| Hotline: 0983.970.780

Thăm làng ngựa đua một thời vang bóng

Thứ Ba 13/05/2014 , 08:56 (GMT+7)

Hiện giờ, làng nuôi ngựa đua đìu hiu đến lạ. Những quán nước từng một thời là nơi các “nài” ngựa tụ tập bàn luận về ngựa giờ vắng hoe.

Ba năm trước, Trường đua Phú Thọ (TP.HCM) chính thức ngưng hoạt động trong sự tiếc nuối của bao người, tiếng vó ngựa rầm rập vào mỗi cuối tuần đã đi vào dĩ vãng. Nhưng ít ai biết, những chú ngựa đua huyền thoại, lướt nhanh như gió ấy, lại do những “Hai Lúa” thứ thiệt ở miền Tây huấn luyện.

THỦ PHỦ NGỰA ĐUA

Nghe tôi nói ý định về Đức Hòa, tìm hiểu về những làng ngựa đua, anh bạn công tác tại Đài PTTH Long An tên Thành gật đầu bảo: “Ừ. Đức Hòa từng một thời là “thủ phủ” ngựa đua. Nhiều làng nuôi ngựa đua nổi danh như Đức Hòa Thượng, Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Hòa Khánh Đông… Lúc cao điểm lên đến vài ngàn con.

Nhưng từ khi đóng cửa Trường đua Phú Thọ đến nay, số lượng ngựa giảm xuống chỉ còn vài trăm con, chủ yếu của những gia đình từng mấy đời huấn luyện ngựa đua, kinh tế khá và đang hy vọng ngày nào đó đua ngựa sẽ phục hồi. Số đông còn lại lâm vào cảnh nợ nần vì ngựa”.

Theo tỉnh lộ 10, chúng tôi tìm về xã Hòa Khánh Đông, hai bên con đường liên xã trải dài những ruộng lúa vàng ươm. Bây giờ, không còn nhiều dấu chân ngựa nữa, và những cánh đồng cỏ xanh mướt ngày xưa giờ đây được thay bằng lúa, ngô.

Ấp Bình Thủy, một trong những “cái nôi” của làng ngựa chiến, yên bình nép mình trong những vườn cây trái sum suê. Mấy năm trước, khi trường đua Phú Thọ còn hoạt động, người dân ấp Bình Thủy sống bằng nghề nuôi ngựa chiến. Nhà nhà, người người đều mê ngựa và dành hết công sức, thời gian cho việc chăm sóc, huấn luyện chiến mã.

Nhưng giờ, làng nuôi ngựa đua đìu hiu đến lạ. Những quán nước từng một thời là nơi các “nài” ngựa tụ tập bàn luận về ngựa giờ vắng hoe.

Ở vùng quê này, ông Nhan Văn Trâm (Chín Trâm), là một trong số ít những mã sư danh nổi như cồn. Chính vì thế, chúng tôi không khó khăn gì trong việc tìm nhà ông, một căn nhà nằm giữa khuôn viên khá rộng với dãy chuồng ngựa vắng hoe.

“Trước đàn ngựa của tui lúc nào cũng trên dưới 30 con, giờ còn có 3 con”, ông Trâm nói, giọng tiếc nuối.

18-52-27_nh-4Dù không đua, nhưng chiến mã vẫn thường xuyên được chăm sóc móng

Khi chúng tôi yên vị và giới thiệu, ông nói tiếp: “Gia đình tui đã 3 đời theo nghề nuôi, huấn luyện ngựa đua. Bản thân tui, từ khi còn nhỏ xíu, đã suốt ngày lê la ngoài chuồng ngựa, và được ông nội cho tập cưỡi ngựa rồi. Ngày trước, cứ đến dịp cuối tuần là cả ấp rộn ràng ngựa xe, chuẩn bị lên Sài Gòn. Ngựa thì đi ô tô, còn người cưỡi xe máy thẳng tiến Sài Gòn.

Dân ấp tui có mặt ở trường đua chăm sóc ngựa, rồi reo hò cổ vũ đến khản cả tiếng. Rồi niềm vui vỡ òa khi ngựa chiến thắng, và rơi lệ khi con ngựa của mình về sau. Nhưng giờ thì ngựa vẫn còn, mà chỉ để ngắm thôi.

Hồi mới chia tay với trường đua, tui thấy lòng trống trải, buồn lắm, ăn ngủ không được, sút cả mấy ký luôn. Giờ thì đỡ rồi, nhưng vẫn nhớ da diết. Lần nào lên Sài Gòn, đi ngang trường đua Phú Thọ tui cũng dừng lại đó rất lâu”.

Hiện ông Trâm còn giữ được con chiến mã Phương Đông, từng 13 lần đoạt giải nhất, đoạt cúp ở trường đua Phú Thọ.

Ông Trâm cho biết, con Phương Đông và những chiến mã từng đoạt giải, lừng danh trong làng ngựa đua Sài Gòn như: Xích Tu Long, Mai Linh, Lục Tiểu Phụng... là giống ngựa do ông nội của ông tạo ra bằng cách cho lai giống giữa ngựa bản địa, là loại ngựa kéo có sức khỏe dẻo dai với giống ngựa to khỏe của Châu Âu”.

