| Hotline: 0983.970.780

Tháng Ba nơi đôi bờ sông Mã: Thường xuyên chờ cứu đói

Thứ Hai 06/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Nhìn trên bản đồ, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên giống chiếc sừng tê giác. Dòng suối Nậm Hua từ dãy Pha Đin đổ về, hòa mình với sông Mã “xẻ” đôi Chiềng Sơ. 

Tháng Ba, nước cạn, đục ngầu, sông Mã hiện ra với những khối đá nhọn hoắt, lởm chởm. Chưa phải nơi xa nhất nhưng Chiềng Sơ luôn đứng đầu bảng xã nghèo nhất huyện Điện Biên Đông.

Trời sâm sẩm tối, ánh mặt trời chiếu xiên qua khe núi hắt vào bụi tre già. Lò Thị Thanh (SN 1993) ở Bản Cang đứng nép mình vào cửa nhà sàn, chăm chăm nhìn ra phía bờ sông. Lúc sau, Thanh vào bếp khoắng trong chiếc bao xẹp lép lôi ra mấy củ sắn rồi gọt vỏ. Miệng Thanh nói gì đó tôi không hiểu. Một cán bộ xã đi cùng tôi bảo, Thanh làm bữa tối cho gia đình 5 miệng ăn. Hết gạo thì ăn sắn, hết sắn thì đi vay gạo. Bữa nào không vay được thì nhịn, ngày mai tính tiếp.

Nhịn bữa nay, tính bữa mai

Từ trung tâm thị trấn Na Son đến xã Chiềng Sơ có hai cung đường. Một là đi tắt qua xã Phì Nhừ vòng ngược lên, hai là cứ theo đường lớn, qua Pá Vạt, Mường Luân rồi đi thẳng. Tưởng đơn giản nhưng phương tiện duy nhất để vào tới Chiềng Sơ là xe máy. Chưa có tuyến xe khách nào từ trung tâm huyện vào đây.

Từ trước Tết, Điện Biên đã chẳng có nổi một trận mưa. Những đợt gió Lào khiến cái nắng tháng Ba càng trở nên bỏng rát. Chốc chốc, tôi lại gặp cảnh người dân đốt nương ngay vệ đường. Những bụi cỏ bén lửa nổ tanh tách, khói cay xè mắt. Khắp nơi là những quả đồi khô cằn, nứt toác. Đoạn đường chỉ gần 50 cây số nhưng đường xấu, đèo dốc quanh co nên phải mất gần hai tiếng tôi mới có thể tới trung tâm xã.

Vào làm việc với lãnh đạo xã xong, tôi có thêm người bạn đồng hành là một cán bộ thương binh - xã hội xã còn rất trẻ, tên Thuấn sinh năm 1992.

Dựng xe máy dưới đường, chúng tôi cuốc bộ ngược lên, ghé vào những ngôi nhà sàn nằm cheo leo trên đỉnh đồi. Đứng nép cạnh cửa nhìn ra phía bờ sông, thấy có người lạ, Lò Thị Thanh bất giác thụt vào như muốn trốn chạy.

Sau khi Thuấn bắt chuyện, Thanh vào nhà lấy chiếc ghế mây nhỏ bé cho hai chúng tôi ngồi. Chồng Thanh là Lò Văn Hoàn đi chơi ở bản bên chưa về. “Hoàn sinh năm bao nhiêu?”, tôi hỏi. Thanh tư lự một lúc rồi lắc đầu.

14-06-01_2
Lò Thị Thanh mới làm giấy đăng ký kết hôn 1 năm nhưng đã có 3 mặt con

Thuấn bảo: Mày không nhớ chồng mình sinh năm nào à? Thanh chạy vào nhà, lục túi đưa cho chúng tôi một chiếc thẻ bảo hiểm y tế mang tên Lò Văn Hoàn, sinh năm 1983. Cưới nhau năm nào, Thanh cũng không nhớ nổi. Chỉ biết rằng, hai người đã có với nhau ba mặt con. Ba đứa sàn sàn bằng nhau, lớn 5 tuổi, giữa 4 tuổi, út 3 tuổi… Ấy vậy, năm ngoái, hai vợ chồng mới có tiền ra Ủy ban xã để làm giấy đăng ký kết hôn, làm mâm cơm mời họ hàng.

Tôi hỏi nhà có nhiều ruộng nương không, Thanh lắc đầu. Chỉ biết, như năm ngoái, hai vợ chồng làm được 3 tấn ngô. Không có ruộng, đến vụ thu hoạch, Hoàn lại cõng ngô đi bán lấy tiền mua gạo ăn. 5 miệng ăn, mỗi ngày hết khoảng 3 bát tô gạo nếp. Rau thì lên rừng, hái được gì ăn đó. “Quanh nhà có đất, sao không trồng rau?”, tôi hỏi. Thanh im lặng.

Miệng ăn núi lở, gia đình Thanh trông chờ cả vào một vụ ngô. Năm ngoái, hạn hán kéo dài, ngô cũng không được thu. Đến giáp Tết thì trong nhà chẳng còn lấy nổi một hạt gạo. Đúng dịp huyện cứu trợ gạo ăn Tết, mỗi khẩu được phát 5 cân.

“25 cân chẳng đủ đâu, ăn được mấy hôm là hết. Giờ trong nhà cũng chẳng còn gì. Thôi mai tính”. Thế mai ăn bằng gì, tôi hỏi. “Thì ra ngoài quán, họ cho mua chịu mà. Đến mùa bán ngô có tiền trả họ, quen rồi”, Thanh thủng thẳng.

14-06-01_3
Bữa ăn chính của một gia đình người ở bản Kéo

Nói đoạn, Thanh vào nhà, cầm mấy củ sắn ra gọt vỏ. Đảo mắt một vòng trong ngôi nhà sàn xơ xác, chẳng có gì đáng giá đến trăm nghìn đồng.

Chẳng tiêu đến tiền

Chúng tôi vòng qua bản Kéo thì trời cũng chuyển tối. Lường Văn Sống (SN 1992) và vợ là Vì Thị Thủy (SN 1993) đang bế đứa con nhỏ đứng tựa cửa. Thằng nhỏ cởi trần, toàn thân nổi mẩn đỏ vì bị bọ chó đốt. Thỉnh thoảng cu cậu quàng tay ra sau gãi sồn sột.

14-06-01_4
Bữa cơm tối, Lường Văn Sống vét được 1 bát gạo để thổi cơm

Cưới nhau được 2 mặt con, Sống ra ở riêng được bố mẹ cất cho ngôi nhà, cắt cho 1 ha nương. Đất khô cằn, mỗi năm làm được một vụ, vợ chồng Sống thu được 3 - 4 tấn ngô. Ngô thu được bao nhiêu lại đem bán lấy tiền đong gạo ăn.

Xã Chiềng Sơ gồm 24 bản, hơn 600 hộ dân với 4.600 khẩu. Năm 2014, UBND xã Chiềng Sơn chỉ thu được khoảng 15 triệu đồng từ tiền An ninh quốc phòng và phạt hành chính.
Tuy nhiên, số tiền địa phương sử dụng lên đến 15 tỷ đồng. Mọi khoản chi tiêu, trả lương cho cán bộ xã, bản đều phải trông chờ từ tỉnh, huyện “rót” về.

“Tối nay nấu nướng được gì chưa?”, tôi hỏi. Sống vét trong xô nhựa còn đúng một bát gạo nếp rồi lôi mớ rau rừng héo quắt hái được ban chiều ra nhặt. Châm lửa, Sống thổi toét mắt bếp mới bén. Tôi hỏi: Ăn thế đủ no không? Sống đáp giật cục: “Chẳng no đâu, phải 2 bát mới no được. Rau thì toàn rau rừng thôi. Hôm nào lên rừng bắt được con gì thì mới có thịt ăn. Có bữa chẳng có gì ăn”.

“Một năm, bao nhiêu đám ma, đám cưới tiền đâu mà đi?”. “Thì đám nào anh em gần mới đi, xa họ mời cũng thôi. Không có tiền thì đi vay, không vay được… thì ở nhà, không đi nữa”, ông bố 9X đáp.

Tôi lại hỏi, một ngày nhà mình tiêu hết bao tiền? “Chẳng tiêu đến tiền đâu. Gạo thì đổi từ ngô rồi. Rau kiếm trên rừng, thịt kiếm trên rừng. Chưa có điện nên chẳng mất tiền. Nước thì dẫn từ khe trên núi xuống. Nhà không có xe máy, chẳng phải đổ xăng. Con đi học cũng không mất tiền đâu…”. Sống kể một chặp những thứ “chẳng cần” để minh chứng cho việc “chẳng cần tiền”.

Trạm Y tế xã cách nhà mấy bước chân nhưng dễ đến mấy năm, vợ chồng Sống chẳng đặt chân tới dù được miễn phí khám chữa bệnh 100%. Sống và vợ hiếm khi ốm. Cảm cúm, sổ mũi qua loa, cứ lên nương cuốc đất hùng hục toát mồ hôi là khỏi. Riêng con ốm thì phải mời thầy mo về làm lý.

Và có ra trạm xá lấy thuốc về uống rồi cũng phải làm lý thôi, theo thầy mo rồi thì không dám bỏ, như vậy mới khỏi bệnh được. Theo tục, lễ lạt chủ nhà phải sắm đủ lợn, gà, xôi, tiền mặt… Riêng tiền trả công cho thầy mo là 500 nghìn đồng. Tính cả tiền lễ, tốn kém cả triệu bạc chẳng chơi. Tôi bảo: “Lúc nghỉ làm nương, sao không ra huyện, ra thành phố kiếm việc làm mà kiếm tiền?”. Sống nhìn tôi cười: “Chẳng muốn đi xa đâu, cứ ở nhà thôi”.

14-06-01_6
Những đứa trẻ ở Chiềng Sơ sinh ra trong nghèo đói

Ông Lò Minh Xuyên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, cho biết, nhiều năm nay, Chiềng Sơ luôn “nổi tiếng” là xã nghèo nhất của huyện Điện Biên Đông. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 51%. Đất canh tác thiếu thốn, khí hậu khắc nghiệt, một năm chỉ trồng được một vụ lúa hoặc ngô.

“Năm ngoái hạn 4 tháng liền, ngô cũng chẳng có mà thu. Đợt Tết, huyện phải cấp hơn 9 tấn gạo cho xã cứu đói. Chuyện cứu đói ở đây là thường xuyên rồi”, ông Xuyên thở dài. 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm