| Hotline: 0983.970.780

Thăm nhà lưu niệm "Ông già Nam bộ"

Thứ Hai 23/08/2010 , 10:50 (GMT+7)

Với tâm nguyện muốn bảo tồn những kỷ vật, tác phẩm, tư liệu của người cha quá cố, con gái đầu của nhà văn Sơn Nam đã xây dựng Nhà lưu niệm cho ông tại ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang).

Chiếc máy đánh chữ của nhà văn Sơn Nam là kỷ vật quý của gia đình

Với tâm nguyện muốn bảo tồn những kỷ vật, tác phẩm, tư liệu của người cha quá cố, con gái đầu của nhà văn Sơn Nam đã xây dựng Nhà lưu niệm cho ông tại ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang). Công trình đã hoàn thành vào hôm qua (13/7 âm lịch), đúng dịp giỗ đầu nhà văn Sơn Nam.

Đứng trên cống Bảo Định nhìn về hướng Nhà lưu niệm Sơn Nam, thấy lấp ló những tán bần, dừa nước, tre, cau, sộp… Mặt chính của Nhà lưu niệm quay ra sông Bảo Định với không gian sông nước êm đềm. Trước khung cảnh ấy khiến nhiều người chợt nhớ lại mấy câu thơ thay cho lời tựa trong tập Hương rừng Cà Mau của ông: "Dưới bờ tre heo hút/ Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút/ Điệu hò ơ theo nước chảy chan hòa/ Năm tháng đã trôi qua".

Trước ngày giỗ nhà văn Sơn Nam, chúng tôi gặp chị Đào Thuý Hằng, con gái đầu của nhà văn Sơn Nam (nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, nhân viên hộ tịch đánh nhầm là Phạm Minh Tày; chị Hằng lấy họ của mẹ), đang cặm cụi lau từng kỷ vật của người cha vừa được những độc giả và người yêu mến nhà văn Sơn Nam gửi tặng. Chị Hằng vốn rất thương cha và cũng rất thích đọc những tác phẩm của cha mình ngay từ thuở nhỏ, nay "muốn có một chỗ để gia đình hương khói và lưu giữ lại những tác phẩm, kỷ vật của ông với tấm lòng kính yêu, trân trọng…Đồng thời cũng là chỗ để mọi thân hữu, bạn bè của ông có dịp qua miền Tây ghé thắp nén hương hay tạm nghỉ chân", chị Hằng bộc bạch về ý tưởng của vợ chồng chị xây dựng công trình này.

Khởi công từ tháng 6/2009, Nhà lưu niệm Sơn Nam được thiết kế với một quần thể kiến trúc độc đáo, vừa cổ kính, vừa hiện đại, nằm trên khu đất "vàng" cạnh vành đai bảo vệ cống Bảo Định, với diện tích khoảng hơn 2.000 m2. Kiến trúc Nhà lưu niệm do gia đình tham khảo ý kiến của nhiều kiến trúc sư, đồng thời kết hợp với sáng kiến của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên khi đi vào thiết kế, trang trí Nhà lưu niệm và tạo cảnh quan xung quanh rất khó vì Sơn Nam vốn là người sống giản dị, có phần dễ dãi, xuề xòa. Vì vậy, gia đình phải cân nhắc thận trọng từng chi tiết khi tạo không gian, cũng như cách bài trí Nhà lưu niệm cho phù hợp với tính cách của Sơn Nam.

