| Hotline: 0983.970.780

"Thần chết" trong chuồng

Thứ Năm 14/10/2010 , 10:23 (GMT+7)

Không cần có dịch, bất kỳ thời điểm nào, đàn heo ở huyện Hoài Ân (Bình Định) cũng có thể ngã bệnh, lăn ra chết.

Không cần có dịch, bất kỳ thời điểm nào, đàn heo ở huyện Hoài Ân (Bình Định) cũng có thể ngã bệnh, lăn ra chết.

Bệnh không được ngăn chặn, “thần chết” từ chuồng heo nhà này đi sang chuồng heo nhà kia gây thiệt hại thường xuyên cho người chăn nuôi ở đây. Nguyên nhân do đâu?

>> Thú y đã yếu, còn mỏng!
>> Hà Tĩnh - nơi dịch thường xuyên ghé thăm!

Vượt tầm kiểm soát

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi heo ở huyện Hoài Ân (Bình Định) tăng tốc đến chóng mặt. Huyện Hoài Ân có bao nhiêu hộ dân thì có bấy nhiêu hộ nuôi heo. Hộ trước đây chỉ nuôi 7-8 con trong chuồng thì giờ tăng đến 70-80 con. Hộ trước đây nuôi 70-80 con thì giờ tăng đàn vài ba trăm con. Nhà nhà đua nhau xây chuồng nuôi heo.

Người chăn nuôi heo ở Hoài Ân không cần tiềm lực, không có vốn vẫn có thể phát triển đàn heo dựa vào sự đầu tư không tính lãi của các đại lý bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn theo phương cách cho mượn vốn mua giống, xây chuồng và bán nợ thức ăn. Khoản nợ này được người chăn nuôi hoàn trả dần khi xuất chuồng bán heo.

Anh Hoàng Anh Dũng - Chủ đại lý TĂCN cấp 1 Dũng Ngà ở xã Ân Tường cho biết: “Mới năm 2002, đại lý TĂCN ở huyện Hoài Ân chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay đã “dày như mạ”, hơn 300 đại lý. Để cạnh tranh, các đại lý muốn bán được hàng thì phải chấp nhận đầu tư không điều kiện cho người chăn nuôi. Hiện nay, dư nợ của mỗi đại lý cấp 1 đều không ít hơn 5 tỷ đồng, các đại lý cấp 2 bán trực tiếp cho người chăn nuôi có khi còn phải gánh khoản nợ nhiều hơn”.

Đến bây giờ người dân các huyện Hoài Ân, Tây Sơn (Bình Định) còn chưa hết bàng hoàng về những thảm cảnh heo chết hàng loạt cách khoảng hơn tháng nay (NNVN có nhiều bài phản ánh). Heo chết không kịp chôn. Chúng tôi chứng kiến có trang trại 300 con heo gần như chết sạch, con nào cũng mình mẩy xuất huyết đỏ lựng. Người chủ nói như khóc: “Trong 10 ngày tôi đã chôn và vứt xuống sông trên trăm con heo. Bây giờ nhìn cơ ngơi gần tỉ bạc chỉ còn mấy con heo sắp chết mình chỉ muốn... chết theo!”.

Với “cơ chế” thoáng là vậy nên hiện trên địa bàn huyện Hoài Ân ngoài hàng chục ngàn hộ nuôi heo còn có hơn 150 trang trại nuôi heo tập trung. Trang trại hẻo nhất cũng nuôi được khoảng 40 heo nái và 300 heo thịt. Ông Nguyễn Thanh Phụng - Trưởng trạm Thú y huyện Hoài Ân cho biết: “Hiện nay, tổng đàn heo thường xuyên có mặt trong chuồng ở Hoài Ân là khoảng 500.000 con, trong đó có chừng vài chục ngàn heo nái”. Ông Trần Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định thêm: “Phong trào chăn nuôi heo ở Hoài Ân chiếm đến 50% giá trị SXNN toàn huyện”.

Sau khi phấn khởi khoe với chúng tôi sự phát triển mạnh mẽ của phong trào nuôi heo trên địa bàn, các nhà quản lý đã không giấu được vẻ lo lắng. Ông Trưởng trạm Thú y huyện thở dài: “Phong trào chăn nuôi phát triển ào ạt mà người chăn nuôi chẳng quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường. Trong 14.000 hộ chăn nuôi heo ở Hoài Ân chỉ mới có khoảng 1.000 hộ xây dựng hệ thống xử lý chất thải bằng hầm biogas. Ô nhiễm từ việc nuôi heo ngày càng nghiêm trọng nên thường xuyên dẫn bệnh đến với đàn heo. Dự báo được tình hình này, thời gian qua chúng tôi đã kiến nghị với UBND huyện và Huyện ủy cần có giải pháp quy hoạch chăn nuôi an toàn, bền vững. Thế nhưng mọi nỗ lực đều vô hiệu”.

Ý thức kém + thú y bàng quan

Những giải pháp tích cực của chính quyền địa phương nhằm khống chế chuyện nuôi heo ồ ạt vượt tầm kiểm soát trên địa bàn là bất khả thi. Nông dân muốn là làm, đàn heo cứ tăng vun vút. Ông Nguyễn Thanh Phụng - Trưởng trạm Thú y huyện Hoài Ân bức xúc cho biết thêm: “Người chăn nuôi ở đây cứ nô nức tăng đàn nhưng ý thức phòng bệnh rất kém. Đơn cử một bệnh thông thường như bệnh dịch tả, chỉ cần tiêm phòng đúng quy trình là có thể ngăn chặn hiệu quả nhưng chẳng mấy hộ chăn nuôi tuân thủ. Thường thì họ chỉ tiêm phòng 1 lần lấy lệ trong khi để an toàn cho đàn heo cần phải tiêm nhắc lại đến 3 lần. Do đó trong những năm qua bệnh dịch tả luôn rình rập gây hại trên đàn heo ở Hoài Ân”.

Không đủ liều lượng thuốc, bệnh phát tác. Heo mẹ lâm bệnh, đàn heo con đang bú sữa mẹ là những đối tượng đầu tiên chịu tử vong. Heo chết không được chôn, hủy mà vứt bừa bãi ra môi trường tự nhiên. Bởi theo quan niệm của người chăn nuôi ở đây nếu chôn hoặc tiêu hủy heo chết thì sau này sẽ không còn nuôi heo được nữa. Mầm bệnh từ những con heo chết dần lây lan diện rộng dẫn tới tình trạng heo chết hàng loạt, chết từ heo con đến heo thịt lẫn heo nái. Thực tế này vừa xảy ra cách đây chừng 1 tháng vẫn còn ám ảnh người chăn nuôi ở Hoài Ân.

Ông Hồ Quốc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định bức xúc: “Kể từ nay, nếu có tình hình dịch bệnh xảy ra trên gia súc, gia cầm thì tôi muốn được ngành thú y báo cáo đầu tiên chứ không đợi báo chí lên tiếng rồi ngành chức năng mới rục rịch đi kiểm tra. Ngăn chặn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là trách nhiệm, thế nhưng nếu có dịch bệnh xảy ra phải báo cáo trung thực là trách nhiệm lớn hơn”.
Khi đàn heo rủ nhau ngã bệnh chết, người chăn nuôi chỉ biết “bấu” vào lực lượng thú y cơ sở. Trong khi đó, lực lượng này chẳng có mấy ai tha thiết với nghề bởi khoản phụ cấp được nhận hàng tháng quá bèo, chỉ 400.000đ/tháng/người. Do đó, chẳng mấy khi lực lượng này chịu khó đi kiểm tra sâu sát tình hình chăn nuôi trên địa bàn nên không phát hiện dịch bệnh kịp thời. Thậm chí nếu có phát hiện được dịch bệnh thì lực lượng thú y cơ sở cũng không báo cáo lên cấp trên để có biện pháp xử lý mà lấy đó làm cơ hội làm ăn bằng cách nhận chữa trị cho heo bệnh để kiếm thêm thu nhập. Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chua chát cho biết như vậy.

 Ông Nguyễn Văn Tư ở thôn An Thiện, xã Ân Phong nói thêm: “Ân Phong là một trong những xã có phong trào nuôi heo mạnh trong huyện Hoài Ân. Cách đây 1 tháng, khi đàn heo của nhiều hộ chăn nuôi trong xã lâm bệnh, lần lượt ngã chết, các hộ chăn nuôi ở thôn nào báo cáo cho cán bộ thú y thôn đó. Tình hình này không được cán bộ thú y thôn báo cáo lên cấp trên mà mỗi ông chữa trị mỗi phách không theo phác đồ nào cả, “phách” nào cũng chỉ làm tốn thêm tiền thuốc chứ cuối cùng đàn heo vẫn lăn quay ra chết đến trống chuồng”.

Khi đàn heo đã chết đến mức báo động nhưng vì sợ bị cấp trên, lực lượng thú y cơ sở ém nhẹm thông tin khiến cán bộ thú y huyện vẫn bình chân như vại. Cán bộ thú y huyện không biết thì cán bộ thú y tỉnh càng không, bởi thông thường, khi cán bộ thú y tỉnh đi kiểm tra tình hình dịch bệnh thì chỉ dừng lại ở các trạm huyện để nghe báo cáo chứ chẳng mấy khi đi sâu về hộ chăn nuôi.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm