| Hotline: 0983.970.780

Thăm xã đạt 19 tiêu chí NTM

Thứ Sáu 28/12/2012 , 10:54 (GMT+7)

Vốn là một trong những xã nghèo nhất ở TP HCM, nhưng đến nay, diện mạo của xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) đã hoàn toàn đổi khác...

Vốn là một trong những xã nghèo nhất ở TP HCM, nhưng đến nay, diện mạo của xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) đã hoàn toàn đổi khác, nhất là khi vừa hoàn thành xong 19 tiêu chí xây dựng NTM.

Cái khác dễ nhận thấy nhất khi về Thái Mỹ, đó là hệ thống đường sá. Từ những trục đường chính đến những con đường ấp, những con đường nhỏ dẫn vào từng khu dân cư, đều đã được trải nhựa phẳng phiu, sạch sẽ. Thậm chí những con đường chính dẫn ra tất cả các cánh đồng trong xã, cũng đều đã được trải nhựa. Bà Hai Vũ, một hộ dân ở ấp Bình Thượng 1, hồ hởi: “Đường nhựa đã ra tới tận bưng, tận ruộng rồi, chú à. Ở xã này, không còn những con đường đất lầy lội vào những ngày mưa như mấy năm trước nữa”.

Tôi men theo một con đường nhựa nhỏ chạy vòng vèo qua mấy cụm dân cư rồi dẫn ra một cánh đồng nhỏ của ấp Bình Thượng 2, nằm gần kề với đất thuộc huyện Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh. Đang là thời điểm xuống giống bắp nên trên những thửa ruộng của cánh đồng này, đang có khá nhiều nông dân, người rải phân tro, kẻ gieo hạt giống.

Thấy một phụ nữ chừng trên 50 tuổi, đang một mình đẩy cái xe cút kít với 2 bao phân to chất bên trên đi tới một cách nhẹ nhàng, tôi lại gần bắt chuyện. Người phụ nữ ấy không xưng tên mà chỉ nói tên chồng là ông Nguyễn Văn Tra, nhà ở bên ấp Tháp, nhưng có ruộng cả ở bên Bình Thượng 2. Tôi hỏi: “Cô đẩy 2 bao phân này từ bên ấp Tháp sang đây, có mệt không?”. Bà vợ ông Tra cười: “Trước đây mà tự đẩy như vậy thì mệt lắm, vì toàn là đường đất lồi lõm, khó đi. Giờ có đường nhựa từ ấp này qua ấp kia, từ trong ấp ra đến tận cánh đồng, nên không còn mệt nữa. Ở đây, chỉ còn mấy con đường nội đồng nhỏ bé là chưa rải nhựa được thôi”.

Lúc ấy, ông Nguyễn Văn Tra cũng vừa tới nơi. Biết tôi về đây tìm hiểu về hiệu quả của Chương trình xây dựng NTM tại xã Thái Mỹ, ông Tra hồ hởi: “Đã có nhiều cái đổi thay, khác hẳn trước đây. Ngoài đường đi, lối lại, nhà cửa của dân cư xã tui cũng khác nhiều. Không còn nhà tranh, nhà xập sệ nữa. Nhưng tui tâm đắc nhất là nông dân đã biết làm ăn tập thể, nhất là trong chuyện SX bắp giống”.


Làm đất chuẩn bị gieo giống bắp ở Thái Mỹ

Theo lời ông Tra, gia đình ông đang cùng rất nhiều hộ nông dân ở Thái Mỹ tham gia SX bắp giống với Cty CP. Theo đó, Cty xuống làm hợp đồng với xã. Xã thông báo xuống các ấp. Trưởng ấp căn cứ vào đó thông báo cho các hộ dân tham gia vào tổ hợp tác trồng bắp giống để đăng ký diện tích. Trên cơ sở đó, Cty sẽ tính toán lượng hạt giống rồi đưa về tận các ấp để giao cho bà con. Cty cũng cử cán bộ kỹ thuật xuống xem xét tính toán lịch thời vụ cho từng cánh đồng. Căn cứ vào lịch thời vụ này, các hộ trên cùng cánh đồng sẽ tổ chức xuống giống đồng loạt.

Ông Tra bảo: “Làm ăn tập thể có nhiều cái lợi, nhất là trong việc cùng nhau nâng cao năng suất. Vì cùng nhau xuống giống đồng loạt nên các ruộng bắp trên cùng một cánh đồng sẽ trổ cờ tung phấn cùng lúc. Phấn sẽ theo gió lan khắp ruộng và từ ruộng này bay sang hỗ trợ cho ruộng sát bên, nên tỷ lệ đậu trái của từng ruộng và của chung cả cánh đồng cao hơn nhiều so với trước đây”. Nhờ làm ăn tập thể, mỗi vụ bắp, ông Tra đều có thu nhập khá. Nhà ông có tổng cộng 70 cao đất (7.000 m2). Mỗi vụ bắp, sau khi trừ hết chi phí, ông thu lời gần 30 triệu đồng.

Tôi ghé vô nhà ông Lê Văn Chính, trưởng ấp Bình Thượng 2, đúng vào lúc ông Chính và một cán bộ ấp đang bận rộn kiểm kê danh sách những hộ đăng ký trồng bắp giống để chuẩn bị giao hạt giống cho bà con. Ông Chính cho hay ở ấp Bình Thượng 2 cũng như các ấp khác trong xã đều đã hình thành các tổ hợp tác trồng bắp. Tổ hợp tác ở Bình Thượng 2 gồm 129 hộ, với diện tích 45 ha.

Nhờ làm ăn tập thể, bà con tuân thủ hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên năng suất bắp đạt khá cao từ 7-8 tấn/ha. Với giá bắp mà Cty đang thu mua là 8.100 đ/kg, thì mỗi vụ bắp cho doanh thu 56,7-64,8 triệu đ/ha. Ngoài ra trong ấp còn có tổ hợp tác trồng rau an toàn và nhiều mô hình SXNN có hiệu quả cao như nuôi cá cảnh, trồng cao su…

Ông Chính khẳng định: “Nhờ làm ăn tập thể mà hiệu quả kinh tế từ SXNN trong ấp được nâng cao hơn hẳn so với trước đây. Điều này đã khuyến khích nông dân gia tăng SXNN. Do đó, trước đây trong ấp còn tới 3,5 ha đất bị người dân bỏ hoang thì nay toàn bộ chỗ đất ấy đã được trồng cỏ nuôi bò, trồng cao su…

Đời sống của người dân trong ấp đã được nâng cao, cơ sở hạ tầng như nhà cửa, đường sá cũng đã khác hẳn so với trước khi xây dựng NTM. Trong ấp, hiện nay không còn người không có công ăn việc làm. Tất cả những người trong độ tuổi lao động đều có việc làm nông nghiệp thường xuyên hay vô làm trong các Cty trong vùng. Vì thế, cả ấp có 531 hộ mà hiện chỉ còn có 5 hộ nghèo theo chuẩn của thành phố, tức là có thu nhập từ 12 triệu đ/người/năm trở xuống. Nhưng 5 hộ này cũng đã chuẩn bị vượt nghèo rồi, chỉ nay mai thôi”.

 

 

Bà Nguyễn Thị Đức, Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ, cho hay, sau hơn 2 năm thực hiện, đến tháng 11/2012, xã này đã hoàn thành được toàn bộ 19 tiêu chí NTM. Trong đó, có những tiêu chí tưởng như rất khó làm, nhưng Thái Mỹ vẫn hoàn thành tốt.

Chẳng hạn, trước khi làm NTM, thu nhập bình quân đầu người ở Thái Mỹ là 17 triệu đ/người/năm, thì nay đã tăng gấp 1,8 lần và đạt 30,9 triệu đ/người/năm. Khi xây dựng đề án NTM, số hộ nghèo toàn xã theo tiêu chuẩn của TP là 882 hộ (22,87% số hộ toàn xã), đến nay chỉ còn 78 hộ (2,46%). 2.424 lao động nông nghiệp trong độ tuổi đã được chuyển dịch sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nên tỉ lệ lao động nông nghiệp trong độ tuổi chỉ còn 11,58%…

Sở dĩ Thái Mỹ đã xây dựng NTM thành công, là bởi các công trình dù của Nhà nước đầu tư hay dân đóng góp đều phải đưa ra bình xét công khai theo từng tổ nhân dân để dân góp ý kiến và tham gia giám sát. Từ đó đã tạo được lòng tin và sự đồng tình gắn bó giữa dân với chính quyền nên việc thực hiện các công trình luôn trôi chảy.

 

Bên cạnh đó, xã đã có kinh nghiệm xây dựng NTM khi một số công trình, tiêu chí đã được đầu tư xây dựng theo hướng NTM từ 2001-2006. Ngoài ra, sự theo dõi, giúp đỡ tận tình của Ban chỉ đạo xây dựng NTM TP, huyện, Sở NN-PTNT, Chi cục PTNT…, cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp cho Thái Mỹ sớm hoàn thành 19 tiêu chí NTM.

Nhờ xây dựng NTM, Thái Mỹ đã chuyển mình từ một xã nghèo thành một xã khá giả. Nhưng đi kèm với đó là những hệ lụy không mong muốn, nhất là tình hình an ninh trật tự. Xã đã hoàn thành tiêu chí an ninh trật tự do nhiều năm liền trên địa bàn không có tội phạm, ma túy ẩn náu, hoạt động, không có bia ôm đèn mờ và các tệ nạn khác. Nhưng sự khá lên của đời sống người dân Thái Mỹ lại đang vô tình thu hút tội phạm vãng lai từ nơi khác tới. Theo UBND xã Thái Mỹ, gần đây trên địa bàn đã xảy ra 3 vụ trộm, cướp, gồm 1 vụ trộm nóng xe máy và 2 vụ cướp giật dây chuyền. Đối tượng đều là người nơi khác đến và đều bị bắt giữ ngay. Nhưng trên thực tế, số vụ trộm cắp tài sản có lẽ còn nhiều hơn.

Vì thế, khi hỏi về nguyện vọng sau khi xã nhà đã hoàn thành xây dựng NTM, nhiều hộ dân ở Thái Mỹ đã cho rằng nên củng cố hơn nữa về an ninh trật tự, mà cụ thể là sớm ngăn chặn tình trạng trộm cắp từ nơi khác đến gây án. Ngoài ra, trong SXNN, xã cần tăng cường hơn nữa việc làm ăn tập thể ở những cây trồng, vật nuôi khác trên địa bàn. Chẳng hạn SX lúa hiện vẫn gần như tự ai nấy làm...

Còn theo bà Nguyễn Thị Đức, ngay sau khi hoàn thành 19 tiêu chí, xã đã đưa ra giải pháp thực hiện vững chắc các tiêu chí đã đạt được, có biện pháp tuyên truyền vận động nâng chất ngày càng vững chắc, đảm bảo hướng tương lai lâu dài trong xây dựng xã NTM. Trong đó chú ý thực hiện các chuyên đề giao cho MTTQ và các đoàn thể.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm