| Hotline: 0983.970.780

Tham nhũng chưa bị đẩy lùi!

Thứ Sáu 13/06/2014 , 09:11 (GMT+7)

Trả lời chất vấn của ĐBQH sáng 12/6, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, tham nhũng vẫn tồn tại ở nhiều cấp, nhiều ngành và chưa bị đẩy lùi.

huynh-phong-trnh190433101
Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, sẽ tiếp tục kiểm tra việc đùn đẩy, né tránh tiếp công dân

Tham nhũng vặt gây mất niềm tin

Dẫn số liệu trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ trong 3 năm 2011-2013, số vụ việc, cán bộ tham nhũng bị xử lý trên cả nước đang có chiều hướng giảm, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi: “Liệu tham nhũng đã bị đẩy lùi?”.

Trả lời ĐB Hiến, ông Tranh thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng vẫn xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và chưa có dấu hiệu giảm. Việc phát hiện xử lý cũng chưa đạt yêu cầu.

Thậm chí hành vi tham nhũng đang ngày càng đa dạng, tinh vi, số lượng vụ án tham nhũng nghiêm trọng ngày càng lớn hơn. Những hoạt động tham nhũng vặt xảy ra thường xuyên ở những lĩnh vực tiếp xúc với công dân.

Việc quản lý sử dụng đất đai tại TP. Đà Nẵng vào năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra về trách nhiệm của UBND TP. Đà Nẵng, đã công bố kết luận trên Cổng thông tin Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng tình và UBND TP. Đà Nẵng cũng không tán thành.
Thủ tướng đã cho kiểm tra tính hợp pháp của kết luận thanh tra và kết luận đủ căn cứ pháp luật. Thủ tướng đã giao cho Bộ Công an xem xét và Bộ Công an cũng đã báo cáo Thủ tướng về việc này.
Bộ Chính trị cũng đã giao cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem xét trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng của UBND TP. Đà Nẵng lúc đó và đã có kết luận. Đến nay, TP. Đà Nẵng đã thực hiện kết luận thanh tra đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo TP thời kì 2003-2011.

Nối tiếp nội dung trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) hỏi: “Một hành vi tham nhũng vặt thất thoát không lớn nhưng nhiều hành vi tham nhũng vặt lại gây hậu quả rất lớn, làm mất niềm tin trong dân. Thanh tra Chính phủ giải quyết tham nhũng vặt như thế nào?”.

ĐB Vinh cũng nêu thực trạng lãnh đạo các địa phương né tránh tiếp công dân khiếu kiện và đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết kết quả kiểm tra hoạt động tiếp công dân.

Đưa ra giải pháp hạn chế tham nhũng “vặt”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa và phải phát huy vai trò của người đứng đầu trong quản lý, giáo dục cán bộ và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm để răn đe, hạn chế công chức vi phạm.

Bên cạnh đó, nhóm giải pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa tham nhũng “vặt” là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về kê khai kiểm soát thu nhập, thực hiện quy tắc ứng xử nghề nghiệp, cải cách hành chính, chuyển lương qua tài khoản…

Ở nội dung tiếp công dân, ông Tranh cho biết qua công tác thanh tra kiểm tra việc giải quyết khiếu nại tố cáo đã phát hiện và xử lý trên 2.000 cán bộ vi phạm và đã có trường hợp xử lý hình sự.

Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm tra việc đùn đẩy, né tránh tiếp công dân; thực hiện quyền khiếu nại tố cáo ở các địa phương.

Chống tham nhũng trong nội bộ cơ quan thanh tra

Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) và ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) giải trình về việc chống tham nhũng ngay trong ngành Thanh tra bởi thanh tra là hoạt động nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với những cám dỗ về vật chất.

Đối tượng thanh tra thường muốn giảm nhẹ tính chất, mức độ vi phạm được phát hiện nên nếu cán bộ thanh tra không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì rất dễ xảy ra vi phạm.

Trả lời, ông Tranh cho biết từ 2011- 2013 ngành thanh tra đã tiến hành xử lý kỷ luật 82 người, trong đó, xử lý hành chính 71 người, xử lý hình sự 11 người có dấu hiệu và hành vi tham nhũng. “Như vậy có thể nói trong thời gian qua cơ quan Thanh tra đã kiên quyết xử lý cán bộ trong ngành”, ông Tranh nói.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi trực tiếp tới việc báo chí phản ánh một Phó Tổng Thanh tra có nhiều tài sản, và có cổ phiếu trong DN mà cơ quan này từng thanh tra. “Điều đó có đúng không, nếu có thì xử lý thế nào?”, bà Thúy nêu câu hỏi.

Việc kê khai tài sản năm 2012 và đầu năm 2013, kết quả có trên 642.000 đối tượng được kê khai đạt hơn 98% và công khai trên 59%. Năm 2013, đầu năm 2014 thực hiện đến nay đã có 106/112 đơn vị trong đối tượng phải được kê khai đã hoàn thành việc kê khai.
Đến nay có hơn 919.000/935.000 người đã kê khai tài sản, đạt 98%. Trong số kê khai này có hơn 200.000 bản kê khai thuộc cấp ủy quản lý, hiện nay đã công khai trên 899.000, đạt 97%. Như vậy, lần này sau khi thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, công khai đến nay tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2013.
Qua quá trình kê khai tài sản thu nhập có khoảng 3.000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực, không rõ ràng, đã được xác minh làm rõ. Trong quá trình thực hiện có 88 cán bộ bị xử lý bằng các hình thức do kê khai không trung thực, chậm kê khai và vi phạm các quy định về kê khai tài sản.

Theo Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh thì Thanh tra Chính phủ đã chủ động yêu cầu Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh báo cáo nguồn gốc và kê khai tài sản từ năm 2007 đến nay.

“Đối chiếu việc kê khai này thì đều đúng qua các năm”, ông Tranh cho biết.

Thanh tra Chính phủ cũng đã yêu cầu ông Ngô Văn Khánh làm báo cáo giải trình việc kê khai tài sản.

Bản giải trình đã được trình trước Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ cũng như gửi tới các cơ quan chức năng. 

“Anh Ngô Văn Khánh là cán bộ thuộc Trung ương quản lý nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang vào cuộc nắm tình hình, từ đó xem độ chính xác và sẽ kết luận sau”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói thêm.

Không chấp hành kết luận thanh tra sẽ bị phong tỏa tài khoản

Tiếp tục chất vấn, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) yêu cầu làm rõ việc Thanh tra đã công bố nhiều kết luận trong đó giá trị tài sản thu hồi lớn, nhưng thực tế kết quả thu hồi xử lý sau thanh tra ra sao? 

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2008 - 2011, việc xử lý sau thanh tra tỷ lệ rất thấp, trong đó thu hồi tiền chỉ đạt 30% và 20% với đất đai.

Một trong những nguyên nhân thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp là có trường hợp kết luận thanh tra chưa khả thi. 

Phần khác là do chế tài chưa đủ mạnh, chưa có tổ chức hoàn chỉnh để thực thi kết luận.

Tuy nhiên, để khắc phục, Thanh tra Chính phủ đã thành lập Vụ Giám sát xử lý sau thanh tra và xây dựng hệ thống Phòng xử lý sau thanh tra (Thanh tra tỉnh, TP) ở các địa phương do đó tỷ lệ tiền thu hồi sau thanh tra năm 2012 đã tăng lên 51% và 53% trong năm 2013.

Cơ quan Thanh tra cũng đang đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định xử lý sau thanh tra đồng thời đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để bàn giải pháp phong tỏa tài khoản đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân không chấp hành kết luận thanh tra.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.