| Hotline: 0983.970.780

Tháng 7/2013, 8 triệu người được thêm 100.000 đồng/tháng

Thứ Năm 01/11/2012 , 10:46 (GMT+7)

Có lẽ báo cáo của người đứng đầu Bộ Tài chính được đông đảo người dân quan tâm hơn cả khi ông chính thức “gút” trước Quốc hội (QH) vào ngày 31/10: Sẽ tăng lương tối thiểu cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công lên 1,15 triệu đồng (tăng 100 nghìn đồng) từ tháng 7/2013.

Mỗi dân thêm 100.000 đồng, Chính phủ phải lo gần 21.000 tỷ đồng

Có lẽ bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ được các đại biểu (ĐB) quan tâm nhiều nhất. Phải trình bày bốn vấn đề có liên quan đến tài chính như tỷ lệ động viên thuế và phí; quản lý giá và kiểm soát lạm phát; Quản lý tạm nhập, tái xuất và lương, nhưng ông lại “ưu ái” nhiều đến vấn đề tăng lương.

Mở đầu vấn đề được coi là “nhạy cảm” này, Bộ trưởng Huệ nhận định: “Theo lộ trình tăng lương từ ngày 1/5/2013 thì phải cần 60.000 - 65.000 tỷ đồng, tức là khoảng 3 tỷ USD, chưa kể cần 29.000 tỷ đồng bố trí thực hiện mức lương tối thiểu và phụ cấp công vụ 25% thêm 4 tháng trong năm 2013. Điều này làm vượt quá khả năng cân đối ngân sách năm 2013 do thu ngân sách năm 2012 và 28/63 tỉnh thành phố trong đó chủ yếu là các tỉnh trọng điểm thu có thể có đánh giá là không đạt được dự toán thu năm 2013 và mức tăng thu năm 2013 sẽ rất khó khăn do mức tăng trưởng dự báo chỉ 5,5%”. Cũng theo người đứng đầu Bộ Tài Chính, nhìn thấy khó khăn này nên Chính phủ đã kiến nghị QH giãn lộ trình tăng lương kể từ ngày 1/7/2013.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trong phiên thảo luận ngày 31/10

Để làm rõ hơn gánh nặng khi lương tăng, Bộ trưởng Huệ làm nhanh bài toán: Khoảng 8 triệu người là cán bộ công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công được tăng lương ở mức 100.000/người/tháng nên cần tổng kinh phí cần là khoảng 20.700 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), trong đó ngân sách trung ương phải lo 18.400 tỷ và ngân sách địa phương phải lo 3.300 tỷ đồng.

Và để có nguồn tăng lương này vừa đảm bảo các cân đối để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2013 là 5,5% GDP, ông Huệ “hiến kế” nhiều phương án mà ông coi là tích cực và khả thi. Đó là bắt buộc phải cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước và triệt để tiết kiệm các khoản chi tiêu và không tăng thêm các khoản dự toán thu; QH phải giảm mức đầu tư công khoảng 10.000 tỷ đồng xuống còn 170.000 tỷ đồng; Phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2013 ở mức 55.000 - 60.000 tỷ đồng; Tiết kiệm chi ngân sách Trung ương 10% khoảng 1.600 tỷ đồng. Giảm bớt chi hoàn thuế GTGT xuống còn 73.200 tỷ đồng. Trong trường hợp ngân sách năm 2012 có tăng thu thì sẽ bố trí ưu tiên để tăng thêm cho mục chi này. Ngân sách địa phương 3.300 tỷ đồng thì lấy ở 10% tiết kiệm chi thường xuyên đã bố trí trong dự toán trình Quốc hội và phần 50% tăng thu dành để làm lương còn lại ở một số địa phương.

Nghe thấy quyết định lương cơ bản của gần 8 triệu người sẽ tăng, ĐB Đặng Thị Kim Chi (tỉnh Phú Yên) kiến nghị bổ sung trong đề án cải cách tiền lương lần này Chính phủ cần giải quyết căn cơ, cần nâng mức lương tối thiểu của người cán bộ cấp xã nghỉ hưu trước năm 1993 rồi mới nhân tỷ lệ phần trăm mới đảm bảo được công bằng trong thu nhập. Bởi vì cách Chính phủ nâng lương là lấy lương huyện để nhân tỷ lệ phần trăm cho nên người nghỉ hưu sớm lương thấp vẫn thấp, mức chênh lệch giữa những cán bộ hưu có cùng chức danh công việc vẫn tiếp tục cách xa.