Nhà lưu niệm được thiết kế cách điệu theo kiểu nhà Nam bộ 3 gian cho phù hợp với không gian sông nước và tiện việc trưng bày. Kết cấu ngôi nhà được xây dựng chắc chắn, mái tứ giác, rui mè bằng chất liệu bê tông sơn giả gỗ. Vật liệu xây dựng gồm loại gạch thẻ, chịu lực cao, do gia đình đặt mua ở Vĩnh Long, toàn bộ cửa chính, cửa sổ bằng gỗ gõ đỏ, khung gỗ căm xe. Bên trong có một phòng khách, dành để phục vụ cho bạn bè, thân hữu của nhà văn Sơn Nam đến viếng ông và có nhu cầu ở lại. Ngôi nhà thiết kế sân vườn với đế móng bằng đá ong, đường dẫn vào nhà từ ngoài sân cho đến thềm được sắp xếp lạ mắt, mô phỏng theo hình bán đảo Cà Mau, gồm 82 khối đá, tượng trưng cho số tuổi thọ của nhà văn. Chị Hằng giải thích: "Những khối đá tổ ong đã được ông xã tìm mua từ tỉnh Bình Định đưa về muốn tỏ tấm lòng kính trọng và ngưỡng mộ của người con rể, đồng thời là độc giả trung thành dành tặng cho nhà văn Sơn Nam".

Điểm nhấn của không gian Nhà lưu niệm chính là bức tượng nhà văn Sơn Nam, do điêu khắc gia Nguyễn Sánh thực hiện. Điêu khắc gia Nguyễn Sánh cũng là người đã  tạc bức tượng nhà văn Sơn Nam đặt tại phần mộ của ông ở Hoa viên Chánh Phú Hòa, Bình Dương.

Để Nhà lưu niệm có thêm được nhiều hiện vật phong phú, chị Hằng cùng chồng (anh Trần Đức Nghị) và cô em gái Đào Thúy Liễu đã trở về U Minh Thượng là nơi “ký ức quê nhà mãi mãi không bao giờ phai nhạt” trong tâm hồn Sơn Nam, chỉ mong cố công tìm cho được chiếc đèn dầu “trứng vịt” để khi Nhà lưu niệm hoàn thành sẽ thắp trên bàn thờ ông cho ấm cúng. Đồng thời cũng lần tìm về quê cũ của ông tại An Biên, Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) để tìm từng lá thư cũ từ thời ông cố, ông cha còn để lại trong những nhà người thân quen của gia đình dòng họ. 

Sau những lần về quê ấy, gia đình chị Hằng lỉnh kỉnh gom góp được từ cái bàn cũ kỹ, mấy viên gạch thẻ vẫn còn đỏ au, cái ché, chậu bông. Đây là những kỷ vật mà một thời Nhà Nam bộ học Sơn Nam đã gắn bó với chúng. Nay tất cả những kỷ vật này đều được trở về với Sơn Nam trong Nhà lưu niệm gồm hàng trăm hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Sơn Nam. Còn toàn bộ tác phẩm của ông đã được Nhà Xuất bản Trẻ tặng. Điều đáng trân trọng là khi biết tin Nhà lưu niệm được xây dựng đã có rất nhiều độc giả và những người yêu mến nhà văn Sơn Nam tự nguyện góp tặng lại cho gia đình những kỷ vật mà họ đang lưu giữ. Nhà giáo Đinh Công Tâm (Q. Bình Tân, TP. HCM) đã tặng lại cho gia đình toàn bộ các tác phẩm cũng như những bài viết về Sơn Nam mà ông đã sưu tầm và cất giữ hơn nửa thế kỷ qua. Một sinh viên Trường ĐH Kinh tế cũng tặng lại cho gia đình hai chiếc máy đánh chữ cùng bức tranh sơn dầu chân dung nhà văn Sơn Nam của họa sỹ Lê Minh...

Nhà lưu niệm Sơn Nam hoàn thành và mở cửa, những người yêu mến ông sẽ có cơ hội  về đây như vẫn còn thấy ông ngồi bên chiếc máy đánh chữ cũ kỹ, cặm cụi gõ từng trang bản thảo. Rồi “hạt bụi” đã từng “phong sương mấy độ qua đường phố” cũng sẽ về cư ngụ ở một nơi cố định để tất cả bạn hữu, độc giả và những người yêu mến “ông già Nam Bộ” tìm về.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất