| Hotline: 0983.970.780

Thăm một làng chài Thái Lan

Thứ Hai 30/08/2010 , 11:54 (GMT+7)

Từ thủ đô Bangkok của Vương quốc Thái Lan xuôi về phía Nam 150 km, chúng tôi tới làng chài nhỏ thuộc xã Parsa, huyện Nakhong tỉnh Rayong...

"Tài nguyên biển dù giàu có đến đâu cũng sẽ trở nên cạn kiệt nếu bị khai thác bừa bãi. Sai lầm của chúng tôi là đã không sớm nhận ra điều đó", ông Sobkhon than thở.

1. Từ thủ đô Bangkok của Vương quốc Thái Lan xuôi về phía Nam 150 km, chúng tôi tới làng chài nhỏ thuộc xã Parsa, huyện Nakhong tỉnh Rayong. Cảnh vật quen thuộc một cách kỳ lạ. Đến mức, mỗi người trong chúng tôi đều có cảm giác như về với một làng biển miền Trung Việt Nam khi bắt gặp những hàng dừa thân thuộc cao vút; con đường cát mịn màng chạy dọc chân đồi đầy sim, mua và cỏ dại…Và tất nhiên là biển xanh biếc với những con sóng nhỏ từ vịnh Thái Lan nối nhau vỗ dịu dàng vào bờ cát trắng...

Nơi tiếp khách của làng là một hội trường nhỏ. Đã có sẵn vài chục người dân của làng ngồi đợi khách. Những cái bắt tay hồ hởi và lễ nghi giới thiệu cần thiết của mọi cuộc gặp gỡ kết thúc, cô gái trẻ, sau khi đã đưa tận tay cho từng người khách những chai nước khoáng trong suốt, ngồi trở lại bên chiếc máy vi tính cá nhân nhấn chuột để bản đồ của làng hiện lên màn hình được phóng to qua máy chiếu. Cái sự thông làu số liệu, cách trình bày lớp lang và giọng nói mềm mại cho thấy, có lẽ trước đoàn chúng tôi, đã có nhiều nhiều đoàn khách, hoặc ghé thăm, hoặc do công việc kinh doanh, làm ăn, đã biết tiếng và tìm đến những người dân xóm chài nơi đây.

Ngư dân làng chài Parsa

Sobkhon, người đang ông đứng tuổi, vóc dáng vạm vỡ, chắc nịch, nước da đen bóng; chất phong trần của một ngư ông thực thụ dường như ngấm vào từng cử chỉ, giọng nói. Ông là một trong những người lãnh đạo của làng, kiểu như chủ nhiệm HTX bên ta. Sobkhon đã từng đến một số tỉnh phía Nam của Việt Nam, cả để thăm thân, cả để làm ăn – như lời ông nói. Sobkhon cho biết, ông và nhiều người dân trong làng rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh - người từng có thời gian dài sống và hoạt động ở Thái Lan. Ông còn phấn khởi khoe rằng, sắp tới, ông sẽ được vinh dự tham gia đoàn đại biểu của huyện Nakhong đi thăm Hà Tiên của Việt Nam.

Điều thú vị là khá nhiều người trong làng vẫn lưu giữ những kỷ niệm đẹp với những ngư dân Việt Nam đã đến làng chài Parsa, dù huyện xảy ra đã khá lâu. Đó là những năm Việt Nam đang có chiến tranh. Không chịu nổi sự khốc liệt của bom đạn và những khốn khó trong cuộc sống, nhiều gia đình ngư dân Việt Nam đã buộc phải tiến đến mưu sinh ở những xứ sở khác. Và làng chài nhỏ Parsa là một trong những nơi mà họ cập bến. Phá bỏ những con thuyền vượt biển, những gia đình ngư dân Việt Nam đã xin và được dân ở đây cho cư trú làm ăn. Dẫu chẳng phải giàu có, nhưng những ngư dân làng chài Parsa sẵn lòng hào hiệp khi đó đã nhường cơm, sẻ áo, giúp đỡ những người đồng nghề Việt Nam trong vượt qua những cam go buổi đầu nơi đất khách quê người. Và chỉ sau đó ít lâu trên nhiều con thuyền đánh cá ven bờ của làng chài đã có cả những ngư dân Việt Nam góp mặt. Chiến tranh kết thúc, số ngư dân Việt Nam hầu hết đều trở về quê hương và cũng đã có một đôi người có dịp tái thăm những người bạn cũ đã một thời cưu mang, giúp đỡ họ khi khốn khó. "Ngư dân Việt Nam thật tốt và giỏi nghề". Đó là ấn tượng mà những người bạn Thái ở làng chài Parsa này còn nhớ mãi.

2. "Tài nguyên biển dù giàu có đến đâu cũng sẽ trở nên cạn kiệt nếu bị khai thác bừa bãi. Sai lầm của chúng tôi là đã không sớm nhận ra điều đó", ông Sobkhon than thở. Những ngư dân lớn tuổi của làng cho biết rằng, hơn 30 năm trước đây những người làm nghề chài lưới ven bờ như những ngư dân làng chài Parsa có cuộc sống thật dễ chịu. Hải sản khi ấy vô cùng nhiều. Chỉ với những phương tiện đánh bắt thủ công, nhưng có thể nói, cứ lên thuyền ra khơi đã biết chắc khi trở về có bao nhiêu tôm, cá, cua, mực... Và dù có đánh, bắt nhiều hơn thế tí chút cũng không hề hấn gì so với tốc độ sinh sản của các loài thuỷ sản.

Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi... Nhưng sau đó 10 năm thì mọi chuyện bắt đầu khác khi vương quốc Phật giáo này bắt đầu phát triển kinh tế theo tốc độ mà hiện nay, người ta gọi là “phát triển nóng”. Nhiều, rất nhiều khu công nghiệp được hình thành. Trong cái nôn nóng muốn thu lợi càng nhanh càng tốt đồng vốn đầu tư, người ta đã không tính tới hậu quả về mặt môi trường. Sông, biển, ao, hồ khi đó trở thành nơi chưa đựng các chất thải công nghiệp...

Làng chài nhỏ bé Parsa cũng bắt đầu có cuộc chuyển mình. Những chiếc thuyền đánh cá truyền thống được kéo lên và bỏ mặc cho mưa, nắng hành hạ ngày càng nhiều trên bãi biển. Trong trào lưu mua sắm thuyền máy, những cánh thuyền buồm ngày một trở nên lẻ loi, hiếm vắng... Sự xuất hiện của các lái cá sang trọng trong những bộ quần áo đắt tiền, luôn che giấu cặp mắt đầy toan tính bằng những chiếc kính râm kiểu Anh, kiểu Mỹ, kiểu Italia, như kích thích cơn khát làm giàu của lớp ngư dân trẻ. Dĩ nhiên, là ngư dân thì chẳng thể làm giàu kiểu nào khác ngoài đánh cá, câu mực... Người ta tìm mọi cách để tăng sản lượng đánh bắt, bất chấp sự sinh nở của cá, cua có đủ bù đắp. Đánh, bắt bằng lưới, bằng đèn, thầm chí bằng cả thuốc nổ. Cá, tôm, cua và các loài thuỷ hải sản khác quả có đánh bắt được nhiều hơn gấp bội. Cũng từ đó, cuộc sống yên bình bao đời của làng chài nghèo Parsa bắt đầu bị xáo động bởi tiếng gầm rú của động cơ, ban đầu là của xe máy, sau đó là của ô-tô tải loại nhỏ mà một số hộ làm ăn dư dả tậu sắm được. Từ một vài hộ, sau đó, hình thành cả một trào lưu thay nhà lá bằng nhà xây mái bằng trên những triền đổi thoai thoải dốc...

Giữa cái lúc đang làm ăn tấn tới, người dân làng chài bỗng cảm thấy hình như có cái gì đó bất ổn. Cá vẫn đánh bắt được nhiều, nhưng phải đi xa hơn. Con cua biển hình như bắt đầu lảng tránh vùng biển này mỗi khi tìm nơi sinh nở. Một đôi lần có cái chất gì đó đen, đặc từng mảng lớn, trôi dạt vào bờ làm ngả màu cát vàng truyền thống. Mãi sau, người người ta mới biết, đó là dầu; dầu thải của hàng nghìn tàu đánh cá ngày đêm quần đảo ngoài khơi; dầu của một chiếc tàu chở dầu nào đó bị nạn không được những người làm công tác cứu hộ vớt hết... Dĩ nhiên, sau đó là cá chết, nổi lềnh bềnh; cua ngoi lên bờ thở hi hóp. . . 

3. Không được dẫm lên san hô. Đó là khẩu hiệu được in và dán rất nhiều nơi ở làng chài Parsa và ở nhiều làng chài khác của huyện Nakhong.

Bảo vệ san hô

Mọi chuyện bắt đầu cách đây hơn 10 năm. Khoảng cuối những năm 90 của thể kỷ trước, tình trạng suy kiệt tài nguyên biển đã đến mức trầm trọng. Những ngư dân của huyện Nakhong buộc phải tính đến việc tìm cách bảo vệ nguồn lợi đã nuôi sống họ bao đời nay. Và thế là cả 17 làng ven biển, trong đó có làng Parsa, đồng tiến hành vận động và thành lập Hiệp hội bảo vệ môi trường tự nguyện. Mỗi làng có một hiệp hội, nhưng mục tiêu chung là: đưa nguồn tài nguyên biển trở lại như thuở ban đầu.

Từ mục tiêu trên, hướng hành động được xác định: xây dựng những bãi san hô tự nhiên; ươm cua đẻ, cá đẻ; bảo vệ rừng và môi trường biển ven bờ. Hoạt động của ban đầu của các hiệp hội được chính quyền huyện, tỉnh ủng hộ và hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước. Tới cuối năm 1999, từ các nhóm đầu tiên đã lập ra được Hiệp hội tri thức với trách nhiệm hướng dẫn hoạt động cho các cụm dân cư. Các hoạt động chính thức đầu tiên bắt đầu được khởi động. Lốp xe ô tô hỏng được thu gom và thả xuống những khu vực được định trước nhằm tạo những dã thể nhỏ cho san hô biển bám vào sinh sống.

Chương trình ươm nuôi động vật biển cũng bắt đầu. Sự việc tiến triển tốt đẹp đến không ngờ: riêng một làng Parsa, ngư dân đã làm hàng trăm chiếc lồng ươm cua, ghẹ. Trong số cua, ghẹ đánh bắt được, người dân lựa chọn số đang mang trứng thả vào lồng đơm đặt ngoài biển và chỉ khi nào số trứng trên đã nở thành cua con thì những con cua mẹ mới được sử dụng làm thực phẩm. Công việc trên được mỗi người dân, mỗi gia đình làng chài Parsa thực hiện một cách tự giác, không cần ai đôn đốc hay nhắc nhở.

Có lẽ đó là một trong những điều khiến nhiều người trong đoàn chúng tôi lấy làm ngạc nhiên nhất, bởi đã từng chứng kiến bên nước nhà, những chú cua, ghẹ có trứng đã được các thực khách sử dụng như những món ăn thượng thặng cùng với bia, rượu một cách vô tư, hồn nhiên, ngon lành như thế nào! 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất