| Hotline: 0983.970.780

Tham nhũng: Ai chống ai?

Thứ Tư 27/06/2012 , 13:47 (GMT+7)

Vẫn biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng nhưng trong trường hợp Việt Nam không thể không tính đến nguyên nhân tiền lương không đủ sống kéo dài hơn 1/2 thế kỷ, đủ lâu để làm băng hoại cả một bộ máy công quyền khiến nhà nước phải liên tục tăng thêm biên chế nhưng không bao giờ có thể hoàn thành nhiệm vụ.

(Tiếp theo và hết)

Vẫn biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng nhưng trong trường hợp Việt Nam không thể không tính đến nguyên nhân tiền lương không đủ sống kéo dài hơn 1/2 thế kỷ, đủ lâu để làm băng hoại cả một bộ máy công quyền khiến nhà nước phải liên tục tăng thêm biên chế nhưng không bao giờ có thể hoàn thành nhiệm vụ.

>> Tham nhũng: Ai chống ai? (phần 1)


Biếm họa về tham nhũng ở Trung Quốc (st)

Vòng luẩn quẩn lương - lậu

Biên chế ngày càng phình to mất cân đối so với quỹ lương ắt dẫn đến tình trạng lương vốn đã thấp ngày càng thấp hơn. Ước tính, đội ngũ công chức cả nước hiện nay đã tăng lên mức 2 triệu người trong tổng số 6 triệu người người ăn lương nhà nước. Tức là cứ 45 người có một công chức, và cứ 15 người có một người ăn lương nhà nước. Đây là tỷ lệ cao nhất thế giới thì phải (?). Nhưng lương nào có ra lương! Giá trị đồng lương thực tế liên tục giảm. Ví dụ lương tháng tối thiểu năm 1960 tuy chỉ khoản 15 đồng nhưng có thể mua được gần 2 chỉ  vàng, cộng các khoản phụ cấp, người nhận lương vẫn nuôi sống được gia đình ở mức đạm bạc; trong khi lương tối thiểu năm 2012 là 1.050.000 đồng chỉ mua được 1/4 chỉ vàng, và chỉ nuôi sống bản thân trong vòng 1-2 tuần lễ. Cách so sánh đơn giản này cũng cho thấy tình trạng tương tự đối với các cấp độ lương cao hơn. 

Mức độ chênh lệch giữa các bậc lương chính thức không nhiều, ví dụ lương những người lãnh đạo cao nhất khoảng 13 triệu đồng, tức gấp 12 lần lương tối thiểu. Nhưng mức chênh lệch trong thu nhập thực tế thì vô cùng lớn, vì các cấp càng cao càng có nhiều khoản trợ cấp với giá trị gấp hàng trăm lần lương, đặc biệt, chúng được áp dụng một cách không minh bạch, rõ ràng. Thử hỏi cán bộ công chức và toàn bộ khối những người làm công ăn lương làm cách gì để có thể duy trì cuộc sống của họ nếu không dính dáng đến tiêu cực? 

Để "bù lương" cho toàn bộ đội ngũ công chức "sống được", quỹ lương thực sự của nhà nước ắt phải gấp nhiều lần quỹ lương công khai. Trên thực tế, đa số công chức Việt Nam thường có thu nhập thực tế cao hơn hàng chục lần lương chính thức. Điều này có nghĩa, theo quy luật tổng giá trị tài sản quốc gia không đổi, một giá trị tài sản nhà nước khổng lồ thường xuyên bị thất thoát. Đó là chưa kể những giá trị vô hình bị mất đi do hậu quả của cả quá trình tham nhũng gây ra như chất lượng công trình kém và nhiều dạng lãng phí... Nhưng hậu quả nặng nề nhất chính là sự chậm tiến của nền kinh tế đất nước và nguy cơ "đe dọa sự tồn vong của chế độ" như đã được tổng kết trong Nghị quyết TW 4 khóa XI mới đây.  

Tóm lại, 3 nhân tố: công chức, tiền lương và tham nhũng luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau trong một vòng luẩn quẩn theo hình xoáy trôn ốc, trong đó quy mô và mức độ tham nhũng của thời kỳ sau bao giờ cũng lớn hơn thời kỳ trước. Đó là lý do tại sao quỹ lương không bao giờ đủ để chi trả cho một biên chế ngày càng phình to. Tuyệt đối không phải là do đất nước nghèo mà do tham nhũng làm nghèo đất nước!


Biếm họa chống tham nhũng ở Việt Nam (st)

Hết phương cứu chữa hay không muốn cứu chữa?

