| Hotline: 0983.970.780

Tháng 5 ở Trường Sa: Như đất liền bên cạnh

Thứ Hai 25/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

“Nơi đảo xa” vẫn tràn ngập âm hưởng cuộc sống mến thương, khiến lòng người vơi nỗi nhớ đất liền./ Hai thầy giáo đặc biệt

Đó có thể là tiếng chuông chùa ngân vang buổi chiều tà, có thể là đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, vịt tung tăng bơi lội theo nhịp sóng biển Đông…

Điểm tựa tinh thần

Những ngôi chùa cổ rêu phong sừng sững trên các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca… từ bao đời, trở thành “cột mốc tâm linh” của người Việt, điểm tựa tinh thần của cư dân và chiến sĩ canh giữ biển trời Tổ quốc.

Đại đức Thích Pháp Đạt, trụ trì chùa Trường Sa bảo rằng: Ngày nay chuyện cơm áo không còn là mối bận tâm lớn của chiến sĩ nữa. Cái họ thiếu nằm ở trong trái tim và khối óc. Lính cũng là người và không thể tránh khỏi stress vì áp lực công việc và những tình cảm cá nhân.

Trong không gian sóng nước trùng khơi, một tiếng chuông chùa vang lên, ngân xa khiến người ta có cảm giác như đang sống ở một miền quê yên ả, thanh bình trên đất liền. Thư viện của chùa có hàng ngàn cuốn sách. Ngày nghỉ, rất nhiều chiến sĩ tới đây đọc để giải khuây và củng cố thêm kiến thức. Không chỉ thông tuệ Phật pháp, Đại đức Thích Pháp Đạt cũng trở thành “bác sĩ tâm lý”, giúp rất nhiều người vơi bớt nỗi âu lo.

Ngoài đến chùa, niềm vui lớn nhất của chiến sĩ trên đảo Trường Sa là được chơi với những đứa trẻ kháu khỉnh và thơ ngây ở làng chài. Những cô bé, cậu bé mới chỉ 3-4 tuổi, chưa nhận được mặt chữ cái nhưng thuộc tên của từng anh lính, từng sĩ quan. Với chúng, bộ đội cũng giống như người thân trong gia đình.

14-35-15_nh-4
Phụ nữ và trẻ em đảo Trường Sa lớn đang đứng trước cột mốc chủ quyền, chuẩn bị thực hiện nghi thức chào cờ cùng bộ đội hải quân

Sáng sớm, khi đàn ông ra biển đánh cá, phụ nữ thường mặc áo dài truyền thống, dắt theo những đứa con khoác trên người bộ trang phục hải quân, đứng trước cột mốc chủ quyền trên đảo tham dự nghi thức chào cờ cùng các chiến sĩ vào lúc 6 giờ. Tình cảm quân - dân hết sức keo sơn, thắm thiết.

“Ông mối” se duyên cho chim

Trên đảo Sinh Tồn Đông, cán bộ, chiến sĩ đã mua rất nhiều loài chim từ đất liền mang ra đảo thả nuôi. Người khởi xướng phong trào đó là trung tá Lê Ngọc Dũng, Chính trị viên của đảo.

Một ngày tháng 7/2014, thấy anh Dũng xách hai lồng cu gáy (một trống, một mái) và tuyên bố xanh rờn: “Tôi sẽ làm “ông mối” để chúng “động phòng” và sanh đẻ”, đám lính mắt tròn mắt dẹt, tỏ vẻ ngờ vực.

Tưởng đùa, thế mà anh làm thật. Đầu tiên, “ông mối” đặt lồng chim trống, chim mái cạnh nhau để chúng làm quen. Sau một thời gian, cặp đôi trở nên thân thiện thì nhốt chung vào ngôi nhà gỗ (tự đóng). Mới đầu, bị chim trống ghẹo, chim mái phản kháng rất dữ, nhưng chỉ sau một thời gian chúng đã vấn vít bên nhau.

Đúng như dự đoán, mấy tháng sau, chim mái đẻ trứng và 2 chú chim cu gáy non đã chào đời. Anh Dũng quyết định thả cửa chuồng chim để chúng tự do bay nhảy trên đảo kiếm ăn.

Trung tá Nguyễn Văn Bình, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông, cũng chẳng chịu kém cạnh. Có lần về nghỉ phép, anh mua một đôi chim bồ câu để nuôi. Ngày ngày chăm sóc cẩn thận như những đứa con của mình, cuối cùng chúng cũng đẻ sòn sòn mỗi năm 3 - 4 lứa, mỗi lứa hai con.

14-35-15_nh-3
Một chú chim khướu nhảy nhót, hót véo von trên những cây phong ba trên đảo Sinh Tồn Đông

Thấy hai “sếp” sở hữu những chú chim đáng yêu, đại úy Vũ Đình Triền, Phó Chỉ huy trưởng quân sự đảo nhờ bạn bè trong đất liền mua hẳn một con chim khướu rồi gửi ra đảo nuôi thả. Các chiến sĩ, sĩ quan khác cũng đồng loạt hưởng ứng. Đến nay đã có khoảng 20 chú chim các loại sống tự do trên đảo.

