| Hotline: 0983.970.780

Thằng bé đánh giày

Thứ Hai 12/11/2012 , 10:14 (GMT+7)

Ước mơ cháy bỏng của tôi là trở thành một phóng viên điều tra nổi tiếng. Nhất là viết những bài phóng sự “cộm cán” về những vấn đề gai góc nhất trong xã hội.

Ước mơ cháy bỏng của tôi là trở thành một phóng viên điều tra nổi tiếng. Nhất là viết những bài phóng sự “cộm cán” về những vấn đề gai góc nhất trong xã hội.

Bởi vậy trong thời gian đi thực tập, tôi hay la cà ở các quán bia hơi, cà phê… vỉa hè. Càng những quán bụi bậm nhếch nhác, tôi càng hay lui tới. Cũng nhờ thế, số đối tượng tạm gọi là “khách không mời” tôi thường xuyên tiếp xúc.

- Quý anh! Đánh giày cho em nhé. Giày anh vào tay em, cứ gọi là bóng lộn.

Đám đông có tới năm, sáu gã trung niên ngồi dồn vào một bàn. Hàng chục cốc bia, bọt lênh láng. Những đĩa thịt chó. Những bao thuốc ngoại loại sang. Nhưng thằng bé đánh giày (thực ra có thể nó còn hơn cả tuổi tôi) chỉ chú tâm xuống dưới gầm bàn. Ở nơi đó có những bàn chân, được xỏ vào những đôi giày thể thao, giày vải, giày da đen, da vàng, dép nhựa... Mắt nó sáng rực lên khi nhìn thấy những đôi giày dù bóng hay xỉn. Lập tức nó xà đến, dẻo quẹo cái giọng nịnh nọt vô duyên.

- Quý anh! Em có xi vàng loại một đây. Anh đánh giày nhé!

Vừa nói thằng bé vừa cúi xuống, như thể định tháo đôi giày của gã “đầu đinh”. Mắt gã gườm gườm:

- Xéo ra kia! Mẹ kiếp! Răng tao còn chả đánh, nữa là đánh giày. Xéo!

Trước câu đùa kệch cỡm, thằng bé đánh giày vẫn cứ ngồi lì, lại còn nhe nhởn cười. Sao có thứ người hèn hạ đến thế?

- Đại ca! Sắp đi dự tiệc tiếp đối tác, đại ca nên đi một đôi giày bóng lộn...

- Xéo! Đã bảo...Mà mày không phải dạy khôn tao.

Vừa nói, gã “đầu đinh” vừa hất hất mũi giày, chỉ tí tẹo nữa là vào mặt thằng kia. Vậy mà nó vẫn không chịu đứng dậy. Nó bỗng xoay người sang gã đeo kính râm:

- Anh Hai! Đánh giày nhé. Xi em vừa đen vừa bóng. Em đánh mau lắm. Anh còn ngồi lâu mà.

- Lâu hay mau, mặc xác tao.

- Nhưng mà anh Hai…

- Ơ hay! Thôi thì đánh đi. Không bóng, đừng hòng lấy tiền.

Thằng bé như bắt được của, vội vã đặt chân của gã kính râm lên đùi, rồi khẽ khàng tháo đôi giày. Ngay lập tức, nó thế vào chân gã đôi dép quai nhựa.

Ngồi ở bàn đối diện, tôi chứng kiến từ đầu đến cuối cái cảnh thằng bé đánh giày mời mọc níu kéo khách hàng. Rồi nó cũng đã kiếm được một khách, hí hửng xách đôi giày ra chỗ gốc cây sấu…

Một lát sau, đôi giày bóng nhoáng được nó mang ra, cẩn thận và nhẫn nhục xỏ vào chân gã kính râm, thu đôi dép rọ về. Gã kính râm nhìn xéo xuống chân, rồi quăng ra trước mặt nó những đồng tiền lẻ. Thằng bé đánh giày vồ lấy, vuốt phẳng phiu những đồng tiền nhàu nhĩ, cẩn thận đút vào túi áo. Rồi thằng bé lại lân la đến mấy gã đi giày mà vừa nãy nó đã mời chào. Nó nở nụ cười dễ ghét, hy vọng đám người kia thay đổi ý định.

* * *

Trước hành vi thảm hại của thằng bé đánh giày, tôi bỗng nẩy ra một ý nghĩ: Thử bí mật đeo bám, xem nó đi đâu, về đâu? Chí ít cũng biết được khối điều hay ho về lớp người mà ta vẫn thường gọi là “dưới đáy” này.

Tôi đã từng có dịp chứng kiến một cảnh tượng rất chi là phản cảm. Ở một lễ hội mà tôi có dịp đi dự, đám ăn xin ăn mày thật đủ hình đủ dạng. Người mù loà. Kẻ què cụt. Họ kêu xin lâm li, thảm thiết. Nhưng đến tối, tôi tình cờ nhận ra, họ thay đổi đến mức khó tin. Như những khách hàng sành điệu, họ ngang nhiên vào những quán loại sang để ăn uống, nhậu nhẹt. Thì ra không ít kẻ đóng kịch rất tài tình.

Những ý nghĩ mông lung, khiến tôi suýt nữa lạc mất “con mồi”. Kia rồi! Thằng bé đang đi xuống dệ đê sông Hồng, rẽ vào một ngõ nhỏ.

Tôi bước gằn để rút ngắn khoảng cách.

Đúng như tôi dự đoán, thằng bé trú ngụ ở một nơi hết sức tồi tàn. Không phải là khu nhà trọ kiểu ổ chuột, mà là một gian nhà kho bỏ hoang.

Trong ánh đèn, không rõ là điện, nến, hay đèn dầu? Tôi thấy thấp thoáng bóng dáng của ba, bốn bóng người. Có lẽ cùng hội đánh giày với nhau, buổi tối cùng dạt về đây. Cờ bạc, hoặc có khi cả hút hít...

Chợt tôi nghe có tiếng nói:

- Chúng mày đã ăn uống gì chưa?

- Bọn em ăn mì tôm. Còn nửa cái bánh mì lúc trưa, ăn nốt.

- Bài vở thế nào rồi?

- Đã làm hết bài thầy giao, bọn em còn làm thêm những bài trong sách giáo khoa.

- Năm nay mà chúng mày không đỗ trường nào, thì tao cũng đến hụt hơi. Tiền kiếm càng ngày càng khó. Chúng mày phải biết, nhục như con chó. Con chó nhiều lúc còn được vuốt ve, còn tao thì chỉ bị nghe chửi. Nhưng chửi thì chửi, đánh thì đánh, tao bất chấp. Miễn là moi được tiền của chúng nó.

- Anh Thân à! Hay anh để chúng em đi kiếm tiền. Chứ thế này...

- Đồ ngu! Để bỏ học à? Tao đã hy sinh cái đời chó của tao, không phải để chúng mày lại như tao. Năm nay hai đứa không đỗ, tao cho ăn đòn. Thầy, u mất cả, không tự vươn lên, thì suốt đời chỉ ngập mặt xuống vũng bùn thôi. Hiểu chưa? Chúng mày mà còn bàn ngang, tao cấm!

Tiếng đối thoại bỗng ngừng bặt. Tôi nghe như tiếng tấm thân thằng bé đánh giày đổ người xuống cái giường hay tấm phản gì đó. Hẳn là nó đã mệt rũ.

Tôi lặng lẽ quay gót. Bây giờ thì tôi đã thấu hiểu vì sao, thằng bé đánh giày lại nhẫn nhục đến như vậy, chỉ vì mấy đồng tiền nhàu nát, mà cái bọn hợm mình kia ném vào mặt nó.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.