Do đã quá quen chung sống với tệ nan tham nhũng, người dân nói chung và bộ phận công chức bình thường tỏ ra thờ ơ hoặc bất lực trước vấn nạn tham nhũng. Nhưng đồng thời có một bộ phận công chức, kể cả ở cấp cao, không thật sự thấy cần thay đổi chế độ tiền lương không đủ sống, vì họ muốn tiếp tục lợi dụng các kẻ hở của chế độ hiện hành để kéo dài cơ hội tham nhũng. Họ thậm chí cố tình ngăn chặn tiến trình cải cách. Giả thiết này tỏ ra có lý đối với những quan chức đang nắm giữ những nguồn tài sản công béo bở hoặc những cương vị mà kẻ khác phải tìm đến để cống nạp. Những nhóm người này thường có khả năng tự tung tự tác trong các vụ tham nhũng trị giá tiền nghìn tỷ như PMU 18, Năm Cam, Hành lang Đông Tây, Vinashin, Vinalines và hàng loạt vu việc đang bị nghi vấn khác. Giả thiết trên cũng đúng trước thực tế ngày càng nhiều người mua quan bán chức.  

Ai cũng biết và cũng nói "chống tham nhũng". Nhưng không biết ai chống ai đây? Liệu có ai chịu cầm búa ghè vào chân mình không nhỉ?

Chữa bệnh gì cũng phải chữa từ nguyên căn của nó. Chữa một mụn nhọt nếu chỉ bôi thuốc đỏ bên ngoài mà không nặn lấy hết cồi thì không bao giờ hết nhọt. Nếu chỉ kêu gọi “phê và tự phê”, thậm chí tìm diệt từng cá nhân tham nhũng thì không khác nào chỉ bóc một phần lớp da bên ngoài. Nói đến tham nhũng không thể bỏ qua đặc thù “tham nhũng tập thể”. Nói đến nguyên nhân tham nhũng không thể bỏ qua nguyên nhân của tình trạng lương không đủ sống kéo dài. Và càng sai lầm nếu cho rằng đến nay công chức vẫn sống được và sống tốt hơn trước nên chưa cần đặt ra vấn đề tăng lương! 

Bốn nhóm biện pháp cơ bản

Vẫn biết để giải quyết vấn nạn tham nhũng như hiện nay ở Việt Nam không thể làm nhanh và triệt để trong một thời gian ngắn và bằng một số biện pháp đơn giản. Nhưng trước hết cần có cách tiếp cận chủ động, tích cực và kiên quyết. Đó là yếu tố quan trọng quyết định thành công. Giải pháp cụ thể xin nhường lại các nhà chuyên môn, chuyên ngành. Song làm gì cũng không nên thiếu  4 nhóm biện pháp cơ bản dưới đây.

1. Hoạch định một lộ trình hoàn chỉnh hợp lý về cắt giảm biên chế song song với việc tăng lương, trong đó biên chế phải được cắt giảm khoảng ½ so với hiện nay, đồng thời  lương tối thiểu phải tăng lên tương ứng nhằm đảm bảo mỗi cán bộ công chức có thể sống và góp phần (với lương vợ hoặc chồng) nuôi sống gia đình của họ mà không phải làm việc thêm nào khác. Mức lương đó phải đủ sức hấp dẫn khiến cho mỗi công chức phải chọn lựa giữa lương hoặc mất chức do tham nhũng. 

Thời gian biểu: không chậm hơn  từ 3-4 năm.

2. Thiết lập lại toàn bộ chế tài để đảm bảo rằng mọi công chức nếu vi phạm  tham nhũng hoặc không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị mất chức ngay lập tức, không thuyên chuyển sang đơn vị khác. Bộ chế tài này cần có sự đồng thuận của công chức và của nhân dân, và được Quốc hội phê chuẩn.  

3. Chấp nhận và áp dụng hình thức tham khảo ý kiến của người dân  và bỏ phiếu tín nhiệm  đối với tất cả lãnh đạo và công chức trực tiếp liên quan đến những người tham gia bỏ phiếu. Đây là hình thức hầu hết các nước tiến bộ trên thế giới đã và đang làm, không có lý gì Việt Nam muốn cải cách tiến bộ mà không áp dụng.

4. Chấp nhận và thực hiện công khai minh bạch đối với  3 biện pháp nói trên cũng như toàn bộ chủ trương chính sách và kế hoạch thực hiện. Đây là trách nhiệm của các cấp đảng và chính quyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đảm bảo dư luận và mỗi cá nhân người lãnh đạo và công chức biết rõ về trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của mình. Trên cơ sở đó thực hiện tốt việc giám sát lẫn nhau và giám sát của nhân dân.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.