| Hotline: 0983.970.780

Tháng 5 ở Trường Sa: Những vườn rau trôi

Thứ Năm 21/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Tàu kiểm ngư KN - 781 xé sóng tiến lên phía trước, để lại sau đuôi một cung đường bọt trắng thẳng như kẻ chỉ./ Những người đặc biệt

26 giờ, với sự mong ngóng của các vị khách từ khi rời đất liền, những “chiếc chòi khổng lồ” trên biển (cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ, gọi tắt là DK1) cũng lộ ra.

Cuộc gặp không hẹn trước

Theo dự kiến, tàu sẽ hạ thủy hai ca nô và chở dần hành khách lên nhà giàn DK1/14 (hay còn gọi là Tư Chính E) cách đó chừng 1 km. Nhưng vì có tàu Hải quân số 793 của Hải đoàn 129 (TP Vũng Tàu) đang làm nhiệm vụ ở khu vực này nên đã làm thay nhiệm vụ vận chuyển đoàn.

Nóc tàu 793 khá đặc biệt, xung quanh được giăng mắc kín mít những tấm tôn mỏng và lưới che nắng. Để thỏa mãn trí tò mò, chúng tôi đã leo lên quan sát và ngỡ ngàng trước một vườn rau xanh non mơn mởn, với hàng chục loại khác nhau, từ mồng tơi, húng quế, rau muống, ngò gai, bầu đất, cải mầm, rau đay đến chanh, ớt, xả, lá lốt, hành lá, đinh lăng,… được trồng trong những chiếc hộp xốp hoặc chậu sứ.

Để tận dụng tối đa diện tích, những thùng xốp trồng rau được đặt ngay trong lòng các xuồng con. Nếu muốn di chuyển vào những vùng nước nông bằng xuồng, các chiến sĩ dễ dàng nhấc thùng xốp trồng rau ra và hạ thủy.

Thượng úy Nguyễn Quốc Huy (quê ở xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) phụ trách chăm sóc vườn rau, chia sẻ: Mỗi chuyến ra khơi làm nhiệm vụ, anh em chúng tôi lênh đênh trên biển mấy tháng liền.

Nước ngọt, rau xanh quý như vàng. Bể trữ nước ngọt của tàu đủ dùng cho các thành viên sinh hoạt hàng ngày ở mức tiết kiệm, nhưng thỉnh thoảng gặp cảnh ngư dân đánh bắt xa bờ khát khô họng, môi nứt toác mà chẳng còn nước uống, anh em không thể cầm lòng, biếu họ vài trăm lít đến một mét khối.

12-47-32_nh-2
Nhà giàn Tư Chính E tràn ngập màu xanh của rau

Biết rằng cho đi là sẽ thiếu, nhưng lính hải quân tụi tôi bao giờ cũng lạc quan. Anh em tắm nước biển rồi rửa mặn bằng gáo nước ngọt là chuyện thường. Giặt giũ áo quần cũng vậy. Chỉ có điều trong môi trường nước mặn, xà bông không thể tan hết, đọng lại trên quần áo. Chúng tôi chỉ “giặt chay” bằng nước biển rồi nhúng qua chậu nhỏ nước ngọt trước khi phơi.

 24 năm gắn bó với sóng gió biển Đông, ngoài thiếu nước sinh hoạt, thượng úy Huy sợ nhất là thiếu rau. Hơn chục năm trở về trước, lính hải quân không trồng rau trên tàu. Rau xanh dự trữ dùng đến ngày thứ 20 là hỏng, chỉ còn khoai tây, bí ngô, khoai lang có thể trụ thêm được chút thời gian.

Dạ dày rặt cơm với đồ hộp, đồ khô, thịt, cá. Anh em táo bón trường kỳ. Thấy rau muống biển trôi thành đám, non mơn mởn, thèm rau xanh mà không dám vớt lên ăn, bởi nó rất độc, ăn vào nguy hiểm tới tính mạng. Rau thiếu nên sức khỏe chiến sĩ không đảm bảo. Khi hoàn thành nhiệm vụ về đất liền, người nào cũng xanh xao, sụt vài ký.

Chính vì thế, anh em nghĩ ra cách ngâm hạt đậu xanh rồi đổ vào lu, phía trên chèn một tấm cói tạo bóng tối rồi tưới nước ẩm ươm mầm giá đỗ, 4 - 5 ngày sau là được ăn. Ngoài ra, lúc bí bách có thể gieo cải mầm trong thùng xốp có đất, cũng tầm 5 ngày là được hái.

Như một thói quen được lập trình trước, ngay sau khi trở về đất liền, mỗi chiến sĩ lại chọn một loại rau ưa thích rồi gieo sẵn vào các thùng xốp, chuẩn bị cho chuyến công tác tiếp theo. Mỗi người góp một ít, thành thử gộp lại rất nhiều và đa dạng chủng loại. Không ngày nào các anh thiếu rau ăn.

12-47-32_nh-3
Những mầm rau non luôn được che chở sương gió cẩn thận

Chỉ tay vào từng chậu cây trong vườn, anh Huy giới thiệu: “Cây đinh lăng gốc to như cổ tay này là do thiếu úy Hưng phụ trách khâu thông tin vác lên. Các chậu rau mồng tơi, ớt, xả do tôi góp...”.

Chăm rau trên biển muôn vàn gian khó. Đầu tiên phải chọn đúng giống rau có khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu nóng. Người có thể nhịn tắm nhưng cây không thể nhịn tiếp nước 2 lần/ngày.

Nhiều lúc biển động, sóng đánh cao, nước mặn văng tung tóe, bắn vào bồn trồng rau, anh em phải hô hào nhau xách nước ngọt đổ thật nhiều để rửa bớt mặn trong đất cứu cây. Thấy trời nắng gắt, tổ tăng gia phải cử người căng lưới che phía trên để hạ nhiệt… Thế nên, ăn một miếng rau tự trồng trên biển cảm giác ngon gấp bội lần các loại rau trồng trên đất liền. Ngon không phải ở mùi vị, mà quý ở cái tinh thần lao động nhiệt tình để có được “chất xanh”.

Trung úy Hoàng Văn Biên, phụ trách tổ chăn nuôi và cung ứng lương thực, thực phẩm cho tàu, chia sẻ, ít người phát hiện ra khu vực nuôi lợn trên tàu 793. Bởi nó được thiết kế đưới đáy đuôi tàu, giống như một cái hầm, cửa được đậy bằng những tấm ván dời khá kín đáo. 

12-47-32_nh-6
Nuôi lợn trên tàu 793

“Ở trên biển, lúc khó khăn mới thấy tình cảm sẻ chia của quân và dân quý giá thế nào. Thỉnh thoảng lại có tàu đánh cá xin cân gạo, chai dầu ăn, gói bột canh hoặc vài cọng rau hay thuốc chữa bệnh. Mình có chẳng bao giờ tiếc. Họ có con cá ngon, con gà, con vịt lại biếu mình. Rất ấp áp, nghĩa tình”, anh Trần Cộng Hòa, Chỉ huy tàu 793 chia sẻ.

Thời gian rảnh rỗi, anh em thay nhau trực gác, số còn lại câu cá tăng gia. Nào song hoa, cá giò, cá mú, cá thu, cá kìm, đến chim vây vàng, cá nục… chẳng thiếu thứ gì. Đầu cá được xắt ra, nấu cùng cơm thừa, canh cặn, cọng rau làm thức ăn nuôi vỗ lợn, chúng ăn vào lớn nhanh như thổi.

Chia tay các thành viên tàu 793, chúng tôi leo hàng trăm nhịp cầu thang lên nhà giàn Tư Chính E. Không có lấy một mỏm đất nhô lên, thế nhưng nhà giàn vẫn ngập tràn màu xanh của các loại rau.

Tôi đã sững người trước hai khung hình. Thứ nhất là hình ảnh một cây lê cắm rễ xuống những bao tải đất cằn cỗi đặt dưới bức tường sắt, xoắn tua rua bám chặt vào những sợi chạc vắt vẻo phía trên để vươn cao và đơm trái chín mọng.

Giống như sức sống của các nhà giàn DK1, dù dưới chân mình có là sóng nước hung tợn, vẫn hiên ngang đứng vững giữa biển trời. Thứ hai là hình ảnh những mầm rau mồng tơi non trồng trong các hộp xốp ở lan can tầng 2 được chở che bằng một túp lều bạt nhỏ màu xám. Với tôi, nó mang một thông điệp đầy ý nghĩa: mầm sống có thể nảy nở ở bất cứ nơi đâu, nếu có sự nâng niu, chăm sóc chu toàn của con người.

Đi qua cây cầu nối từ khu nhà giàn lớn sang khu nhà giàn nhỏ, chúng tôi càng thêm ngỡ ngàng khi thăm khu chăn nuôi. Nào “càng cạc”… nào “eng éc”… “gâu gâu”… “meo meo”… tiếng kêu của các loài vịt, lợn, chó, mèo hòa quyện vào nhau như một dàn đồng ca giữa biển, được bè phối trên nền sóng nước rì rào.

Thiếu tá Trần Bá Lợi, Chỉ huy trưởng Nhà giàn Tư Chính E, chia sẻ: Lính nhà giàn không chỉ giỏi trồng rau, chăn nuôi mà còn đánh cá rất chuyên nghiệp. Hải sản tươi sống ăn không hết, anh em ủ mắm làm nước chấm và chế biến thức ăn rất hiệu quả kinh tế...

Gian khó không làm những chiến sĩ canh giữ biển trời quê hương lùi bước, trái lại đó là môi trường để quân nhân rèn luyện bản lĩnh, phát huy trí tuệ và sự sáng tạo để vươn lên.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất