn, Khu nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thời chống Pháp, Đền thờ Trần Hưng Đạo, đình Thần Nguyễn Trung Trực…

Bí thư Huyện ủy Hòn Đất Trần Đức Mậu vui mừng cho biết, những năm gần đây, lượng khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện, đặc biệt là Khu di tích lịch sử - thắng cảnh Hòn Đất ngày càng tăng, hoạt động du lịch từng bước có sự chuyển biến tích cực, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực thương mại - dịch vụ đạt 28%/năm, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Đặc biệt, Hòn Đất hiện nay là huyện đứng đầu toàn tỉnh về SX lương thực, với tổng sản lượng năm 2013 đạt hơn 1 triệu tấn, chiếm khoảng 1/4 sản lượng toàn tỉnh, dự kiến năm 2014 này sẽ đạt trên 1,1 triệu tấn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm.

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Man United gặp Everton: Trở lại mạch thắng?

Trận đấu giữa Man United vs Everton trong khuôn khổ vòng 28 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 19h30 ngày 9/3 trên sân vận đông Old Trafford. 

Quảng Trị Marathon 2024: Hành trình xuôi dòng lịch sử

Trung tuần tháng 6, sự kiện Quảng Trị Marathon 2024 lần đầu tiên được tổ chức. Đây không chỉ là một giải chạy mà còn là hành trình xuôi dòng lịch sử.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.