Anh Bùi Anh Dũng (SN 1965) ở ấp Bình Hữu, cho hay, anh sinh ra trong gia đình có ba đời gắn liền với những thăng trầm ở Trường đua ngựa Phú Thọ. Từ lúc còn bé, anh thường nghe cha kể về những lần theo chân ông nội đến trường đua để chăm sóc ngựa. Gia đình anh từng nhiều năm giành giải quán quân bởi con ngựa tên Long Trường Vân.

18-52-27_nh-3
Hai con ngựa đua còn lại của anh Bùi Anh Dũng

“Từ bé đến khi trưởng thành, con ngựa này không thắng nổi một cuộc thi. Thậm chí, Long Trường Vân còn chuyên về chót và không được xếp ở một thứ hạng nào. Nhưng không hiểu sao cha tui vẫn cứ tin tưởng rằng nó sẽ đoạt giải. Quả nhiên cha tui đúng. Mấy năm sau trưởng thành, Long Trường Vân như “lột xác” hoàn toàn và thắng 5 trận liên tiếp, 2 trận về nhì", anh Dũng nói.

MƠ NGÀY NGỰA ĐUA TUNG VÓ

Bây giờ, những mã sư vang danh một thuở ở vùng Đức Hòa như Chín Trâm, Quốc Dũng hay Mã Quốc Dương, Nhan Hồng Châu, Lại Văn Hương, Nhan Văn Chẳng, Sáu Xệ... đã dần ít được nhắc đến. Một số đã chuyển sang làm nghề khác, số khác vẫn cố gắng nuôi giữ những chiến mã trong lặng lẽ để mong một ngày chúng được tung vó trên đường đua.

“Người dân Đức Hòa có truyền thống nuôi ngựa đua từ lâu và giờ họ vẫn đam mê lắm. Vừa qua, huyện có tổ chức buổi đua ngựa phong trào, bà con đến xem, cổ vũ rất đông. Hiện Sở VHTT cũng đã ủng hộ đề xuất của chúng tôi và tiến hành các thủ tục để thành lập hội đua ngựa cấp huyện. Hy vọng làng ngựa đua Đức Hòa sẽ sớm được hồi sinh”, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT
huyện Đức Hòa.

"Từ khi không còn đua ngựa nữa, chúng tôi phải bán hết ngựa cho các lái buôn. Nuôi ngựa để đua mà cuối cùng phải bán cho lò mổ. Còn buồn nào lớn hơn".

Vị mã sư một thời tung hoành trên các đấu trường nay dành hầu hết thời gian ở nhà làm bạn với mảnh vườn và cháu nội, ngoại.

Tâm sự về nghề nuôi ngựa đua hiện nay, ông Chín Trâm ngậm ngùi: “Ở đây người ta có câu: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi tôm, muốn “ôm” cái nghèo thì nuôi ngựa”.

Bình quân, một con ngựa trưởng thành mỗi ngày xơi 10kg thóc, cùng cả gánh cỏ, chưa kể phải bồi bổ thêm đậu xanh, đỗ tương.

Chính vì vậy, hiện nay số ngựa đua ở Việt Nam đã bị làm thịt gần hết vì không đủ kinh phí nuôi nhốt.

Còn những người có thể duy trì việc nuôi ngựa thì cũng không biết mình sẽ gắn bó với ngựa đến lúc nào nữa.

Nếu nhà nước không phục hồi lại môn thể thao thú vị này, thì không lâu nữa, những con ngựa đua cuối cùng ở Việt Nam cũng sẽ bị làm thịt thôi”.

18-52-27_nh-6
Huyện Đức Hòa tổ chức buổi đua ngựa phong trào, thu hút rất nhiều người hưởng ứng

Hiện nay, một số người còn giữ nguyên ngọn lửa đam mê ngựa đua ở TP.HCM và Long An đã đứng ra xin phép thành lập “Hội thể dục thể thao ngựa đua”. Hiện, đã có hơn 200 chủ ngựa đăng ký tham gia hội và sân đua là những bãi đất để cho những con ngựa đua ngày xưa chạy cho đỡ buồn chân, còn chủ ngựa thì khơi lại niềm vui một thời còn trường đua.

“Những con ngựa đua tại Việt Nam đều thuộc dòng giống cao quý, chúng sinh ra để tung vó kiêu hãnh. Giá trị của nó nằm ở những lần vươn lên giành chiến thắng, là tinh thần nó mang lại chứ không chỉ là thân xác nó. Vì vậy, chúng ta hãy để những chú ngựa đua được sớm trở lại trường đua thực sự chứ đừng bắt nó phải biến thành thịt, thành cao, xót xa lắm”, ông Trâm nói.

Dù nghèo khó còn bủa vây, nhưng hằng ngày, trên những bãi cỏ rộng, bên bờ sông vắng, những người đam mê ngựa đua vẫn lặng lẽ luyện chiến mã với mong ước một ngày không xa nữa, những chú ngựa đua hùng dũng này lại tung vó trên đường đua.

Như lời ông Chính Trâm: "Đó là niềm đam mê không sao bỏ được của những người đã dấn thân vào nghiệp nuôi ngựa đua. Với chúng tôi, không gì buồn hơn là phải xa rời con ngựa".

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.