Sinh Tồn Đông nằm biệt lập giữa biển khơi, sải cánh của những loài chim đất liền không đủ lớn để bay một hành trình dài nên chỉ loanh quanh ở các gốc bàng, tra và cây phong ba bắt sâu. Sáng sớm, chúng đua nhau khoe giọng, hót véo von rất vui tai.

Tháng 10, 11 hằng năm, những đàn chim hải âu, cò, én,… di cư về đây rất nhiều. Chúng làm tổ ngay trên những cành cây phong ba, bàng vuông. Ngày ngày, chim én sà xuống tận sảnh chính nhà chỉ huy, lần mò vào tận cửa phòng các chiến sĩ nhặt thức ăn.

Chỉ huy đảo ra lệnh cấm không cho bất cứ người nào được săn bắt, hoặc có động tác xua đuổi làm chim sợ (trừ một loài, đó là chim cắt). Những con chim cắt vẫn thường kéo về đây để săn chim non. Đêm đêm, các chiến sĩ lại soi đèn tìm bắt con vật có sải cánh lớn chuyên ăn thịt đồng loại, bảo vệ các chú chim yếm thế.

Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời được đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, học tập và công tác, đưa cán bộ, chiến sĩ trên đảo về gần đất liền thân yêu hơn nữa.

Hành trình thăm 9 đảo và nhà giàn DK1, chúng tôi còn ấn tượng đặc biệt với những đàn vịt biển 15 - Đại Xuyên, do Sở KH-CN Khánh Hòa gửi tặng huyện đảo Trường Sa. Nhờ thích nghi với điều kiện nước mặn, đặc biệt là ở các đảo chìm, chúng đã lớn nhanh và sinh sản rất tốt.

Khi màn đêm xuống, nhìn từ xa, đảo Sinh Tồn Đông như một thành phố lung linh, huyền diệu và tràn đầy sức sống giữa biển nước bao la Trường Sa. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, các chiến sĩ trên đảo còn là hậu phương vững chắc cho ngư dân đánh bắt xa bờ.

Ngày 7/12/2014, đảo tiếp nhận ngư dân Nguyễn Duy Ân của tàu cá BĐ-97311, 20 tuổi, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hòa Nhơn (Bình Định) trong tình trạng mắt phải bị chấn thương do lưỡi câu móc vào nhãn cầu làm rách kết mạc, thị lực mất hoàn toàn, sốt trên 38 độ C. Y bác sĩ trên đảo đã tiến hành xử lý cắt lọc khâu kết mạc rách, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân ổn định, bàn giao lại cho tàu các của ngư dân.

Những chú bò đặc biệt

Bất cứ ai đến đảo Song Tử Tây (Trường Sa) cũng không thể rời mắt trước hình ảnh một đàn bò đang thong dưới những bóng cây tra mát rượi. Chỉ huy đàn là một con bò lai Sind đực thân hình vạm vỡ, u thớ nổi cuồn cuộn, nặng tới 7 tạ.

14-35-15_nh-2
Đàn bò trên đảo Song Tử Tây

Thượng úy Trần Văn Thơ (quê ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) chỉ tay vào đàn bò và nói: “Anh có nhìn thấy con bê đang tập tễnh đi kia không? Nó mới sinh được 3 ngày đã biết theo mẹ gặm lá tra, lá bàng rồi đấy. Ngoài sân bóng trung tâm có rất nhiều cỏ, nhưng chúng không thích ăn lắm đâu. Món khoái khẩu của chúng là giấy, bìa các-tông, thậm chí nhai cả vỏ bao xi măng và quần áo”.

Chỉ vì khẩu vị ăn khác lạ của chúng mà anh em chiến sĩ gặp nhiều phen dở khóc dở cười. Mấy năm trước, có đồng chí sĩ quan mất cả tháng trời để soạn giáo án giảng bài. Lúc sắp hoàn thiện thì những con bò lân la tìm đến tận phòng, nhai ngấu nghiến rồi nuốt ực vào bụng. Tác giả cuốn giáo án tức lắm nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì chẳng ai đi “kỷ luật” con bò.

Lần khác, thấy quần áo anh em chiến sĩ phơi ngoài nắng, chúng tiến đến xâu xé rách bươm. Đồng chí Chỉ huy đảo phải duyệt chế độ đặc biệt, cấp phát bổ sung 4 bộ quần áo cho các chiến sĩ.

Những chuyện ấy vẫn thường được thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, Chỉ huy đảo Song Tử Tây nhắc tới mỗi khi có đoàn khách tham quan.

“Tuy những chú bò tinh nghịch là “thủ phạm” gây ra không ít chuyện oái oăm trên đảo, nhưng ai nấy đều yêu quý chúng bởi, cứ nhìn vào đó là thấy hình bóng quê nhà”, anh Thơ chia sẻ.

Do được thiên nhiên ban tặng nguồn nước lợ dồi dào, các các chiến sĩ đảo Song Tử Tây rất tích cực tăng gia SX. Điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp tại đây là khu kính trồng rau hiện đại, có thể SX rau bốn mùa. Vì thế, mâm cơm của đảo chưa bao giờ thiếu rau xanh.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất