| Hotline: 0983.970.780

“Thần nước” Lý Văn Ký

Thứ Hai 28/06/2010 , 15:15 (GMT+7)

Ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị có một người rất giỏi trong việc tìm ra nguồn nước để khoan giếng, đó là ông Lý Văn Ký.

Chân dung “thần nước” Lý Văn Ký
Những ngày nắng hạn gay gắt này nhu cầu khoan giếng lấy nước ngọt phục vụ cuộc sống rất lớn. Song không phải ai khoan giếng cũng tìm ra nguồn nước. Ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị có một người rất giỏi trong việc tìm ra nguồn nước để khoan giếng, đó là ông Lý Văn Ký. 

Nhìn thấy mạch nước 

Nếu không có đôi ba lần nghe tiếng ông thì chắc sẽ khó hình dung được người ngồi đối diện tôi là nông dân Lý Văn Ký. Ở ông mới nhìn đã thấy sự thông minh hiện hữu trên khuôn mặt. Đôi mắt ông thật hiền song lại ánh lên sự khát khao, cháy bỏng như đang muốn chinh phục những khó khăn, thách thức. Khi mới lập gia đình, ông Ký sinh sống bằng nghề cơ khí. Năm 1998, một đợt đại hạn ập xuống tỉnh Quảng Trị. Không ngờ sự khắc nghiệt của thiên tai vô tình làm cho cuộc đời của người thợ cơ khí này chuyển sang một bước ngoặc mới mà trước đó ông chưa khi nào nghĩ đến.  

Làng Trúc Lâm quê ông vốn là nơi khan hiếm nước ngọt, bấy giờ trời hạn hán xảy ra lại càng khốn khổ hơn. Hình ảnh người nông dân nghèo luôn thiếu nước sinh hoạt đã thôi thúc ông làm được điều gì có ý nghĩa để giúp bà con. Ông Ký thấy muốn có nước uống người dân phải đi xa mới kiếm ra. Rất nhiều gia đình tự đào giếng trong vườn song rất tốn kém công sức và tiền bạc vì không phải lúc nào đào giếng cũng có nước. Chẳng may đào trúng giàn đá nằm dưới đất coi như trắng tay. Sau nhiều lần trăn trở, ông Ký quyết định nghiên cứu chế tạo máy khoan tìm nước ngọt. 

Sẵn có tay nghề cơ khí giỏi nên việc chế tạo máy khoan nước với ông không khó. Sau một thời gian nghiên cứu ông đã tìm ra cách chế riêng cho mình một chiếc máy khoan tìm nước đặc biệt. Toàn bộ chiếc máy có cấu tạo gồm giàn khoan, cần khoan, mũi khoan và ống nối được hoạt động bởi cơ chế đóng, ngắt dòng điện hay máy nổ. Bí quyết máy khoan của ông nằm ở kỹ thuật chế tạo mũi khoan. Ban đầu, ông mua mũi khoan ở ngoài về giá 1 triệu đồng/mũi, nhưng khoan xuống đất gặp đá là gãy ngay, khoan một vị trí phải thay đến mấy mũi khoan, tốn kém. Không nản chí, nhiều lần ông phải vay mượn tiền của ngân hàng mua vật tư, dụng cụ tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm. Cuối cùng ông chế tạo ra những mũi khoan mới, khoan được tất cả các tầng địa chất. Ông bảo “học phí” phải trả cho công việc chế tạo máy khoan không đắt lắm. 

Quyết tâm đi tìm nguồn nước của ông không ngờ sớm mang lại kết quả ngoài mong đợi. Đến mũi khoan thứ hai ông phát hiện được nguồn nước ngọt ngay vườn nhà mình. Ông nhớ lại: “Nhìn vòi nước từ lòng đất tuôn trào lên, bọt tung toé, trắng xoá mà người tôi mừng vui, hạnh phúc như đang đi trên mây. Trong đầu tôi lúc ấy hiểu rằng bí quyết đi tìm dòng nước ngọt giúp ích cuộc sống đã được giải mã”.  

Ban đầu làm nghề khoan giếng, ông khoan giúp cho những hộ gia đình ở quê ông nhà nào cũng có giếng lấy nước uống. Tiếng lành đồn xa, nhiều vùng quê, các cơ quan, đơn vị ở huyện Gio Linh đều mời ông khoan giếng. Giá thành giếng khoan của ông rất thấp, ít nhất 3 triệu đồng/giếng. Một cơ quan đóng tại vị trí Cồn Tiên mời ông khoan giếng. Nhận lời, ông tính toán rồi bảo tổng cộng hết 10 triệu đồng. Nghe ông nói người đại diện cơ quan này không tin. Vì trước đó họ đã thuê một đơn vị khoan với giá gần 100 triệu đồng mà vẫn không tìm ra nguồn nước. Đúng hai tuần miệt mài khoan xuống lòng đất, xuyên qua bao lớp địa tầng, cuối cùng mũi khoan của ông tìm thấy nguồn nước ngọt ở ngay mét thứ 63. Sau lần khoan thành công tại đồi Cồn Tiên, tiếng tăm ông Ký nổi như cồn.  

Có lần ông đến khoan giếng tại thôn Bình Minh, xã Gio Bình. Các lão làng thấy mũi khoan có đường kính 15 cm nên không tin khoan xuống sẽ có nước đủ dùng. Dân làng từng đào giếng rộng đến 2 m mà nước vẫn không đủ cho một gia đình sinh hoạt. Ngày ông tiến hành khoan, cả làng tập trung đến xem, hồi hộp. Ba ngày sau mũi khoan trúng đích, nguồn nước mạnh đến nỗi cung cấp đủ lượng nước sinh hoạt cho cả làng nhiều năm nay.  

Cái tài của ông Ký hơn người ở chỗ ông có đôi mắt rất tinh tường, nhìn vào đất là biết chỗ nào có mạch nước ngầm đang chảy, chỗ nào là ổ nước hay là không có chút nước nào dưới đất. Ông Ký lý giải được vậy là nhờ sự kết hợp kiến thức về địa chất, phong thuỷ, thỗ nhưỡng... đã giúp ông tìm ra đích xác nguồn nước. Khi tìm ra vị trí mạch nước rồi, bằng mắt thường ông có thể dự đoán mũi khoan của mình sâu đến bao nhiêu mét sẽ gặp nước. Đầu tháng sáu này, người bạn tôi ở thành phố Đông Hà mời ông Ký đến khoan giếng. Sau khi quan sát địa hình ông liền phán: “Phải khoan gần 40 m mới có nước. Muốn lấy nước sinh hoạt phải làm bể lắng kẻo mạch này là nước nhiễm phèn nhẹ”. Không sai chút nào, giếng nhà bạn tôi phải khoan đến 38 m mới có nước tuôn lên nhưng lại hôi tanh mùi phèn! 

Được Bộ Khoa học- Công nghệ chứng nhận 

Càng khoan giếng ông càng đam mê tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo. Nhiều hôm đang ngủ ông mơ thấy dưới chân ngọn đồi hồi chiều mình đến có mạch nước ngầm, ngồi dậy ông lấy giấy bút ghi, vẽ sơ đồ cẩn thận để sáng mai trở lại tiếp tục công việc.  

Năm 2003, với khả năng sáng chế khoa học và những phát hiện của mình, ông được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen vì có những đóng góp tích cực trong việc cải tiến, hợp lý hoá sản xuất. Một nông dân tập làm khoa học mà thành quả mang lại rất có ý nghĩa đối với cộng đồng. Ông mang giàn khoan của mình đi tìm nguồn nước ở các vùng khô hạn khắp các địa phương từ Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến Bình Thuận, Tây Nguyên, giúp bà con có nước sinh hoạt. Quý nể và kính phục tài năng của ông, người dân nhiều nơi xem ông như một vị thần nước.  

Có lần, trường Đại học Mỏ Địa chất ở Hà Nội giúp tỉnh Quảng Trị thực hiện dự án thăm dò nguồn nước ngọt trên huyện đảo Cồn Cỏ. Trường đã mời ông Ký đi tìm nước và sau đó ông nhận thăm dò trong thời gian một tháng rưỡi rồi khoan trúng đích 5 nguồn nước ngọt cho đảo, một phát hiện mà lâu nay chưa ai tìm ra.  

Tôi hỏi sao ông giỏi vậy, bưng ly nước trà nhấp một ngụm rồi ông cười điềm đạm: “Có lẽ trời phú cho tôi có khả năng tìm được nhiều nguồn nước ngầm để giúp dân nghèo. Vì thế tôi mới khoan đâu trúng đó”. Ông Ký nói nước ngầm là tài nguyên, vốn quý của quốc gia nên việc phát hiện ra nguồn nước không phải để khai thác bừa bãi mà để có kế hoạch sử dụng nguồn nước hợp lý. 

Làm được nhiều việc nhưng ông luôn khiêm tốn, nghĩ mình biết được nghề thì phải làm để giúp đời, đó là cái đạo của cuộc sống. Kỷ lục ông mới xác lập là mang giàn khoan sang Lào tìm nguồn nước, khoan giếng cho các bộ tộc tại huyện Sê Pôn, Mường Phìn và đi tìm nguồn nước ngầm ở Thái Lan. Ông nói khi nhận được lời mời sang Lào khoan giếng ông cũng nửa lo, nửa mừng. Mừng vì việc mình làm không chỉ có ý nghĩa với bà con trong nước, mà với người dân nước ngoài họ cũng rất cần. Sau năm tháng ăn ở với người dân bên đó, ông cùng những người thợ của mình khoan thành công hàng trăm giếng lấy nước cho bạn. 

Với vốn liếng khoan được hơn 3.000 giếng nước ngầm đồng nghĩa với việc tìm ra hơn 3.000 nguồn nước. Ngoài thời gian tìm nước khoan giếng ông tập trung đọc và nghiên cứu rất nhiều sách đông tây kim cổ. Ước muốn của lão nông vừa vào tuổi lục tuần là viết một quyển sách về hành trình đi tìm nguồn nước ngầm để tổng kết lại những phát hiện cũng như kinh nghiệm của mình cho thế hệ mai sau.

Xem thêm
Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi Thư chúc mừng nhân Ngày Hợp tác xã Việt Nam

Ngày 10/4, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Hợp tác xã Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi thư chúc mừng tới hợp tác xã nông nghiệp và nông dân thành viên hợp tác xã. Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư.

Chủ động vận hành cống âu thuyền vàm Bà Lịch để kiểm soát mặn

Cống âu thuyền vàm Bà Lịch do tỉnh Kiên Giang triển khai xây dựng đã cơ bản hoàn thành, hệ thống cửa van và âu thuyền sẵn sàng vận hành khi có yêu cầu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày Tết Hàn thực, bánh trôi, bánh chay cháy hàng

Mặc dù Tết Hàn thực năm nay không vào ngày nghỉ nhưng không khí mua sắm bánh trôi, bánh chay tại các cửa hàng và chợ dân sinh tại Hà Nội vẫn rất sôi động.