Chấm dứt cảnh người dân đổ xô đi mua vàng

Người được coi là “quan trọng” thứ hai tại phiên thảo luận là Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khi “giải trình” các vấn đề khiến cho thị trường vàng có nhiều thay đổi như hiện nay. Trước Hội trường, ông xin nhận trách nhiệm về việc không làm tốt công việc thông tin, truyền thông để phổ biến kịp thời nội dung, chủ trương chính sách trong quản lý thị trường vàng, dẫn đến nhiều thông tin không đầy đủ và chính xác nên người dân đã hiểu không đúng, gây bất ổn trên thị trường. Nói rõ hơn về khái niệm độc quyền về vàng miếng SJC, ông Bình cho hay, vàng SJC đến thời điểm hiện nay đã chiếm tới khoảng 93 - 95% của thị phần vàng miếng toàn quốc. Do vậy, để tránh xáo trộn trên thị trường vàng miếng cũng như chi phí phải dập lại thì ngân hàng nhà nước sử dụng luôn mác đó và độc quyền nhà nước về mác đó. Kể từ ngày 25/5 tất cả các đơn vị dập vàng miếng, kể cả công ty SJC, đều phải chấm dứt dập vàng miếng. Có nghĩa chỉ có duy nhất NHNN thực hiện vai trò độc quyền nhà nước được dập vàng miếng và NHNN chọn mác vàng SJC là mác vàng của ngân hàng luôn.

Về giá cả vàng SJC trong nước luôn cao hơn thế giới, theo ông Bình, nguyên nhân là do bất ổn thế giới và trong nước nên giá thế giới tăng cao, trong nước thì bất thường nên có tình trạng vàng hóa được đẩy lên cao. Và theo đánh giá chưa đầy đủ thì nền kinh tế có 300 - 400 tấn vàng, tương đương 15 đến 20 tỷ USD bị chôn chặt vào vàng chứ không được đưa vào sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, mỗi khi giá vàng có sự biến động thì ảnh hưởng đến tỷ giá, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, gián tiếp tạo ra lạm phát những năm qua và gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN kiên quyết chống đôla hóa và vàng hóa. Để thực hiện Đề án Chống vàng hóa, từ tháng 5 đến nay, ngân hàng đã mua lại 60 tấn vàng, mua 10 tỷ USD để tăng thanh khoản và góp phần giảm lãi suất. “Ngay lúc Quốc hội chúng ta đang họp ở đây, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 3 triệu đồng nhưng tỷ giá vẫn hạ. Sẽ không còn cảnh người dân chen chúc nhau đi mua bán vàng. Nền tài chính vừa qua rất khó khăn song tình trạng vàng hóa nền kinh tế đã được chặn đứng ", Thống đốc NHNN hồ hởi nói.

Cũng theo người đứng đầu NHNN, các loại vàng miếng đã được cấp phép vẫn được phép lưu hành bình thường. NHNN không bắt buộc chuyển đổi từ mác vàng miếng này sang vàng miếng khác. 

+ QH phải chịu trách nhiệm

Đến từ tỉnh Tây Ninh, ĐB Nguyễn Thành Tâm kiến nghị: Những năm gần đây liên tục các chỉ tiêu chúng ta không đạt như nghị quyết của Quốc hội đặt ra. Như vậy, cần xem xét lại tại sao có tình trạng này. QH cần phải phân tích là có phải do các chỉ tiêu của chúng ta đưa ra thiếu căn cứ, không được phân tích thấu đáo, mang tính chủ quan hay là các chỉ tiêu đưa ra không được dự báo.

Ngoài ra, Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá và báo cáo toàn diện hơn về việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công. QH phân bổ ngân sách, cho nên phải chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu không đạt, không chính xác này.

+ Làm thế nào giải quyết được tình trạng nợ xấu cũng là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm, bàn bạc. ĐB Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cho rằng, ông rất ấn tượng ý kiến của ĐB Lê Minh Thông (tỉnh Thanh Hóa) yêu cầu Chính phủ cần phải phân tích, làm rõ một cách thấu đáo về bản chất và những nguyên nhân chủ quan đã dẫn đến nợ xấu.

Phải chăng cơ chế kiềm chế lạm phát, cơ chế giám sát của ngành Ngân hàng lỏng lẻo? Tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, nhân viên của ngân hàng còn hạn chế? Hay một bộ phận lãnh đạo, nhân viên ở một số ngân hàng còn vi phạm pháp luật? Liên quan đến việc giải quyết tình trạng nợ xấu, Thống đốc NHNN cho hay, đang triển khai những chương trình với Bộ Xây dựng để giải quyết hàng tồn kho trong xây dựng. NHNN sẽ đề nghị các ngân hàng tự xử lý nợ xấu và cương quyết đến cuối năm nay, tất cả những ngân hàng nào không trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, NHNN không cho chia cổ tức.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.